"Chìa khóa" của các nước khi sống chung với Covid-19

Thứ tư - 08/09/2021 21:27
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh tiêm chủng và học cách thích nghi với "cuộc sống bình thường mới".
111
Người dân xét nghiệm Covid-19 tại một ngôi chùa ở Bangkok (Ảnh: Bloomberg).

Thái Lan đổi chiến lược, chuyển sang học cách sống chung với Covid-19

Thái Lan đang trong quá trình chuẩn bị cho việc sống chung với Covid-19, với các kế hoạch sơ bộ được vạch ra để nới lỏng một số hạn chế và mở cửa biên giới cho những du khách đã tiêm chủng, ngay cả khi các ca nhiễm mới vẫn ở mức khoảng 20.000 người mỗi ngày.

Theo Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, ngày 23/8, Ủy ban Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Thái Lan đã thông qua việc thay đổi chiến lược của đất nước, chuyển sang "học cách sống chung với Covid-19" và công nhận bản chất đặc hữu của virus.

Theo ông Karnkawinpong, trọng tâm trong tương lai sẽ là ngăn chặn số ca nhiễm vượt quá khả năng của hệ thống y tế Thái Lan, với các biện pháp chính bao gồm tiêm chủng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và truy vết ca nhiễm nhanh hơn, với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh và lây nhiễm.

Các đề xuất sơ bộ bao gồm nới lỏng một số quy định vào tháng 9 và nhân rộng mô hình mở cửa hoạt động du lịch vào tháng 10 dựa trên một dự án thử nghiệm ở Phuket.

Thái Lan từng được xem là câu chuyện thành công vào thời kỳ đầu của đại dịch. Khi đó, Thái Lan ghi nhận tương đối ít ca nhiễm mặc dù họ là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc phát hiện người mắc Covid-19.

Sự tự tin ban đầu về khả năng kiểm soát đại dịch là một trong những lý do khiến chính phủ Thái Lan chậm đảm bảo nguồn cung vắc xin và tăng cường tiêm chủng. Sau đó, một loạt sai sót trong chương trình tiêm chủng của Thái Lan đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc xin ngay cả khi biến chủng Delta xuất hiện. Điều này khiến các ca nhiễm tăng không ngừng tại Thái Lan kể từ tháng 4 đến nay.

Ông Karnkawinpong cho rằng việc xác định được đỉnh dịch sẽ cho phép một số hạn chế được nới lỏng.

Theo giới chức y tế Thái Lan, dữ liệu mới nhất về số ca dương tính, kết quả xét nghiệm, bệnh nhân đang điều trị tích cực và mô hình lây lan cho thấy dịch đã đạt đỉnh. Thái Lan ngày 23/8 ghi nhận hơn 17.400 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 30/7, so với mức trung bình hơn 20.000 ca nhiễm mới hàng ngày của cả tháng.

Hiện tại, các tỉnh và thành phố, nơi sinh sống của hơn 40% dân số Thái Lan và tạo ra hơn 3/4 GDP, đang bị hạn chế nghiêm ngặt. Chính quyền đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh "không thiết yếu", hạn chế đi lại giữa các tỉnh và áp lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

Sự thay đổi chiến lược của Thái Lan phản ánh bài phát biểu hồi tháng 6 của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha, trong đó nói rằng phần lớn đất nước sẽ được mở cửa trở lại vào tháng 10 "để bắt đầu giảm bớt những tổn thất đáng kể cho những người mất thu nhập của họ". Thủ tướng Thái Lan gọi đây là "rủi ro được tính toán" và yêu cầu người dân "sẵn sàng sống chung với một số rủi ro".

Khoảng 8% dân số cả Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng được ghi nhận cao hơn ở các khu vực đã mở cửa trở lại theo chương trình du lịch đặc biệt, bao gồm cả đảo Phuket, và những nơi có dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, bao gồm cả thủ đô Bangkok.

Ông Karnkawinpong nói rằng việc Phuket mở cửa trở lại vào ngày 1/7 cho khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ cho thấy, nếu tình hình có thể được kiểm soát, các hoạt động kinh tế vẫn có thể được đẩy mạnh và người dân có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày.

Chính phủ Thái Lan gần đây đã lên kế hoạch cấp "Thai Covid Pass" (giấy thông hành Covid-19) cho những người đã tiêm chủng, cho phép họ tiếp cận một số địa điểm bao gồm các nhà hàng.

Israel tăng cường tiêm chủng 

111
Một phụ nữ được tiêm vắc xin Covid-19 tại Jerusalem ngày 1/9 (Ảnh: Reuters).

Số ca mắc Covid-19 tăng lên gần đây bất chấp chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Israel đã làm dấy lên nhiều lo ngại về cuộc chiến không hồi kết với dịch bệnh. Tuy vậy, qua những gì đang diễn ra tại Israel, các nước có thể rút ra bài học về cách một quốc gia sống chung với Covid-19 dù có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Ngày 2/9, Israel ghi nhận kỷ lục 11.187 ca mắc Covid-19 trong một ngày. Kết quả này một phần do Israel tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, tuy nhiên đây cũng là con số gây lo ngại khi trên 60% dân số Israel đã được tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer. Trên 6.000 người bị phát hiện mắc Covid-19 trong ngày 2/9 chưa tiêm vắc xin, nhưng vẫn có hơn 4.000 người bị nhiễm bệnh ngay cả khi đã tiêm đủ 2 liều.

Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ủng hộ việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho người trên 12 tuổi. Dù số ca nhiễm tăng lên, song giáo sư Eyal Leshem tại Trung tâm Y tế Sheba của Israel vẫn chỉ ra những mặt tích cực từ chương trình tiêm chủng vắc xin.

"Mọi hoạt động gần như trở lại bình thường. Trong khi trẻ em đang trong kỳ nghỉ, các hoạt động thương mại và các sự kiện vẫn tiếp tục diễn ra. Biện pháp hạn chế duy nhất chỉ còn là đeo khẩu trang khi ở trong nhà", chuyên gia Leshem nói khi so sánh đợt bùng phát dịch hiện tại với đợt bùng phát dịch từng khiến Israel phải áp lệnh phong tỏa hồi tháng 1.

Số ca bệnh nặng tại Israel hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với 1.100 ca hồi tháng 1. Số ca tử vong mỗi ngày chỉ còn khoảng 20-30 người, chưa bằng một nửa so với đợt dịch trước.

"Chúng ta đã thấy hiệu quả tuyệt vời từ việc tiêm 2 liều vắc xin. Tỷ lệ bệnh nặng ở những người trên 60 tuổi không được tiêm chủng là gần 300 ca trên 100.000 người, trong khi ở những người được tiêm đủ 2 mũi, tỷ lệ này chỉ là 19 ca trên 100.000 người", ông Leshem phân tích.

Giáo sư Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, cũng đưa ra quan điểm tương tự và cho rằng, những gì đang xảy ra ở Israel cho thấy việc sống chung với Covid-19 có thể là lựa chọn duy nhất.

"Mặc dù số ca nhiễm mới ở Israel cao, nhưng số ca bệnh nặng và tử vong thấp hơn rất nhiều so với những đợt bùng phát dịch trước khi chiến dịch tiêm chủng được tiến hành. Chúng ta có thể phải chấp nhận số ca nhiễm tăng nhiều hơn, miễn là số ca bệnh nặng và tử vong không tăng theo", ông Tambyah nói.

Nếu 2 mũi tiêm vắc xin có thể đạt được kết quả như vậy, tại sao Israel hối thúc người dân tiêm mũi thứ 3?

Theo giải thích của chuyên gia Leshem, chính phủ Israel hiểu rằng biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn và vẫn có thể lây lan trong nhóm dân số đã được tiêm chủng. Ngoài ra, nghiên cứu từ các chuyên gia hàng đầu của Israel cho thấy miễn dịch có thể suy giảm sau khi tiêm vắc xin 6 tháng.

Việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 vấp phải sự chỉ trích do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung vắc xin cho các nước nghèo. Tuy nhiên, chuyên gia Leshem vẫn cho rằng việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 thực sự hiệu quả.

Tính đến ngày 3/9, 2,48 triệu người Israel đã được tiêm mũi vắc xin thứ 3. Giới chức y tế Israel thậm chí đã tính đến kế hoạch tiêm mũi thứ 4 cho người dân.

"Quá trình phát triển tự nhiên của bệnh truyền nhiễm thường hướng đến trạng thái cân bằng mới. Điều này có nghĩa là, trong một vài tháng hoặc vài năm, chúng ta có thể đạt đến giai đoạn mà virus lây lan trong cộng đồng nhưng chỉ gây ra các ca nhiễm nhẹ vì hầu hết dân số được miễn dịch với bệnh nặng nhờ vắc xin", ông Leshem nói.

Hai chuyên gia Leshem và Tambyah cũng vạch ra một tương lai mà ở đó, các quốc gia phải học cách kiểm soát các đợt bùng phát dịch mà không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ông Leshem cho biết khi biến chủng Delta xâm nhập vào cộng đồng, số ca nhiễm sẽ tăng lên dù tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao. Trong trường hợp này, sự kết hợp của việc tiêm vắc xin, tăng cường hệ thống miễn dịch, thông tin tin cậy từ chính phủ và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng có thể giúp các quốc gia hoạt động tương đối bình thường ngay cả khi chưa hết Covid-19.

Trong khi đó, chuyên gia Tambyah nhận định việc cố gắng đưa số ca mắc Covid-19 về mức 0 là "vô ích".

"Chúng ta nên tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương, giám sát các ổ dịch lớn, tăng cường tiêm vắc xin, đảm bảo hệ thống y tế hoạt động tốt, đồng thời duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội của người dân", chuyên gia Tambyah nhấn mạnh.
 

Theo Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây