Tác phẩm đoạt Giải BCQG 2019: Trò chuyện văn chương: Bài 1: Bản chất của văn học là làm cho xã hội tốt đẹp hơn

Thứ ba - 09/02/2021 10:48
Loạt bài: Trò chuyện Văn chươngTác giả: Trần Hữu Việt (Hữu Việt)Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân dânĐoạt Giải A, Giải báo chí Quốc gia năm 2019Người làm báo Hưng Yên xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:

Bài 1: Bản chất của văn học là làm cho xã hội tốt đẹp hơn

111
Nhà thơ Thạch Quỳ (phải) trò chuyện văn chương với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh LA GIANG
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 ở Đô Lương, Nghệ An; hiện sống và viết tại thành phố Vinh. Ông làm thơ từ rất sớm, đến nay đã cho ra mắt tám tập thơ; là một trong những gương mặt thơ sáng giá thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giới văn thường nhắc đến ông như một người có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, cương trực, thẳng thắn nhưng đôi lúc cố chấp đến mức cực đoan, “ương gàn” theo đúng chất đồ Nghệ. Chúng tôi tìm đến nhà ông trên đường Phong Đình Cảng một ngày trung tuần tháng ba và được ông dành cho cuộc trò chuyện văn chương cởi mở, thẳng thắn.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Trong làng văn có nhiều giai thoại về chuyện ông vào Hội Nhà văn, thực hư thế nào, thưa nhà thơ Thạch Quỳ?

Nhà thơ Thạch Quỳ (TQ): Năm 1975, mình từ Nghệ An ra Hà Nội học Lớp bồi dưỡng viết văn Quảng Bá khóa 7. Tính từ bài thơ đầu tiên in trên báo Văn Nghệ thì khi ấy mình đã viết được 15 năm rồi. Một bữa ông Bàng Sĩ Nguyên, bấy giờ là giảng viên lớp tụi mình, bảo: “Đọc anh, tôi thấy anh là nhà văn rồi, anh viết cho tôi cái đơn xin vào Hội”. Mình từ chối, nói, thôi thầy ơi, việc của nhà văn là viết, vào hội hay không vào hội thì vẫn là nhà văn. Còn viết không được thì chẳng hội nào giúp anh thành nhà văn được.

Phải nghĩ thế để mà làm việc. Học xong khóa sáu tháng, mình về quê. Nhà thơ Thúy Bắc bấy giờ làm công tác hội viên, muốn vào Nghệ An chơi nhưng chưa tìm được lý do. Mấy ông ở Hội bảo, lần này chị vào gặp Thạch Quỳ, coi như đi công tác, vận động nó vào Hội đi. Thúy Bắc đến gặp mình, mình bảo, cảm ơn chị, lần trước tôi đã trả lời các anh thế rồi, nên tôi không viết đơn đâu. Thúy Bắc ở nhờ nhà Trần Khánh, một người làm quản lý văn hóa trong tỉnh, là hàng xóm với mình. Ông Khánh rủ mình sang nhà uống rượu. Chị Thúy Bắc tiếp tục khuyên mình vào Hội, nhưng mình vẫn từ chối. Trần Khánh lấy ra một tờ giấy, một cái bút, kéo mình ngồi vô ghế, nói, ông vào hay không vào cũng được, nhưng chị Thúy Bắc là phụ nữ từ Hà Nội lặn lội vô, ông là nhà thơ mà không biết nể, để chị không hoàn thành nhiệm vụ, thì nghệ sĩ chỗ mô? Mình nghe thế đành cười, bảo chị Thúy Bắc, vậy đơn từ thế nào, chị đọc để tôi viết. Đơn viết xong, chị Thúy Bắc lại bảo mình nói với anh Thung (nhà thơ Trần Hữu Thung), anh Huệ (nhà thơ Minh Huệ) ký giới thiệu, thủ tục là phải có hai hội viên giới thiệu mới hợp lệ. Mình dứt khoát, tôi nể chị đã viết đơn rồi, chứ nhủ thêm hai anh đó giới thiệu thì tôi không làm đâu!

Chị Thúy Bắc cầm cái đơn không người giới thiệu về Hà Nội. Một thời gian sau mình nhận thông báo đã được kết nạp vào Hội. Có dịp ra Hà Nội, mình đến anh Võ Văn Trực, hỏi, đơn vào Hội của tôi anh ký giới thiệu phải không? Anh Trực bảo không phải mô, cái hôm xét kết nạp mi, tau cũng có dự. Đến phần của Thạch Quỳ, mọi người bảo đơn không hợp lệ vì không có người giới thiệu. Nhà thơ Chế Lan Viên đứng dậy, nói, riêng trường hợp này để tôi giới thiệu, cầm bút ký xoẹt vào lá đơn. Mọi người bảo, nếu ông Chế đã giới thiệu thì chỉ cần một người là đủ! Chuyện mình vào Hội đơn giản rứa đó, có giai thoại chi mô!

HV: Ngày xưa người đi trước thấy người đi sau có tài thì mời, thậm chí vận động gia nhập Hội Nhà văn, sự liên tài ấy thật đáng quý. Nay thì mỗi kỳ kết nạp y như rằng lại có chuyện xì xào, không chuyện nọ thì chuyện kia. Người đi vận động là người muốn xin vào Hội, chứ hiếm thấy Hội phải “vận động” ai vào...

TQ: Mình cũng có nghe nói thế. Nhưng Hội có làm nên nhà văn cho anh đâu, phải viết mới thành nhà văn chứ!

HV: Ông được tiếng là người đọc nhiều, biết rộng, gần đây ông có đọc các cây bút trẻ không?

TQ: Mình giừ lớn tuổi rồi, đọc cũng không được nhiều nữa, nhưng mình không hề kỳ thị những cây bút trẻ có tìm tòi, đổi mới. Đó là việc phải làm. Cầm bút mà chỉ viết lục bát, song thất lục bát, rồi bảy chữ tám câu... thì có phải làm thơ đâu, đấy là phổ chữ vào nhạc điệu có sẵn của thơ. Thơ là khi trong anh có lời, có ý, phải có cái cựa quậy muốn nói, muốn hét lên rồi bật ra thành âm điệu, tư thế, độ vang vọng. Đó mới là sáng tạo, chứ không thể dựa dẫm vào cái có sẵn được.

HV: Gần đây ông có thấy nhiều sự sáng tạo như thế không?

TQ: Rất nhiều. Đầu tiên phải ghi nhận sự sáng tạo ở âm điệu, hình thức, ngôn ngữ. Còn những bài thơ đó có cái gì bên trong để nói hay không lại là chuyện khác.

HV: Tại sao nhiều tìm tòi, sáng tạo mà vẫn chưa thấy có tác phẩm lớn, tương xứng với tầm vóc thời đại?

TQ: Tác phẩm lớn phải của người lớn, chứ trẻ con không làm ra tác phẩm lớn được đâu! Thế nào là người lớn? Là người phải thông kim bác cổ, hiểu biết sâu xa thế giới; phải là người kinh thiên động địa mới viết được tác phẩm kinh thiên động địa chứ!

HV: Bây giờ người ta hay nói đến trách nhiệm xã hội của nhà văn. Liệu cái đấy có đồng nhất với yêu cầu phục vụ tuyên truyền thuần túy không, hay phải hiểu nó như một trách nhiệm đặc thù của người cầm bút?

TQ: Bàn về trách nhiệm nhà văn là vô cùng khó, vì đó là khái niệm tổng hợp. Nhà văn trước hết là một công dân, nên phải có trách nhiệm với cuộc sống, đất nước, dân tộc như mọi người. Nhưng nhà văn còn phải có trách nhiệm của người cầm bút bởi đặc thù nghề nghiệp, nghĩa là phải đóng góp cho xã hội bằng đặc thù đó. Nhà văn cần viết những gì mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời, chứ viết những cái phá phách, không phải nhà văn đâu! Cao hơn nữa, nhà văn phải có trách nhiệm với nhân loại, nói với loài người thì anh cũng phải là con người cho ra người. Nếu sống chả ra người thì rứa chẳng còn là nhà văn nữa...

HV: Khi nói đến trách nhiệm xã hội của nhà văn, là nói đến những gì anh ta thể hiện trong tác phẩm, về sức ảnh hưởng xã hội của tác phẩm... Làm sao để văn học vừa phục vụ yêu cầu cụ thể của xã hội nhưng vẫn không đánh mất vẻ đẹp của nó?

TQ: Nếu đòi hỏi văn học chỉ thực hiện nhiệm vụ trước mắt thì vô hình trung đã hạn chế khả năng to lớn của nó, biến nó từ cái búa thành cái đục thôi. Đối diện với những yêu cầu xã hội cụ thể nhà văn cần có bản lĩnh, tiếp thu thế nào để biến nó thành cái tốt đẹp nhất trong tác phẩm của mình. Theo tôi, tự cổ chí kim, trách nhiệm cũng là mong muốn của người cầm bút làm cho xã hội loài người tốt đẹp hơn. Đấy là bản chất của văn học.

HV: Nghề văn có học được không? Có dạy được không?

TQ: Nam Cao đã viết rất đúng trong truyện Sống mòn (giáo dục là) “làm cho con người phát triển tận độ cái khả năng của nhân loại chứa đựng ở trong mình”. Giáo dục cao nhất là làm cho chú thành ra chú, tôi thành ra tôi. Bởi vì trong chú, trong tôi có nhiều cái ẩn khuất, nhờ học tập mà được khai phóng, phát huy tận độ cái khả năng của nhân loại có ở trong mình... Dạy và học trong nghề văn, nói tóm lại là như thế.

HV: Theo ông, thế nào là cá tính sáng tạo của nhà văn?

TQ: Nói chung, nếu anh trung thực với chính mình thì sẽ có cá tính sáng tạo. Bởi vì thượng đế sinh ra con người rất khác nhau. Con người là sản phẩm riêng của tạo hóa, từ cá tính người mới sinh ra cá tính văn học. Còn nếu bảo văn của anh không có cá tính là do anh đã không đào, không khoét hết anh, mới chỉ làm theo, nghe người khác.

HV: Là người nhiều ngẫm ngợi về nghề, vậy ông quan niệm một bài thơ thế nào là hay? Câu hỏi này cũng cần người có cá tính sáng tạo trả lời...

TQ: Mình giừ gần 80 tuổi rồi, làm cái nghề này thì buộc phải nghĩ về nó. Cái gọi là hay ở đời phải là hay với con người chứ không phải cái hay quăng ra giữa trời, giữa đất; nó phụ thuộc vào cảm nhận của từng người.

HV: Thế còn cái hay của Thạch Quỳ thì phải thế nào?

TQ: Với mình, thơ nghiêng về phần hồn hơn là phần trí. Cái gì thuộc về cảm xúc, cuốn hút ta bằng cái không lời, không rõ vì sao thì hấp dẫn mình hơn những cái mạch lạc, sâu sắc. Trong thơ có cái phần hồn linh diệu, ai viết đạt tới đó thì bài thơ chứa ma lực. Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ trí tuệ gì đâu, nhưng sao nó cuốn hút ta vậy, là bởi vì nó có phần hồn, nó là thơ hay... Mình rất trân trọng những nhà thơ có tư duy mới mẻ, suy nghĩ sâu sắc; nhưng trí tuệ chỉ làm ta khâm phục, còn tâm hồn mới cuốn hút ta. Có một trong hai thứ đó, đều đã là thơ hay. Nhưng nếu đạt được cả hai thì bài thơ tuyệt diệu.

HV: Người ta thường nói, một bài thơ hay là bài thơ có tư tưởng. Nhưng tư tưởng trong thơ chắc chắn không giống định nghĩa thông thường về tư tưởng. Nếu cố ép cho thơ mình “có tư tưởng” thì thường chỉ cho ra những bài thơ khiên cưỡng, vụng về... Theo ông, thơ có cần tư tưởng không?

TQ: Khi tư tưởng đã thâm nhập vào văn học thông qua tư duy tác giả, đạt đến mức triết lý thì nó là tư tưởng văn học. Vì vậy phải đề cao tư tưởng chứ, không có nó thì bài thơ ấy vứt đi. Nhưng nếu đề cao đến mức coi bài thơ nào không có tư tưởng là đồ bỏ thì cũng không phải. Như mình đã nói ở trên, có những bài thơ cuốn hút tâm hồn tới mức ta không thể nói nó có tư tưởng hay không. Khi ấy, nếu chỉ đề cao tư tưởng thì ta đã loại mất những bài thơ này.

HV: Thơ Thạch Quỳ làm về thế sự, chứa đựng tư tưởng cũng nhiều. Liệu có gì mâu thuẫn khi ông nói trí tuệ chỉ làm ta khâm phục, còn tâm hồn mới cuốn hút ta?

TQ: Mình viết thơ không theo cảm xúc thông thường. Trong thơ mình có nhiều thứ, và nếu bài thơ nào gọi là có tư tưởng, thì chính là mình muốn gửi gắm mong muốn tiến bộ trong chính bản thân con người, trong thể chế, xã hội; mong cho nó ngày một tốt đẹp hơn...
 

Hữu Việt (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây