Bi hài 1 môn học 11 đầu sách giáo khoa, 3 môn học cũ "chui" vào 1 đầu sách

Thứ năm - 28/04/2022 15:13
Chuyện sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 có giá thành cao cũng không khó lý giải vì có những môn học gánh đến 11 cuốn sách giáo khoa khác nhau.

Ngày 27/4/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có Thông cáo báo chí về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên website của mình.

Theo bảng giá niêm yết, chúng ta dễ dàng thấy giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn rất nhiều giá sách giáo khoa chương trình 2006 và đây cũng là điều được dự báo từ trước.

Ngoài những lý do mà các nhà xuất bản nói về giá thành các bộ sách thì chuyện sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 có giá thành cao cũng không khó lý giải vì có những môn học gánh đến 11 cuốn sách giáo khoa khác nhau.

Mỗi nhà xuất bản đều có những lý do về việc giá thành cao và tất nhiên là phụ huynh, giáo viên và các nhà trường phải chấp nhận vì thời điểm này các địa phương đã lựa chọn sách giáo khoa xong xuôi cả rồi.

111
Ngoài 10 cuốn sách giáo khoa thì môn Mĩ thuật còn có thêm cuốn thứ 11
là Chuyên đề học tập mĩ thuật 10 (Ảnh chụp màn hình)

1 môn học có tới 11 cuốn sách giáo khoa

Theo Thông cáo báo chí về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì sách giáo khoa có giá thành cụ thể như sau:

Giá bộ sách giáo khoa lớp 3 từ 177.000đ/bộ đến 183.000đ/ bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Giá bộ sách giáo khoa lớp 7 từ 208.000đ/bộ đến 209.000đ/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh)

Giá bộ sách giáo khoa lớp 10 từ 246.000đ/bộ đến 301.000đ/bộ (tuỳ thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn). Giá bộ SGK lớp 10 gồm tổng giá bìa sách của 5/7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập”. [1]

Như vậy, chỉ có sách giáo khoa lớp 3 và lớp 7 là phụ huynh biết trước được giá sách cụ thể vì chỉ còn môn Tiếng Anh là chưa biết giá còn sách giáo khoa lớp 10 thì còn phụ thuộc vào việc lựa chọn những môn trong tổ hợp mà học sinh chọn.

Song, nhìn vào giá sách giáo khoa này, chúng ta thấy giá thành đã cao hơn gấp 2-3 lần bộ sách giáo khoa hiện hành.

Điều chúng tôi thấy băn khoăn là nhiều môn học ở lớp 10 có quá nhiều sách giáo khoa. Đa số các môn học đều có từ 2-3 cuốn sách giáo khoa và sách chuyên đề học tập. Đặc biệt, có những môn học có quá nhiều sách giáo khoa.

Đó là môn Mĩ thuật, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có 11 cuốn sách giáo khoa, bao gồm: sách giáo khoa Hội họa; Kiến trúc; Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Lí luận và lịch sử mĩ thuật; Đồ họa tranh in; Điêu khắc; Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp; Thiết kế mĩ thuật sân khấu điện ảnh; Chuyên đề học mĩ thuật 10. Giá 11 cuốn sách giáo khoa này là 73.000 đồng.
 

Bộ sách Chân trời sáng tạo, môn Mĩ thuật cũng có 11 cuốn sách giáo khoa và cùng giống tên với môn Mĩ thuật của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Giá 11 cuốn sách giáo khoa này cũng có giá là 73.000 đồng.

Chẳng lẽ môn Mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông lại phức tạp đến mức không thể gộp chung lại thành 1 cuốn sách giáo khoa nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải đem chia nhỏ nó ra thành 11 cuốn sách giáo khoa/ 1 môn học?

Thế nhưng, ở cấp trung học cơ sở thì môn Khoa học tự nhiên gồm 3 "phân môn", môn Lịch sử và Địa lý có tới 2 "phân môn" hiện hành mà vẫn có thể gộp chung thành 1 cuốn sách. Nội dung giáo dục địa phương có tới 6 "phân môn" khác nhau vẫn chung 1 cuốn sách?

Việc xé nhỏ ra thành nhiều cuốn sách tất nhiên giá thành sẽ đội lên vì mỗi cuốn sách giáo khoa sẽ có thêm 4 trang bìa và phụ lục, kèm theo nhiều thủ tục khác nữa.

Trong khi, môn Toán, Ngữ văn có số tiết nhiều hơn, là môn học bắt buộc thì 2 cuốn sách giáo khoa của 2 học kỳ cũng chỉ có giá thành thấp hơn nhiều sách giáo khoa môn Mĩ thuật.

Giá thành cao, nhà xuất bản nào cũng có lý do riêng

Mặc dù giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có giá cao hơn 2-3 lần sách giáo khoa hiện hành nhưng theo lý giải trong Thông cáo báo chí của đơn vị này thì họ lấy “tiêu chí phục vụ xã hội lên hàng đầu”.

Cụ thể, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu.

Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học”. [1]

Đặc biệt, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn khẳng định: “Giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thấp hơn trung bình 20% so với giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác”. [1]

Vậy, “nhà xuất bản khác” mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hướng tới trong Thông cáo báo chí là nhà xuất bản nào?

Bởi lẽ, sách giáo khoa phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ có 3 bộ sách thì 2 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ còn lại là sách Cánh Diều của Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam thì khẳng định: “Ưu điểm lớn nhất của bộ sách giáo khoa Cánh Diều là chúng tôi luôn đề cao sức khỏe của học sinh lên trên hết.

Công ty đã lựa chọn loại giấy có uy tín nhất trên thị trường hiện nay để in sách giáo khoa, mặc dù giá thành cao hơn các loại giấy khác. Đó là giấy của tập đoàn nổi tiếng APRIL với cam kết sản xuất giấy với chất lượng cao nhất, ảnh hưởng thấp nhất đến môi trường. Bột giấy không chứa clo được sử dụng từ 100% các loại cây trồng có khả năng tái tạo…” [2]

Rõ ràng, cách lý giải của các đơn vị chủ quản của 3 bộ sách giáo khoa đều có cái lý riêng và lý do nào cũng đều có vẻ hợp lý.

Song, điều mà nhiều người có lẽ chưa thấy hợp lý là giá thành các bộ sách giáo khoa quá cao so với giá sách giáo khoa hiện hành. Một bộ sách giáo khoa lớp 3 từ 177.000đ/bộ đến 183.000đ/ bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh) thì rõ ràng chưa phải là điều hợp lý đối với đời sống của nhiều phụ huynh hiện nay.

Bởi vì, đây chỉ mới là sách giáo khoa nên có lẽ phụ huynh còn phải mua thêm rất nhiều sách bài tập, sách bổ trợ, thiết bị học tập theo chương trình mới…thì giá thành sách vở và thiết bị học tập sẽ có giá không hề ít chút nào.

Vì lâu nay mọi người đều thấy sách giáo khoa thường chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số tiền mà phụ huynh phải mua sách vở cho con em mình.

Dù bằng cách này hay cách khác thì phần nhiều các nhà trường đều lồng ghép các loại sách bài tập, bổ trợ, thiết bị học tập để bán cho học sinh ở thời điểm đầu năm học và việc này đã xảy ra từ nhiều năm qua.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/thong-tin-bao-chi-ve-gia-sach-giao-khoa-lop-3-lop-7-va-lop-10-theo-ctgdpt-2018

[2] https://tienphong.vn/lam-sach-giao-khoa-bang-ca-cai-tam-voi-hoc-tro-post1434176.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

 

 
Theo Nguyễn Nguyên/GDVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây