Trong căn nhà thờ mới xây của cựu chiến binh Đoàn Định Trịnh tại thôn Bình Cầu, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, một số cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu chống quân Bành trướng xâm lược ngày 17/2/1979 đã có những giây phút nhớ lại những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ biên cương của tổ quốc. Ông Lưu Ngọc Thảo, hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Ân Thi kể: “Lúc đó tôi là tiểu đội trưởng thông tin thuộc Trung đoàn 228, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ chốt Cao Ba Lanh - Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất của tỉnh Quảng Ninh. Sáng 17/2, quân địch nã pháo sau đó dùng chiến thuật biển người xông lên chiếm Cao Ba Lanh, đến trưa chúng tôi đánh bật quân địch, sau đó chúng dùng chiến thuật vu hồi hòng chiếm Cao Ba Lanh, cứ thế ta và địch giằng co… Quân ta tuy ít nhưng chiến đấu dũng cảm, quân địch đã đông, lại có nhiều người phục vụ người hơn, và chúng cũng rất thạo đường rừng núi do chúng sử dụng người Hoa chỉ đường…”
Ông Đỗ Văn Kiểm quê xã Đặng Lễ thuộc quân số Trung đoàn 42 Đặc khu Quảng Ninh ngày đó cho biết: ngày 17/2, đơn vi chúng tôi hành quân gấp lên thị xã Lạng Sơn, quân Trung Quốc đã gây ra những tội ác dã man đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây…
Còn ông Đoàn Định Trịnh thuộc quân số trung đoàn 155 của sư đoàn 327 nhớ lại những trận đánh ác liệt tại Lộc Bình. Đơn vị ông chốt giữ tại cao điểm 480. Thiệt hại cả hai bên là không nhỏ. Khi các quân đoàn chủ lực của ta tiếp viện, quân xâm lược đã phải tuyên bố rút quân…
Trong câu chuyện của những người cựu binh năm ấy, không chỉ là những trận chiến ác liệt, họ bàn luận tại sao Trung Quốc lại xâm lược Việt Nam? Và tại sao truyền thông của Trung Quốc lại đổi trắng thay đen về sự thật của cuộc chiến - rằng: Trung Quốc đánh Việt Nam là để tự vệ (?), đánh Việt Nam là để phản kích (?).
Ông Thảo, ông Kiểm, ông Thịnh còn bày tỏ thái độ nhất trí cao đối với sự lãnh đạo của Đảng về phát triển mối quan hệ và tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Cuộc chiến ngày 17/2/1979 chống quân xâm lược không chỉ là một kí ức bi tráng, mà còn là bài học về truyền thống giữ gìn biên cương lãnh thổ thiêng liêng mà ông cha để lại. Đã có những cuộc gặp gỡ để kỉ niệm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ông Thảo cho biết, vào năm 2018, sau gần 3 tháng chuẩn bị, các cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 228 thuộc Đặc khu Quảng Ninh năm xưa đã tổ chức gặp mặt tại Ân Thi nhân kỉ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, đã có 280 cán bộ chiến sĩ trong khu vực về dự, trong đó số đông là cựu chiến binh người Hưng Yên. Cuộc gặp mặt ngoài tri ân các đồng đội và đồng bào, còn là dịp cổ vũ các cựu chiến binh năm xưa vượt qua khó khăn, tích cực làm giàu, góp phần xây dựng quê hương.
Ông Thảo cho biết thêm, năm nay vì ảnh hưởng của dịch Covid nên có những kế hoạch của cựu chiến binh Trung đoàn 228 năm xưa phải tạm hoãn. Các cựu chiến binh năm xưa đang lên kế hoạch xây dựng một vài công trình trên mảnh đất mình từng chiến đấu để tri ân cán bộ chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979.