Ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có một di tích lịch sử cấp quốc gia có tên là đền Bia thờ tự đại danh y Tuệ Tĩnh (1330 - ?) và phối thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699).
Văn Thai chính là quê hương của Tuệ Tĩnh. Ông có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Kết hợp lý luận Đông y với kinh nghiệm dân gian, Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền y dược học cổ truyền Việt Nam theo thực tiễn, bệnh tật, khí hậu phong tục tập quán của người Việt Nam.
Nổi tiếng với câu nói "Nam dược trị Nam nhân", Tuệ Tĩnh sử dụng nguồn dược liệu phong phú và các phương pháp chữa bệnh của dân tộc Việt Nam với ý thức tự lực tự cường cũng như quan điểm phòng bệnh chủ động tích cực là tập luyện dưỡng sinh, bồi bổ tinh - khí - thần để sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ tăng hơn, sống vui và hạnh phúc hơn.
Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ "Nam dược thần hiệu". Đặc biệt, ông có bộ "Hồng Nghĩa giác tư y thư" biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật và bài "Phú thuốc Nam" 630 vị cũng bằng chữ Nôm.
Từ bao đời nay, giới y học nước nhà và nhân dân ta đều công nhận Tuệ Tĩnh ở ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Vị Thánh thuốc Nam.
Theo sử sách ghi lại, khi đi sứ sang nhà Minh vào năm 1384, Tuệ Tĩnh đã chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu Tống Vương Phi và được vua Minh cảm tài phong cho danh hiệu Đại y thiền sư, lưu ông ở Kim Lăng.
Được trọng dụng nhưng Tuệ Tĩnh luôn nhớ về quê hương, đất nước, biết số phận mình sống nhờ thác gửi nên đã di ngôn để tạc vào bia mộ dòng chữ: "Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với". Một thời gian sau ông mất và được chôn cất ở Giang Nam (Trung Quốc).
Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào năm 1936, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, mặt tiền quay hướng bắc, xung quanh cây cối xanh tươi.
Ông Hà Quang Thành - Trưởng Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng giới thiệu cho chúng tôi biết về di tích linh thiêng này với những câu chuyện xa xưa đầy ly kỳ.
Sở dĩ có cái tên "đền Bia" là bởi nơi đây lưu giữ một cổ vật là tấm bia đá xanh hơn 320 tuổi đặt phía sau tượng Tuệ Tĩnh trong cung cấm.
Làm khoảng năm 1691, thời Lê Trung Hưng, tấm bia đá xanh nặng 75kg, hình hộp đứng, đỉnh bia là búp sen, được đặt trong long đình, bưng kính xung quanh.
Trên tấm bia khắc lời nhắn của đại danh y Tuệ Tĩnh: "Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với" nhưng đã bị đục mờ. Mặt 2 bên cạnh có gờ chỉ chạy xung quanh bia và cũng khắc chữ nhưng bị đục hết. Bề mặt tấm bia loang lổ lớp sơn son thếp vàng.
Ông Thành giới thiệu, người cho làm tấm bia đá xanh này là ông Nguyễn Danh Nho, đỗ tiến sĩ dưới đời vua Lê Huyền Tông, được giữ chức Tả ti giám, Hiến sát sứ, sau thăng đến Bồi Tụng hữu thị lang, tước Nam.
Năm 1691, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang nhà Thanh, đến Giang Nam tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa, thuộc tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng).
Ông Nho đã xin với vua Thanh đưa hài cốt Tuệ Tĩnh về nước nhưng không được chấp thuận liền thuê người sao chép bia mộ, rồi khi về nước đã đến vùng Kinh Môn thuê thợ khắc lại tấm bia đá.
Thuyền chở bia trên sông Thái Bình, đến cánh đồng Văn Thai ở địa điểm tiếp giáp với làng Nghĩa Phú quê hương của Tuệ Tĩnh thì bị lật, bia rơi xuống và không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn nhân dân đã tìm thấy tấm bia.
Theo câu chuyện lưu truyền trong nhân dân địa phương, thấy đất ở đây có hình con dao cầu chuyên thái thuốc nam, dân làng cho rằng đây là nơi địa linh nên đã dựng bia ở nơi đây để thờ cúng. Mọi người đi qua đây đều nhặt đất đắp vào đền thờ cho cao dần lên và chắp tay vái lạy tấm bia, cầu mong sức khỏe, may mắn.
Tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ năm (1845), nhà vua cho rằng hàng nghìn người dân cúng bái, xin thuốc chữa bệnh ở đền Bia là việc mê tín dị đoan nên đã ra lệnh cấm và sai người đục hết chữ trên tấm bia rồi cất vào kho ở Hải Dương, cho người canh gác.
"Một thủ kho là người làng Văn Thai trong đêm mưa to gió lớn đã bí mật đào tường, đưa tấm bia về cất giấu kín ở nhà Tổ chùa Văn Thai, rồi sơn vàng tấm bia để tránh bị phát hiện", ông Thành kể.
Ngày tổ chức lễ hội, tấm bia được đem ra lại đền Bia, khách thập phương đến xin thuốc và cung tiến tiền để tu sửa đền. Tương truyền rằng, tiền công đức nhiều tới mức xây đền còn thừa, dân làng đã mua đá xanh về lát đường làng Văn Thai.
Trong đó phải kể đến chuyện ông chánh tổng Nam Sách tên là Lưu Sinh bị tai biến, không đi lại được, đã nhờ người đưa đến đền Bia xin thuốc về uống và khỏi bệnh. Để tỏ lòng biết ơn, năm 1940, ông đã bỏ tiền ra thuê thợ tạc bệ đá đặt tượng Tuệ Tĩnh như ngày nay.
"Tấm bia đá là hiện vật độc đáo của di tích đền Bia, thể hiện tình yêu quê hương đất nước của đại y sư Tuệ Tĩnh. Hàng ngày đền Bia đón tiếp nhiều du khách đến thắp hương, vãn cảnh và tìm hiểu về các loại cây trong vườn thuốc nam, nhiều sinh viên trường y dược trên cả nước đến đây thực tế.
Chúng tôi đã làm hồ sơ để trình lên cấp trên đề nghị công nhận tấm bia là bảo vật quốc gia", ông Thành cho biết.
Theo Trí Thành/Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên