Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932, tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ năm 1946, ông Hoàng Tích Chỉ đã sớm giác ngộ cách mạng và làm trinh sát ở Ty Liêm phóng Bắc Giang.
Năm 1956, ông làm trưởng phòng văn nghệ Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1959 học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1961, ông Hoàng Tích Chỉ học lớp biên kịch Trường Điện ảnh Việt Nam và năm 1964 làm trưởng phòng biên tập Hãng phim truyện Việt Nam, sau giữ chức giám đốc Hãng phim truyện I - Cục Điện ảnh.
Ông là nhà biên kịch thế hệ đầu tiên, gắn với nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam được nhiều thế hệ khán giả yêu mến như:
- Biển gọi (Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - 1970);
- Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973, Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II - 1973);
- Em bé Hà Nội (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III - 1975, Giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva - 1975);
- Mắt bão (1972) dựng thành phim Tọa độ chết (1985);
- Mối tình đầu (1977, Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V - 1980, Giải Chiếc thuyền bạc Liên hoan phim hiện thực mới tại Ý - 1981);
- Thành phố lúc rạng đông (1975, Giải Bồ câu vàng đặc biệt, Liên hoan phim Leipzig - CHDC Đức);
- Tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương dựng thành phim truyện SBC; Người đàn bà bị săn đuổi (1990);
- Từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác dựng thành phim Bông hoa rừng Sác (1995)…
Năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm: Trên vĩ tuyến 17 (kịch bản phim truyện); Biển gọi (kịch bản phim truyện); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (biên kịch thứ nhất phim truyện); Em bé Hà Nội (biên kịch thứ nhất phim truyện); Mối tình đầu (biên kịch thứ nhất phim truyện); Thành phố lúc rạng đông (biên kịch thứ nhất phim tài liệu).
Nhà biên kịch Hoàng Tích chỉ là một trong những đại diện cho thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề. Với tâm niệm người cầm bút phải bám sát hiện thực cuộc sống nóng bỏng đang diễn ra, ông cùng nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ đã có mặt ở chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông được xây dựng từ những nguyên mẫu ở những nơi ông đã đến, quan sát và trải nghiệm.
Kịch bản Bão tuyến dựng thành phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được viết sau khi ông và đạo diễn Hải Ninh đến "chảo lửa" Vĩnh Linh và nghe kể về những hy sinh thầm lặng của một phụ nữ ở Quảng Trị.
Bộ phim sau này nhận được nhiều giải thưởng và mang lại giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho diễn viên Trà Giang tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1973.
Theo Vĩnh Hà/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên