Tác phẩm đoạt Giải BCQG 2019: Trò chuyện văn chương: Bài 3: “Sau một đêm thức dậy, lại thấy mắc nợ cuộc sống”

Chủ nhật - 14/02/2021 21:26
Loạt bài: Trò chuyện Văn chươngTác giả: Trần Hữu Việt (Hữu Việt)Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân dânĐoạt Giải A, Giải báo chí Quốc gia năm 2019Người làm báo Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:
 

Bài 3: “Sau một đêm thức dậy, lại thấy mắc nợ cuộc sống”

111
Nhà văn Cao Duy Sơn.Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhà văn Cao Duy Sơn tên khai sinh là Nguyễn Cao Sơn, người dân tộc Tày, sinh năm 1956 tại Cô Sầu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu hiện nay viết về đề tài dân tộc và miền núi. Ông giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2008), Giải thưởng Văn học ASEAN (năm 2009) cùng các giải thưởng khác. Ở tuổi 63, nhà văn Cao Duy Sơn vẫn đi và viết sung sức, dù đã sở hữu một gia tài không nhỏ: sáu tiểu thuyết (đang viết cuốn thứ bảy) cùng nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Tô Hoài, Nguyễn Thành Long..., sau này là Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh... những cái tên chỉ nhắc đến đã khiến người đọc nhớ những tác phẩm tuyệt hay về đề tài dân tộc miền núi giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có thể coi họ là những người khai mở dòng văn học dân tộc thiểu số trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam?

Nhà văn Cao Duy Sơn (CDS): Sức ảnh hưởng của bác Tô Hoài là điều không phải bàn cãi. Sau bác, theo quan sát của mình, ở miền bắc có nhà văn Ma Văn Kháng. Những gì anh ấy viết đều rất dân tộc, rất miền núi. Hồi ấy bọn mình hay nói với nhau, trong tác phẩm của anh Kháng chữ không còn là chữ nữa mà là số phận, tình yêu, tâm tư và cả kết cục cay đắng của con người đã được phản ánh đầy đủ, tất nhiên, dù vẫn có những chỗ còn đôi chút dè dặt. Một người nữa là Trung Trung Đỉnh. Là tác giả người Kinh, viết về vùng đất Tây Nguyên thời chống đế quốc Mỹ nhưng anh đã làm hiện lên cả đời sống văn hóa, con người Tây Nguyên, tình yêu và sự gắn bó máu thịt với rừng của người Tây Nguyên...

HV: Lực lượng nhà văn viết về đề tài dân tộc và miền núi hiện nay khá mạnh, trong đó không ít nhà văn người dân tộc viết về chính dân tộc mình. Có lẽ, họ không chỉ thừa hưởng từ những người đi trước mà còn “hưởng lợi” từ giai đoạn văn học đổi mới.

CDS: Thật vui khi hiện nay có một thế hệ cầm bút trẻ viết về dân tộc và miền núi nổi đình nổi đám. Phía bắc có thể kể đến: Chu Minh Huệ, Nông Quang Khiêm, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân, Lục Mạnh Cường, Nông Quốc Lập, Hoàng Chiến Thắng, Vi Thu Đạm... trong nam có Niê Thanh Mai, Đinh Su Giang, Đồng Chuông Tử... Đấy là những tác giả mà ta có thể tin sẽ đi được đường dài. Họ bám vào đời sống, không tự thỏa mãn với mình, gắng gỏi đổi mới bản thân, tư duy, cách viết. Bởi họ hiểu mỗi người phải mang đến văn chương một diện mạo riêng, nếu không, thì viết làm gì?

HV: Đông và mạnh thế, nhưng có vẻ thành tựu vẫn hiếm hoi?

CDS: Cái khó là dường như người trẻ vẫn chưa mở được cánh cửa đi vào bên trong của sự sáng tạo, của cái bất chợt vô hình... Bởi vì, có những thứ tưởng chừng rất bình thường (khác với tầm thường nhé) quanh ta, lại chính là văn chương, là cục vàng mà mình không biết để đưa vào tác phẩm. Nhưng cái này cũng cần phải tài năng mới nhìn thấy. Thứ nữa là họ phải đọc nhiều hơn. Không viết thì phải đọc, không đọc thì phải đi, không được để đầu óc nghỉ ngơi chút nào, bởi vì quỹ thời gian của mỗi người ít lắm, nếu không biết tận dụng thì phí. Mà hình như chúng ta đang để phí hơi nhiều. Những người tuổi cao như anh Ma Văn Kháng đã chịu nghỉ đâu. Thỉnh thoảng anh vẫn điện cho mình: “Sơn ơi, hồi này có viết gì không? Phải làm đi, anh cũng vẫn đang làm đây. Nếu không thì chúng mình còn biết làm cái gì khác?”.

HV: Thế còn đề tài thì sao? Tôi có có cảm giác văn học về dân tộc và miền núi phần lớn vẫn chỉ khai thác chuyện phong tục, tập quán, số phận con người theo cách ngày xưa mà ít thấy sự chuyển động của đời sống hôm nay ùa vào tác phẩm...

CDS: Đây là vấn đề quan trọng mà mình nghĩ rất nhiều và đã từng trao đổi với người viết trẻ. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trong vòng 15 năm nay, năm nào cũng tổ chức trại sáng tác trẻ, nhưng đọc thì thấy tác phẩm đề cập đời sống đương đại chỉ chiếm độ 10% thôi, quá ít. Phần lớn là truyện “tập cổ”, chuyện yêu đương, tranh giành, thất tình, trả thù, sám hối... Viết những chuyện xa xưa như săn hổ, săn báo, sao không nói rừng bị phá, đốt gần hết rồi, có đi suốt đêm cũng không gặp nổi con thỏ, nói gì đến hổ, báo để mà săn. Đời sống hôm nay muôn vàn phong phú, xuất hiện những con người khác với tư duy khác, lợi ích, toan tính, bè nhóm, kiểu cách, làm mầu, nếu các bạn ấy không viết thì ai viết?

HV: Lại nói chuyện viết. Với người dân tộc, viết bằng tiếng phổ thông và viết bằng tiếng của dân tộc mình, điều nào tốt hơn cho văn học?

CDS: Nếu một người thực sự có trách nhiệm với ngôn ngữ của mình thì viết bằng tiếng dân tộc hay viết bằng tiếng Việt đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên khi ngôn ngữ được cất lên bằng tiếng dân tộc thì nó sẽ gọi ra những điều gần gũi hơn, khiến ta cảm thấy như được tái hiện lại một lần nữa trong cuộc đời, gợi cho ta những cảm xúc mạnh mẽ. Đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc đâu chỉ ở phong tục, tập quán mà còn ở lối sống, cách cư xử, ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Chẳng hạn, với người Tày cái gì cho vào miệng đều gọi là ăn: ăn nước, ăn thuốc, ăn rượu, ăn cơm..., nếu viết mà bê nguyên xi như thế vào trang sách thì chỉ là sự nhại lại ngôn ngữ. Khi vui người Tày nói trong đầu như có tiếng thác chảy, có cơn gió mát thổi xuyên qua não, nhìn đá thấy đá thở, nhìn núi thấy núi cười... Còn lúc buồn, họ bảo buồn đến trĩu nặng cả mười ngón tay, bởi với họ, sống nghĩa là phải lao động, ngồi với mười ngón tay bất động, là buồn như muốn chết đi cho rồi. Viết về niềm vui, nỗi buồn như thế, người đọc sẽ thấy được cách nghĩ, cách tư duy, cách sống của đồng bào Tày.

HV: Hay thật. Cách nói này mang tư duy hình tượng, rất gần với nghệ thuật...

CDS: Thế nhưng vẫn có những người viết một cách máy móc, sống sượng như cái mày, cái tao, cái bí thư, cái cán bộ... và cho rằng thế mới là ngôn ngữ của người dân tộc. Nhầm! Đó chỉ là cách nói tiếng Kinh của một số người dân tộc thiếu ngôn ngữ, chứ không phải cách nói của người Tày. Họ gọi noọng ơi nếu là em, bao ơi nếu là anh, dế ơi là bác, cú ơi là cô..., vì vậy viết cái mày, cái tao sẽ làm tổn thương người dân tộc.

HV: Xin nói sang một chuyện khác. Trong số các nhà văn, tác giả người dân tộc, tôi nhận thấy người dân tộc Tày chiếm số lượng áp đảo. Vì sao?

CDS: Có lẽ bởi Tày là dân tộc thiểu số có số lượng đông nhất nước ta hiện nay, trên 1 triệu người. Tuy nhiên, số lượng đông cũng chưa nói lên điều gì, vấn đề ở đây là người Tày có nền văn hóa rất lâu đời cùng với chữ viết Nôm – Tày (dù đến nay đã thất truyền). Tôi tin rằng, dân tộc nào có chữ viết thì đều để lại trong vô thức, tiềm thức của họ một điều gì đó, tác động ít nhiều đến tâm lý và trí tuệ dân tộc ấy.

HV: Với nhà văn Cao Duy Sơn thì sao?

CDS: Văn chương đến với mình hơi chậm. Truyện ngắn đầu tay viết tại trại sáng tác của Hội Văn nghệ Tuyên Quang, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 8-1984, khi mình đã gần 30 tuổi. Ở trại sáng tác, lần đầu tiên được gặp và nghe các nhà văn tiền bối như Nguyễn Thành Long, Lê Lựu... trò chuyện, mình mới ngộ ra rằng, điểm tựa của tác phẩm văn học là đời sống nhưng nó phải được sinh ra từ trí tưởng tượng của người viết. Văn chương đã giúp mình giải tỏa những vấn đề cá nhân mà mình chưa có cơ hội thổ lộ và mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó.

HV: Người đọc thấy trong tác phẩm của ông một cách nghĩ, một cách cảm và cách tiếp cận mới về văn học dân tộc miền núi; còn người trong giới bảo Cao Duy Sơn có “hóa khoa” viết muộn, vào Hội Nhà văn Việt Nam không sớm (năm 1997) nhưng đến nay đã gặt hái nhiều giải thưởng văn học uy tín...

CDS: Từ khi bắt đầu viết mình vẫn trung thành với cách nghĩ có từ lời khuyên chí tình của nhà văn Nguyễn Thành Long: Đừng ngại ngần khi đã chọn được một con đường mình thấy đúng, hãy đi theo nó và không bao giờ bỏ cuộc. Cả cuộc đời mình chỉ “nhằm” cái đề tài dân tộc miền núi để viết. Viết bằng sự trải nghiệm bản thân, bằng ký ức, hoài niệm và bằng cả cuộc sống hôm nay. Chẳng hạn như Đàn trời hay Biệt cánh chim trời, tiểu thuyết mới nhất của mình đều viết về cuộc sống bề bộn đang diễn ra. Với mình, viết về cuộc sống hôm nay bao nhiêu cũng chưa đủ. Hình như chúng ta đang đi quá chậm, bản thân mình cũng đi quá chậm so với tốc độ của cuộc sống. Cứ sau một đêm thức dậy, lại thấy mắc nợ cuộc sống. Hay buông đi cho nhẹ? Nhưng không thể buông được! Nên cứ viết, cứ trung thành với nó.

HV: Ông viết cả tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng dường như mảng truyện ngắn được đón nhận nồng nhiệt hơn?

CDS: Viết truyện ngắn tưởng là công việc nhỏ nhưng thật ra rất nặng nhọc. Không có truyện ngắn nào dễ dàng với mình cả, dù viết rất nhanh nhưng để xong được thì phải sửa chữa ít nhất từ một tháng đến tháng rưỡi, thận trọng từng chữ một. Bởi nếu mình còn chưa thỏa mãn, chưa thấy ưng thì bạn đọc làm sao thích được?

HV: Quan niệm sáng tác của ông?

CDS: Nhà văn phải như ma xó. Ngoài nhìn thì còn nghe, ngửi, cảm thấy chung quanh, nghĩa là nhắm mắt vẫn biết tường tận mọi việc. Bởi anh có giỏi tưởng tượng bằng giời thì cũng không thoát khỏi đời sống và anh cũng không thể làm thay đời sống được. Và khi viết, bản thân (cái tôi) phải biến hoàn toàn ra khỏi trang giấy để lặn vào tận cùng đời sống nhân vật, để cho nhân vật dẫn đi. Lúc đó anh sẽ đến và mở được cánh cửa của cái đẹp.


Hữu Việt (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây