Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời 5h57 ngày 21/3 tại Bệnh viện Hữu Nghị do tuổi già sức yếu.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc Yên Thành, Nghệ An, sau ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Nhạc sỹ Hồng Đăng sáng tác hơn 700 tác phẩm gồm ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu. Ông viết nhiều tác phẩm quy mô từ rất sớm, trong đó có Lửa rực cháy (phỏng thơ Tố Hữu).
Sau này ông được đánh giá là một trong những nhạc sỹ biểu trưng của Hà Nội nhờ loạt tác phẩm về mảnh đất, con người Hà Nội. Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964.
Ông còn có ca khúc xinh xắn Người sông Hồng, sau này Duyên Hà Nội. Ông gắn bó cùng thành phố trong suốt những năm tháng Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ca khúc Tiếng hát trên pháo đài thành phố được viết ra từ những tháng ngày khói lửa ấy.
Thế nhưng ca khúc gắn với tên tuổi Hồng Đăng nhiều nhất chính là Hoa sữa-được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Kỷ niệm thành phố tuổi thơ đã làm thổn thức những con tim trai trẻ: “Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên”.
Không những để lại những tác phẩm biểu trưng cho Hà Nội, nhạc sỹ Hồng Đăng còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam sau đổi là Nhạc viện Hà Nội, hiện nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 với cụm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy. Năm 2021, ông được vinh danh Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái.
Theo Nguyên Khánh/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên