NSƯT Thanh Quý là một trong những diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Không chỉ có tài năng diễn xuất, Thanh Quý còn được biết đến là "mỹ nhân màn ảnh" một thời với đôi mắt biết nói và nụ cười đẹp hút hồn. Vừa có tài, vừa có sắc, Thanh Quý gặt hái được thành công từ rất sớm và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Sự nghiệp thăng hoa nhưng hôn nhân với Thanh Quý lại là một "nốt trầm". Ở tuổi xế chiều, bà lựa chọn cuộc sống một mình bình lặng trong ngôi nhà nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tranh thủ những ngày nghỉ trước khi tham gia quay tiếp phần 2 "Thương ngày nắng về", nữ diễn viên đã dành cho Dân trí ít phút trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề sau gần 50 năm theo nghiệp diễn.
Chấm điểm làm mẹ, chắc tôi chỉ đươc
Trước đây, khán giả luôn thấy NSƯT Thanh Quý gắn liền với những vai diễn sắc sảo, có chút ngoa ngoắt, đanh đá như trong "Mùa lá rụng", "Hoa hồng trên ngực trái", "Cả một đời ân oán"... Ở "Thương ngày nắng về", NSƯT Thanh Quý lại mang đến một màu sắc hoàn toàn khác. Phải chăng đây là điều bà mong ước bấy lâu?
Vì đã đóng nhiều những vai đanh đá nên tôi luôn thầm ước ao mình có một vai diễn khác đi.
Trước đây, khi thấy NSND Trung Anh thể hiện hình tượng ông bố trong phim "Về nhà đi con" làm mưa làm gió khắp màn ảnh, tôi cũng mong lúc nào đó trên phim có một bà mẹ gây ấn tượng mạnh, có nhiều đất diễn, có độ dài, có câu chuyện như thế để cân đối về hình ảnh người bố, người mẹ. Sau này, khi được đạo diễn mời vào vai bà Nga, tôi cảm thấy rất may mắn và trân trọng.
Bà Nga có nét tính cách khác hẳn với những vai diễn trước đó mà NSƯT Thanh Quý từng đảm nhiệm, điều này có làm khó bà không?
Khi nhận vai bà Nga, mới đầu tôi cũng khá lo. Lo là làm thế nào để bắt được tinh thần của nhân vật. May mắn là khi diễn thì "thiên thời địa lợi", được đạo diễn, được các bạn diễn xúc tác nên tôi càng diễn càng say.
Khán giả dành rất nhiều lời khen cho NSƯT Thanh Quý bởi nét diễn quá đời, quá thật và quá gần gũi khi vào vai người mẹ trong "Thương ngày nắng về". Điều đó cho thấy bà đã thể hiện rất thành công!
Bà Nga là một người phụ nữ tần tảo với gánh bún riêu nhưng vẫn chăm lo chu toàn cho 3 người con và cậu em trai. Từ khi còn trẻ cho tới lúc xế chiều, bà dường như chưa có một ngày nào nghỉ ngơi. Không chỉ thể hiện đầy đủ đức tính của người mẹ, người phụ nữ truyền thống chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, bà Nga còn có những "tật xấu" như hay kể lể, áp đặt con cái, lo xa quá mức.
Tôi nghĩ người phụ nữ Việt Nam nào cũng nhìn thấy mình trong nhân vật bà Nga nên càng dễ dàng có được sự đồng cảm, yếu mến.
Bộ phim phần 2 sẽ được đẩy lên cao trào, kịch tính và đẫm nước mắt hơn.
Vậy nghệ sĩ Thanh Quý ở ngoài đời là một bà mẹ như thế nào?
Nếu thang điểm 10 thì tôi chỉ tự nhận mình được 5 điểm. Thú thật tôi cũng không được chỉn chu cho lắm.
Đôi khi mẹ con cũng có những va chạm nhưng tôi luôn tìm mọi cách giải quyết và tôn trọng thế giới riêng của con. Hai mẹ con cùng nhau cố gắng tạo nên sự thoải mái và bình thản.
Tôi cũng đã trải qua nhiều giông tố
Phải chăng vì cuộc đời cũng lắm truân chuyên nên bà dễ đồng cảm với nhân vật người mẹ này?
Tự tổng kết lại thì tôi nhận thấy cuộc đời mình cũng không được suôn sẻ lắm. Tôi cũng đã trải qua nhiều giông tố. Nhìn lại những gì đã qua, đôi lúc tôi cảm thấy mình bạc nhược, yếu đuối, nhưng đôi lúc cũng thấy mình kiên cường.Một cách vô thức, thi thoảng, những tâm tư tình cảm của tôi cũng đi vào nhân vật bà Nga. Còn về cơ bản, khi đã đảm nhận vai, khi tiếng "bắt đầu" vang lên thì lúc đó tôi không là tôi nữa mà tôi là bà Nga. Nhân vật bà Nga cứ thế dẫn dắt tôi đi.
"Trước đây tôi chưa bao giờ có ý định theo nghiệp diễn viên. Song có lẽ cũng nhờ ngoại hình thời trẻ mà tôi lại bước vào nghề này"
NSƯT Thanh Quý
Bà thấy sao khi mọi người gọi bà là "mỹ nhân màn ảnh", "người đàn bà đẹp"?
(Cười) Bây giờ tôi mới biết mình là mỹ nhân đó. Không phải tôi khiêm nhường đâu, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến "danh hiệu" đó.
Thực ra, trước đây, tôi chưa bao giờ có ý định theo nghiệp diễn viên. Song có lẽ cũng nhờ ngoại hình thời trẻ mà tôi lại bước vào nghề này. Ngày đi học, tôi từng mơ ước trở thành một thủ thư hoặc làm nghề địa chất để được ngao du khắp chốn. Nhà tôi ở gần Trường Trung học điện ảnh khi đó.
Chính vì vậy, ngày nào đi học, tôi cũng đi ngang qua đây. Đầu năm 1973, khi đi qua trường, tình cờ một đạo diễn nhìn thấy tôi nên gợi ý tôi thi vào trường điện ảnh. Có lẽ cũng vì xinh xinh như bạn nói. Vậy là tôi thi rồi vào đó học. Ngày đó nhà tôi nghèo, đông anh em, vào học trường điện ảnh thì được Nhà nước nuôi nên cứ thế là học thôi.
Lúc ấy, mọi người diễn giỏi lắm. Tôi thì chậm chạp hơn nhiều. Tôi được giao đóng vai chính năm 15 tuổi nhưng vì diễn xuất non nớt, không đạt nên cuối cùng phải nhường vai cho người khác.
Cảm xúc lúc ấy rất tồi tệ, thậm chí tôi đã nghĩ đến cái chết. Thế nhưng sau đó, tôi lại tự vực dậy tinh thần, tự động viên mình là thôi chẳng làm nghề này thì làm nghề khác.
Năm 18 tuổi, tôi được đạo diễn Trần Vũ tin tưởng giao cho vai cô gái thanh niên trong phim "Chuyến xe bão táp". Được một đạo diễn kinh nghiệm lại rất tâm lý dìu dắt, tôi có cơ hội làm tròn vai diễn đầu tiên.
Suýt ngất đi vì đói trên phim trường
Thời trước điện ảnh còn khó khăn, thu nhập của nghệ sĩ bèo bọt, nhiều người phải làm thêm các nghề tay trái khác. Thời gian đó bà làm gì để theo đuổi đam mê diễn xuất?
Có những giai đoạn điện ảnh gặp khó khăn, tôi cả năm chẳng có lấy một bộ phim để đóng. Nhiều anh em nghệ sĩ thì vừa diễn kịch, vừa đóng phim hoặc làm thêm các nghề khác để duy trì cuộc sống… Tôi vốn dĩ kém năng động hơn mọi người nên cũng chỉ biết chờ đợi, hàng ngày tằn tiện chi tiêu hết mức sao cho chi phí vừa với mấy đồng lương eo hẹp.
Tôi nhớ có lần, hãng phim cử tôi đi tham dự sự kiện giao lưu với các hãng phim quốc tế, tôi chẳng có lấy một bộ quần áo tươm tất mà mặc. Mở tủ đồ chỉ thấy hai cái quần lụa và vài cái áo cũ kĩ nên tôi đành xin ở nhà. Có thời điểm, tôi còn xin đi là phục trang.
Thời bao cấp, cả nước khó khăn chung chứ không riêng gì điện ảnh. Cơm phải chạy ăn từng bữa, nhiều khi tôi còn ôm bụng đói đóng phim tới mức suýt ngất đi. Tôi nhớ, hồi đóng bộ phim về chiến tranh biên giới năm 1979 "Cha và con", bữa ăn của cả đoàn ngày nào cũng là bột mỳ hấp và măng rừng.
Có cảnh quay đang chạy mà tôi đâm sầm vào hàng rào vì hoa mắt, mặt mũi tái mét. Anh em hỏi làm sao thì tôi bảo do đói thôi.
Phía sau những hình ảnh lung linh trên phim là biết bao mồ hôi nước mắt của diễn viên. Với những diễn viên nữ, vừa phải chăm sóc gia đình, vừa phải chăm lo cho nghiệp diễn, hẳn là điều không hề dễ dàng chút nào?
Nói không ảnh hưởng thì không đúng. Nhưng tất nhiên là tôi cũng phải cố gắng thu xếp, chẳng vẹn toàn được 10 phần thì cũng phải cố lấy năm bảy phần. Trong hôn nhân, tôi cũng thống nhất rằng đôi bên phải thông cảm cho nhau.
Nghiệp diễn vất vả nhưng như có ma lực cứ cuốn tôi đi. Tôi cũng vẫn bảo với các diễn viên trẻ rằng: Bây giờ con thích thì con cứ đi đi, nhưng lúc có chồng con phải để ý vì lúc đó không chỉ có mình mình nữa.
Vì đặc thù nghề nghiệp, sẽ có vô số lần, diễn viên phải dậy từ sớm, đi suốt đến nửa đêm mới về. Có hôm gia đình đang có việc cũng phải đi. Thành ra cuộc sống sẽ bị đảo lộn, không giống với những gia đình bình thường khác. Nếu không sắp xếp được tương đối chu toàn thì cũng là một vấn đề với người phụ nữ theo nghiệp diễn.
Xã hội thì luôn mặc định, người phụ nữ làm gì thì cũng phải lo toan chăm chút cơm nước, con cái. Nếu hai vợ chồng chia sẻ được thì mới tránh khỏi những xung đột.
Đã theo nghiệp diễn thì phải dấn thân
Có khi nào bà gặp phải những tình huống khó xử, không thể cân bằng được giữa gia đình và công việc?
Tôi nhớ, khi con tôi 9-10 tháng tuổi, tôi có một chuyến đi diễn xa nhà mấy tháng mới về. Khi trở về, người chồng cũ của tôi cũng giận lắm. Tôi hiểu tâm trạng của chồng mình khi ấy là vì thương con và lo cho con. Tôi đã tự trách mình, dằn vặt rất nhiều. Nhưng thời điểm ấy, chờ đợi cả mấy năm mới có một bộ phim, hãng phim yêu cầu đi diễn mình không đi cũng không được.
"Cuộc đời con người đâu phải lúc nào cũng thuận lợi. Khó khăn thì mình tìm lối thoát.
NSƯT Thanh Quý
Vậy là bà cũng phải hi sinh rất nhiều để cống hiến cho khán giả những vai diễn để đời?
Dùng từ hi sinh thì đao to búa lớn quá. Tôi chỉ nghĩ cái nghề của mình như thế rồi thì ai thay mình được. Đã theo thì phải dấn thân thôi.
"Nốt trầm" trong hôn nhân có làm xáo trộn công việc, cuộc sống của bà không?
Chưa bao giờ tôi để cuộc sống đời tư ảnh hưởng đến công việc. Dù phải đối mặt với đổ vỡ thì tôi cũng tự nhắc mình phải vượt qua những khó khăn tạm thời đó để hoàn thành vai diễn.
Cuộc đời con người có phải lúc nào cũng thuận lợi. Khó khăn thì mình tìm lối thoát hoặc chịu đựng một mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, diễn viên là khâu cuối cùng, mình không tập trung làm tốt thì sẽ ảnh hưởng đến cả một tập thể.
Bản thân tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó, cơm không đủ ăn, trời rét mấy anh em chia nhau từng mảnh chăn. Vậy nên, tôi luôn ý thức phải nghiêm túc khi làm việc và trân quý những cơ hội mà mình có được.
Là một diễn viên gạo cội, có khi nào bà hướng con đi theo nghề này?
Con gái tôi là người hiểu hơn ai hết những chuyện phía sau hậu trường của mẹ. Có gì vất vả, mệt nhọc tôi thường chia sẻ, tâm sự với con. Có lẽ nghe mẹ kể đã "chết khiếp" rồi nên cháu cũng không xác định theo nghiệp này. (Cười).
Cô đơn như một người bạn
Sau những thăng trầm đã qua, bà có mong chờ một hạnh phúc đến muộn? Con gái có khi nào động viên bà đi bước nữa?
Con gái biết tính tôi nên cũng tôn trọng quyết định của tôi. Tôi vẫn nói cô đơn như người bạn, như hơi thở của tôi rồi. Giờ đây, tôi lựa chọn một cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng.
Sống một mình như hiện nay tôi thấy vẫn ổn. Tôi tự tìm những niềm vui giản dị, tự tìm cách giải tỏa tâm lý cho mình. Nhiều khi đi đường tôi tự hát thật to. Cũng may là hát sau lớp khẩu trang nên không ai biết (cười). Đôi lúc tôi cũng tự nói chuyện một mình. Tôi từng đọc tài liệu của một vị giáo sư và họ nói rằng, đó là cách giải tỏa để cân bằng con người mình.
Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, thấy mình may mắn, thảnh thơi, tự do làm nghề, đầu óc chẳng phải nghĩ ngợi điều gì. Thu nhập hiện tại của tôi bây giờ đã tốt hơn trước nhiều. Tuy nhiên, cũng chỉ ở mức vừa đủ thôi chứ không phải giàu có gì. Tiền cát-xê giúp tôi trang trải thêm một số chi phí trong cuộc sống, một năm đi du lịch vài chuyến và dành ra một khoản để phòng về già ốm đau, bệnh tật.
Vậy ở tuổi 64, hạnh phúc của nghệ sĩ Thanh Quý là gì?
Đó là những bữa cơm ngon vui vẻ bên con gái và cháu ngoại, là những buổi cà phê, gặp gỡ bạn bè trong những ngày trời đẹp. Đó cũng là những giây phút thăng hoa với vai diễn, là niềm vui khi nhân vật của mình được khán giả đón nhận, yêu mến.
Cảm ơn NSƯT Thanh Quý rất nhiều vì đã dành cho Dân trí buổi trò chuyện đặc biệt này!
08/04/2022
Nguồn Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên