5h sáng, chị N. miệng gào thét, tay không ngừng lay con dậy để đi học trong căng thẳng lẫn mệt mỏi: "Dậy! Dậy nhanh! Lại trễ bây giờ!".
Con đi học sớm, mẹ như con lật đật già nua
Chị N.N., ở quận 8, TPHCM, tự gọi mình là một con lật đật già nua khi nhiều năm qua sống chung với việc gọi con dậy đi học mỗi sáng. Một ngày mới của các thành viên trong gia đình không phải là những giây phút vươn vai thư thái, nhẹ nhàng hay vui tung tăng đến trường mà chỉ toàn là những lời thúc giục, la hét lẫn sự mệt mỏi.
Hai đứa con của chị, đứa đầu học tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, đứa sau học tiểu học tại một trường cùng khu vực. Trường đứa lớn vào học lúc 6h45 nên sáng nào cũng rất cập rập, vội vã. Trường đứa em 7h20 mới vào học nhưng đi cùng lúc với anh nên đến trường rất sớm, vật vờ chờ vào lớp.
Mỗi ngày, 6h là chị hoặc chồng phải cùng con ra khỏi nhà để kịp đến trường. Do vậy, chị buộc phải đánh thức các con dậy lúc 5h, trễ nhất là 5h15 để vệ sinh cá nhân, ăn uống.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho các con, chị N. thường làm sẵn đồ ăn sáng vào buổi tối hôm trước. Cũng có hôm trễ quá, chị đành phải mua tạm bánh mỳ, xôi cho con ăn ngay trên xe. Đã không ít lần chị gào thét, la mắng con rồi òa khóc vì con trễ giờ học.
Chị N. kể, trước đây, nhiều lần 5h30 chị chạy ra ngoài mua đồ ăn sáng cho các con nhưng nhiều hàng quán quanh nhà đều chưa mở cửa. Người mẹ thoáng giật mình nghĩ đến việc con trẻ lẽ ra cần có nhiều thời gian ngủ nghỉ để phát triển thì các con bắt đầu một ngày mới sớm hơn cả người lớn. Rồi bài tập về nhà, học thêm nhiều khiến trẻ cũng kết thúc một ngày trễ hơn người lớn.
Là một người mẹ, việc chị có thể làm là xếp lịch để các con ngủ sớm nhất có thể. Tuy vậy, việc này không hề dễ dàng, nhất là với bé lớn học cấp 3.
"Hôm nào sớm nhất, 22h cháu mới xong bài vở, chưa kể vào những dịp ôn thi giữa kỳ, cuối kỳ còn trễ hơn nữa. Có những thời điểm, con chỉ ngủ khoảng 5 - 6 tiếng mỗi ngày, gần như không có các hoạt động thể thao, giải trí nào khác", chị N. chia sẻ.
Với điều kiện của mình, chị N. chỉ cần trường đứa lớn lùi thời gian vào học xuống lúc 7 - 7h15 thì mỗi sáng các con sẽ có thêm 15 - 30 phút thư thả. Còn bây giờ, vợ chồng chị và các con kiệt quệ vì thiếu ngủ, mệt mỏi.
Với gia đình chị N, mỗi buổi sáng là một sự ám ảnh...
Con nhịn ăn sáng, mẹ "xén" giờ làm
Nói về việc con vào học sớm, chị Lê Tâm, ở Gò Vấp nhớ đến những chiếc bánh thiu... trong cặp sách con. Chiếc bánh đánh dấu những tháng năm học trò của con sống trong vội vã, cập rập bỏ cả ăn sáng.
Để kịp cho lộ trình đưa con đến trường tại một trường tiểu học ở quận 1, chị chuẩn bị đồ ăn từ sáng và phải đánh thức con dậy trước 5h30 sáng. Đứa trẻ do vừa thức dậy uể oải không muốn ăn uống gì.
Thấy việc trên kéo dài không ổn, chị không chuẩn bị bữa sáng nữa, để con ngủ thêm tầm 10 phút. Đổi lại chị mua sẵn đồ ăn sẵn như bánh chà bông, bánh su để trong cặp cho con đến trường ăn.
Dù vậy, không phải lúc nào con cũng kịp ăn hay nhớ để ăn. Không ít lần chị thấy trong cặp con những chiếc bánh đã thiu, ẩm mốc. Con gái chị đang tuổi lớn đã nhiều bữa bỏ bữa sáng như vậy vì vào học quá sớm.
Chị Tâm chia sẻ nhiều hôm chồng quát ầm ĩ, bắt con ăn sáng tại nhà. Nhưng con dậy sớm, ngồi đó, nuốt không trôi. Hôm nào chị ép được thì con ăn tạm bợ ổ bánh mì trên xe, còn không lại nhịn.
Nhiều người trách chị Tâm cho con học gần nhà thì đâu đến nỗi, đâu cần chuyển trường từ Gò Vấp lên quận 1.
Người phụ nữ trải lòng không chỉ căng thẳng vì trường vào học sớm mà còn khốn đốn vì trường nghỉ sớm. Ở trường tùy khối lớp, từ 15h30 khi bố mẹ cao điểm làm việc thì con hết giờ học. Hàng ngày, khoảng 15h, chị và một số đồng nghiệp khác lại rậm rịch "xén" giờ làm để đi đón con.
Chị buộc phải xin cho con vào trường gần chỗ làm để còn kịp về. Nếu học ở gần nhà thì không cách nào kịp chạy về đón con và rồi lại quay trở lại làm việc.
Hàng ngày, chị đón con về cơ quan, gửi ngoài cổng bảo vệ rồi vào làm việc đến 17h30. Có hôm chị xong việc, ra nhìn thấy con nằm cuộn tròn ngủ ngay tại bốt bảo vệ.
Chị Tâm nói bản thân phàn nàn về giờ học chỉ vì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình. Có thể giờ học đó phù hợp với số đông phụ huynh cần đi làm sớm. Điều chị băn khoăn việc vào học quá sớm làm trẻ rất cập rập, ngại ăn sáng... ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, lối sống.
"Nhà trường không nghe ai phản ánh"
Nhiều trường học ở TPHCM đã lùi giờ học xuống 7h30 để tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh đến trường. Tuy nhiên, vẫn không ít trường vẫn áp dụng giờ vào học là 7h, thậm chí có trường 6h45 đã bắt đầu.
Để theo lịch này, học sinh phải bắt đầu bữa sáng từ rất sớm, đặc biệt ai ở xa. Bên cạnh đó, nhiều trường kết thúc buổi chiều rất sớm, có trường mới hơn 14h đã hết giờ học, đẩy nhiều gia đình vào cảnh đưa con đi sớm - ngồi chờ giờ vào làm - đón con - quay lại làm việc.
Tại Trường THCS Đồng Khởi, quận Tân Phú, một số phụ huynh than thở học sinh phải đến trường vào lúc 6h30. Để kịp tập trung trước giờ vào lớp lúc 6h45, trẻ phải bắt đầu buổi sáng rất sớm. Có học sinh không kịp ăn sáng, ăn vội vã khi ngồi sau xe kèm những cái ngáp ngắn ngáp dài...
Tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cũng ghi nhận tình cảnh nhiều phụ huynh, học sinh vội vã trước giờ vào lớp khi 7h trường vào học chính thức, nhiều học sinh mang theo đồ ăn sáng vào trường để kịp giờ học.
Những hình ảnh trên, ai cũng dễ dàng gặp mỗi sáng trên đường phố ở TPHCM. Có học sinh ngủ gục sau lưng cha mẹ, thậm chí có trẻ còn tranh thủ chợp mắt khi vào thang máy...
Lãnh đạo một số trường giải thích là do học bao nhiêu năm qua vẫn như vậy, giờ học đó để tránh kẹt xe...
Khi được hỏi giờ vào học quá sớm có thể ảnh hưởng, gây khó khăn cho học sinh, một vị hiệu trưởng quận Tân Phú cho hay, họ chưa tìm hiểu về vấn đề này và cũng chưa thấy phụ huynh nào phản ánh hay phàn nàn.
Về giờ vào học của học sinh, không có giờ nào là phù hợp được với tất cả phụ huynh. Hàng triệu phụ huynh sẽ có cả triệu nhu cầu khác nhau. Nhiều công ty, xí nghiệp giờ làm việc 7 - 7h30 thì phụ huynh muốn con vào học càng sớm càng tốt, nhiều cơ quan bắt đầu từ 8h phụ huynh muốn trường mở 7h30. Thậm chí, một số cha mẹ là dân công sở, văn phòng có khi 9h mới bắt đầu làm việc sẽ có nguyện vọng trường vào trễ để khớp với giờ của mình...
Giờ vào học của trẻ lâu nay "vào sớm - về sớm" thường được tính toán để tránh kẹt xe giờ cao điểm. Các tranh luận về giờ học hầu hết cũng chỉ mới dựa trên nhu cầu công việc của phụ huynh... trong khi chủ thể quan trọng nhất là đứa trẻ lại ít được mọi người quan tâm.
Vào học giờ nào tốt cho sự phát triển của trẻ phải đặt trên việc vào học giờ tốt cho việc chống kẹt xe hay tốt cho công việc của bố mẹ? Rồi kể cả những cái tặc lưỡi "bao nhiêu thế hệ vào học như vậy có sao đâu" một lần đã "ngó lơ" những cái ngáp ngắn ngáp dài, gật gà gần gù, ngủ gục, bỏ ăn sáng hay ăn uống khổ sở sau yên xe.
Như tâm tư của chị N.N., con chị và nhiều đứa trẻ vào học quá sớm đúng là tránh được kẹt xe nhưng đổi lại các con thiếu ngủ, cả nhà lúc nào cũng trong tâm thế cập rập, vội vàng, bữa ăn không tử tế...
Để giải quyết vấn đề trên, nhiều phụ huynh học sinh cho rằng không chỉ tập trung vào việc "vào học mấy giờ". Đi cùng đó là câu chuyện về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống xe buýt phục vụ cho học sinh, hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên...
Nội dung: Hoài Nam
Nguồn Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên