Những ngày này, xưởng sản xuất đồ chơi Trung thu của gia đình ông Vũ Huy Đông (72 tuổi) - chủ cơ sở sản xuất đồ Trung thu Đông Hạnh hiện đang tất bật chế tạo những chiếc mặt nạ, đèn lồng, hình lân sư… để kịp cung ứng ra thị trường phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân dịp Trăng rằm năm 2024.
Chia sẻ với phóng viên, người dân làng Hảo, xã Liên Xá (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết. nghề làm đồ chơi Trung thu tại đây đã xuất hiện vào khoảng cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ XX, các sản phẩm đồ chơi Trung thu làm ra ở đây được phân phối đi khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Hiện tại, nếu tính cả làng thì chỉ còn khoảng 7 đến 8 hộ gia đình còn bám trụ với nghề chế tạo đồ chơi dân gian này. Trong số này, hộ gia đình ông Vũ Huy Đông hiện vẫn giữ và phát triển được nghề làm đồ Trung thu truyền thống.
Ông Vũ Huy Đông chia sẻ: “Nghề sản xuất đồ chơi dân gian của gia đình tôi có cách đây hơn 40 năm nay. Ngày xưa là Hợp tác xã (HTX) chuyên làm trống, sau đó xã hội phát triển thì HTX bị xóa bỏ và trở thành tư nhân. Khi tư nhân phát triển thì một số gia đình không giữ nghề này nữa, chỉ còn một vài gia đình bám trụ với nghề (khoảng chục nhà làm nghề). Đến hiện tại, tôi là đời thứ 2 làm nghề chế tạo đồ chơi Trung thu tại làng Hảo (Hưng Yên), và con trai tôi đang làm là đời thứ 3 còn giữ nghề truyền thống này”.
Theo ông Đông, làm nghề chế tạo đồ chơi dân gian bằng thủ công đòi hỏi mỗi người thợ phải yêu nghề, chịu khó tìm tòi sáng tạo thì mới cho ra những sản phẩm ưng ý. Đặc biệt, sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu mà các cháu thiếu nhi ưa chuộng, dùng nhiều, thì người thợ phải đầu tư suy nghĩ để chế tạo ra bằng được thứ đó. Trong ảnh là ông Vũ Huy Đông (chủ cơ sở Đông Hạnh) đang chế tác sản phẩm mặt nạ.
Để làm ra một sản phẩm đồ chơi dân gian truyền thống, mỗi người thợ thủ công đều phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nguyên liệu chính để sản xuất là giấy tổng hợp (giấy học sinh, giấy thiết kế...), đa phần đều là những loại giấy đã qua sử dụng, ngoài ra là bìa catton (giấy cứng).
"Quy trình để chế tạo ra sản phẩm đồ chơi Trung thu gồm 3 bước. Bước đầu tiên là bồi thô, bước thứ hai là bồi trắng, sau đó phơi khô rồi đưa vào quy trình sơn. Còn bước thứ 3 là khâu vẽ. Hiện nay cơ sở nhà tôi chỉ thuê nhân công vẽ thô, còn vẽ để cho ra sản phẩm bán trên thị trường thì người trong gia đình phải là người thực hiện. Những người biết vẽ phải thể hiện được cái hồn của từng sản phẩm mặt nạ...", chủ cơ sở sản xuất đồ Trung thu Đông Hạnh chia sẻ. Trong ảnh là những chiếc phôi được làm sẵn, những người thợ sau đó sẽ chế tạo lại thành những sản phẩm đồ chơi Trung thu ứng ý để phục vụ người dân.
Những năm gần đây, nhiều mặt hàng đồ chơi điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc xâm chiếm thị trường Việt, khi giới trẻ Việt Nam thích sử dụng các sản phẩm công nghiệp thay vì những sản phẩm đồ chơi dân gian do chính những người thợ Việt tạo. Điều này khiến nghề làm đồ chơi truyền thống nói chung và làm đồ chơi Trung thu nói riêng đứng trước nguy cơ bi mai một, quên lãng.
Tuy nhiên, ngoài cơ chế chính sách về việc bảo tồn, gìn giữ các làng nghề thủ công truyền thống của nhà nước, các làng nghề cũng đang mạnh dạn đầu tư để cạnh tranh với đồ chơi công nghệ. Bởi vậy mà những sản phẩm đồ chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi, trống cơm... làm hầu hết bằng thủ công nên đảm bảo về chất lượng, an toàn khi nguyên liệu tạo ra hoàn toàn tận dụng từ nguyên liệu sẵn có. Do vậy, những món đồ chơi dân gian nhiều cơ hội cạnh tranh với những món đồ công nghệ hiện nay.
Bên cạnh đó, giá thành lại rẻ tiền, phù hợp với túi tiền của nhiều người nên vẫn rất thịnh hành, sức cạnh tranh cao. Vì vậy trong những năm gần đây, cơ sở sản xuất nhà ông Vũ Huy Đông vẫn bám trụ được với nghề này, tiêu thụ được nhiều và còn rất nhiều xu hướng, nhiều người thích chơi đồ Trung thu thủ công.
Ông Đông cho biết, hiện nay, các sản phẩm Trung thu của gia đình tôi chủ yếu cung ứng cho hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định... và xa nhất là Đà Nẵng. Ngoài ra, tại Thủ đô Hà Nội thì gia đình có xuất hàng cho các đại lý lớn, các chủ đại lý nhập hàng từ cơ sở nhà tôi rồi bán lại cho người dân - giá thành bán ra thì do chủ cửa hàng.
"Một chiếc mặt nạ tôi bán tại nhà chỉ 16 nghìn đến 17 nghìn đồng/chiếc (sản phẩm hoàn thiện), và khi đến tay chủ cửa hàng thì có rất nhiều giá thành khác nhau. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm tại đây sẽ có giá từ 17 nghìn đến 50 nghìn/sản phẩm", ông Đông tiết lộ.
Ông Đông cho biết thêm, do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nên hiện nay ở làng Hảo chỉ còn 7 đến 8 nhà còn bám trụ với nghề sản xuất đồ chơi Trung thu. Gia đình nhà ông Đông là cơ sở sản xuất đồ Trung thu nhiều nhất, đông nhất tại làng này.
Sản phẩm đồ chơi Trung thu tại cơ sở sản xuất nhà ông Vũ Huy Đông luôn đạt chất lượng cao, nhiều đơn đặt hàng trên cả nước.
Sản phẩm mặt Trung thu sau hoàn thiện sẽ được phân phối khắp cả nước.
Để phát huy, gìn giữ lan tỏa nghề thủ công truyền thống của gia đình, ông Đông và các thành viên còn tổ chức các tour đón tiếp khách du lịch, tổ chức các buổi trải nghiệm cho các em nhỏ tại các trường về để trải nghiệm tại cơ sở, trực tiếp vẽ các sản phẩm, tạo điều kiện cho nhiều khách du lịch ở nước ngoài về đây trải nghiệm, vẽ thủ công các sản phẩm đồ chơi dân gian tại chính cơ sở nhà mình...
nguồn: https://www.congluan.vn