Kỳ lạ Trường Lũy: Nguyễn Tấn và Phủ Man tạp lục

Thứ năm - 31/03/2022 11:37

Phủ Man tạp lục (ghi chép về chuyện phủ dụ người Thượng) có thể xem là tập sách đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống, ghi lại những tri thức cũng như các hoạt động của Nguyễn Tấn trong vai trò một quan phái của triều đình nhà Nguyễn lĩnh nhiệm vụ chiêu dụ các dân tộc ít người ở miền thượng du Trung bộ, mà chủ yếu là vùng phía tây Quảng Ngãi.

Nguyễn Tấn (1822 - 1871) hiệu là Ôn Khê, tự là Hạ Vân và Tử Vân, người làng Thạch Trụ, nay thuộc xã Đức Lân, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1822) tại phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình), nơi ông nội là Nguyễn Công Tuy đang làm tri phủ. Năm Quý Mão (1843), ông thi đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên.

Nguyễn Tấn khởi ngạch làm quan với chức Huấn đạo, đến năm Ất Tỵ (1845) ông làm tòng sự tại Quốc Tử giám rồi chuyển sang Hành tẩu Cơ Mật viện. Từ năm Canh Tuất (1850) đến năm Quý Hợi (1863), ông lần lượt giữ các chức Hậu bổ Hưng Yên sung chức Hàn lâm viện, Tri phủ An Khánh, Án sát Hưng Yên rồi Thự Án sát Thái Nguyên. Cuối năm 1863, khi đang hành chức ở Thái Nguyên, nghe tin vùng núi rừng phía tây Quảng Ngãi có nhiều biến động mà triều đình đã khá nhọc công nhưng vẫn chưa bình ổn được, Nguyễn Tấn dâng sớ xin về quê, gánh vác trọng trách này. Vua Tự Đức chuẩn y, thăng hàm Thị độc, sung chức Tiễu phủ sứ, ban cấp ấn quan phòng cho ông. Chức Tiễu phủ sứ lần đầu tiên được đặt ra dưới triều Nguyễn và Nguyễn Tấn là người đầu tiên đảm nhận. Về đến Quảng Ngãi, sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, ông trình lên nhà vua và đình thần phương lược cùng kế sách trị an biên cảnh, thu phục lòng dân. Khi được triều đình chấp thuận, Nguyễn Tấn cùng thuộc hạ ra công thực hiện dù phải gánh chịu gian khó nhọc nhằn.

Vừa dùng biện pháp cứng rắn với kẻ kích động, ngoan cố, vừa chọn cách xử lý bao dung với người hối cải, một thời gian sau Nguyễn Tấn đã đem lại yên bình, ổn định cho miền tây Quảng Ngãi. Người Kinh, người Thượng xóa dần nghi kỵ, cùng chăm lo nương rẫy, ruộng đồng; trao đổi vật phẩm, hàng hóa giữa 2 vùng đượcmở rộng. Ông được triều đình ban khen nhiều lần. Năm Canh Ngọ (1870), ông được thăng Hữu thị lang Bộ Binh, vẫn sung chức Tiễu phủ sứ. Người dân

sở tại biết ơn và dành cho Nguyễn Tấn sự trọng vọng, kính phục hiếm thấy. Từ những hiểu biết sâu sắc về địa hạt mình trấn nhậm, Nguyễn Tấn đã biên soạn tập sách Phủ Man tạp lục, một công trình khảo cứu công phu, toàn diện về vùng rừng núi hiểm trở và rộng lớn án ngữ phía tây Quảng Ngãi.

Nguyễn Tấn mất ngày 20 tháng 4 năm Tân Mùi (1871), được truy tặng hàm Hữu Tham tri Bộ Binh. Người Kinh, người Thượng lập đền thờ, dựng bia ghi công đức ông ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi.

Phủ Man tạp lục do Nguyễn Tấn soạn vào năm 1871, khi ông giữ chức vụ Tĩnh Man Tiễu phủ sứ, lo việc bình định vùng người Thượng ở Quảng Ngãi. Tập sách được in và phát hành vào năm Thành Thái thứ mười (1898).

Tài liệu tham khảo cho hậu thế

Phủ Man tạp lục (ghi chép về chuyện phủ dụ người Thượng) có thể xem là tập sách đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống, ghi lại những tri thức cũng như các hoạt động của Nguyễn Tấn trong vai trò một quan phái của triều đình nhà Nguyễn lĩnh nhiệm vụ chiêu dụ các dân tộc ít người ở miền thượng du Trung bộ, mà chủ yếu là vùng phía tây Quảng Ngãi. “Man” là một từ có gốc từ Trung Hoa, được nhà nước phong kiến trước đây sử dụng nhằm chỉ các dân tộc thiểu số ở nơi biên viễn, cụ thể ở đây là các sắc dân miền Thượng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Sách viết bằng chữ Hán, gồm 3 quyển:

Quyển 1: Sơn xuyên hiểm dị (Núi non hiểm trở)

Quyển 2: Thổ nghi (Phong tục tập quán)

Quyển 3: Lịch triều chi kiến thiết duyên cách (Quá trình kiến thiết qua các triều vua)

Tựu trung có hai vấn đề chính được quan chú, đó là vùng đất - con người ở miền thượng du Quảng Ngãi và việc phủ dụ các dân tộc ít người ở đây về với triều đình. Nội dung tác phẩm cho thấy Nguyễn Tấn đã điều tra, ghi chép, miêu tả rất cẩn thận thiên nhiên và con người (núi non sông ngòi, đường đi, ngôn ngữ, tập tục, nếp sống…) miền sơn cước Quảng Ngãi. Cùng với đó là các sách lược đánh dẹp, phương cách phòng ngự qua các thời kỳ và công trạng của các vị danh tướng từng trấn giữ vùng đất này. Mục đích của tập sách được tác giả nêu rõ là để làm tài liệu tham khảo cho hậu thế.

Chắc chắn tập sách có sử dụng những nguồn thông tin từ các thuộc hạ, các thổ hào, thổ mục và người dân bản địa, song cách hành văn, lối trần thuật ở một số đoạn, cho thấy tác giả là người có mặt ở thực địa, tận mắt quan sát và sử dụng hiểu biết của mình để đưa ra các phán đoán, nhận xét.

Mặc dù có một số hạn chế không thể tránh khỏi, xuất phát từ quan điểm của một quan lại nhà nước phong kiến, nhưng Phủ Man tạp lục của Nguyễn Tấn là một tập sách có nhiều tư liệu quý và vẫn rất có giá trị đối với người đọc thời nay, đặc biệt là trong nghiên cứu về dân tộc học.
 

(còn tiếp)

 

Theo Lê Hồng Khánh/Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây