Vừa qua dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện bạo lực trẻ em hay an toàn đối với trẻ trong thời gian giãn cách xã hội.
Có thể kể đến ở đây như câu chuyện đau lòng tại Hà Nội, là việc bé gái 6 tuổi tử vong thương tâm, nghi bị cha đẻ bạo hành hay câu chuyện bé trai 10 tuổi tử vong do bị điện giật khi học online.
Từ những vụ việc kể trên, chuyên gia nhận định việc giãn cách xã hội trong thời gian qua đã và đang có tác động rất lớn tâm lý của các gia đình, những ông bố và bà mẹ và các con.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, bác sĩ Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) cho biết: Hiện nay, trong giai đoạn giãn cách xã hội cả người lớn và trẻ em đều bị cấm túc trong nhà, không thể đi làm, không kiếm sống được, thiếu ăn, thiếu lương hoặc lương bị giảm…dẫn đến các rối nhiễu và sang chấn tâm lý rất cao kể cả trẻ em và người lớn.
Từ các câu chuyện bức bối, những rối nhiễu tâm lý dẫn đến sang chấn tâm lý, vì thế người lớn có thể xuất hiện cáu gắt, bực bội, mắng mỏ, đánh đạp con cái… trẻ nhỏ thì nghịch ngợm nên nguy cơ bạo lực và tai nạn thương tích là rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, vấn đề bạo lực, bạo hành trẻ con chúng ta đã nói nhiều, nhưng trong hoàn cảnh giãn cách xã hội như hiện nay cũng cần có cái nhìn khách quan gây ra.
Nói về những giải pháp cần đưa ra để giảm tải những áp lực hay xu hướng bạo lực kéo theo trong thời gian giãn cách, bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ, trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cần đẩy mạnh quan tâm và có những biện pháp giúp người dân tiếp cận những kênh tư vấn về giảm và giải toả những sang chấn.
Đồng thời, tuyên truyền bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại và bạo lực về thể xác và tinh thần.
"Phải có truyền thông liên tục trên các phương tiên thông tin đại chúng và đặc biệt hiện nay là qua các kênh truyền hình, trong thời gian này luôn luôn phải kèm theo thông điệp truyền thông vấn đề bảo vệ trẻ em để các em được an toàn, bảo vệ và không bị xâm hại." vị chuyên gia này chia sẻ.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các cán bộ công tác xã hội ở cộng động, về các kiến thức bảo vệ trẻ em và tuyên truyền về luật pháp luật.
Điều nữa, pháp luật phải xử lý thật nghiêm, các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ để răn đe, làm gương.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông luật chia sẻ, từ nhiều năm nay, trong các gia đình, nhà trường và cả xã hội vẫn đang xảy ra khá nhiều vụ việc bạo lực đối với trẻ em. Nếu như tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thường xuyên thì sẽ dẫn tới vòng luẩn quẩn "bạo lực sinh ra bạo lực" khi những đứa trẻ ấy trưởng thành.
"Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra một quy luật rằng nếu như những đứa trẻ có tuổi thơ bị ngược đãi thì khi lớn lên, đứa trẻ đó cũng sẽ xuất hiện hành vi ngược đãi đối với những người khác; kể cả khi đó là những đứa con do chính mình đẻ ra. Thậm chí, con người sẽ có thể trở nên vô cảm ngay cả khi đã gây ra những vụ việc mang lại hậu quả xấu hoặc tỏ ra vô trách nhiệm với chính cuộc đời của mình", Luật sư Bình nói.
Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, mục đích dạy dỗ con cái của những bậc làm cha mẹ là chính đáng, và nó cũng rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Các bậc làm cha mẹ thường sẽ đưa ra những lý lẽ riêng để bảo vệ cho quan điểm giáo dục của mình. Song, có một vấn đề và câu hỏi lớn được đặt ra ở đây đó là: Cần phân biệt thế nào giữa ranh giới của "yêu cho roi cho vọt" và hành vi bạo hành, ứng xử bằng bạo lực với trẻ?
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó đã trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 đã chỉ ra rằng những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội hiện tại hoặc đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp bạo lực gia đình ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.
Theo Minh Chí/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên