Chỉ đạo khẩn là của Bộ Công Thương, sau khi một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phản ánh về việc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo hợp đồng đã ký, dẫn đến nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.
Ngay sau đó, Bộ đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc: “Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sau đó đã liên tục có các hoạt động “ngoại giao than”: Làm việc với Đại sứ Autralia đề nghị “cân đối sản lượng than để cung cấp cho Việt Nam”, và mong đại sứ Robyn Dudie kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phía Autralia để hai bên có thể ký hợp đồng mua bán, đưa than về ngay trong tháng 4. Làm việc với Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam, cũng với nội dung và mục tiêu tương tự: Đưa các chuyến hàng than về Việt Nam trong tháng 4, tháng 5 tới.
Phải nói là Bộ trưởng rất nỗ lực.
Chỉ có điều vấn đề thiếu than cho điện nó cũ quá rồi. Nó là vấn đề được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác rồi.
Hồi đầu năm 2019, dư luận cả nước xôn xao khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam "cảnh báo" do cung ứng than không đầy đủ, có thể dẫn đến thiếu điện và phải cắt điện luân phiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã cực kỳ kiên quyết: "nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ mất chức".
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội cuối năm 2019, nguy cơ thiếu điện một lần nữa được cảnh báo.
Đã gần 3 năm rồi. Và giờ, vấn đề lại rất nóng, rất cấp bách chỉ vì hai “ông” TKV và Đông Bắc không cung cấp đủ than theo các hợp đồng. (Tháng 2 vừa qua, tổng khối lượng than thực cấp của TKV và Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện than chỉ là 69,24% khối lượng hợp đồng đã ký, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy).
Hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một yêu cầu có thể tóm tắt trong một câu là: “Không để khủng hoảng về năng lượng”.
Hệ luỵ của thiếu điện, trong hoàn cảnh nền kinh tế đang phục hồi, sẽ rất khủng khiếp. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn tác động rất tiêu cực tới sản xuất, tới môi trường đầu tư.
Có lẽ, để tránh thiếu điện, tránh khủng hoảng năng lượng... thì đúng là phải xem lại "cái ghế" của một số đồng chí trước khi nguy cơ thành sự thật.
Theo Anh Đào/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên