Brando Brayend Tewuh, 29 tuổi, nhảy khỏi con tàu cá cùng 3 người Indonesia khác hồi tháng 8 để trốn khỏi cảnh bị lạm dụng và cố bơi vào bờ biển Somalia. Tuy nhiên, nỗ lực của họ vô ích. Sau vài giờ đồng hồ trôi dạt trên biển, 3 người trong số họ bị vớt trở lại tàu, còn người thứ tư được tin là đã chết đuối.
“Tôi sẽ không bao giờ làm việc trên tàu nữa”, Tewuh nói với South China Morning Post khi anh nhớ lại thời gian kinh hoàng. Anh kể rằng cuộc chạy trốn của anh chỉ kết thúc sau khi có sự can thiệp của Chính phủ Somali và Indonesia.
Tewuh cho biết anh đã làm việc nhiều tháng trời mà không được trả lương. “Thường là 24 giờ không ngủ và rất ít thức ăn”, anh nói về tình trạng làm việc sau khi ký hợp đồng 1 năm để lên làm việc trên tàu cá Liao Dong Yu.
Tai nạn chết người đầu tiên mà anh chứng kiến xảy ra vào tháng 7/2020, khi anh và các thuyền viên khác vừa kết thúc ca làm việc dài 24 giờ không ngủ. Họ đang ăn trưa thì nghe tiếng chuông reo gọi họ quay lại boong tàu để kéo lưới.
“Lưới rất nặng vì trong đó không chỉ có cá mà cả cát. Khi chúng tôi kéo được nó lên, xích bị đứt và cả lưới cá rơi trúng một thuyền viên người Trung Quốc tên là Zhou Hsun Wei”, anh Tewuh kể khi đang ở quê nhà ở Bắc Sulawesi, Indonesia.
Tai nạn đẩy Zhou rơi xuống biển. 5 tiếng sau đó thi thể thuyền viên này mới được vớt lên.
“Vì sao một người tốt như Zhou Hsun Wei phải chết thảm như vậy? Anh ấy đối xử tốt với tất cả chúng tôi, chia sẻ với tôi từng chai nước và thức ăn”, Tewuh nói.
Thi thể Zhou, 35 tuổi, ban đầu được giữ trong tủ đông, nhưng sau đó bị ném xuống biển, khiến Tewuk “sốc toàn tập”. Anh nói rằng gia đình Zhou đáng được nhìn mặt người thân của họ lần cuối.
Một năm sau, tai nạn tương tự xảy ra trên một chiếc tàu khác thuộc công ty Liao Dong Yu.
Lần đó, dây xích đứt khiến lưới cá rơi trúng 2 thuyền viên Indonesia. Một người chết trên tàu, người kia rơi xuống biển và thi thể không bao giờ được tìm thấy.
“Sau tai nạn, tôi và bạn bè sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra với chúng tôi”, Tewuh nói.
Tewuh nói rằng thuyền trưởng là “người xấu”, thường đánh đập cả thuyền viên người Trung Quốc và Indonesia “cho đến khi họ chảy máu” chỉ vì vi phạm nhỏ nhất.
Ngay cả khi hợp đồng hết hạn vào tháng 12/2020, trải nghiệm kinh hoàng vẫn chưa kết thúc với Tewuh, vì chủ tàu từ chối cho anh hồi hương. Anh nhận ra rằng anh không có lựa chọn nào khác ngoài cách tiếp tục làm việc để có đồ ăn, dù không được trả lương. Nhưng đến tháng 5 năm nay, anh từ chối làm tiếp.
Đến giữa tháng 6, Tewuh liên lạc được với bố mẹ qua điện thoại để cầu cứu. Anh cũng đưa một video về tình cảnh của mình lên Facebook. Video đã thu hút chú ý của Cơ quan giám sát nghề cá Indonesia, nhưng trước đó Tewuh và 3 thuyền viên đồng hương đã quyết định nhảy khỏi tàu vào ngày 15/8.
“Chúng tôi không biết đang ở đâu. Chúng tôi cố gắng ở gần nhau nhưng bị sóng lớn tách ra”, Tewuh nhớ lại.
Anh và người bạn Aji Proyogo nắm tay để ở gần nhau, cho đến khi con tàu mà họ nhảy ra tiếp cận họ.
“Chủ tàu tìm thấy chúng tôi và ném một sợi dây thừng về phía tôi. Khi tôi với tay để nắm dây, tay của Aji trượt khỏi tôi và anh ấy biến mất. Thi thể anh ấy không bao giờ được tìm thấy”, Tewuh kể.
Hai người khác cũng được vớt lên.
Cuộc bỏ trốn đó không thành công, nhưng Tewuh và 11 người Indonesia khác được chủ tàu cho hồi hương vào ngày 28/8 vì sức ép của các cơ quan Chính phủ Indonesia và Chính phủ Somali.
Giờ đang thất nghiệp, Tewuh nói rằng anh hy vọng sẽ tự kinh doanh để giúp gia đình, trong khi anh không biết khi nào công ty Trung Quốc mới trả số tiền lương cho những tháng ngày anh làm việc cho họ.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Indonesia, ít nhất 35 người Indonesia làm việc cho tàu cá nước ngoài đã thiệt mạng trong thời gian từ tháng 11/2019-3/2021.
Trong số đó, 82% làm việc trên các tàu cá của Trung Quốc đại lục.
Theo Bình Giang/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên