Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì giá lợn hơi có xu hướng giảm mạnh từ tháng 4/2021 đến nay khi dịch Covid-19 bắt đầu có những diễn biến phức tạp.
Thậm chí, hiện nay, giá lợn hơi hôm nay 1/10 ở nhiều nơi đã xuống dưới mức 50.000 đồng/kg.
Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi ở miền Bắc của các doanh nghiệp dao động trong khoảng 44.000-51.000 đồng/kg, trong dân chỉ từ 43.000-46.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở các tỉnh miền Trung dao động trong khoảng 41.000-52.000 đồng/kg (đối với công ty) và 46.000-48.000 đồng/kg (đối với nông hộ.
Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Nam dao động trong khoảng 45.500-51.500 đồng/kg (tại công ty) và 44.000-46.000 đồng/kg (tại nông hộ).
Cục Chăn nuôi, với giá thành sản xuất hiện tại thì chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ đang lỗ từ 8.900-9.700 đồng/kg; nông hộ lỗ từ 7.700-8.700 đồng/kg; chăn nuôi trang trại, tập đoàn lớn lãi từ 1.900-2.700 đồng/kg.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục từ đầu năm đến nay, tác động lớn đến giá thành chăn nuôi trong nước.
Chỉ số giá thức ăn chăn nuôi quý III tăng đến 8,95% và lũy kế 9 tháng tăng 5,98% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 60% trong khi giá lợn hơi giảm tới 40 - 50%, đẩy người chăn nuôi vào tình trạng thua lỗ và không thể tái đàn.
Lý giải về việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tại cuộc họp báo Công bố số liệu Thống kê Kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân chính là do nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu lại tăng cao từ 200-300% vì thiếu tàu biển, container rỗng làm giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu 9 tháng tăng 9,28%.
Có thể thấy, nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm một phần nguyên nhân là do Trung Quốc cũng tăng tốc thu gom các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương.
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi khiến nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có.
Theo báo cáo của AgroMonitor, năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 11,3 triệu tấn ngô nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, con số này đã là 15,3 triệu tấn, trở thành quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Trung Quốc năm 2020 là 250 triệu tấn, trong khi con số này trong 6 tháng đầu năm 2021 là khoảng 140 triệu tấn.
Trong khi đó, Việt Nam cũng tăng tốc nhập khẩu ngô do nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng lượng khiêm tốn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập 6,9 triệu tấn ngô, trị giá trên 1,91 tỷ USD.
Đáng chú ý, do Trung Quốc cũng tăng cường thu mua nên giá ngô nhập khẩu trung bình đạt gần 280 USD/tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách phù hợp để kiểm soát thức ăn chăn nuôi.
Theo Khánh Nguyên/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên