Quốc hội Mỹ bỏ phiếu để tước bỏ quy chế thương mại ưu đãi của Moscow và cấm nhập khẩu năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ, gửi dự luật trừng phạt nền kinh tế Nga về cuộc chiến ở Ukraine tới bàn của Tổng thống Mỹ Biden.
Đến ngày 8/4, các biện pháp đã chuyển đến tay Tổng thống Joe Biden để được ký thành đạo luật chính thức chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Moscow. Đạo luật này cũng áp dụng cho đồng minh của Nga là Belarus, cho phép Tổng thống Joe Biden tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ cả hai nước, và cho phép kiểm soát nhập khẩu đối với các sản phẩm chính như bạch kim, hóa chất, sắt và thép. Trên thực tế, chính quyền Biden chuyển sang lệnh cấm nhập khẩu dầu, vodka, kim cương và hải sản từ Nga vào tháng trước.
Đạo luật còn lại cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, bao gồm dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên, một biện pháp mà Biden vốn đã thực hiện theo sắc lệnh hành pháp - thu giữ tài sản của các tỷ phú liên quan tới Putin, và đóng băng kho dự trữ tiền mặt ngoại hối của quốc gia này.
Các biện pháp được thông qua là dự luật độc lập đầu tiên nhằm trừng phạt Moscow mà Quốc hội Mỹ đã gửi tới bàn của ông Biden trong hơn 40 ngày kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra.
Thực tế, Hoa Kỳ là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Các quốc gia có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn có lợi thế trong việc tạo thuận lợi cho thương mại với Hoa Kỳ, chẳng hạn như thuế quan giảm. Và tuyệt nhiên, Mỹ đã sử dụng lệnh chấm dứt quan hệ thương mại bình thường để tác động đến các quốc gia về vấn đề nhân quyền. Việc thông qua các đạo luật này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ lên tiếng cảnh báo ngày càng tăng về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của binh sĩ Nga ở Ukraine. Biden đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải hầu tòa vì tội ác chiến tranh.
Đạo luật được thông qua áp đảo ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ sẽ có tác dụng tấn công động mạch kinh tế Nga giàu năng lượng, đồng thời đưa quốc gia này xuống vị thế thương mại tương tự như Myanmar, Cuba và Triều Tiên. Nó cũng sẽ cung cấp cho Tổng thống Biden thẩm quyền quyết định việc đối xử lại với thuế quan bình thường đối với Nga và Belarus, cũng như nối lại thương mại các sản phẩm năng lượng của Nga, tùy thuộc vào các điều kiện nhất định và sự chấp thuận của Quốc hội.
Theo các chuyên gia, hai đạo luật này giúp ông Biden mạnh tay trong việc áp dụng các hình phạt thương mại mới đối với hàng hóa Nga, và đưa lệnh cấm nhập khẩu năng lượng càng cũng cố sức trừng phạt, báo hiệu nó có thể sẽ được duy trì cho đến khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc. Nó cho phép Biden áp đặt thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu của Nga và sẽ tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Nga, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt quốc tế do cuộc chiến ở Ukraine.
Biden, người ban đầu yêu cầu Quốc hội vào đầu tháng 3 đình chỉ quan hệ thương mại thường xuyên với Nga và thực hiện hành động hành pháp để cấm nhập khẩu năng lượng, dự kiến sẽ ký đạo luật. Vào thời điểm đó, ông Biden nói rằng việc hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga sẽ khiến "Nga khó làm ăn với Hoa Kỳ hơn. Và thực hiện nó cùng với các quốc gia khác chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu sẽ là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế Nga", Biden nói.
Hành động của quốc hội Mỹ diễn ra sau một loạt tuyên bố của Mỹ và các đồng minh về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Chính quyền Biden gần đây đã công bố một vòng trừng phạt có mục tiêu mới, bao gồm cấm các khoản đầu tư trực tiếp trong tương lai của Mỹ vào Nga, và áp đặt các hình phạt đối với các thành viên gia đình của Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu khác của Nga.
Mỹ cùng với Nhóm Bảy quốc gia cường quốc công nghiệp (G7) và Liên minh châu Âu cũng áp đặt các lệnh trừng phạt ngăn chặn đối với Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga và Alfa Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất của họ.
Biden đã công bố các bước trong một bài phát biểu vào tháng trước với lập luận rằng Nga phải "trả giá" cho sự đổ máu ở nước láng giềng Xô Viết cũ, nơi mà Nga bác bỏ cáo buộc thực hiện các hành động tàn bạo.
Các nhà lập pháp ủng hộ hoàn toàn nội dung của hai đạo luật, nhưng họ đã mòn mỏi trong nhiều tuần tại Thượng viện khi các nhà lập pháp làm việc để hoàn thiện các chi tiết cuối cùng.
"Bây giờ, tôi ước điều này có thể xảy ra sớm hơn, nhưng sau nhiều tuần đàm phán, điều quan trọng là chúng tôi đã tìm ra một con đường phía trước", Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (DN.Y.) nói với hãng thông tấn AP.
"Không quốc gia nào có quân đội vi phạm tội ác chiến tranh xứng đáng có quy chế thương mại tự do bình thường với Hoa Kỳ", Chuck Schumer nói thêm.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ca ngợi hành động mới nhất là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ "kiên định" trong cam kết hỗ trợ Ukraine và buộc Nga sẽ phải sớm giải trình.
Tuy nhiên, cùng với nhau, các động thái này đã đẩy Moscow đến bờ vực vỡ nợ. Chúng cũng khiến giá các mặt hàng chủ chốt như xăng và lúa mì tăng cao, gây hại cho người tiêu dùng Mỹ vốn đang phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Ngoại trưởng Antony Blinken nói với NBC News rằng, các lệnh trừng phạt toàn cầu đã đẩy nền kinh tế Nga vào một "cuộc suy thoái sâu". Ông nói: "Và những gì chúng ta đang thấy là nền kinh tế Nga có khả năng bị thu hẹp khoảng 15%".
"Điều đó thật kịch tính ... Chúng tôi đã thấy hầu hết mọi công ty lớn trên thế giới đều phải di cư khỏi Nga. Và Putin, trong khoảng thời gian vài tuần, về cơ bản đã khiến nước Nga phải rời xa thế giới".
"Gói này nhằm đưa mọi công cụ gây áp lực kinh tế lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và các tay chân đầu sỏ của ông ta. Nước Nga của Putin không xứng đáng là một phần của trật tự kinh tế đã tồn tại ổn định kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc", Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện cho biết trong một tuyên bố.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden tuyên bố: "Cảm ơn Quốc hội vì sự hợp tác và kiên định của họ trong việc đưa Putin trở thành một nhà kinh tế và tài chính đáng bị trừng phạt ở cấp độ toàn cầu", Sullivan viết trên Twitter. Trong khi đó, phía Nhà Trắng nói rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và hơn 30 quốc gia khác đã ban hành đã gây nhức nhối cho nền kinh tế Nga. Cơ quan này nói rằng các chuyên gia hiện đang dự đoán GDP của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay và lạm phát đã tăng vọt trên 15%. Hơn 600 công ty thuộc khu vực tư nhân đã rời khỏi thị trường.
Báo cáo của Nhà Trắng cho biết: "Nga rất có thể sẽ mất vị thế là một nền kinh tế lớn và nước này sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái cô lập về kinh tế, tài chính và công nghệ".
Đáng chú ý, những hành động này không nhất thiết đòi hỏi phải loại bỏ Nga hoàn toàn khỏi WTO, mà thay vào đó có thể được coi là một cách thực tế để đình chỉ các lợi ích của tư cách thành viên WTO. Đây là điều tối quan trọng. Hoặc nếu để một thành viên bị loại khỏi WTO, các hiệp ước sẽ cần được thay đổi với sự ủng hộ của 2/3 tổng số thành viên. Đây sẽ là một thách thức. Và nếu như "cơn ác mộng" này thành hiện thực, Nga phải đăng ký lại để trở thành thành viên WTO - một quá trình có thể mất nhiều năm để hoàn thành. Bằng cách sử dụng ngoại lệ an ninh quốc gia để từ chối các đặc quyền của Nga trong WTO, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể đạt được kết quả tương tự với một lựa chọn chính sách ít rườm rà hơn nhiều.
Sau đó, quan trọng nhất, cần có một con đường rõ ràng để Nga tái gia nhập hệ thống thương mại đa phương vào một thời điểm nào đó trong tương lai, đặc biệt là vì sự cô lập kinh tế kéo dài sẽ có tác động làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế Nga. Nó chắc chắn sẽ gây hại cho nhiều công dân Nga, những người phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính phủ của họ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh nên thận trọng trong việc đánh thuế quan có thể gây tác hại đối với an ninh lương thực toàn cầu. Các đối tác thương mại của Nga cũng cần lưu ý rằng thuế quan sẽ làm tăng giá hàng hóa mục tiêu đối với các nhà nhập khẩu, điều này đặt gánh nặng cao nhất lên người tiêu dùng, nhà sản xuất và chế biến phụ thuộc vào Nga về đầu vào trung gian.
Những hành động này, giống như tất cả các biện pháp trừng phạt hiện đang áp dụng, về bản chất chỉ là tạm thời. Ngoài ra, bất kỳ hành động đình chỉ nhượng bộ thương mại bình thường nào cũng phải đi kèm với các điều khoản báo cáo và minh bạch yêu cầu các tổng thống phải thường xuyên cập nhật cho Quốc hội về các hành động đã được thực hiện, và nêu chi tiết các hành động được đề xuất trong tương lai. Trong khi nhu cầu gia tăng áp lực chống lại Putin là cấp bách, Quốc hội và tổng thống nên điều chỉnh các biện pháp trừng phạt thương mại theo cách hạn chế càng nhiều càng tốt tác động kinh tế đối với Hoa Kỳ, các đồng minh và những người chứng kiến vô tội.
Dân biểu Kevin Brady của Texas GOP cho biết trong cuộc tranh luận tại Hạ viện rằng, 2 đạo luật mới chứng minh Quốc hội Mỹ đứng về phía người dân Ukraine trong bối cảnh chiến sự của Nga.
"Hành động mà chúng tôi thực hiện ngày hôm nay hơi muộn từ lâu nhưng lại cần thiết ngay lúc này", Brady nói thêm rằng hai đọa luật này là một "chiến thắng của lưỡng đảng" cực kỳ quan trọng.
Ông Brady cho biết, trước khi lệnh cấm nhập khẩu năng lượng có thể được dỡ bỏ, Nga sẽ phải loại bỏ quân đội mình khỏi Ukraine, không gây ra mối đe dọa quân sự tức thời nào đối với Ukraine, và công nhận quyền của người dân Ukraine được tự do và độc lập do chính phủ Ukraine tự lựa chọn của mình.
Đạo luật mới sẽ không chấm dứt ngay lập tức nguồn quỹ cho cỗ máy chiến tranh Putin, nhưng đó là một bước đi đúng hướng
Mặc dù dầu của Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung dầu của Mỹ, nhưng đây là nguồn thu chính của Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai. Các quốc gia châu Âu thì đang xem xét các lệnh cấm vận của họ đối với việc nhập khẩu dầu của Nga, nhưng một động thái mới như vậy của Mỹ sẽ phải khiến các khu vực như Liên minh châu Âu trả một cái giá đắt hơn, vì họ phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga hơn so với Mỹ, đặc biệt là khi thế giới đã phải vật lộn với giá dầu và khí đốt tăng cao.
Động thái của Hoa Kỳ nhằm tước bỏ quy chế thương mại ưu đãi của Nga được gọi là "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" có thể mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng các chuyên gia thương mại cho rằng, nó sẽ có tác động kinh tế hạn chế so với các biện pháp trừng phạt khác đã được áp đặt.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin cho biết, thực tế mà nói, tác động của sự trì hoãn đối với hai đọa luật thương mại là rất nhỏ "bởi vì hiện tại hầu như không quy mô thương mại song phương của Nga tại Mỹ khá nhỏ, tuy nhiên, ông nói rằng việc thông qua đạo luật là chìa khóa quan trọng.
"Niềm tin là quan trọng ở đây và thể hiện hành động cũng là quan trọng", Cardin nói. "Bạn đã có những người Ukraine trên chiến trường mỗi ngày. Điều ít nhất chúng tôi có thể làm là thông qua các các đạo luật này ".
Đại diện đảng Dân chủ Lloyd Doggett, một nhà tài trợ cho lệnh cấm khai thác dầu của Nga cho biết tại Hạ viện rằng: "Chúng tôi biết rằng nó sẽ không chấm dứt ngay lập tức nguồn quỹ của cỗ máy chiến tranh Putin, nhưng đó là một bước đi đúng hướng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, hàng loạt các hình phạt kinh tế được thiết kế để làm giảm giá trị đồng rúp, hủy hoại thị trường chứng khoán Nga và sẽ làm suy yếu nền kinh tế của Moscow theo thời gian. Thông qua các động thái này, Mỹ hy vọng sẽ làm suy yếu quyền lực của Putin trong quân đội Nga và trong số các nhà tài phiệt giàu có của nước này.
Còn luật sư Willems nói: "Đạo luật mới nên được coi là "phụ gia" và nó sẽ phát huy mức gây tổn hại thực sự trong bối cảnh quốc tế phải có nỗ lực phối hợp cùng Mỹ".
Để những hành động như vậy đạt hiệu quả cao nhất, Hoa Kỳ không thể là quốc gia duy nhất từ chối các ưu đãi thương mại đối với Nga. Nga đứng thứ 23 trong số các đối tác thương mại của Mỹ, với khoảng 29,7 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu và 6,4 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2021. Do đó, Tổng thống Biden có thể phối hợp nỗ lực với các đồng minh để gia tăng hậu quả của các lệnh trừng phạt thương mại này. Nếu các thành viên khác của WTO làm theo, nền kinh tế Nga có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Huỳnh Dũng/Dân Việt
Theo Virginiamercury/Themoscowtimes/Apnews/Axios/ Aljazeera/The Hill/Newsweek
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên