Mùa vụ thu hoạch nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chuẩn bị bắt đầu, do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid 19 và điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra những khó khăn cho người trồng nhãn.
Năm 2021, toàn tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích đất trồng nhãn 4500 ha, diện tích cho sản lượng tăng 3 - 5% so với năm 2020, sản lượng dự kiến 50000 - 55000 tấn. Sở Công thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch 130, tổ chức hội nghị trực tuyến để xúc tiến tiêu thụ nhãn với 23 điểm cầu quốc tế và 42 điểm cầu trên toàn quốc, chú trọng những điểm cầu là bạn hàng truyền thống như Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản… và ký kết hợp tác sang thị trường mới: Bắc Âu, Tây Âu. Ông Nguyễn Văn Thơ, giám đốc sở Công thương tỉnh Hưng Yên chia sẻ cách thức tiêu thụ nhãn trong thời kỳ bình thường mới: “Được chỉ đạo của Bộ Công thương để xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước, sở Công thương tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông, hiện nay, đã có 5 sàn thương mại điện tử lớn của quốc gia đã kí hợp tác với chúng tôi, dự kiến sẽ đưa những nông sản của bà con trong đó có nhãn lên sàn. Tập đoàn Viettel cũng cam kết một ngày có thể vận chuyển 20 tấn nhãn đến tay người tiêu dùng”.
Xã Tân Hưng được biết tới với diện tích trồng nhãn lớn, khoảng 215 ha. Những HTX như: HTX Vietgap chiếm khoảng 90 ha, HTX cây ăn quả Quyết Thắng chiếm khoảng 55 ha, HTX chế biến nông sản Tân Hưng chiếm khoảng 45 ha, tổng sản lượng nhãn ước đạt 125 tấn. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt và đặc biệt là dịch Covid 19, sản lượng nhãn đã giảm so với cùng thởi điểm năm ngoái. UBND xã Tân Hưng đã chỉ đạo các HTX duy trì chất lượng, áp dụng đúng tiêu chuẩn do Vietgap đề ra. Ông Ngô Quốc Dương, phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng, chia sẻ phương án để giữ thương hiệu của nhãn lồng: “Chúng tôi đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chỉ đạo các HTX trên địa bàn xã Tân Hưng. Cải tạo những diện tích nhãn kém hiểu quả, ghép và lai tạo những giống nhãn tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con, phấn đấu để sản lượng năm 2021 cao hơn so với năm 2020. Các HTX tích cực tham gia các hội nghị trực tuyến của các đơn vị Sở ban ngành tổ chức, nắm bắt thế mạnh loại nhãn của địa phương: T1, T2, hương chi, đường phèn… để quảng bá sản phẩm ra thị trường”.
Sản lượng đầu vụ nhãn của HTX Cây ăn quả Quyết Thắng đã giảm 40% so với cùng thời điểm năm ngoái do những tác động bởi những yếu tố khách quan, nhưng giá trị nhãn đầu vụ sẽ tăng: 40 - 45 nghìn/ 1 cân. Sản lượng nhãn của HTX Quyết Thắng ước tính là hơn 100 tấn, tất cả diện tích nhãn trong HTX đã được thu mua, ký kết với các siêu thị trong tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh lân cận. HTX Quyết Thắng sẽ thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng nhãn đủ tiêu chuẩn để đưa lên sàn thương mại điện tử. Ông Trần Văn Mý, giám đốc HTX Cây ăn quả Quyết Thắng cho biết: “Ngay từ khi bắt tay vào quy trình sản xuất, HTX chúng tôi đặt những tiêu chí: chất lượng, số lượng và thương hiệu nhãn lên hàng đầu. Chúng tôi đã được cung cấp tem truy xuất nguồn gốc để có thể tiêu thụ sản phẩm vào trong các siêu thị lớn và xuất khẩu tới các thị trường khó tính”.
Do mất mùa, sản lượng nhãn giảm, giá đầu nhãn lại tăng là thách thức cho những cơ sở chế biến thành phẩm từ nhãn: làm long, sấy nhãn. HTX cây ăn quả xã Tân Hưng có 30 hộ làm long và đã thu mua hầu hết sản lượng nhãn cho bà con trong HTX. Dự kiến năm 2021, giá long nhãn sẽ tăng là 200 - 220 nghìn/1 cân, bình quân sấy được 600 tấn nhãn, và 60 tấn long. Anh Hoàng Văn Mười, chủ tịch HĐQT HTX Cây ăn quả xã Tân Hưng chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động liên hệ với nhiều đầu mối quen thuộc ở các nơi: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… và tìm kiếm những đầu mối mới trong những chuyến xúc tiến thương mại do các cấp chính quyền tổ chức. Tích cực tham dự những hội nghị bán hàng online, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm long nhãn lên sàn thương mại điện tử”.
Cách thức mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi, đòi hỏi những người trồng nhãn phải thích ứng với những phương thức bán hàng mới: bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử… để vừa có thêm thu nhập và phù hợp với thời buổi dịch bệnh như hiện nay.