Luật sư phân tích về khung hình phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh đối diện

Thứ tư - 06/04/2022 16:28
Ông Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là án tù 12- 20 năm, hoặc tù chung thân.

Như VietNamNet đã đưa tin, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 7/2021- 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, dùng 3 công ty thành viên (Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông) và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, trị giá 10.300 tỷ đồng.

Việc này nhằm huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

111
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12- 20 năm, hoặc tù chung thân.

Luật sư phân tích, CQĐT xác định bị can Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm đã có thủ đoạn gian dối trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp để sử dụng cho các dự án bất động sản.

Hành vi được xác định là huy động vốn trái phép, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định để huy động 10.300 tỷ đồng của nhiều nhà đầu tư rồi sử dụng sai mục đích thỏa thuận.

Quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ tiếp tục chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản để thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định của pháp luật, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm khi chủ thể của tội phạm đã thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên.

Mục đích chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ, người phạm tội không có ý định trả lại tài sản cho các nạn nhân.

Bởi vậy, trong vụ án này, để kết tội các bị can, CQĐT cần tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các bị can không có ý định trả lại số tiền đã huy động trái phép cho các nạn nhân.

Vẫn theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

Yếu tố đặc trưng của tội danh này là thủ đoạn gian dối của người thực hiện hành vi phạm tội, đưa ra thông tin sai sự thật, sử dụng các tài liệu giả mạo hoặc các thủ đoạn khác để làm cho nạn nhân tin tưởng trao tài sản cho đối tượng phạm tội.

Sau khi có được tài sản, đối tượng không có ý định trả lại tài sản, chiếm đoạt tài sản đó, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.

Tiếp tục làm rõ tiền huy động trôi về đâu

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, quá trình điều tra vụ án này, CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ số tiền huy động vốn trái phép các bị can đã sử dụng vào mục đích gì? Các khoản tiền này đang ở đâu? Đã được chuyển hóa thành các loại tài sản nào?

Đối với tài sản do phạm tội mà có hoặc có nguồn gốc từ tội phạm, CQĐT sẽ thu giữ.

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn quy định phạt tiền và tịch thu tài sản. Bởi vậy, CQĐT cũng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can chiếm đoạt được của người bị hại đang ở đâu để niêm phong, thu giữ, đảm bảo thi hành án, trả lại cho những người bị hại.

Đồng thời có thể kê biên các tài sản của các bị can để đảm bảo các hình phạt bổ sung, thậm chí có thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.

Theo ông Cường, vụ án này cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực xã hội.

Việc đấu tranh chống tham nhũng và đấu tranh chống tiêu cực xã hội là một quá trình lâu dài, phức tạp, nhưng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Vụ việc trả giá cao lô đất tại Thủ Thiêm rồi bỏ cọc 600 tỷ đồng cho thấy doanh nghiệp này có biểu hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh.

“Có lẽ từ vi phạm này mà cơ quan chức năng xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp trong đó có vi phạm về việc phát hành trái phiếu để huy động vốn trái phép.

Vụ án mới khởi đầu của giai đoạn điều tra. CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can. Trường hợp có căn cứ cho thấy bị can còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác, sẽ tiếp tục bị xử lý theo quy định của pháp luật”, lời Tiến sỹ Đặng Văn Cường.

 

Theo T.Nhung/VietNamnet

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây