Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm các quyền hợp pháp và chính đáng đó.
Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC; tạo môi trường thuận lợi cho việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, bà Hằng tuyên bố.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở tại Washington (Mỹ), tuần trước công bố ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10 cho thấy đội tàu Trung Quốc hiện diện trở lại trong khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3, hơn 200 tàu của Trung Quốc hiện diện gần đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam đến tận cuối tháng mới tản ra, khi sức ép quốc tế gia tăng.
AMTI cũng cho biết ảnh vệ tinh hồi đầu tháng 8 cho thấy khoảng 40 tàu Trung Quốc bắt đầu quay lại khu vực phía bắc cụm Sinh Tồn. Đến tháng 9, đội tàu Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn tăng lên hơn 100 chiếc và tiếp tục tăng lên 150 chiếc một tháng sau đó.
Iran thu giữ tàu chở dầu mang cờ Việt Nam
Tại cuộc họp báo, bà Hằng xác nhận thông tin Iran thu giữ một tàu chở dầu mang cờ Việt Nam từ tháng trước.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội, đồng thời Đại sứ quán Việt Nam tại Iran đã làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và giải quyết vụ việc.
Ngày 27/10, trong cuộc trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, thuyền trưởng tàu MV Southys cho biết, toàn bộ 26 thuyền viên được đối xử tốt, tình trạng sức khỏe bình thường. Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Bộ GTVT để xác minh nhân thân các thuyền viên, yêu cầu công ty sở hữu và chủ tàu bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam khẳng định sẽ tích cực theo dõi sát, thường xuyên làm việc với các cơ quan chức năng Iran để nhanh chóng giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, thực hiện những công việc cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
Trước đó, AP dẫn thông tin từ hai quan chức Mỹ tiết lộ Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã dùng súng để khống chế và chiếm quyền kiểm soát tàu MV Southys ngày 24/10. Quân đội Mỹ đã theo dõi vụ việc nhưng không hành động vì con tàu đi vào vùng biển Iran.
Theo Thu Loan/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên