Thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi

Thứ năm - 28/04/2022 14:40
Trong một lần đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, đoàn nhà báo chúng tôi về xã Phú Mỹ Hưng anh hùng, thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi được bảo tồn tại khu vực Bến Dược. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm (1975-2022) ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước xin có đôi dòng cảm nhận về Địa đạo Củ Chi, vùng đất thép anh hùng.
111
Khung cảnh bình yên tại địa đạo
Những gì thấy ở Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi đã giúp tôi như đang được sống trong thời kỳ oanh liệt, gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của quân và dân huyện Củ Chi nói riêng, của cả thành phố Sài Gòn - Gia Định nói chung trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Qua đây, có thêm một lý do nữa để mọi người hiểu tại sao một dân tộc nghèo khó như dân tộc Việt Nam lại đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược giàu có, nhiều súng đạn hiện đại và bè lũ tay sai bán nước chế độ miền Nam Cộng hòa.
111
Những bức tượng tái hiện những hoạt động của các chiến sĩ ngày xưa
 
111
111
111
Qua tìm hiểu rồi trực tiếp chui xuống địa đạo, được biết, ban đầu Địa đạo Củ Chi thực chất là hầm ngầm đào trong lòng đất, có miệng lên, xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở, được xây dựng từ những năm dân tộc ta kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) nhưng còn khá đơn giản chủ yếu dùng che dấu cán bộ khỏi sự truy kích của kẻ thù.

Bước sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, từ năm 1961 đến 1967, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân ở Củ Chi đã phát triển mạnh, gây cho địch nhiều tổn thất to lớn. Để che mắt Mỹ, ngụy, dân quân, du kích và đồng bào Củ Chi tiếp tục đào hầm dưới lòng đất để ẩn nấp, cất dấu tài liệu, vũ khí, lương thực, thực phẩm. Số km địa đạo được đào dưới lòng đất Củ Chi đã dài trên 200 km, từ đường xương sống, (đường chính), tỏa ra vô số nhánh dài, ngắn, ngoằn nghèo ăn thông với nhau. Có nhiều nhánh được trổ ra sông Sài Gòn, để khi gặp tình thế nguy kịch, quân ta có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương). Liên hoàn với hệ thống địa đạo trong lòng đất còn có các hầm rộng để bộ đội, du kích nghỉ ngơi sau khi chiến đấu với địch, có giếng nước cung cấp nước ăn, nước sinh hoạt cho người dưới địa đạo, có bếp Hoàng Cầm, hầm làm việc của các lãnh đạo, hầm chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn...Nhiều đoạn địa đạo được cấu trúc 2, 3 tầng, mỗi tầng cách nhau khoảng 3 m chống được đạn pháo, xe tăng, bom cỡ nhỏ của giặc. Các gia đình ở khu vực “vành đai”, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng. Vào thời kỳ giặc đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều được âm dưới lòng đất, để rồi Địa đạo Củ Chi đã trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với địch trong suốt cuộc chiến tranh. Ngay từ những ngày đầu, khi đạo quân xâm lược của Mỹ đổ bộ vào đất Củ Chi, chúng đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của đồng bào, chiến sỹ nơi đây. Qua 21 năm (1954-1975) chiến đấu kiên cường, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20000 quân dịch, phá hủy trên 5000 xe tăng và xe thiết giáp, bắn roi, bắn hỏng 256 máy bay các loại... Đặc biệt từ hệ thống Địa đạo Củ Chi, bộ đội, dân quân, du kích xông lên hợp lực với nhân dân đồng loạt tấn công vào hang ổ của kẻ thù tại Sài Gòn trong mùa xuân 1968, đánh chiếm hầu hết các mục tiêu trọng yếu của Mỹ ngụy như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân ngụy...

Sau những bất ngờ, Mỹ ngụy nhận ra một điều, nhiều lực lượng chiến đấu của ta xuất phát từ dưới lòng đất, từ đó chúng quyết tâm phá hủy hệ thống địa đạo lợi hại này của ta. Đầu tiên chúng dùng nhiều máy bơm nước có công suất lớn bơm nước vào địa đạo Củ Chi với hy vọng dân quân, du kích, bộ đội ta bị ngợp nước phải chui lên mặt đất, nhưng chúng bơm được bao nhiêu nước vào địa đạo thì bấy nhiêu nước trong địa đạo lại chảy ra sông Sài Gòn qua các nhánh địa đạo trổ ra sông. Bơm nước bất thành chúng lại dùng đội quân chuột cống đánh địa đạo song cũng chỉ phá được một số đọan ngắn địa đạo. Thay đổi chiến thuật đánh phá, lần này chúng sử dụng khoảng 3000 con chó bẹcgiê đánh hơi rất giỏi dẫn đường săn lùng, tìm kiếm phát hiện địa đạo, gây không ít khó khăn cho ta. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, ta không bắn chết chó bẹcgiê, cũng không rắc ớt bột ở miệng hầm nữa vì như thế dễ bị lộ, địch sẽ tập trung đánh phá, mà ta dùng chính xà phòng Mỹ đặt trước cửa hầm, lỗ thông hơi, cửa thông gió khiến chó bẹcgiê không thế phát hiện ra hầm của quân ta nữa, chúng ngửi toàn thấy mùi xà phòng quen thuộc. Như vậy thủ đoạn dùng cho nghiệp vụ để phát hiện, đánh phá địa đạo của quân Mỹ cũng bị thất bại. Tiếp đến quân Mỹ dùng xe cơ giới, gieo cỏ phá địa hình hòng triệt hạ địa đạo Củ Chi của chúng cũng chuốc lấy thất bại cay đắng.

Bất chấp bom đạn tàn bạo của kẻ thù, Địa đạo Củ Chi vẫn trụ vững trong lòng đất mẹ, nhiều phen làm cho quân địch thất điên, bát đảo. Cho tới mùa Xuân năm 1975, nhiều cánh quân lớn, nhiều đơn vị chủ lực, địa phương tập kết từ địa đạo Củ Chi tiến vào giải phóng thị trấn Củ Chi và dinh lũy cuối cùng của địch ở Sài Gòn, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.


 
 
                                                                                             Nguyễn Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây