Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Đám tang của vua Khải Định

Thứ tư - 15/09/2021 16:07
Sau lễ mừng 40 tuổi được hơn một năm, vua Khải Định thăng hà vào ngày 6.11.1925 vì bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó. Trước khi mất, ngoài bản di chiếu, nhà vua còn kịp gửi gắm Hoàng thái tử Vĩnh Thụy mới 12 tuổi cho Khâm sứ Huế Pasquier, nhờ chăm sóc giùm.
111
Thái tử Vĩnh Thụy đứng chịu tang vua cha /// ẢNH: TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN
Trưa ngày 6.11, các ngự y dùng 5 loại cỏ thơm nấu nước để lau thi hài nhà vua, sau đó mặc quần áo mới. Người ta cho vào miệng ông 9 viên ngọc và 9 hạt gạo, rồi dùng một tấm vải vàng phủ lên mặt, cột lại phía sau gáy. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 5 giờ chiều và 11 giờ tối hôm ấy, thi hài được bỏ vào tử cung (quan tài của nhà vua) đặt giữa điện Cần Chánh, đầu hướng về phía nam.

Sau khi Bộ Lễ công bố sự qua đời của nhà vua, Khâm thiên giám được yêu cầu tra cứu những ngày lành tháng tốt thích hợp với tuổi tác người quá cố để định những nghi thức quan trọng trong lễ tang (Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) số 26/1926).

Lễ thành phục được định vào giờ Thân (3 - 5 giờ chiều) ngày 17.11.1925, tức 11 ngày sau khi vua Khải Định qua đời. Một viên thái giám mời 2 bà thái hậu nhận tang phục và hướng dẫn các bà ra hành lễ; một viên quan Bộ Lễ mặc tang phục bước vào xin phép đặt lên ngai vàng vua một dải lụa bạch thắt các gút to tượng trưng linh hồn người chết. Những người hiện diện quỳ lạy theo lời hô xướng của viên quan điều hành buổi lễ. Khi lễ thành phục chấm dứt, mọi người lui ra. Một viên thị vệ kính cẩn mời 2 bà thái hậu và các bà phi của nhà vua đến lạy trước bàn thờ người quá cố. Sau đó, đến các bà phi của những vua khác, các công chúa, các bà vợ chánh của những đại thần.

Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne chứng kiến

Theo di chiếu của vua Khải Định, thời gian chịu tang của người trong hoàng tộc và triều thần được rút ngắn lại. Các bà thái hậu chịu tang 6 tháng, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy 15 tháng thay vì 27 tháng. Tang phục cũng thay đổi: áo trắng, sợi to, xổ gấu, hoặc áo đen khăn trắng. Cấm chỉ dùng quần áo màu hồng, màu tím trong 100 ngày và trong thời gian chờ chôn cất, không được tổ chức cưới hỏi, hát xướng.

Theo đề nghị của Khâm thiên giám, lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày 29.1.1926, tức gần 3 tháng kể từ ngày nhà vua nhắm mắt. Trong thời gian này, tử cung quàn tại điện Cần Chánh, các buổi lễ cúng tổ chức hằng ngày dưới trách nhiệm của ban lễ tang, các viên chức Bộ Lễ và các thị vệ trong cung.

Ngày 8.1.1926, khi nghi thức lễ tang tiếp tục theo cổ lệ thì lễ tức vị của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy với niên hiệu Bảo Đại cũng diễn ra tại triều đình. Các quan mặc phẩm phục đại triều theo đúng nghi thức, có sự chứng kiến của Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne. Sau đó, Tân quân được rước đi chào và lạy tạ các bà thái hậu.

21 ngày sau lễ tức vị của vua Bảo Đại, ngày 29.1.1926, lễ an táng vua Khải Định mới bắt đầu. Sáng hôm đó cửa cung điện đóng kín, chỉ có Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Huế và một số viên chức cao cấp Pháp đến chào hoàng tộc và tháp tùng đoàn người đưa tang.

Theo chương trình, quan tài của nhà vua được di chuyển từ cung điện đến nơi chôn cất thuộc làng Chân Chữ, H.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên trong 2 ngày. Hương án được các làng xã đặt dài trên đường và các bô lão quỳ lạy khi đám tang đi qua. Chiếc nhà vàng nặng 6 tấn trên đặt quan tài được 160 người mạnh khỏe khiêng đi nhịp nhàng không làm sánh đổ một giọt nào trong những ly rượu đầy đặt trên áo quan. Lúc này, không có dàn nhạc, những người đàn bà khóc mướn ở lại kinh thành, đám tang lặng lẽ đi trong yên lặng, một thứ im lặng ngậm ngùi của những hoài niệm về một quá khứ vàng son.

Đêm đó, đoàn người ngừng lại nghỉ tại đàn Nam Giao. Đây là nơi mà vua Khải Định từng đến mỗi 3 năm để hành lễ tế giao, một nghi thức truyền thống có tại nước ta từ thế kỷ thứ XII.

Sáng 30.1.1926, đám tang tiếp tục lên đường và đêm đó quan tài được quàn tại hầm mộ nơi an táng. Các lễ cúng được tổ chức ngày hôm trước. Vua Bảo Đại cùng các bà thái hậu và các bà phi ẩn mình sau một tấm màn vàng giữa hầm mộ, bên phải là các phụ nữ Pháp cùng vợ các quan lại VN, bên trái là các quan khách Pháp. Sau một phút mặc niệm, viên Toàn quyền Đông Dương Varenne đã đọc một bài điếu văn ngắn ca ngợi người quá cố, một người bạn của nước Pháp “trong sự tôn kính quá khứ đã hiểu rõ hiện tại và biết chuẩn bị tương lai” (BEFEO - số 26/1926 - sđd - tr.504).

Sau đó, một viên quan Bộ Lễ quỳ xuống xin phép nhà vua quá cố cho hạ huyệt. Chiếc áo quan được cởi bỏ lớp vải phủ và quan tài được hạ nhẹ nhàng xuống lòng huyệt. Người ta cho đốt những đồ vật làm bằng giấy bồi và quần áo của người quá cố, chấm dứt một trong những lễ tang tương đối đơn giản của một vị vua triều Nguyễn.

Sau lễ tang, vua Bảo Đại, lúc đó mới 13 tuổi, tiếp tục sang Pháp học, quyền nhiếp chính tại triều đình nằm trong tay bà Thái hậu Từ Cung (Hoàng Thị Cúc) và Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân.


 
Theo Lê Nguyễn/Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây