Chủ tịch TP.HCM đối thoại trực tuyến với dân: Mạnh dạn, kịp thời!

Thứ năm - 09/09/2021 10:50
Việc ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM đại diện chính quyền thành phố trực tiếp trao đổi với người dân trong tình thế đại dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp được đánh giá là mạnh dạn, không né tránh, sát, đúng, kịp thời...
111
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đối thoại trực tuyến với người dân tối 6/9.

Tối 6/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tham gia chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” để chia sẻ trực tiếp với người dân thành phố về những định hướng, kế hoạch của TP trong công tác phòng chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9, thời điểm mà Chính phủ đặt ra yêu cầu TP phải kiểm soát được dịch bệnh. Chương trình đã thu hút sự quan tâm, đặt câu hỏi của hàng nghìn người dân thành phố.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất mà người dân thành phố gửi đến ông Phan Văn Mãi đó là khi nào thành phố hết giãn cách, vì sao thành phố thực hiện giãn cách hoài mà dịch bệnh không giảm... Nhiều người dân thậm chí bày tỏ lo ngại “chưa chết vì bệnh đã chết vì đói”.

Ông Phan Văn Mãi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP.HCM đúng vào thời điểm trên địa bàn thành phố, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp. Người dân thành phố đã có 2-3 tháng phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, hạn chế các sinh hoạt, kinh tế xã hội của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, việc ông Mãi đại diện chính quyền thành phố trực tiếp trao đổi với người dân được đánh giá khá tích cực.

111
Ông Nguyễn Hữu Châu (Ảnh: Việt Đức)

“Tôi hoan nghênh việc trực tiếp đối thoại với người dân của Chủ tịch TP.HCM, bởi như Thủ tướng nói, trong cuộc chiến chống dịch này, chiến thắng là của Nhân dân, vì vậy, việc đối thoại là cách làm rất tốt để lãnh đạo nghe thấy tiếng nói của dân, hiểu được suy nghĩ của dân để thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Châu (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) chia sẻ.

Đồng tình với phương châm của Chính phủ, trong cuộc chiến chống dịch lần này, mỗi xã phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, nhưng ông Nguyễn Hữu Châu cho rằng, nếu mỗi người dân có ý thức tự quản mình, nhắc nhở người thân trong gia đình cùng thực hiện tốt biện pháp 5K, giãn cách, có vậy công sức chống dịch của tất cả các lực lượng, của cả hệ thống chính trị mới có ý nghĩa. Nhắn nhủ tới chính quyền thành phố, ông Châu cho rằng, muốn làm tốt điều này, cần phát huy sức mạnh của các tổ mặt trận ở địa bàn, ở đó có hàng trăm cán bộ mặt trận, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… chứ một mình chính quyền là không đủ.

Theo dõi cuộc đối thoại này, ông Mai Thanh Hà (quận 7, TP.HCM) bày tỏ, ông chưa cảm thấy hài lòng bởi như Thủ tướng đã chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh, thành cần phải đặt mục tiêu cho thời gian giãn cách, nhưng câu trả lời của Chủ tịch TP.HCM chưa cho người dân thấy được điều đó.

“Người dân TP.HCM rất mong chờ Chủ tịch TP chỉ ra được những việc TP đã làm được trong thời gian giãn cách cũng như đạt được những gì trong thời gian này. Với những việc đã làm được đó thì TP đặt mục tiêu đến thời điểm nào có thể mở cửa giãn cách”, ông Mai Thanh Hà chia sẻ.

Một cuộc đối thoại không thể giải đáp hết thắc mắc của dân. Việc người dân hài lòng hay chưa hài lòng cũng là chuyện bình thường.

“Chủ tịch TP.HCM là người trẻ và tôi tin lựa chọn của Trung ương là không sai. Anh Mãi đã ra mắt bà con TP bằng cuộc đối thoại trực tiếp này, trong bất kỳ trường hợp nào, người dân cũng trân trọng sự dũng cảm đó. Điều đáng trân trọng ở anh Mãi là sự dám nghĩ, dám làm, dám đối thoại thẳng thắn với người dân để nhận biết cái gì cần phải làm, cái gì cần phải sửa để vượt qua được dịch bệnh càng sớm càng tốt”.

111
Ông Mai Thanh Hà (Ảnh do NV cung cấp)

Đánh giá cao sự dũng cảm của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, ông Mai Thanh Hà cũng mong muốn, lãnh đạo thành phố nhìn ra thế giới, đặc biệt là các nước lân cận để học tập.

“Nhìn ra bên ngoài mới thấy chúng ta còn cần phải cố gắng rất nhiều nữa. Điều này chính là cách giúp nâng cao hơn năng lực thực sự trong điều hành công việc chung và giúp người dân nhanh chóng mở cánh cửa phát triển kinh tế khi chúng ta vượt qua đại dịch. Người dân chúng tôi mong muốn ngày này đến càng sớm càng tốt vì mấy tháng qua thực sự người dân đã kiệt quệ lắm rồi”, ông Hà bày tỏ.

Theo dõi cuộc đối thoại giữa tân Chủ tịch TP.HCM với người dân giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, cho rằng, việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân là kịp thời. Phải có sự trao đi đổi lại để hai bên thấu hiểu nhau hơn.  

“Cán bộ không có tâm huyết, trách nhiệm đầy đủ với người dân thường họ sẽ có tâm lý né tránh những câu hỏi khó, những vấn đề bức xúc của người dân. Nhưng với cách làm của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, tôi cho là mạnh dạn, am hiểu tường tận vấn đề, có những câu trả lời tương đối sát, đúng, kịp thời với yêu cầu của người dân thành phố. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, người dân cần nhiều thứ, và thứ quan trọng nhất theo tôi là tiếng nói của lãnh đạo, chính quyền, phương hướng ứng xử với tình thế đó như thế nào trước mắt cũng như lâu dài. Ở đây, Chủ tịch TP đã thấy và hiểu được tâm tư, mong muốn của người dân để chia sẻ và động viên họ, cùng sát cánh để vượt qua đại dịch. Làm được như thế sẽ khiến cho sự tin tưởng của người dân với thành phố tăng lên, hiểu được chủ trương, đường lối cũng như quyết tâm của thành phố để cùng đồng lòng chống dịch”.

111
Ông Vũ Trọng Kim

Ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh và cho rằng, đó là việc làm có nhiều ý nghĩa và mang lại sức mạnh to lớn giúp thành phố vượt qua đại dịch. Những phản hồi từ vị Chủ tịch TP không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn giúp người ta phần nào hình dung được tương lai của thành phố, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến chống dịch trước mắt và lâu dài. Phần trao đổi của Chủ tịch TP còn mở ra hướng đối thoại của người dân với lãnh đạo thành phố trong những hoàn cảnh hay vấn đề cấp thiết khác trên nền tảng là sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau. Điều đó giúp người dân thoải mái về tâm lý.

Chủ trương người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với người dân đã được quy định rất rõ. Trong những vấn đề thuận lợi thì không nói làm gì nhưng trong những hoàn cảnh khó khăn, đứng ra trực tiếp đối thoại với người dân cho thấy ý thức trách nhiệm và tâm huyết của người lãnh đạo. Đối thoại để chính quyền hiểu dân, dân đồng cảm và chia sẻ với chính quyền. Có như vậy mới tìm ra tiếng nói chung, tạo nên sức mạnh đồng thuận để vượt qua khó khăn, thử thách./.

 

Theo Thanh Hà/VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây