Thanh Hóa: Sống giữa Khu kinh tế Nghi Sơn, người dân lo chết không có chỗ chôn

Thứ hai - 18/01/2021 15:55
Sống giữa trung tâm Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, người dân xã Hải Hà và P.Hải Thượng (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) nhiều năm nay phản ánh 2 địa phương này không còn đất nghĩa trang để chôn người chết.
111
Khu đất 200 m2 UBND xã Hải Hà mới san lấp để làm nghĩa trang cũng đã kín chỗ /// Ảnh Minh Hải
Hơn 10 năm trước, khi KKT Nghi Sơn được hình thành, người dân đã nhường đất cha ông để lại cho các dự án. Đến năm 2014, hàng ngàn gia đình ở xã Hải Hà và P.Hải Thượng lại lần lượt bốc những ngôi mộ mới chôn 1 - 2 năm để đưa về nghĩa trang mới được quy hoạch, tiếp tục nhường đất cho các dự án.

Nghĩa trang P.Hải Thượng được quy hoạch rộng 4,5 ha, nằm dưới chân núi. Chính quyền khi đó đã bố trí 4 ha đất, chia diện tích theo quy mô của từng dòng họ, còn 0,5 ha làm nơi hung táng chung toàn xã. Nhưng đến năm 2018, toàn bộ diện tích hung táng đã hết chỗ. Từ đó, ở P.Hải Thượng xảy ra tình trạng thiếu đất nghĩa trang.

Ông Hồ Sỹ Thắng (67 tuổi) quê gốc ở tỉnh Nghệ An, lấy vợ là bà Nguyễn Thị Hiệp (quê gốc ở phố Bắc Hải, P.Hải Thượng). Sau khi xuất ngũ, vợ chồng ông sống ở phố Bắc Hải, đến nay đã gần 30 năm. “Thanh xuân đi chiến đấu để giành từng tấc đất cho Tổ quốc, mà giờ già sắp chết lại lo không có chỗ chôn”, ông Thắng than thở khi trò chuyện với phóng viên về tình trạng thiếu đất nghĩa trang ở địa phương. Cựu binh này cũng là thương binh, đến nay vẫn mang trong mình mảnh đạn do bị thương trong chiến đấu.

Theo quan sát của chúng tôi, nghĩa trang P.Hải Thượng hiện đã kín chỗ. Các con đường trong nghĩa trang cũng đã được tận dụng để chôn người chết, nhiều ngôi mộ chắn kín lối đi. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải chôn người mất ra rìa nghĩa trang, chênh vênh và tạm bợ. Tình trạng này đang trở thành mối lo hằng ngày của không chỉ 11.000 người dân P.Hải Thượng, mà của cả chính quyền địa phương.

Ông Lê Thái Tịnh, đại biểu HĐND P.Hải Thượng, đồng thời là Trưởng khu phố Bắc Hải, cho biết từ lâu người dân đã có ý kiến đề nghị chính quyền bố trí đất để chôn người chết.

“Từ cuối năm 2018 đến nay, nghĩa trang không còn đất hung táng nữa. Lo lắng nhất là những hộ mới nhập cư, hoặc không có họ hàng ở đây thì chết cũng không có đất mà chôn. Riêng phố Bắc Hải chúng tôi có gần 500 hộ dân, trong đó, có khoảng hơn 100 hộ thuộc diện nhập cư, nên khi khi các gia đình có hậu sự là rất lo lắng. Có nhà phải đi mượn đất họ ngoại để chôn người chết”, ông Tịnh nói.

Bòn từng mét đất vẫn không đủ chỗ chôn người

Chuyện hết đất chôn người chết không chỉ ở P.Hải Thượng. Cạnh đó, xã Hải Hà cũng trong tình trạng tương tự sau khi nhường đất cho các dự án của KKT Nghi Sơn. Khoảng năm 2014, nghĩa trang xã Hải Hà được quy hoạch mới trên đỉnh núi Răng Cưa thuộc xã này. Nhưng ít năm sau nghĩa trang đã kín chỗ, nên chính quyền địa phương phải san lấp khu đất rộng khoảng 2.000 m2 dưới chân núi làm nghĩa trang. 

Đến năm 2019, khu đất mới này cũng kín chỗ nên đầu năm 2020, chính quyền xã đã phải thuê máy ủi bạt thêm khoảng 200 m2 cũng ở chân núi để mở rộng nghĩa trang, nhưng đến giữa tháng 12.2020 vừa qua, khu đất này cũng lại kín chỗ.

Ông Trần Đình Thuận, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, thừa nhận tình trạng thiếu đất nghĩa trang đã và đang là vấn đề nóng ở địa phương. “Đến giờ, khu đất rộng 200 m2 xã mới tìm được cũng chỉ còn đủ cho 8 người nằm. Tình hình đất nghĩa trang của xã là rất căng. Vừa rồi chúng tôi cũng lựa được khu đất là bãi thải của doanh nghiệp để quy hoạch, xây dựng thêm nghĩa trang. Nhưng cũng mới chỉ là chọn xong địa điểm, việc lập dự toán, rồi tìm nguồn tiền để đầu tư thì chưa biết khi nào mới xong”, ông Thuận nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch UBND P.Hải Thượng, cho hay: “Nghĩa trang của phường đến nay đã hết chỗ. Nên vài năm gần đây, dân phải đào mộ ngay trên đường nội bộ của nghĩa trang, cứ chỗ nào trống là chôn. Phường đang đề nghị xin khu đất hơn 1 ha đối diện nghĩa trang hiện tại để mở rộng, nhưng UBND tỉnh cho biết đất ấy đã thuộc quy hoạch cây xanh của một dự án. Song vì bí quá nên chúng tôi đang tiếp tục xin “mượn” khu đất này khoảng 10 năm, vì dự án trồng cây xanh chưa triển khai”.

Ông Ngọ cũng thừa nhận nhiều năm qua, người dân đã nhiều lần có ý kiến đề nghị chính quyền tìm đất để chôn người chết, nhưng quỹ đất không còn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TX.Nghi Sơn, cũng thừa nhận tình trạng thiếu đất nghĩa trang ở xã Hải Hà và P.Hải Thượng. Ông Dũng cho biết, hướng giải quyết là nếu có người mất thì hỏa thiêu và chôn cất tro cốt ở nghĩa trang P.Tân Dân và xã Nguyên Bình cùng thị xã. Nhưng cách này không khả thi vì rất ít người dân chịu đưa người thân đi an táng xa hàng chục ki lô mét.

“Phong tục, tập quán địa phương chủ yếu vẫn là người chết thì chôn chứ không thiêu, nên thiếu đất nghĩa trang là rất khó khăn”, ông Dũng nói.

Theo Thanh niên
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây