Người thầy – Người truyền lửa nhà tri thức lớn 30/4

Thứ năm - 26/08/2021 00:13

Những năm 1974-1975, sân trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội ở Cầu Giấy ngập tràn màu áo lính. Những người lính chúng tôi sau khi hoàn thành sứ mệnh được trở về trường cũ học tập. Bạn học của chúng tôi là những đồng đội đã cùng lên đường, cùng chiến đấu ở mặt trận, và cũng có rất nhiều những “nam thanh nữ tú” mới tốt nghiệp  phổ thông được tuyển về học. Các em nữ thì  rất xinh tươi, còn các em nam có phần nhút nhát, bẽn lẽn hơn. Nhưng cũng có nhiều em sớm ánh lên những tia sáng của tài năng (đương nhiên đây là tài năng văn chương, vì chúng tôi học khoa ngữ văn). Ở lớp sinh viên trẻ này, đáng chú ý có Bùi Thế Đức, Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Chí Bền, Nguyễn Đức Quang, Trần Hòa Bình… Và đúng là sau này đều trở thành những tên tuổi trong đời sống và trong văn học. Bùi Thế Đức sau là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Đức Quang là Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong, Trần Hòa Bình là một nhà thơ nổi tiếng, một giảng viên đại học báo chí, Nguyễn Chí Bền là Viện trưởng Viện Văn hóa, còn Bùi Mạnh Nhị là Tiến sỹ khoa học, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chánh văn phòng Hội đồng giáo sư Nhà nước...

111
Gs.Ts Bùi Mạnh Nhị

Bởi cùng yêu thơ ca, nên những ngày ấy, chiều chiều tôi hay ngồi trà lá với Bùi Mạnh Nhị ở quán nước ông Định trong trường. Điếu thuốc, chén trà nóng, chiếc kẹo dồi… và những câu chuyện thi ca bất tận. Nhị quê Vụ Bản - Nam Định, hiền lành, nhã nhặn, mùa đông giá lạnh hay mặc một chiếc áo bông xanh bạc màu. Anh có hai tình yêu mãnh liệt: Tình yêu thi ca và Tình yêu với em Quỳnh Nga học cùng lớp. Tôi được đọc những bài thơ đầu của Nhị, thấy hay hay, thích thích, và rất muốn giới thiệu để những bài thơ ấy có thể in báo (Ngày ấy có được một bài thơ in báo là vô cùng khó khăn, và đương nhiên cũng là niềm tự hào của bất kỳ người cầm bút nào, đặc biệt là những người trẻ. Nhiều người chỉ cần được in một bài thơ trên báo là mặc nhiên được coi là thi sỹ - một danh xưng rất oai lúc ấy, và kể như đã có tiếng nói trên thi đàn…). Nghĩ vậy là bởi cũng phải nói thật, ngày ấy tôi quen biết khá nhiều các anh phụ trách biên tập tại các báo, có thể cậy nhờ các anh in thơ cho bạn bè, như anh Trung Đông ở báo Nhân Dân, anh Phạm Tiến Duật báo Văn nghệ, anh Trần Hữu Tòng báo Quân đội nhân dân, rồi Phạm ngọc Cảnh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng là chỗ quen biết… Nhưng rồi vân vi nghĩ ngợi, cuối cùng thấy giới thiệu Bùi Mạnh Nhị với nhà thơ Hoài Anh là thích hợp hơn cả. Nhà thơ Hoài Anh ngày ấy khá có tiếng, lại là biên tập thơ của tập Sáng tác Hà nội, nơi quy tụ rất nhiều cây bút trẻ Hà Nội. Anh lại cùng quê Nam Định với Bùi Mạnh Nhị, và quan trọng hơn cả là anh rất nhiệt tình với thế hệ trẻ, có thể ngồi tâm tình đàm đạo về thơ ca thâu đêm suốt sáng để giúp đỡ các em… Thế là một chiều tôi chở Nhị tới nhà anh Hoài Anh ở phố Hàng Bồ. Hai anh em Nam Định gặp nhau, anh Hoài Anh yêu quý Nhị ngay, và từ đấy thân thiết như anh em ruột thịt.
 

Tất nhiên nhà thơ Hoài Anh ngày ấy yêu quý Bùi Mạnh Nhị không hẳn chỉ là bởi tình cảm đồng hương, mà còn là mối thiện cảm với một tài năng văn chương sớm bộc lộ: 20 tuổi, Nhị được giải thưởng thơ của Hội Văn nghệ Hà Nội. Sau đó vào Tp. Hồ Chí Minh, anh tiếp tục đoạt giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật thành phố từ năm 1980… Và không phải chỉ có nhà thơ Hoài Anh, mà ngay từ những ngày ấy, Bùi Mạnh Nhị đã luôn giành được tình cảm quý mến ở mọi người, chính là bởi cái đức và sự khiêm nhường của anh. Từ các thầy cô giáo đến bạn học, và các văn nghệ sỹ… Hầu hết những ai đã từng tiếp xúc đều yêu quý Bùi Mạnh Nhị ở sự chân tình, mộc mạc và đằm thắm. Sau này lên những vị trí rất cao, anh vẫn như ngày nào, luôn trân trọng, yêu thương, chân thành với mọi người như vậy…

***

Bùi Mạnh Nhị học trên tôi một lớp, dù anh  ít tuổi hơn, và cũng tốt nghiệp trước chúng tôi một năm. Đây cũng là những năm đầu mới giải phóng, nhiều giáo sư và những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội được tăng cường cho Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh mới được thành lập. Bùi Mạnh Nhị được chọn lên đường từ buổi đầu tiên ấy, và trở thành một giảng viên rất trẻ của Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Anh bước lên bục giảng cùng những người thầy rất xuất sắc của mình và của chúng tôi, như Lê Trí Viễn, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Tấn Phát, Hồ Văn Nho, Lâm Vinh, Hồ Sỹ Hiệp, Trần Xuân Đề, Trần Ngọc Trà, Trần Hữu Tá, Phùng Quý Nhâm… góp phần đào tạo nên những người thầy Xã hội chủ nghĩa của một miền Nam mới giải phóng. Chính trên giảng đường này, anh từng bước trưởng thành, trở thành phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa ngữ văn, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, và sau đó được đưa trở ra Hà Nội đảm nhiệm cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ. Nhiều thế hệ sinh viên Đại học Sư phạm, nhiều thế hệ giáo viên luôn trân trọng yêu quý người thầy đức độ, nhiệt huyết, có kiến thức rất sâu rộng và có trái tim ấm áp, nhân ái, nhân văn này. Học sinh của anh nhiều người sau này đảm nhận nhiều cương vị lớn trong xã hội, nhưng bao giờ cũng nhất mực trân trọng, yêu quý và biết ơn mỗi khi nhắc đến thầy Bùi Mạnh Nhị…

Tôi theo tiếng gọi của văn chương, nên không theo nghiệp làm thầy, nhưng tình cảm với lứa bạn học Đại học Sư phạm ngày ấy luôn tràn đầy, với những Lê Huy Hòa, Bùi Thế Đức, Trần Đăng Suyền, Phương Nam, Đinh Lan Phương, Bạch Văn Hợp, Đặng Quang Quỳnh, Bùi Tất Tươm, Nguyễn Kim Hồng, Cao Xuân Sơn, Bùi Mạnh Nhị... Những kỷ niệm về buổi đầu thi ca của Nhị, của Sơn, của Trần Hòa Bình, Nguyễn Đức Quang… rồi thầy tổ chức Phạm Văn Thanh… không bao giờ phai nhòa trong tôi. Dù không cùng nơi công tác, nhưng tôi vẫn lặng thầm dõi theo từng bước đi của các anh, mừng với mỗi sáng tác mới của các anh, và tất nhiên mừng hơn là sự trưởng thành của các anh trong nghề nghiệp và trong sự nghiệp. Trong lớp này, Bùi Thế Đức và Bùi Mạnh Nhị là thành đạt hơn cả. Nhưng tôi vẫn nghiêng tình cảm với Nhị nhiều hơn, vì ngoài vai trò là một nhà Giáo dục, một nhà quản lý xuất sắc, anh vẫn là một nhà thơ với đậm đà chất nghệ sỹ trong tâm hồn. Phải nói thật, những công trình nghiên cứu, những bài lý luận phê bình Nhị viết rất hay. Vừa có tầm, vừa có tâm, vừa uyên bác, mở ra nhiều điều mới lạ mà gần như chỉ anh mới có, với một vốn kiến thức đồ sộ, một thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, cầu thị, một tâm hồn rộng mở… Hãy điểm qua những công trình khoa học ấy của anh: Sen Tháp MườiPhương ngôn Việt NamMột số đặc điểm nghệ thuật của ca dao - dân ca Nam BộNỗi oan hại chồng trong vở chèo Quan Âm Thị KínhDân ca của miền đất phương Nam Tổ quốcSuy nghĩ về việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở đồng bằng sông Cửu LongĐặc điểm ngôn ngữ ca dao - dân ca Nam BộTruyện Trạng Ba Phi - một hiện tượng văn học dân gian độc đáoTiếp cận văn học dân gian địa phương từ đặc trưng của văn học dân gianThơ văn Đồng Tháp… Anh cũng là Chủ biên của các công trình: Văn học dân gian những công trình nghiên cứuVăn học dân gian những tác phẩm chọn lọcCa dao dân ca Nam Bộ (sưu tầm, biên soạn, giới thiệu chung, Nxb Tp. Hồ Chí Minh năm 1998); rồi Truyện cười dân gian Nam Bộ (Sưu tầm, biên soạn chung)... Là tác giả của tập sách Phân tích tác phẩm văn học dân gian; tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6, 7, lớp 10 nâng cao, từ năm 2006 đến nay... Cũng phãi nói thêm rằng, nhiều công trình của anh đã được đánh giá cao cả trong và ngoài nước. Gs. Nikulin, một giáo sư rất nổi tiếng của Viện Văn học thế giới, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, cũng là người phản biện luận án tiến sĩ (năm 1992) và luận án tiến sĩ khoa học (1995) của Bùi Mạnh Nhị, cũng đã đánh giá rất cao tài năng của anh. Còn với tôi, tôi đặc biệt yêu thích những những chân dung anh viết, về các nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Bính, hay về những người thầy như Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Trần Văn Nhung... Những bài viết không chỉ giàu xúc cảm, khiến người đọc thấy yêu hơn các nhân vật được viết, mà còn yêu hơn cả người viết…

Nhưng trước hết với cuộc đời này, và với thế hệ trẻ, Bùi Mạnh Nhị là một nhà giáo, với sự nghiệp chính là sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp làm Thầy. Tôi được đọc những dòng này của một học sinh miền Nam viết về anh rất xúc động: “… Hằn in trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, thầy Bùi Mạnh Nhị ở vị trí nào cũng toát lên phong thái của một trí thức lớn, một nhà sư phạm chỉnh chu nhưng uyên bác. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm với đất nước để đào tạo ra những người thầy luôn đặt ở vị trí cao nhất, thiêng liêng nhất để luôn nhắn nhủ đến các thế hệ học trò những lời như rút từ đáy sâu gan ruột của mình, rằng: Hãy thấy vinh quang với nghề làm thầy, nghề phấn trắng bảng đen. Với vai trò là nhà giáo dục môn Ngữ Văn, suốt nhiều năm ròng, thầy Nhị đã thổi vào tâm hồn hàng ngàn sinh viên tình yêu văn chương chân chính nhất. Ngày giảng dạy trên giảng đường, tối lại về say mê nghiên cứu, đọc và ngẫm suy về những cuốn sách, công trình chuyên chở bao ý niệm và khát vọng từ cuộc sống do chính thầy Nhị cất công biên soạn nên hoặc viết… Trong mỗi tác phẩm, mỗi bài giảng, tính trí tuệ, mô phạm, sự lao động học thuật của thầy Nhị như mạch nguồn mát trong thẩm thấu vào người tiếp nhận… mỗi câu chữ thầy Nhị viết ra, sưu tầm nên cũng như cũng có linh hồn, linh hồn trong tâm tưởng, trong trái tim người viết, người tiếp cận. Nhiều thế hệ sinh viên, khi bước chân vào trường cứ ngỡ rằng học lấy một cái nghề nhưng được nghe thầy Nhị giảng, đọc sách thầy Nhị viết mới thấu hiểu cặn kẽ tiếng Việt đẹp chỗ nào, sâu sắc chỗ nào, hay chỗ nào và vì sao người ta ví văn là người, dạy văn là trồng người. Cùng với thầy Nhị, nhiều tên tuổi kỳ cựu khác đã làm nên những giá trị to lớn ở Khoa Ngữ văn là thầy Lê Trí Viễn, Cù Đình Tú, Nguyễn Nguyên Trứ, Trần Hữu Tá, Trần Xuân Đề, Lê Ngọc Trà... Ấn tượng không phai với thầy Nhị còn là, dù ở vai trò giảng viên hay quản lý, lãnh đạo nhà trường ông vẫn dành trọn tình yêu thương, sự quan tâm cho học trò của mình. Điều ấy như liều thuốc tinh thần giữ thăng bằng, tiếp thêm sức mạnh giúp học trò vượt lên, chinh phục mọi gian khó thường nhật. Hơn 40 năm hình thành, phát triển, Khoa Ngữ văn đã thực sự trở thành mái ấm ươm mầm khát vọng cho nhiều thế hệ sinh viên mà thầy Nhị là một hạt nhân quan trọng. Thầy đã vun vén, kiến tạo nên các phương pháp tiếp cận ngữ văn hiệu quả nhất để mỗi sinh viên đều thức dậy niềm tự hào và tình yêu vô hạn đối với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Cuộn sâu vào khát vọng chuyển tải các kiến thức một cách hiệu quả, ở nhiều bài giảng hay tác phẩm của thầy Nhị người đọc, người nghe còn thấy rõ, hình ảnh quê hương, vùng miền của Tổ quốc với những xóm nhỏ. Bao điều thân thuộc chất chứa yêu thương, gần gụi và tự hào định hình và hun đúc nên tình yêu Tổ quốc bao thế hệ thông qua chính những những con chữ…

Với tình cảm và sự trân trọng ấy nhiều thế hệ học sinh của anh đã ngưỡng mộ gọi anh là “Người thắp lửa cho những giấc mơ tận hiến trong nghiệp trồng người suốt nhiều thập niên”.

Tôi có thể  viết gì hơn về anh nữa nhỉ, dù rất yêu mến anh và cũng được kể như là một trong những tri kỷ của anh? Nhưng thế hệ sau chúng ta, những  em học trò của một miền Nam sau giải phóng đã viết về “Người thầy 30/4” như anh quá hay và quá chuẩn!

 Chỉ biết xin cảm ơn các em đã nói thay tấm lòng chúng tôi với “Người thầy - Người truyền lửa - Nhà trí thức lớn 30/4” Bùi Mạnh Nhị...


Tác giả: Triệu Phong
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây