Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử: Bùng nổ trận chiến truyền thông và ngoại giao

Thứ ba - 15/03/2022 11:40

Tại Việt Nam một trận chiến ngoại giao, báo chí bày tỏ sự phẫn nộ trước những "tội ác mới" của Trung Quốc đã diễn ra.

Lên án mạnh mẽ

Trong cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988 đã có 64 cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 3 tàu của hải quân Việt Nam bị bắn chìm và 9 chiến sĩ bị bắt giữ. Những chiến sĩ bị bắt giữ đa số bị thương nặng, phía Trung Quốc vớt và nhốt trong hầm tàu, không băng bó, không cho ăn uống... Họ bị đối xử như những tù binh chiến tranh. Mãi đến 3 năm sau, với nhiều nỗ lực ngoại giao từ phía Việt Nam, phía Trung Quốc mới chịu trao trả họ qua cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.

Sự căm phẫn trước sự ngang ngược và tàn bạo cũng được các tờ báo lớn lúc bấy giờ như Nhân Dân, Quân đội nhân dân thể hiện qua các bản tin, các bài xã luận và tường thuật vạch rõ chân tướng quân xâm lược Trung Quốc. Cuộc chiến truyền thông và ngoại giao được đẩy mạnh trong ít hôm sau cuộc thảm sát nổ ra.

111
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao VN ngày 14.3.1988 (Báo Quân đội nhân dân ngày 15.3.1988): TÀI LIỆU SỬ DỤNG TRONG SÁCH.

Báo Nhân Dân, số 12310 ra ngày 26.3.1988 đăng nguyên văn Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam với dòng tựa lớn ở trang nhất: Nhân dân và Chính phủ Việt Nam cực lực lên án và tố cáo tội ác mới của nhà cầm quyền Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bài báo trên đăng văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ rõ “tội ác mới”, “dã tâm”, “mưu toan” của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến hòa bình khu vực: “Trong khi chưa đáp ứng đề nghị của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc đàm phán để giải quyết những bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa và trong khi chờ đợi hai bên cam kết không dùng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp thì hành động nói trên của nhà cầm quyền Trung Quốc đang phơi bày dã tâm của họ, mưu toan dùng vũ lực mở rộng quy mô và cường độ xung đột ở vùng biển quần đảo Trường Sa, lấn chiếm lâu dài lãnh thổ Việt Nam, thực hiện âm mưu bành trướng ở Biển Đông”.

Báo Nhân Dân cũng đăng nhiều tài liệu chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam một cách liền lạc, liên tục, kể cả các sử liệu quý trong thời nhà Nguyễn và thời Việt Nam Cộng hòa.

Trong bài Chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi được đăng trên Nhân Dân ngày 26.3.1988, đã có phần kết luận khá đanh thép về việc Trung Quốc từ chối đàm phán hòa bình: “Cái lý của chủ nghĩa bành trướng bá quyền là thế đó. Nhưng điều đó không thể làm nao núng quyết tâm sắt đá của nhân dân ta bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo. Nhưng sự biến thiên của lịch sử loài người đã chứng minh chính nghĩa cuối cùng bao giờ cũng thắng”.

Ngày 1.4.1988, Vụ trưởng Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nguyễn Phượng Vũ đã tiếp và trao cho ông Lý Thế Thuân (Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) một bản ghi nhớ, yêu cầu Trung Quốc cung cấp thuốc men chăm sóc, đảm bảo tính mạng và nhanh chóng trao trả các chiến sĩ đang bị bắt giữ trở về Việt Nam và không cản trở việc cứu hộ trên biển của phía Việt Nam. Mặc dù phía Trung Quốc đã đồng thuận về việc tôn trọng cứu hộ, nhưng vấn đề là lúc bấy giờ ngay trên vùng biển Trường Sa, Trung Quốc vẫn không thôi hung hăng, sẵn sàng dùng vũ lực với các tàu cứu hộ và trục vớt tàu bị bắn chìm.

Như “ánh sáng và bóng tối”

Báo Nhân Dân đưa tin: “Ngày 4.4.1988, trong khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ các thủy thủ và tàu Việt Nam bị Trung Quốc bắn chìm vào ngày 14.3.1988 tại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, các tàu cứu hộ Việt Nam là Đại Lãnh 462 và 614 đã bị các tàu Trung Quốc mang biển số 854, 511, 513 vây quanh và uy hiếp” (số ngày 6.4.1988).

Báo Quân đội nhân dân ngày 8.4.1988 thì khẳng định sự kiện Trường Sa một lần nữa nổi lên trước dư luận Đông Nam Á và thế giới “về hai chính sách trái ngược nhau như ánh sáng và bóng tối”.

Nhưng mặc cho làn sóng phản ứng của nhân dân và Chính phủ Việt Nam, ngày 13.4.1988, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 7 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam bao gồm các đảo, bãi đá ngầm và vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa).

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo phản đối ngay sau đó: “Việc quốc hội Trung Quốc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp và không có giá trị”.

(còn tiếp)

(Lược trích: Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử, Võ Hà sưu tầm và biên soạn, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2021)
 

Nguồn Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây