Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo giàu tinh thần đổi mới, sáng tạo của Đảng ta*
Thứ năm - 14/10/2021 09:14
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP**
Anh Nguyễn Văn Linh giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, từ năm 1929. Suốt cuộc đời, anh đã kiên cường, bền bỉ chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa của Đảng, của dân tộc.
Tôi nghe nói đến anh từ năm 1937, khi làm việc ở tòa soạn báo Le Travail - tờ báo tiếng Pháp công khai của Đảng xuất bản tại Hà Nội, một hôm anh Trường Chinh (lúc bấy giờ là Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ) cho biết, Xứ uỷ Bắc Kỳ vừa công nhận đảng viên cho đồng chí Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Nguyễn Văn Cúc (tức Nguyễn Văn Linh), vì năm 1936 Trung ương cho rằng anh đã là đảng viên từ năm 1930 nên cử đi xây dựng lại cơ sở đảng ở Hải Phòng. Đại hội Đảng bộ Hải Phòng năm 1937 tin tưởng và bầu anh làm bí thư. Anh không dám nhận và báo cáo với Xứ uỷ, được Xứ ủy công nhận kết nạp Đảng từ năm 1936 để giữ cương vị Bí thư Thành uỷ.
Anh Nguyễn Văn Linh đã hai lần bị đày đi Côn Đảo. Cả hai lần ở tù anh đã tự học tập, rèn luyện trưởng thành, giữ vững khí tiết trong đấu tranh, trở thành người đảng viên kiên trung, bất khuất của Đảng, của cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, anh được Trung ương cử về tăng cường cho Đảng bộ Nam Bộ, chính vào lúc quân dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh là người đã có công đầu trong việc đề xuất và thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn làm một, lập ra Thành uỷ lâm thời thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, anh đã có công lao lớn góp phần lãnh đạo phong trào ở Sài Gòn - Gia Định với các cương vị: Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu uỷ Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1953, anh được Trung ương điều ra Việt Bắc, nhận nhiệm vụ ở Ban Tuyên huấn Trung ương.
Đến năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc đấu tranh ở miền Nam bước vào thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã quyết định phân công anh Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị và một số cán bộ cao cấp của Đảng, trong đó có anh Nguyễn Văn Linh trở lại Nam Bộ hoạt động.
Năm 1957, theo sự điều động của Trung ương, anh Lê Duẩn ra Bắc công tác. Anh Nguyễn Văn Linh thay thế anh Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Anh Linh nhận trọng trách mới trong thời kỳ cách mạng miền Nam diễn ra cực kỳ gay go, quyết liệt, kẻ thù đàn áp dã man đồng bào, đồng chí nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Trước tình hình cực kỳ khó khăn ấy, anh đã cùng với các đồng chí Xứ uỷ kiên định, vững vàng bám sát cơ sở, lãnh đạo quần chúng sáng tạo ra những hình thức đấu tranh thích hợp, giữ vững phong trào, báo cáo tình hình ra Trung ương, đóng góp nhiều ý kiến vào Nghị quyết 15 và tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách sáng tạo, đưa phong trào cách mạng miền Nam nổi dậy đồng khởi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, anh đã có công lao lớn cùng Trung ương Cục chỉ đạo quân và dân miền Nam cùng cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, anh Nguyễn Văn Linh được Trung ương cử làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã cùng với Thành uỷ lãnh đạo ổn định tình hình chính trị - xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân, thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với Trung ương chủ trương thi hành chính sách đại đoàn kết dân tộc, “hoà hợp dân tộc”; động viên mọi người, từ công nhân, nông dân đến nhân sĩ trí thức, người có đạo và không có đạo, người Việt hay người Hoa, bất cứ thuộc thành phần giai cấp nào đều hướng vào mục tiêu chung, cùng nhau đoàn kết xây dựng Tổ quốc.
Sau Đại hội Đảng lần thứ IV, đầu năm 1977, anh thôi giữ chức Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội phụ trách Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, rồi làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam cho đến năm 1980. Những năm 1980, 1981 anh thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và được phân công theo dõi thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ tại các tỉnh phía Nam.
Tháng 12 năm 1981, được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã ra sức nghiên cứu tình hình, khảo sát thực tế, mạnh dạn nêu lên những khuyết điểm, những chính sách không phù hợp của Đảng và Chính phủ trong việc quản lý kinh tế - xã hội làm sản xuất đình trệ. Anh là một trong những người có công đầu đề ra và thực hiện một số chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lúc bấy giờ chưa được lãnh đạo nhất trí. Cho đến khi Trung ương cử anh Trường Chinh vào kiểm tra tình hình thực tiễn, trực tiếp nghe ý kiến một số giám đốc xí nghiệp, đi nghiên cứu một số cơ sở thấy tình hình đúng như Thành phố báo cáo. Anh Trường Chinh kết luận cần phải đổi mới, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.
Từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu ý kiến với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và sửa lại báo cáo chính trị trình ra Đại hội toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới. Ý kiến của anh Nguyễn Văn Linh đã được lãnh đạo chấp nhận, tháng 6 năm 1985, anh được bầu vào Bộ Chính trị và tháng 6 năm 1986 được bầu vào Ban Bí thư Trung ương làm Thường trực Ban Bí thư, tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VI dưới sự chủ trì của anh Trường Chinh.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, anh Nguyễn Văn Linh đã được bầu làm Tổng Bí thư. Nhận trọng trách là người đứng đầu Đảng trong hoàn cảnh đất nước đang diễn ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tình hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô đang có những biến động lớn, đứng trước nguy cơ sụp đổ, anh Nguyễn Văn Linh đã thể hiện là một đồng chí lãnh đạo vững vàng, sáng tạo.
Trong công cuộc đổi mới, anh luôn nắm vững quan điểm đổi mới có nguyên tắc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Anh đã thẳng thắn phê phán quan điểm đa nguyên của một vài đồng chí trong Đảng, kể cả đồng chí là uỷ viên Bộ Chính trị lúc bấy giờ.
Trước tình hình có nhiều biểu hiện trì trệ, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, anh đã trực tiếp viết một loạt bài báo nêu lên “Những việc cần làm ngay” thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, đã tạo nên không khí mới trong xã hội. Việc làm này tuy gặp khó khăn, nhưng cũng đã có kết quả nhất định, góp phần đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực.
Anh luôn coi trọng giáo dục đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán nghiêm khắc những hiện tượng tham nhũng, suy thoái phẩm chất, thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên cao cấp.
Trên cơ sở giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững kỷ cương, anh đã chú ý thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Anh đã từng nói rất đúng: “Để thực hiện dân chủ hoá xã hội trước hết phải dân chủ trong Đảng. Từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các tổ chức Đảng ở cơ sở phải làm gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ. Mọi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đều phải sống và làm theo pháp luật như mọi công dân bình thường, không có ngoại lệ”.
Anh luôn quan tâm giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng theo Di chúc của Bác Hồ. Bản thân anh sống khiêm tốn, đoàn kết, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ.
Thời gian làm Tổng Bí thư, anh đã cùng Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra và lãnh đạo thực hiện nhiều quyết sách đổi mới đúng đắn, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, trong chính sách đối ngoại và bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI và các Nghị quyết Trung ương khoá VI làm cho đất nước đứng vững, ổn định, từng bước vượt qua khủng hoảng để phát triển tiến lên.
Anh cũng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc rút kinh nghiệm của những năm đầu đổi mới, tiếp tục phát triển đường lối của Đại hội lần thứ VI để đề ra những quyết sách mới trong các Văn kiện Đại hội lần thứ VII. Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII, anh đã nhất trí với ý kiến cần xác định rõ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và chủ trương đưa vấn đề này ra toàn Đảng thảo luận. Đại hội các cấp đến Đại hội toàn quốc của Đảng đã nhất trí với luận điểm nói trên. Đúng như anh đã nói: “Cái mới trong Văn kiện Đại hội lần này là cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây là một quyết nghị cơ bản, cực kỳ quan trọng, mở đường cho sự phát triển lý luận và đường lối của Đảng ta.
Nhìn lại quá trình cách mạng, anh Nguyễn Văn Linh đã có đóng góp to lớn trong vận động cách mạng, trong cuộc kháng chiến vĩ đại giải phóng dân tộc 30 năm cũng như trong công cuộc đổi mới. Anh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, giàu tinh thần đổi mới, sáng tạo. Anh đã nêu một tấm gương đấu tranh kiên cường, bền bỉ, sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Suốt cuộc đời, anh đã hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Tuy chỉ làm Tổng Bí thư trong một nhiệm kỳ, nhưng anh đã để lại uy tín và tình cảm tốt đẹp trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Đối với tôi, anh Nguyễn Văn Linh là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, thuỷ chung. Tưởng niệm anh, tôi nghĩ điều thiết thực nhất là chúng ta hãy học tập, noi gương anh về phẩm chất đạo đức của người cộng sản trọn đời kiên trung với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn đi sát thực tiễn phát triển lý luận, chống giáo điều bảo thủ, dám đổi mới sáng tạo, sống giản đị, liêm khiết, trung thực; và chúng ta hãy ra sức phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX và các Nghị quyết Trung ương khoá IX đã đề ra.
Trích từ cuốn: Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản kiên trung, sáng tạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn
NXB Chính trị Quốc gia
* Bài viết đã được in trong: Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Sdd, 2003, tr. 31-36. **Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.