Chương trình thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2020 chưa kết thúc, nhưng có thể khẳng định không có huy chương nào cho 18 VĐV dự kỳ Thế vận hội lần thứ 32 này. Những niềm hy vọng trước ngày lên đường đều đã xuất quân và không thể tiến sâu.
So với 5 năm trước, Đoàn Thể thao Việt Nam có thành tích đi xuống rõ rệt, cả về số lượng VĐV tham dự lẫn thành tích. Tại Rio 2016, chúng ta có 23 VĐV tham dự ở 10 môn, giành một HCV, một HCB và thiết lập một kỷ lục (đều do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh).
Qua trao đổi, Nguyên vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao - Ủy ban TDTT, Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều đại hội quốc tế Nguyễn Hồng Minh chỉ ra những vấn đề của đoàn tại Olympic lần này. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố đồng cảm với các VĐV.
"Cách thức ấy đúng trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, không có điều kiện tập trung cho VĐV trẻ. Vì thế ở Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Tiến Minh đã 38 tuổi vẫn tham dự, Hoàng Xuân Vinh 47 tuổi rồi, Nguyễn Thị Ánh Viên đã sang tuổi 25 - độ tuổi đi xuống ở môn bơi. Không có ai đủ sức thay thế và họ vẫn phải gánh vác", ông Minh mở đầu.
"Tập trung đầu tư trọng điểm cho VĐV xuất sắc không sai. Nhưng tài năng trẻ không được quan tâm đúng mức, không tạo ra những thế hệ kế cận. Đó là vấn đề chiến lược. Giai đoạn 2019-2020 ngành thể thao từng phải giải tán các đội tuyển trẻ vì thiếu kinh phí rồi", vị cựu lãnh đạo ngành thể thao nói.
Ông Minh cũng bày tỏ quan điểm chia sẻ với những khó khăn liên quan đến kinh phí đầu tư của ngành thể thao. Vị này cho rằng không dễ để giải quyết vấn đề mang tính cốt lõi nói trên. Vì kinh phí hạn hẹp, nên phải tập trung vào một số nội dung xuất sắc. Vì tập trung vào số ít nội dung trọng điểm, vấn đề phát triển không được quan tâm đúng mức. Chúng tạo nên vòng luẩn quẩn của thể thao Việt Nam và nhiều năm qua chưa có hướng đi phù hợp.
"Để có thành công tại Olympic, thể thao Việt Nam cần quá trình chuẩn bị, đặc biệt là sự đầu tư có hệ thống, chặt chẽ trong nhiều năm và phải áp dụng khoa học kỹ thuật để quản trị, quản lý quá trình tập luyện. Việc các VĐV đến Olympic với thể trạng không tốt, chấn thương kéo dài là biểu hiện của vấn đề đầu tư không tới nơi tới chốn. Kết quả là VĐV phải nén đau thi đấu, thành tích không như kỳ vọng", ông Minh nêu quan điểm.
"Chiến lược phát triển, đường lối phát triển, quản lý phát triển là vấn đề thuộc về bậc lãnh đạo chứ không phải trách nhiệm của VĐV. Nhờ có đầu tư tốt, chiến lược tốt, quản lý tốt mới ra được VĐV tốt. Ngược lại, không thể đòi hỏi có những VĐV tốt khi những vấn đề ấy không được đảm bảo. Chúng là cả một quá trình kéo dài nhiều năm với sự nghiêm túc và có hệ thống, được đầu tư cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng được hệ thống đào tạo bài bản. Nói chung, đó là quá trình tốn kém và dài hơi. Những điều đó, thể thao Việt Nam chưa làm được".
Chuyên gia này nhắc tới Thái Lan và Indonesia, hai quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á. Những ví dụ rất gần với Việt Nam cho thấy vấn đề trong chiến lược của các cấp lãnh đạo ngành thể thao. "Tại sao Thái Lan có tới 5 HCV cử tạ, 4 HCV boxing ở kỳ đại hội trước, giờ lại có thêm HCV taekwondo? Vì họ có hệ thống vững chắc từ những năm 1970-1990. Tương tự là Indonesia, họ xây dựng được hệ thống và đầu tư tốt", ông nói.
Một trong những vấn đề ông Minh tâm tư là nhận thức và tư duy về thể thao thành tích cao của số đông. Theo quan điểm của vị này, VĐV dự thi các giải đấu, cụ thể ở đây là Olympic, phải đặt mục tiêu giành thành tích thay vì hô hào khẩu hiệu nỗ lực, tự hào, ý chí. "Những thứ đó không thể thay thế thành tích của VĐV. VĐV không giành được thứ hạng cao là vấn đề rất lâu đời và có tính quy luật, chiến lược chuẩn bị và cả trình độ của đối thủ", ông nói.
"Ở đấu trường này, để VĐV có thể giành huy chương, những nhà chuyên môn phải có phân tích cụ thể, phải đánh giá được năng lực của đối thủ. Năng lực ấy không phải thông qua một giải đấu, mà phải là cả quá trình. Trường hợp Hoàng Thị Duyên, khi thi giải châu Á nâng được 216 kg, rồi tập luyện đạt 223 kg. Nhưng khi gặp đối thủ mạnh là bị phân tâm, không thi đấu được vì không nắm rõ đối thủ".
Covid-19 cũng là một vấn đề đáng lưu tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình chuẩn bị cho sự kiện thể thao trọng đại này. Ông Minh chia sẻ: "Trong tập luyện sức mạnh, chỉ cần nghỉ 3-5 ngày là mất đi 3-5%. Tức là, các đô cử từ nâng mức tạ 100 kg, sau 3 đến 5 ngày nghỉ chỉ còn nâng được mức 95 kg và họ cần 10 ngày để lấy lại phong độ. Đó là quy luật sinh học. VĐV chịu rất nhiều ảnh hưởng nếu không được tập luyện, thi đấu một cách có hệ thống".
"Quá trình chuẩn bị của các VĐV cho Olympic lần này cũng bị động hơn rất nhiều so với những lần trước. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhận giấy mời và có quyết định tham dự chỉ 10 ngày trước khi thành lập đoàn. Tất cả những khó khăn đó, dù chủ quan hay khách quan, tôi cho rằng chúng ta nên có góc nhìn chia sẻ với VĐV".
Song, ông Minh cho rằng không thể lấy những điều đó để lý giải cho những thất bại của thể thao Việt Nam. Sau 40 năm tham dự, 10 kỳ Olympic đã được tổ chức, thể thao Việt Nam chưa thể ghi dấu ấn ở đấu trường danh giá này.
"Phải xác định rằng góp mặt tại Olympic là danh giá, là màu cờ sắc áo, chứ không phải chỉ là hô khẩu hiệu tự hào. Mọi người cần thay đổi tư duy ấy, bởi chúng ta tham gia phong trào Olympic từ 1980 đến nay, sau 40 năm vẫn tự hào là đến dự Olympic thôi sao? Các nhà quản lý dứt khoát phải tìm cách giành huy chương, mà muốn vậy họ phải xác định chiến lược và thực hiện chiến lược như tôi đã nói ở trên".
Trong suốt buổi trao đổi, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhiều lần khẳng định đây không phải là thời điểm trách móc hay lên án VĐV. Họ không đáng nhận những chỉ trích chỉ bởi thi đấu không thành công ở giải đấu mà trình độ bản thân thua kém quá xa đối thủ.
"Vấn đề nằm ở tư duy và tâm lý. Kim Tuyền mới thắng một trận taekwondo, Nguyễn Văn Đương vượt qua vòng đầu tiên môn boxing, nhưng nhiều người đã nâng lên thành kỳ tích lịch sử. Vậy các nước khác thì thành tích gì? Những trận thắng ở các kỳ đại hội tiếp theo là kỳ tích gì? Tôi nói như vậy để thấy vấn đề cần thay đổi", ông nói.
"Những thất bại phần lớn do công tác quản lý, chứ không đến từ VĐV. VĐV chỉ là sản phẩm của quá trình quản lý thôi. Chúng ta cần nhịn nhận đúng đắn và thay đổi triệt để từ cách quản lý, đến đầu tư và cả chiến lược phát triển".
Olympic là đấu trường khắc nghiệt, hội tụ những VĐV hàng đầu trên khắp thế giới. SEA Games là cuộc chơi của 11 nước khu vực Đông Nam Á, Asian Games lần gần nhất có sự tham dự của 46 thành viên Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), Olympic có tới 205 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt.
Thực tế, những VĐV được đặt niềm tin ở Đoàn Thể thao Việt Nam đều gặp phải đối thủ sừng sỏ. Hoàng Thị Duyên phải cạnh tranh với người đang giữ kỷ lục thế giới, Trương Thị Kim Tuyền chạm trán nhà vô địch thế giới, Thạch Kim Tuấn hay Tiến Minh cũng tương tự.
"Những nhà vô địch Olympic, vô địch thế giới vài lần còn chưa chắc đảm bảo việc cạnh tranh thứ hạng. Ví dụ điển hình nhất ở nội dung 10 m súng hơi của Hoàng Xuân Vinh. Jin Jong-oh, Pang Wei đều đã vô địch Olympic cũng bị loại. Chúng ta không thể khẳng định rằng VĐV thắng cuộc thi này đồng nghĩa những cuộc thi sau cũng giành thắng lợi tương tự. Không thể có chuyện đó trong thể thao".
Trong nhiều năm qua, ngân sách cho ngành thể thao Việt Nam còn khá hạn hẹp. Bậc quản lý thường xuyên trong cảnh "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thể thao thành tích cao bày tỏ tâm tư về vấn đề đầu tư cho thể thao: "Không thể chỉ dựa vào tiền bao cấp từ chính phủ. Báo cáo tổng kết ngành thể thao 10 năm qua đều có kiến nghị tăng mức đầu tư. Điều đó cho thấy mức độ đầu tư còn chưa đủ đáp ứng".
"Nếu chỉ chờ nguồn đầu tư từ chính phủ, thể thao Việt Nam không thể đủ sức chuẩn bị cho Olympic. Chúng ta nên tính đến phương án huy động nguồn lực từ xã hội. Muốn xã hội hóa thể thao, các cấp lãnh đạo phải đổi cả cơ chế, đường lối và chiến lược phát triển để thu hút đầu tư".
Trở lại với câu chuyện thành tích của các VĐV. Theo ông Minh, cần rất nhiều thời gian nữa, thể thao Việt Nam mới có thể cho ra những lứa VĐV có thực lực đủ vươn tầm Olympic. "Kể cả trong trường hợp sự đầu tư ở mức tối đa, quá trình cũng cần thời gian 8-10 năm, thậm chí 15 năm để một lứa VĐV từ tiềm năng trở thành tài năng. Sự đầu tư phải được duy trì liên tục như vậy, chúng ta mới có hy vọng. Những chu trình kéo dài khoảng 4 năm sẽ không mang lại sự thay đổi lớn cho thể thao nước ta".
Theo Đỗ Hải/Zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên