Gương hi sinh TINH THẦN TÔ HIỆU

Thứ ba - 01/03/2022 15:56
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (07/3/1912 - 07/3/2022)
 
TRƯỜNG TRINH
Nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam,
nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

(Đây là bài báo in trên Báo Cờ Giải Phóng, số 10 ra ngày 28/1/1945 nhân kỷ niệm một năm ngày hy sinh của đồng chí Tô Hiệu. Báo Cờ Giải Phóng là cơ quan tuyên truyền, cổ động trung ương của Đảng Cộng Sản Đông Dương hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo một số tài liệu C11. Quyết Chiến là một trong những bút danh của đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương và Tổng biên tập Báo Cờ Giải Phóng)
111
Nhà Cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu

Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên anh được.

Với tính điềm đạm, nhẫn nại và đầy đức tính hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu.

Nhưng than ôi! Người đồng chí đáng yêu quí ấy ngày nay đâu còn nữa. Cực hình ở mật thám và chế độ sinh hoạt ở nhà tù đã cướp mất anh rồi ! Anh đã vĩnh biệt chúng ta để yên giấc ngàn năm trong một góc rừng hiu quạnh ở Sơn La hồi tháng ba tây năm ngoái.

Từ đây giai cấp vô sản đã mất một tên lính xung phong dũng cảm. Toàn thể dân tộc đã mất một đứa con trung thành trọn đời phụng sự cho quyền lợi Tổ quốc.

Hôm nay nhắc đến cái chết của anh, hình ảnh của một cuộc đời gian lao hoạt động trong 15 năm của anh như sống lại với chúng ta trong hiện tại.

Ngay từ 18 tuổi, hấp thu được tinh thần cách mạng của anh là Tô Chấn, một lãnh tụ “Việt Nam Quốc Dân Đảng”, anh đã sớm nhận rõ nhiệm vụ của một người thanh niên yêu nước. Anh liền từ biệt nhà trường để bước vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1930, anh bỏ nhà vào Nam để gây thêm đảng bộ “Quốc dân” trong đó. Nhưng chẳng bao lâu anh sa vào lưới giặc. Trải bao nhiêu trận đòn tù ghê gớm của bọn lính kín Catinat, anh vẫn giữ một dạ trung thành. Sau đó anh bị kết án 4 năm tù, đày ra Côn Đảo: Vào nhà tù, được sống chung với những đồng chí Cộng sản, anh  đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác Lênin và mạnh đạn đứng dưới ngọn cờ chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Anh thông minh, lanh lợi, kiên nhẫn, chịu khó. Các đồng chí đặt rất nhiều hy vọng vào anh. Thì quả thật anh không hề phụ các đồng chí.

Anh mãn về cuối năm 1934. Biết anh là một phần tử cách mạng khá nguy hiểm, bọn mật thám Hà Nội lại lôi anh ra đánh một lần nữa cốt để anh ra về không dám hoạt động nữa. Những chúng đã lầm. Tinh thần cách mạng đã điêu luyện bao năm trong tâm can người chiến sĩ không thể một sức gì lay chuyển được.

Sống trong gia đình chưa được mấy ngày, anh lại tiếp tục công việc cách mạng. Anh gây được nhiều tổ chức cho đảng ở các địa phương.

Năm 1936, anh cùng với một số đồng chí được ân xá chấn chỉnh và thống nhất lại đảng bộ Bắc kỳ. Anh được cử vào ban Thường vụ Xứ ủy. Nhưng ác nghiệt thay! Trong khi anh đang hăm hở hoạt động thì giữa năm 1938, anh mắc bệnh lao.

Đến đây anh đã trông thấy cái chết hằng ngày, nhưng anh không hề lùi bước. Sau mấy tháng nằm nhà thương dưỡng bệnh đến khi anh ra, đảng liền phái anh xuống Hải Phòng vào đầu năm 1939 để chỉ huy phong trào ở đấy. Chỉ trong vòng có mấy tháng, những cuộc tranh đấu bao gồm hàng vạn thợ do anh lãnh đạo đã nổ ra liên tiếp ở khắp các ngành kỹ nghệ. Bọn đế quốc hoảng sợ, chúng lùng bắt anh ráo riết.

Tháng 9 - 1939, đế quốc chiến tranh bùng nổ. Đảng liền triệu anh về Hà Nội để tiện việc chỉ huy. Anh vội thu xếp đi thì bị bắt. Lại một lần nữa cực hình tra tấn thử thách anh. Nhưng đã nguyện hy sinh cho cách mạng đến cùng, anh thà chết chứ không chịu khai. Quân thù đành phải khuất phục trước tin0h thần sắt đá ấy.
111
Cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La
Anh bị kết án 5 năm đày đi Sơn La. 5 năm tù đối với anh là một bản án tử hình. Bệnh càng ngày càng trầm trọng, lại sống trong cảnh bốn tường một cửa ở nơi nước độc rừng xanh, anh còn hy vọng đâu sống đến ngày mãn hạn.

Nếu ai gặp tình cảnh ấy thì không khỏi bi quan chán nản. Nhưng anh là một người giàu nghị lực, chẳng lúc nào buồn. Trên làn môi khô héo đã cạn dần sinh lực của anh vẫn luôn luôn nở một nụ cười tin tưởng. Nên dù nằm trong nhà ngục anh không hề sao nhãng công tác cách mạng. Anh đã đào tạo cho phong trào biết bao cán bộ có năng lực. Những đêm đông lạnh lẽo, trước ngọn đèn mờ, trong một căn nhà giam u ám, anh thường ôm ngực, ho ra từng cục máu mà anh vẫn thức đến một, hai giờ khuya để làm việc. Anh đã để lại cho chúng ta những sáng tác có giá trị về lý luận cũng như về công tác.

Đời anh chỉ lấy sự hoạt động chính trị làm vui. Anh không bao giờ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Bình sinh anh vẫn thường nói: “Mình chỉ e chết sớm không làm hết được những điều đã dự định”. Vì vậy, lúc nào anh cũng ráng sức cho đến khi hấp hối, anh còn gắng gượng nói với chúng ta những lời căn dặn cuối cùng “Các đồng chí hãy cố gắng hơn lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình”.

Giữa lúc tình thế hết sức nghiêm trọng, cuộc khởi nghĩa của dân tộc đã tiến sát sau lưng, và đang đòi hỏi ở chúng ta một tinh thần hy sinh quả cảm, chúng ta phải hăng hái tiến bước và khắc sâu vào đáy tim của chúng ta lời căn dặn cuối cùng của anh Tô Hiệu:
“Các đồng chí hãy cố gắng hơn lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình”.


Quyết Chiến 
Trích từ cuốn: Tinh thần Tô Hiệu
Do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây