Đời người chỉ có 2 thứ: Làm được và chưa làm được. Ông có thể nói gì về điều đã nuôi dưỡng tinh thần của một nhà nghiên cứu độc lập vừa theo đuổi quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng luận chứng khoa học,vừa tiếp tục giấc mơ lạc quan về một Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc biển…
- Có thể nói, nhờ hấp thụ một nền giáo dục tốt mà tôi trở thành con người như hôm nay. Đó là con người thích gì thì làm tới cùng! Ngay từ khi còn học Đại học sư phạm, tôi đã làm tờ tin Sử địa, mời những người nổi tiếng bên ngoài hợp tác viết bài. Dịp đó, tôi gặp được giám đốc NXB Khai Trí, thấy tập san chất lượng, ông đề nghị in tip-po Tập san Sử địa cho trường tôi. Bây giờ ai cũng biết tập san đó. Giáo dục khiến con người chủ động, thì sẽ phát triển tối đa năng lực của mình. Đó là một nền giáo dục chuyên sâu. Chính vì lẽ đó, những người nổi tiếng thường từ thời trẻ đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình.
Làm bất cứ cái gì cũng phải có tâm và có tầm. Những tác phẩm của tôi nhìn vào ngàn năm trước, hướng về ngàn năm sau chứ không phải chỉ trăm năm sau. Có tầm rồi lại phải quyết làm cho tới. Nhà khoa học làm gì cũng phải đến cùng.
Lý do ông tâm huyết theo đuổi đến cùng việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của VN?
- Thứ nhất, Biển Đông là nơi rất quan trọng đối với tương lai phát triển của Việt Nam. Thứ hai, đi tới cùng thì thế giới mới có thể biết được sự thực chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Khi đó, chúng ta mới khai thác được mặt mạnh của Việt Nam, mới có thể bảo vệ Trường Sa- Hoàng Sa. Như tôi từng nói, chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là chất men yêu nước cho lớp trẻ.
Khi tôi nói đi tới cùng cũng là để giúp cho giới trẻ biết đâu là sự thực, để họ biết mình sẽ làm gì.1.000 thanh niên thế kỷ XXI mỗi người một kế hoạch nhỏ để xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển, và khi thành cường quốc thì không còn bị lệ thuộc.
Theo ông, nên quảng bá chủ quyền biển đảo của Việt Nam thế nào cho hiệu quả? Và như ông từng nói, muốn ra thế giới quảng bá cái hay của mình thì cũng phải ngẩng cao đầu với tư cách là người có chủ quyền, có thể tranh luận và tranh thủ sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu ngoài nước...
- Vừa rồi, Đại học California (Mỹ) có tổ chức hội thảo trên mạng, có mời tôi tham gia. Tôi nhờ cô Kiều Linh, người tổ chức hội thảo đó, mua cho tôi cuốn tiếng Anh dịch từ cuốn "Những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam…" và đề xuất tất cả các thư viện hay các trường có môn học ngành Á Châu thì nên tặng họ cuốn sách đó.
Tôi nghĩ mình có duyên may để làm việc quảng bá. Làm sao để nhiều người mua được sách trên Amazon, càng nhiều người mua càng tốt.
Tại sao chúng ta không có nhiều bàn tròn, hội thảo, mời chuyên gia quốc tế về biển Đông? Tôi từng tham gia 5 hội thảo quốc tế và 4 hội thảo trong nước của Học viện Ngoại giao, còn mười mấy hội thảo nữa Học viện tổ chức nhưng tôi không được mời.
Năm 2004, tôi bắt đầu qua Mỹ.Nhờ duyên may có hơn 14 ngàn học trò trong và ngoài nước mà tôi có dịp nói chuyện với sinh viên ở các trường đại học trên thế giới, tham dự nhiều hội thảo và thuyết trình ở những trung tâm ngoại giao chính trị của Mỹ, Pháp, Anh… để họ hiểu thêm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Học trò là một chuyện, ngay cả người quen trên mạng cũng rất nhiều và họ luôn hỗ trợ cho tôi. Ở bất cứ đâu, tôi nói người ta cũng đều lắng nghe.
Ông có kết hợp với các học giả, nhà nghiên cứu trên thế giới và trong nước để lên tiếng về Biển Đông?
- Tôi có quen học giả Carl Thayer (Úc). Ở Đại học Harvard, tôi cũng quen nhiều học giả. Tôi đi đến đâu, đều mang hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh, trong đó có 37 tài liệu phương Tây và tài liệu của Mỹra nói về chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhưng dịch ra tiếng Anh thì có người nói văn phong chưa đúng kiểu Mỹ. Nhân đây, tôi muốn vận động mọi người hoàn chỉnh bản dịch đó. Và tài liệu Viện kỷ lục Việt Nam trao cho tôi, tôi đang đề nghị in ra tiếng Việt, rồi vận động bên Singapore in bằng tiếng Anh.
Theo ông, trong các chứng cứ về chủ quyền mà ông đưa ra để chứng minh Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam, giá trị nhất là bằng chứng nào?
- Giá trị nhất là các châu bản. Bản đồ là vậy thôi, đối với pháp lý quốc tế vẫn phải là các văn bản mang tính nhà nước. Các châu bản của mình rất nhiều, nhưng tôi quan tâm đến châu bản đời Minh Mạng năm 1836 rất cụ thể. Trong đó, cử ông Phạm Hữu Nhật, suất đội thủy quân, mang bao nhiêu thuyền, mỗi thuyền mang bao nhiêu gỗ, hiện vật… ra Hoàng Sa.
Đó là bằng chứng chỉ Việt Nam có, thưa ông?
- Đúng vậy. Ngoài châu bản, Việt Nam còn có sử ký ghi lại, nhất là Đại Việt sử ký tục biên (thời Lê Trịnh), Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục tiền biên… Trong tất cả sách sử ký thì Trung Quốc làm gì nói đến vấn đề Tây Sa, làm gì có bản đồ, nhất là bản đồ, tài liệu của Phương Tây nói về Paracel (quần đảo Hoàng Sa). Những bằng chứng của Việt Nam rất cụ thể như vậy thì Trung Quốc không có.
Trong một hội thảo quốc tế ở Học viện Ngoại giao, ông TS Vương Hàn Lĩnh cùng 1 học giả Trung Quốc dám tuyên bố đường lưỡi bò là "kế thừa lịch sử". Tôi đứng lên nói: "Ông trả lời cho tôi việc kế thừa lịch sử của các ông ra sao, nhất là khi năm 1909, chính quyền Quảng Đông của ông coi Paracel là đất vô chủ?".
Thế là ông học giả kia không nói chuyện "kế thừa" nữa.
Vì sao ông cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thành cường quốc biển?
- Việt Nam có mặt mạnh là có rất nhiều cảng sâu, cảng sâu nhất thế giới là Vân Phong (Khánh Hòa). Cảng sâu đã có, giờ chỉ cần làm đường cao tốc xuyên Á, qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh và cả Trung Đông. Khi làm đường cao tốc, những thương tàu của Mỹ, Nhật, Hàn không cần qua Singapore nữa mà hàng hóa của họ sẽ sang Trung Đông cực nhanh.
Cảng Vân Phong có thể chứa tàu trung chuyển tới 500.000 tấn, trong khi cảng Sài Gòn chỉ vài chục ngàn tấn thôi. Nếu làm đường cao tốc tới cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng thì tại đây, hàng hóa cập bến sẽ có giá rất rẻ, thay vì phải sang Singapore.
Việt Nam có TP cảng đẹp nhất thế giới là Nha Trang, tại sao ta không xây dựng thành thành phố du lịch nổi tiếng? Việt Nam có 28 tỉnh thành có bờ biển, tại sao không bắt chước người Nhật nuôi trồng kinh tế biển để xuất khẩu? Tại sao ta không xây dựng các công ty đóng tàu như Hàn Quốc? Tại sao không có những đội thương thuyền lớn xuất nhập khẩu? Làm đi! Chỉ mấy điều đó thôi mà mình làm được thì thành cường quốc lúc nào không hay.
Công trình nửa thế kỷ của tôi tìm ra bản sắc Việt là mặt mạnh nhất của Việt Nam. Thiên nhiên, con người có nhiều mặt mạnh. Tôi từng nói chuyện ở Manila, rằng tôi rất ngưỡng mộ phụ nữ VN. Chẳng có nước nào trên thế giới có Hai Bà Trưng, đứng lên khởi nghĩa rồi làm vua. Tôi lại thấy ngoài truyền thống anh hùng, phụ nữ Việt còn có tài nấu ăn rất ngon. Vậy sự ngưỡng mộ của tôi có đúng không? Đúng chứ, nói ra là người ta chịu ngay.
Nếu khai thác những mặt mạnh có sẵn, cùng với kinh tế biển, tin rằng Việt Nam sẽ dần có vị thế vươn lên ở khu vực Biển Đông. Bảo vệ chủ quyền không gì hay hơn là xây dựng một Việt Nam hùng mạnh, một cường quốc biển.
Triết lý sống của người Việt rất hay. "Ở đời muôn sự của chung" là xã hội chủ nghĩa đó, "hơn nhau hai chữ anh hùng mà thôi"…
Thưa ông, làm thế nào để giới trẻ ngày nay có ý thức hơn về vấn đề chủ quyền đất nước và trách nhiệm xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc biển như ông đang mong muốn?
- Tôi có một người bạn là đầu bếp Nhật rất ngưỡng mộ Việt Nam. Ông ta nói với tôi rằng, chính giá trị văn hóa lịch sử của đất nước sản sinh ra rất nhiều tiền. Nước Nhật trở nên giàu có vì khi quan tâm đến lịch sử, văn hóa thì tự nhiên thanh niên của họ trở nên yêu nước, có kỹ năng sống tốt. Những gì có lợi cho đất nước thì họ làm tới cùng, còn cái gì gây hại thì không làm. Một đầu bếp thôi mà có ý nghĩ sâu sắc như thế thì trách nhiệm của chúng ta phải làm gì đây để thức tỉnh con cháu của mình?
Các nhà tư tưởng như cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu từng chỉ ra cặn kẽ cái xấu của người Việt, nhưng ở góc độ sử học, ông nhìn nhận ra sao về người Việt đương đại?
- Có lẽ, cái xấu xí nhất của người Việt mình là thiếu liên kết, thiếu đoàn kết trong xây dựng. Không quan tâm đến sự hoàn hảo, làm gì cũng cho qua, tức là chất lượng công việc không cao.
Hôm vừa rồi, tôi có hướng dẫn làm đề án xây dựng thiên đường học tập cho đại học Đà Lạt. Theo tôi, làm gì cũng phải tập trung 1 mô hình cho thành công. Khi thành công cụ thể một mô hình thì mới ra chuyện, còn cứ lan man thì chẳng đi tới đâu.
Trong hội thảo giáo dục gần đây, tôi nói phải thay đổi cơ chế trong giáo dục.
Vậy theo ông, nên xây dựng một nền giáo dục ra sao?
- Mình tập trung vào cái xấu xí và tìm cách giải quyết. Một trong những điều hết sức quan trọng trong giáo dục là giáo dục kỹ năng sống. Khi nào một ông thầy quan tâm kỹ năng sống của học trò, khi ấy việc giáo dục tính cách mới dần dần có tác dụng. Cái xấu xí đầu tiên như thiếu đoàn kết trong xây dựng, phải hướng dẫn học trò hoạt động theo nhóm và có tinh thần liên kết thực sự.
Liên kết thế nào đây, liên kết làm gì cùng nhau thì mạnh? Và cả đoàn kết nữa… Từ nhóm này đến nhiều nhóm khác, đến lớp, rồi đến trường, cứ thế tôi mở rộng ra, kết quả là nhiều em học trò của tôi vượt trội hẳn lên, có thể hướng dẫn kỹ năng sống cho cả lớp.
Với tôi, đổi mới giáo dục là gì không cần biết,cứ đổi mới kỹ năng sống, tập trung vào từng điều cụ thể một. Hay nói rằng tính cách của người Việt ít quan tâm đến chất lượng, lại hoang phí vô độ… thì hãy đừng đi cà phê nữa đi, chưa kiếm ra tiền thì đừng tiêu pha hoang phí.
Mỗi người hãy gắng tự sửa đổi, còn nhìn chung, hãy cứ quan tâm đến một số vấn đề cụ thể, đừng quá to tát, vĩ mô. Và trong một xã hội nếu nhiều người cùng nhau làm vậy thì sẽ có một ngày thay đổi rất lớn trong nhận thức.
Được biết ông có một Chương trình đào tạo thanh niên thế kỷ XXI?
- Đầu tiên tôi cho đăng ký, hoặc khuyến khích các học trò của mình cứ âm thầm làm. Khởi điểm có 3 em đăng ký. Siêu đầu bếp Nguyễn Văn Lập cho rằng em sẽ đào tạo 1.000 đầu bếp giỏi như mình. Du học sinh Nhật Bản Kim Ngân nói sẽ có "ngàn cánh hạc" có kỹ năng sống như thanh niên Nhật. Phan Tấn Quốc nói sẽ có ngàn sinh viên tinh hoa đi du học mang tinh hoa về cho đất nước. Ông Phan Bội Châu thời trước nói chỉ cần vài trăm người mang tinh hoa về là quá tốt. Mỗi người có một kế hoạch như thế trong đề án 1.000 thanh niên thế kỷ XXI, biết đâu sau này họ sẽ làm nên chuyện với hàng trăm ngàn thanh niên khác.
Trong đề án này còn có mấy đề án nhỏ tôi kêu gọi thanh niên tham gia tùy theo sức của mình. Tức là giờ phải làm những gì cụ thể. Cái "khôn" của tôi là mọi người phải cùng nhau thực hiện, chứ làm 1 mình không ăn thua gì.
Trong 5 chương trình đó, cái gì cũng khởi xướng và làm được rất nhiều nhưng vẫn chưa đi đến đâu vì chỉ mang tính chất mở đầu thôi. Phải có hàng ngàn, hàng vạn người như vậy thì mình mới mong thành cường quốc được.
Hạnh phúc là khi đi đến tận cùng chân trời khoa học…
- Cái giàu của nhà nghiên cứu rất khác với những người khác. Khi tôi đi tới cùng, có một cuốn sách được dịch ra tiếng Anh do NXB rất nổi tiếng của Anh in thì tôi rất vui. Mình làm những gì thấy vui, và đi đến đâu nói chuyện cũng vui. Khi bảo vệ chủ quyền của đất nước, đi đến đâu, các hoạt động của mình được người ta biết và ghi nhận thì coi như lấy vui làm lãi.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên