Tọa đàm trực tuyến: "Nông thôn luôn là chốn nuôi dưỡng giá trị văn hóa của dân tộc"

Thứ tư - 17/11/2021 20:48
 "Trong các phiên họp Quốc hội, có những đại biểu cho rằng, đang có sự thụt lùi trong lĩnh vực văn hóa. Tôi cho rằng, chúng ta có sự phát triển, nhưng sự phát triển đó không bền vững" nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với Dân Việt.
111
Tọa đàm trực tuyến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". (Ảnh: Phạm Hưng)
Tọa đàm trực tuyến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức lúc 9h ngày 17/11/2021. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Nhà sử học Dương Trung Quốc - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, TBT Tạp chí Xưa và Nay và đạo diễn, nhà sản xuất phim Nguyễn Hoàng Điệp.
 
 
 
 
 
111
Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là người dẫn dắt buổi tọa đàm trực tuyến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". (Ảnh: Phạm Hưng)

TƯỜNG THUẬT
09:40 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Câu nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mang ý nghĩa nội hàm là tập hợp lực lượng, nâng cao sĩ khí, cho tới bây giờ nó còn đúng không và có cần điều chỉnh gì không?
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước hết phải nói rằng, trong tiến trình cách mạng dân tộc, chúng ta thường quên nhắc tới vai trò của văn hóa, dù đây là yếu tố tiên phong và vô cùng quan trọng. Ngay khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã nói về công tác tuyên truyền là chính yếu và phải đánh thức lòng yêu nước trong dân chúng. 

Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. 
111
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
 
 
Trong đó vạch ra những yếu tố cơ bản, luôn chính xác là dân tộc, khoa học, đại chúng. Rất nhiều sự kiện văn hóa đã diễn ra và đánh thức quần chúng ngay khi chúng ta chưa giành được độc lập. Đó là các sự kiện hướng đạo sinh của sinh viên, những bài hát, vở kịch tuyên truyền. 

Ngay sau 2 tuần giành độc lập, Nhà nước đã tổ chức lễ giỗ Đức Thánh Trần quy tập 5 tấn đồ lễ cho trại trẻ, các cụ già neo đơn. Ngoài ra chúng ta còn tổ chức lễ hội về các vị anh hùng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Quang Trung… Tôi cho đó là sự khởi động khi Đảng và Nhà nước nhận thức rằng văn hóa chính là thứ tập hợp quần chúng. 

Cuối năm 1946, Hội nghị Văn hóa được tổ chức tại Nhà hát Lớn. Khi đó, Cụ Hồ vừa chân ướt chân ráo ở Pháp về. Cụ Hồ khẳng định, ở Hội nghị mục tiêu của văn hóa chính là hạnh phúc của nhân dân và hòa bình dân tộc, văn hóa phải tác động vào tâm lý xã hội. Trong việc xây dựng đất nước, cần chống tham nhũng, chống xa hoa, chống phí phạm. Rất tiếc văn kiện đó không còn được lưu giữ chính xác.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi thấy với ý kiến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I có những ý nghĩa như sau: Năm 1943 khi chúng ta chưa giành được chính quyền, Đảng đã đề ra cương lĩnh về văn hóa. 

Theo đó, cuộc cách mạng về văn hóa phải đi liền sau cuộc cách mạng về chính trị ngay khi giành được chính quyền. Đây là một cương lĩnh khơi gợi sức mạnh văn hóa của dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết để hợp sức giành chính quyền. 

Phải nói rằng, chúng ta từng sống trong một đêm dài phong kiến. Vai trò của văn hóa là phải soi rọi rõ xây dựng một xã hội mới, chính quyền mới gồm những vấn đề gì. 

Trong một chế độ chúng ta làm chủ, không còn bị áp bức bóc lột thì rõ ràng phải nhìn vào những điểm sáng hơn. Soi sáng, khai phóng, khai mở và điều Bác nói vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
111
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Hiện nay, chúng ta đang chuyển từ một nước phát triển tuần tự, đứng trước cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đảng và Nhà nước vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có những tác động đối với văn hóa. Cách mạng công nghiệp lần 4, kinh tế số, xã hội số, văn hóa số, truyền thông số. Một bước đi hôm nay bằng nhiều năm tháng trước đây. Một bước dài hơn và nhanh hơn, vững chắc hơn. 

Hội nghị lần này đặt ra những yêu cầu như vậy. Để nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về văn hóa, cùng với chính trị, kinh tế thì văn hóa là một mặt trận. Bác nói: Văn hóa, chính trị, xã hội phải được đặt ngang hàng với nhau. 

Trong thực tế hiện nay, điều này chưa được thực hiện tốt và vẫn có những sơ xuất, yếu kém tại một vài nơi.

10:01 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: Nội hàm văn hóa rất rộng. Vậy trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sắp tới, liệu chúng ta sẽ bàn về những vấn đề gì?
 

Tôi tin tưởng là sau Hội nghị này sẽ có một bước chuyển về văn hóa. Văn hóa không phải là kèn trống, hoạt động bề nổi mà phải đi vào tư duy, tư duy văn hóa. Đường lối của Đảng, Nghị quyết, thể chế hóa bằng pháp luật và chính sách của Nhà nước, cần nguồn lực, vật chất và chất lượng cán bộ. Đội ngũ làm văn hóa như thế nào. 

Tôi cho rằng, hình như là văn hóa nguồn lực chưa thực sự phù hợp, cán bộ mà không tốt và hiểu biết thì có ngấm nhiều cũng không làm tốt được. Thể chế hóa rất quan trọng, muốn phát triển, ta phải định hướng ra sao, cuộc sống bức xúc cần phải điều chỉnh thế nào trên cơ sở tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I, Bác Hồ có nói: Phương Tây có cái gì tốt thì ta học để làm giàu cho văn hóa của nước ta.

Trong dự thảo báo cáo có nói cố gắng khắc phục nhược điểm của người Việt Nam. Nhìn nhận các khuyết điểm cụ thể. Ý thức thượng tôn pháp luật của chúng ta kém và hạn chế. Thực thi dân chủ rất quan trọng đối với văn hóa.

111
Chương trình tọa đàm trực tuyến có chủ đề "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" diễn ra tại báo điện tử Dân Việt. (Ảnh: Phạm Hưng)

10:06 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là câu nói của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đến bây giờ có còn đúng và đủ?
 
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nếu nói nội hàm của văn hóa khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất thì biểu trưng rõ ràng nhất chính là lòng yêu nước. Cho tới ngày hôm nay, mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền vẫn nguyên vẹn, ngoài ra còn là sự độc lập về chính trị, kinh tế, độc lập về văn hóa… 
Tôi cho rằng, chữ "soi đường" vô cùng chính xác, nó dễ hiểu, gần gũi, đơn giản, nhưng tính phát quang lâu dài.

 

111
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. (Ảnh: Phạm Hưng)

 

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi nhận ra rất nhiều tầng nghĩa trong câu nói của Hồ Chủ tịch. Bằng tuổi đời và trải nghiệm của mình, tôi cũng thực sự chưa để tâm những điều anh Kỷ và chú Quốc vừa nói. Lứa tuổi 8x của tôi may mắn thụ hưởng, thực hành văn hóa khác với giai đoạn trước. 

Nhìn vào tiến trình lịch sử như hai anh vừa nói, văn hóa như là một mặt trận được coi như việc đấu tranh, nhưng đến giai đoạn chúng tôi thì khác. Nếu soi đường như ánh sáng ngọn đuốc, chiếu trên một con đường định sẵn, đã được kiểm tra và giờ mới đi theo thì không giống mường tượng của tôi.

Tôi nghĩ văn hóa là thứ ở trong mình, sinh ra mình đã có ở trên mảnh đất này, được thấm và sống. Mình được chuyển hóa một cách tự nhiên bằng tác động nhỏ nhẹ qua gia đình, tuổi thơ, giáo dục, nhà trường... Ở thế hệ trước thì đó là tác động của cuộc chiến, biến thiên của lịch sử rất lớn. 

Trên con đường thực hành văn hóa, chúng ta không chờ đợi đi theo con đường chỉ sẵn, con đường an toàn không giống với cách hiểu chung. Văn hóa phải là cái ngấm và thấm bên trong, còn phải hiểu theo nghĩa khác, soi chiếu của nội tâm, người thực hành văn hóa bằng trầm tích văn hóa đa dạng có sự biến thiên xảy ra xung quanh đời sống xã hội của họ. Bản thân họ sẽ tự tạo ra trầm tích mới trong thế hệ của họ. Nếu như có sự soi đường thì phải là soi đường nội tại bản thân họ phải thấm điều đó chứ không phải ai nói có đường sẵn đây, mọi người đi đường này đi.

 
 
10:13 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: Trong điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhìn thấy ánh sáng văn hóa soi đường như thế nào?
 
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Khi tôi tốt nghiệp Đại học, điện ảnh tư nhân đã có rồi. Và dần thay thế phim đặt hàng bao cấp Nhà nước, điện ảnh không còn như trước đây phải thể hiện chủ trương chính sách mà phải thể hiện đời sống, bao gồm cả chính trị - xã hội tác động đến mình. Khi có sự chuyển hóa, khi mình có trầm tích văn hóa với sự sáng tạo của mình thì những điều đó sẽ dẫn dắt cho mình làm tác phẩm. Câu chuyện này không chỉ với điện ảnh. 

Khi đi xem vở diễn của anh Nguyễn Thế Kỷ, tôi ngạc nhiên là tại sao sân khấu được đổi mới thế, được tích hợp rất nhiều thứ còn điện ảnh thì không được như vậy, chậm chân thua thiệt hơn. Khi được lời mời tham gia tọa đàm trực tuyến "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức, tôi xúc động vì nghĩ mình nên ở đây để được nghe nhiều hơn, hỏi nhiều hơn. Nếu thực sự là văn hóa soi đường, nghệ sĩ cũng là quốc dân.
111
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh: Phạm Hưng)

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ: Việt Nam đã có những bước phát triển trong 10 - 15 năm gần đây về điện ảnh. Điều này xuất phát từ việc các nhà điện ảnh trong nước đón nhiều Việt kiều, nhà sản xuất, quay phim, đạo diễn và công nghệ làm điện ảnh nước ngoài. Họ đưa làn gió mới, nhân lực mới vào điện ảnh Việt Nam.
Phải nói rằng, sự hội nhập của điện ảnh Việt Nam đã đi được một bước đáng mừng. Mong muốn của chúng ta là làm sao điện ảnh là một nền công nghiệp tại nhiều nước khác nhau. Lần này, chúng ta nêu ra phát triển công nghiệp văn hóa sẽ rất đa dạng như âm nhạc, phương thức sản xuất nghe nhìn, bản quyền dịch vụ văn hóa, du lịch… 
Nhìn nhận lại quá trình phát triển công nghiệp văn hóa có điện ảnh là chắc chắn. Sau hội nghị này sẽ có những kết luận rất quan trọng để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh không chỉ về đội ngũ, kỹ thuật mà còn góp phần làm kinh tế. Gần đây, có những tín hiệu tốt về việc này nhưng đây mới chỉ là bước đi ban đầu, tôi cần nhận ra các hạn chế cần khắc phục.

10:17 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Trong một phát biểu vào năm 2019, ông cũng từng khẳng định văn hóa có vai trò ngang hàng với kinh tế, chính trị và văn hóa luôn được đề cao. Tuy nhiên, trong thực tiễn không thể phủ nhận văn hóa vẫn yếu thế. Theo ông, sự yếu thế đó được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh nào?
 
 
 
 
 
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trong các phiên họp của Quốc hội, có những đại biểu cho rằng, đang có thụt lùi trong lĩnh vực văn hóa. Tôi cho rằng, chúng ta có sự phát triển, nhưng sự phát triển đó không bền vững. Chúng ta có những thay đổi nhưng những bước đi không lâu dài, do cách thức của chúng ta quản lý. Ví dụ như sách giáo khoa, chúng ta đầu tư không nhỏ nhưng tại sao vẫn chưa ổn định? 

Tôi cho rằng, điều quan trọng vẫn là giải bài toán lợi ích, bởi bài toán này đang chi phối nhận thức của toàn bộ xã hội. Điều này phụ thuộc rất lớn vào các nhà quản lý. 

Gần đây, Đảng có một văn kiện về việc bảo vệ những người dám "xé rào". Tôi cho rằng, trong đó những người làm văn hóa, nghệ thuật là quan trọng nhất. Làm văn hóa quan trọng nhất vẫn chính là thay đổi nhận thức xã hội.
111
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

10:22 ngày 17/11/2021
 
 
 
 
 
Nhà báo Lưu Quang Định: “Chấn hưng văn hóa” là vấn đề được chúng ta nhắc tới nhiều trong những ngày gần đây. Tuy nhiên để làm được điều này không hề dễ dàng nhất là khi Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã phải nỗ lực vượt qua những thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo ông, đâu là những yếu tố tiên quyết để thay đổi và cải tổ các thiết chế văn hóa cho phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Khi nhắc tới từ "chấn hưng" rõ ràng chúng ta đang thừa nhận rằng đang có sự sa sút nhất định trong lĩnh vực văn hoá. Sự phát triển về kinh tế, chính trị không đi đôi với sự phát triển trong lĩnh vực văn hóa. 

Nhiều tư duy đi ngược lại giá trị cũ, điển hình như việc "nuôi lợn hai chuồng", "trồng rau hai vườn", thứ gì độc hại đẩy cho khách hàng, điều đó hoàn toàn không có trong xã hội truyền thống. Trong đời sống văn hóa hiện tại, ta không né tránh yếu tố lợi ích, nhưng làm sao để hài hòa những lợi ích đó.
 
 
10:25 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Cốt cách của văn hóa Việt Nam là sự chan hòa, bao dung. Thực tế, gần đây đời sống xã hội có vẻ xuống cấp khi chúng ta thấy những xích mích, xung đột xảy ra mỗi ngày trong các gia đình, xã hội. Đây có phải lỗi ở sự xuống cấp văn hóa?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đúng như anh nói, các hiện tượng xảy ra đều do biến đổi chung của xã hội. Những giá trị cũ ta gìn giữ bao nhiêu năm tất nhiên sẽ phải thay đổi. Truyền thống không phải là những gì cũ kỹ, truyền thống sẽ có sự thay đổi mỗi ngày. 

Tôi cho rằng, có thời kỳ xã hội duy ý chí, chúng ta muốn áp đặt giá trị mới, xóa bỏ giá trị cũ, điều này vô hình chung tạo sự hỗn loạn. Từ xã hội nông thôn, tiểu nông chuyển lên xã hội công nghiệp hóa, chúng ta không thể theo sát được. Chúng ta phá bỏ đi cái cũ nhưng lại loay hoay trong việc xây dựng cái mới. Kiến trúc nông thôn, quy hoạch nông thôn hoàn toàn bị buông lỏng. 

Vấn đề đặt ra chính là, chúng ta quá nhiều giá trị hạ tầng, quên lãng đi giá trị thượng tầng. Trong đó, văn hóa nông thôn chứa đựng nhiều nguy cơ nhất, sự xuống cấp của văn hóa nông thôn phá hủy đi nhiều giá trị truyền thống nhất.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta sẽ cần phải bàn về điều này, cần bổ sung hoàn chỉnh hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam gắn với giữ gìn văn hóa gia đình. Trong văn hóa chia ra nhiều cung bậc ứng xử, văn hóa chính trị, kinh tế, văn hóa giao thông, ngôn ngữ, văn hóa học đường…

Nhiều phạm vi dành cho các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ như khi xảy ra xung đột từ va chạm giao thông ta có thể giải quyết bằng cách hòa hiếu với nhau. Tất cả bắt nguồn từ những phẩm chất tốt đẹp, khoan dung của người Việt Nam.


10:30 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, điện ảnh cần phải "chấn hưng văn hóa" như thế nào?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi cảm thấy có một số vấn đề trong nền điện ảnh hiện hay được nhắc đến những câu như: "Có một nền điện ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
111
 

Chúng tôi rất quan trọng chuyện kế thừa. Tôi cũng vừa nghe anh Nguyễn Thế Kỷ nói là "chấn hưng văn hóa", có nhắc ý quan trọng đổi mới văn hóa.

Tôi nghĩ trong điện ảnh có vấn đề là sự đổi mới quá ít khi được đề cập đến. Nếu có được đề cập đến thì chỉ được đề cập chứ không được thực hành. 

Nếu như có ai có sự háo hức với đổi mới điện ảnh thì sẽ bị dập tắt theo hình thức này hoặc khác. Tôi cho rằng, cần có sự chấn hưng thì điện ảnh thực sự được mới với tất cả tiềm năng vốn có nó.

10:36 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: Bên cạnh thành tựu trong suốt hành trình 75 năm qua, văn hóa vẫn còn tồn tại những bất cập gì?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Thực ra, chúng ta đều nhận thức được tất cả bất cập. Văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, xã hội nhưng trong thực tiễn, văn hóa bị cho là cái gì đó hơi yếu thế. Chúng ta biết các Nghị quyết thể hiện đường lối văn hóa của Đảng và khi xây dựng đều làm kỹ tới từng dấu chấm, rất công phu. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần có pháp luật, thể chế hóa đường lối của Đảng qua các Nghị quyết và những điều này vẫn còn yếu. 
 
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần lần này sẽ bàn đến những vấn đề này. Tôi cho rằng, trong đường lối, quan điểm chủ trương của Nhà nước phải có đội ngũ làm văn hóa, tham mưu giúp việc để đưa Nghị quyết đường lối, chính sách vào cuộc sống nhân dân một cách thiết thực. Hiện tại, đội ngũ làm văn hóa của chúng ta từ cấp cao cho tới cơ sở chưa được coi trọng. Phải quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí cán bộ về văn hóa. 

Trồng người là sự nghiệp trăm năm nên ta phải xác định rằng, văn hóa – nghệ thuật là 2 mảng đỉnh cao và đại chúng. Đỉnh cao là tri thức, văn nghệ sĩ sáng tạo ra các giá trị tinh thần. Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa. 
111
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Chúng ta hay nói tới nhiệm vụ văn hóa là những sáng tạo của con người và mục đích của văn hóa là xây dựng con người. Về nhân cách, đạo đức, tâm hồn thì chỉ có văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng. Một tác phẩm có thể tác động vào tâm hồn và nhận thức. Bản nhạc, bài thơ đi cùng năm tháng vì bắt được nhịp của thời đại, con người và hồn cốt của dân tộc. Trong nghệ thuật có tính đỉnh cao đặc thù thì phải cử người ra nước ngoài để học tập. 

Chúng ta có thế hệ đi trước để học tập thì bây giờ không có lý do gì lại không thể. Và kinh phí đặc thù chứ không phải là chỉ quan tâm tới từng đồng nhỏ. Việc này cần đội ngũ lãnh đạo về văn hóa từ trung ương tới địa phương phải được đào tạo để họ có trình độ và tâm huyết để họ trăn trở cùng văn hóa. 

Chuyện cử người "Không làm được gì thì làm văn hóa" là phổ biến. Chúng ta không chỉ nói tới vấn đề khai phóng truyền thống dân tộc, Việt Nam tiếp nhận tinh hóa văn hóa của thế giới. Cả nghìn năm Bắc thuộc, ông cha ta vẫn lấy cái tốt đẹp của người ta thành cái của mình. Mình có bản lĩnh văn hóa Việt Nam, sức đề kháng văn hóa Việt Nam đã có hàng nghìn năm bồi đắp nên không cần phải lo.

111

10:45 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: Về việc đầu tư cho các thiết văn hóa của như hiện nay dường như vẫn được quan tâm một cách đầy đủ. Tại Hà Nội, TP.HCM... xây dựng hàng trăm chung cư, khu đô thị nhưng có được bao nhiêu công trình văn hóa đẹp, xứng tầm? Đơn cử ngay cả mảnh đất mà chúng ta đang ngồi đây. Được biết, trước kia đã có quy hoạch xây dựng một Nhà hát hiện đại nhưng rồi không hiểu vì sao vẫn chưa được triển khai?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi thấy đây là một điều rất thú vị. Hệ thống thiết chế văn hóa cần có sự quy hoạch chung của đất nước. Nhưng chúng ta bị cái tâm lý sản xuất nhỏ. Chỉ cần nhìn ở làng xã, có thể thấy "mạnh ai nấy làm", nhà cao nhà thấp. 

 

111

Cơ quan Nhà nước xây dựng kiến trúc, mỹ thuật để tư vấn cho họ có nên làm nhà ống hay làm nhà cấp bốn… 

Chúng ta xây dựng thiết chế văn hóa thiếu và thừa. Thiếu vui chơi cho trẻ em, ở đô thị quỹ đất cho các công trình này là không có. 

Không chỉ là đô thị, khi tôi được luân chuyển làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn – Nghệ An thì ngay ở đây cũng có những xã họ sống chật chội như ở đô thị. Không còn đất để làm khu vui chơi cho trẻ em, chỉ có quỹ đất nông nghiệp. Chúng ta có quá nhiều hội trường, chỉ sử dụng vài lần một năm. Nhưng thiếu một nhà văn hóa trong khu dân cư dùng chung cho mọi người.

10:48 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Nhân việc nói đến việc đầu tư cho các thiết văn hóa, vậy tôi xin hỏi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp về câu chuyện đau lòng của Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê hiện tại kết thúc thế nào?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi bất ngờ khi buổi tọa đàm trực tuyến do báo Dân Việt tổ chức hôm nay lại cởi mở như thế này. Bản thân tôi cũng không nghĩ chú Quốc và anh Kỷ sẽ nói những câu chuyện cụ thể như vậy. 

Về câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam, tôi muốn nói ví dụ thực tế cụ thể là chúng tôi đang làm chương trình "Lưu trú điện ảnh" 5 năm mới tổ chức một lần với kinh phí nhỏ từ các quỹ phi Chính phủ và phải tự chi phí bỏ ra. 

Tôi mời tất các các nhà làm phim đến cùng phát triển dự án, mô hình như nước ngoài là Chính phủ hỗ trợ, còn mình tự làm, nhưng phải đi tìm địa điểm để tổ chức. Và nếu tôi không đi tìm địa điểm để tổ chức thì không thấy được rằng tại Hà Nội lại bị quá thiếu không gian cho văn hóa và sáng tạo. 
 
111
Trước kia, tôi rất tự tin khi có 2 trung tâm "Ơ kìa Hà Nội". Câu chuyện "Ơ kìa Hà Nội" phải đóng cửa vì người cho thuê hỏi "Tại sao Ơ kìa không tập trung vào bán trà, cà phê mà cứ đi làm sự kiện văn hóa, rối ren, đáng ngại?". Tôi phải đặt câu hỏi là "Văn hóa nghệ thuật thì cái sự lo sợ của các anh chị là gì?". Nỗi sợ hãi mơ hồ đấy khiến cho tôi phải đóng cửa dù sự kiện tôi làm đều gửi thông tin cho báo chí, các sự kiện điện ảnh đều có cơ quan an ninh kiểm soát, nhưng phải đóng cửa. 

Ngày nay, chúng ta cũng có nhà văn hóa nhưng ở sâu, quá bé, rất khó tìm đến. Chúng tôi biết trông chờ vào đâu nếu muốn tìm các không gian văn hóa. Các khu nhà máy thì luôn là dự án bất động sản trong tương lai còn ở đây là bài toán lợi ích, văn hóa mơ hồ và khó quá. 

Tôi cho đó là vấn đề trầm kha của văn hóa quốc dân. Văn hóa soi đường cho cả nhà đầu tư, cho nhà quản lý... Soi đường cho quốc dân là tất cả mọi người phải nhìn thấy mình trong chữ quốc dân đó, phải chịu trách nhiệm với điều đó thay vì mọi người cứ núp sau từ "quốc dân" để không phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm. 

111
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ và Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. (Ảnh: Phạm Hưng)

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi xin nói thêm, khi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có nói đến Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, đương nhiên cũng có chút liên quan đến tôi. Bởi cách đây 3 năm khi còn là đương kim Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi cũng đề nghị chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê cho phía bên tôi quản lý. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đang bàn và trước ngưỡng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 diễn ra, việc doanh nghiệp rút cổ phần khỏi Hãng phim vẫn còn chưa xong.

Bản thân tôi cũng gặp nhiều đạo diễn, diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam, họ nói với tôi: "Nếu Đài truyền hình Việt Nam có thể nhận Hãng phim truyện và làm sống dậy Hãng phim thì tốt quá!".

Trong đầu tôi cũng nghĩ rằng, bằng tiềm lực của Đài lúc đó, khi anh chị em nghệ sĩ chuyển về chúng tôi sẽ giúp họ có công ăn việc làm, vấn đề thu nhập của mọi người cũng có thể được giải quyết. Bởi, thực tế nhiều nghệ sĩ nhận lương một tháng chỉ được mấy triệu và còn bị nợ nần.

10:50 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: Có một thực trạng đang diễn ra đó là "có tiền chưa chắc đã có văn hóa", chúng ta đầu tư tiền bạc vào trùng tu di tích, đầu tư vào lễ hội... nhưng nhận lại là các công trình xấu, lễ hội bị thương mại hóa cùng biết bao nhiêu tệ nạn đi kèm... Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Rõ ràng văn hóa đang bị biến dạng bởi những lợi ích vật chất, lợi ích thương mại. Chúng ta có hàng ngàn lễ hội và những lễ hội nào có ý nghĩa, lễ hội nào nên duy trì thì chúng ta phải phân biệt. 

Tôi cũng muốn nói về di sản văn hóa ở Việt Nam ở sàn đấu giá quốc tế. Chúng ta có thể chưa có điều kiện để thu hồi về, nhưng chúng ta phải biết đó là gì. Có những bức tranh rất đáng giá về ý nghĩa lịch sử mà chúng ta không mua nổi, may mắn là có những Việt kiều giúp sức nên đã thu hồi được. Việc chưa thể thu hồi những di sản văn hóa bằng pháp lý, hoặc bằng tiền bạc theo tôi là sự lãng phí, mất mát rất lớn.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi cũng xin nói thêm về vấn đề di sản của chúng ta ở nước ngoài. Thực tế, chúng ta phải có động lực bảo vệ, thu hồi những di sản này về. 

Ở lĩnh vực điện ảnh, chúng ta còn từ chối về mặt quốc gia trên tác phẩm điện ảnh. Có trường hợp một số tác phẩm điện ảnh khi đi ra những liên hoan phim quốc tế thì bị những "văn bản đuổi theo" thu hồi bộ phim đó về. Đây là một cách ứng xử khiến cho điện ảnh có bị thiệt thòi quá hay không. 

Tôi nghĩ rằng, điện ảnh còn bị ứng xử như vậy thì sẽ mãi nằm trong sự an toàn. Đó là cách đối xử không công bằng với điện ảnh mà tôi nghĩ là ngành di sản tư liệu. Bộ phim làm ra có sức lan tỏa, đem hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới bên ngoài. Đâu đó vẫn có những tác phẩm gây tranh cãi nhưng tác phẩm đó không có nghĩa phải bị xóa ngay.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi muốn trao đổi với đạo diễn Hoàng Điệp về ý kiến trên. Tất nhiên, khi Luật Điện ảnh trong phạm vi có hiệu lực thì tại thời điểm đó chúng ta phải chấp nhận quy định đó. Sau này, luật sử đổi thì mong muốn và đề xuất của chúng ta. 

Ở trường hợp phim "Vị", tôi không có ý kiến cụ thể nhưng tôi nắm được thông tin từ các cơ quan chức năng. Bản thân tôi cho rằng, tác phẩm điện ảnh và văn hóa nghệ thuật có thể phản ánh hiện thực tăm tối và tiêu cực nhưng phải mang tính chất là hướng đến cái thiện và những điều tốt lành. Đây mới được coi là giá trị cao nhất của tác phẩm. Dù con người có bị đọa đày, văn học hiện thực trước 1945 với hình ảnh chị Dậu phải bán chó đi nhưng hình ảnh "đói cho sạch, rách cho thơm" vẫn còn đọng lại với những giá trị nhân văn. Dẫu sao tác phẩm văn học nghệ thuật suy cho cùng vẫn cần phải bám theo những tốt đẹp. 
 
 
 
 
 
 
 
 
10:53 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Là Đại biểu Quốc hội 4 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời là người nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, ông kỳ vọng gì về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin nhắc lại hai nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I. 

Trước hết, Cụ Hồ khẳng định, văn hóa phải là chính trị, nhưng chính trị ở đây không phải là buộc người dân yêu chủ nghĩa xã hội, mà văn hóa phải đi vào tâm lý quần chúng, văn hóa chống lại tham nhũng, phù hoa, xa xỉ, lười biếng. 
 
111
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm với tương lai. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam: "Hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng". 

Tôi cho rằng, muốn phát triển văn hóa phải có đội ngũ tốt, người làm văn hóa quan trọng, người quản lý văn hóa còn quan trọng hơn. Tôi nói ví dụ như trong luật điện ảnh tôi từng tham gia góp ý xây dựng có một câu "không xuyên tạc lịch sử", thế nhưng như thế nào là xuyên tạc lịch sử, chuẩn nào là xuyên tạc và chuẩn nào là không xuyên tạc... Điều này cần năng lực của người quản lý để tránh giết chết sự sáng tạo của các nghệ sĩ.

10:57 ngày 17/11/2021

Nhà báo Lưu Quang Định: Vừa là một văn nghệ sĩ, vừa là một nhà quản lý văn hóa nhiều năm, ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa lãnh đạo và văn nghệ sĩ?
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi nghĩ rằng, người làm ở bất kỳ lĩnh vực nào chắc chắn phải chịu khó học tập, học trong trường học và trường đời, học qua đồng nghiệp để tích lũy kiến thức và tri thức, kỹ năng trong lãnh đạo quản lý. Trong kinh tế lãi và lỗ rõ ràng. Có thể thắng lợi hàng nghìn tỷ nhưng cũng có thể đứng trước vành móng ngựa.

Tuy nhiên, trong văn hóa thì hậu quả không thể đo đếm được nhưng cả xã hội đều có thể nhìn thấy. Ảnh hưởng xấu của lĩnh vực này liên quan đến văn hóa và con người và tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng rất lâu dài. 

Tôi cho rằng, từ kinh nghiệm của mình, muốn hiểu thì phải có sự am hiểu và kiến thức nhất định. Trong văn hóa mà "tay không bắt giặc" là không làm được. Ngay cả tham mưu cũng phải đi liền với lý trí, kinh nghiệm và tri thức. Nếu không thể tham mưu chính xác 100% thì cần phải khách quan và trung thực với công việc. 

Tôi từng được giao quản lý công tác báo chí xuất bản, văn hóa văn nghệ khi làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Trong các tình huống, tôi đều cố gắng xử lý theo hướng nhân văn nhất. Người làm quản lý, có làm thì có sai và khi sai thì ta phải nhìn nhận và có thái độ đúng mực, tránh thô bạo với cái sai. 

Trong lĩnh vực văn hóa, phương pháp quản lý thông minh và am hiểu sẽ tạo được sự đồng thuận lâu dài. Áp đặt chỉ đạt được hiệu quả nhất thời. Chúng ta phải nhìn thấy cái được và mất, bên nào nhiều hơn. Nếu cái mất nhiều hơn thì ta không đi theo hướng đó vì điều này khó đong đếm một cách chính xác những gì chúng ta xử lý.
 
111
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh: Phạm Hưng)
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhà quản lý sẽ là bà đỡ, hoặc người giết yểu sự sáng tạo. Lĩnh vực văn hóa rất đặc thù, nó hoàn toàn khác với kinh tế khi không đong đếm được. Cũng bởi vậy đội ngũ quản lý văn hóa phải tương đối đặc biệt, họ cần có những yêu cầu, tố chất riêng, tôi không nói cao hơn hay thấp hơn mà họ phải có tố chất đặc thù. 

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy nhiều trí thức không học ngành văn hóa nhưng họ lại  có những dấu ấn sâu sắc trong việc quản lý văn hóa như: Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám… Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận lại trong việc sắp xếp, đánh giá cán bộ, đặc biệt cán bộ lĩnh vực văn hóa.

11:05 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Hiện nay 70% dân số là nông dân, nông thôn lưu giữ hồn cốt của văn hóa Việt. Tuy nhiên, ở nông thôn hiện nay, bên cạnh những điều tốt đẹp thì cũng còn rất nhiều câu chuyện ngổn ngang. Vừa qua, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập". Qua cuộc thi này có thể thấy, môi trường nông thôn, kiến trúc làng quê, văn hóa ứng xử, giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều vùng quê đang bị đứt gãy. Trong chương trình của Hội nghị văn hóa lần này có bàn nhiều về văn hóa nông thôn không?
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Thực ra, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này chỉ bàn tới văn hóa ở tầm khái quát nhất, còn những vấn đề chuyên sâu chắc sau đó mới tiếp tục triển khai. Khi tôi nói về nông thôn hiện nay, văn hóa của làng xã ở Việt Nam gần đây đó là sự tích lũy hàng nghìn năm, có những cái rất đẹp như cây đa, bến nước, sân đình... Tôi về Nam Đàn (Nghệ An) thấy các xã xây dựng một cái cổng sắt thép. Tôi bảo với mọi người, chúng ta có thể dùng tiền đó để trồng một cây đa cho đẹp, đừng làm cổng sắt vì sẽ làm hỏng hết hình ảnh của làng. Mái đình mà làng nào còn giữ được thì chúng ta phải giữ gìn và trùng tu. Chúng ta cần có sự vào cuộc của cơ quan, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần có những kiến trúc sư có cách nhìn nhận phù hợp với văn hóa Việt Nam để họ đứng ra quy hoạch. 

Tôi cho rằng, đầu tư điện, đường, trường, trạm vào nông thôn hiện nay là rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu về quy hoạch chung. Bê tông hóa quá nhiều và thiếu cây xanh, không gian chung. Quy hoạch về các cơ sở vật chất chung vẫn cần có quy hoạch từ trước.
111
Nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh: Phạm Hưng)
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Dùng câu này không biết có quá không, nhưng có lẽ "nông thôn đang bị bỏ rơi". 

Di sản cũ bị phá bỏ, cái mới thì không bền vững, căn bản. Trong lần đầu tiên nói chuyện với các kiến trúc sư, Bác Hồ đã khẳng định: Phải lo nhà cho những người nông dân. Người cũng vận động trồng cây để dựng nhà cho người dân sau chiến tranh, trong đó Người chỉ rõ cây nào làm nhà, cây nào làm cột. Thế nhưng, nông thôn hiện tại đang phát triển tự phát, chúng ta không trách anh em kiến trúc sư, đây là vấn đề của sự định hướng. 

Đất nước đã đi qua một chặng đường dài của chương trình "Nông thôn mới", nhưng gần như không nhắc tới việc bảo vệ di sản. Tôi lấy ví dụ: "Tại sao không biến ngôi đình trở thành trung tâm văn hóa mà lại làm thêm nhà văn hóa?" Tôi nghĩ dù đất nước phát triển tới đâu đi chăng nữa nhưng nông thôn vẫn là không gian lớn nhất. 

Đây là chốn hậu cần, nuôi dưỡng giá trị văn hóa của dân tộc và khi trải qua dịch bệnh, chiến tranh càng thể hiện rõ. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, nếu không bàn tới nông thôn thì tôi cho sẽ là một lỗ hổng lớn. Truyền thống là sự phát triển nhưng phát triển như thế nào, đó là câu chuyện chúng ta phải bàn.

11:10 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Xoay quanh sự việc yêu cầu các nghệ sĩ phải viết đơn để được xét tặng các danh hiệu NSƯT, NSND khiến cho một số nghệ sĩ họ có phần "tự ái" không làm. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Khi giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tôi am hiểu về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và với các trường hợp cụ thể, tôi sẽ nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật. Có một số trường hợp, một nghệ sĩ ở thời điểm năm 17 tuổi có hành động khá bồng bột và có thể gọi là dại dột. Cụ thể, nghệ sĩ ấy ký tên lên một quả bom. Sau đó, nhiều người cho là nghệ sĩ này không xứng đáng nhận danh hiệu NSND. Điều đáng nói là sau khi giải phóng miền Nam, nghệ sĩ ấy được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài và khi trở về đã đào tạo ra một thế hệ nghệ sĩ rất tốt. Những đóng góp của nữ nghệ sĩ ấy rất xứng đáng. Cho nên, tôi nghĩ đừng lấy bồng bột, dại dột ở tuổi 17 của người khác để "soi" mà phải xét ở cả một quá trình rất dài.

Đến sự việc 5 nghệ sĩ cao tuổi ở TP.HCM, trong đó có nghệ sĩ Lý Huỳnh - bố của diễn viên Lý Hùng. Thực tế, các nghệ sĩ này không có huy chương vàng, huy chương bạc đủ điều kiện xét tặng danh hiệu. Tôi cho rằng, họ là những nghệ sĩ bậc thầy đã đào tạo rất nhiều những NSƯT, NSND. Cuối cùng, 5 người này được công nhận là NSND.

Tôi cũng cho rằng, khi xét danh hiệu đối với một người đã cống hiến cho nghệ thuật thì huy chương chỉ là một yếu tố. Nhiều khi chúng ta máy móc và làm theo quy định. Tôi nghĩ, hiện tại chúng ta có thể đề ra ba rem cụ thể. Đó là những nghệ sĩ nào nằm ở trên ba rem của việc xét danh hiệu thì đương nhiên họ sẽ đạt điều kiện đạt danh hiệu NSƯT, NSND. Việc xét danh hiệu cho các nghệ sĩ cần khoa học, nhân văn. Nếu chúng ta làm những người bị trượt danh hiệu NSƯT, NSND một cách oan uổng thì sẽ làm cho họ mất đi động lực để sáng tác, cống hiến.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi cũng có một ý kiến nhỏ về chuyện này. Cảm giác như tôi ở bên lề, không thuộc hệ thống này. Tôi nghĩ chỉ khi nào mình làm các nghiên cứu hoặc các sự kiện liên quan thì mình cũng nhìn các tác phẩm của các nghệ sĩ đã được ghi nhận trong giai đoạn lịch sử đó như thế nào. Tôi thấy sự công nhận của Nhà nước đối với một nghệ sĩ có giá trị theo thời điểm. Điều này nói lên câu chuyện về lịch sử quốc gia, nền văn hóa và có tác động nhiều chiều đến người sáng tác. 

Với người trẻ như tôi không biết nên buồn hay vui nhưng hoàn toàn nằm ngoài và tôi tự hỏi, có bao giờ chúng tôi được hỏi đến. Chúng tôi đã lao động và nếu như chúng tôi là vận động viên có huy chương vàng thì rất vui, được khích lệ. Tuy nhiên, bản thân là nhà làm phim nên nếu được giải thưởng lớn ở liên hoan phim lớn thì cũng không bao giờ được tính đến.
 
11:20 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Nhiều năm trở lại đây, người ta đề cập nhiều đến khái niệm "sức mạnh mềm" để chỉ văn hóa quốc gia như công cụ để quảng bá về một đất nước. Tuy nhiên, việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn có nhiều yếu kém. Hội nghị Văn hóa toàn quốc kỳ này có bàn về quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài trong thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay không?
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đúng là chúng ta đang có tình trạng "nhập siêu về văn hóa". Chúng ta dùng sản phẩm của nước ngoài nhiều quá dù đó cũng xuất phát từ tư tưởng phát huy truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa nhân loại. Tuy nhiên, trong đó có  nhiều cái không tốt, không phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam nhưng chúng ta vẫn bê nguyên xi.

Điện ảnh hiện nay, cứ mở các kênh truyền hình mà kênh nào cũng có một vài phim nước ngoài. Tôi nghĩ phải có sự điều chỉnh. Đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài thì phải chấn hưng nền công nghiệp văn hóa, xây dựng và phát triển. Nếu không mạnh thì làm sao chống được văn hóa bên ngoài, xâm lăng về các sản phẩm văn hóa, sản phẩm văn hóa độc hại. Nền văn hóa Việt Nam muốn vững mạnh và phát triển bền vững thì phải có nguồn lực của mình. Khi du nhập văn hóa bên ngoài về chắc hẳn sẽ có cái tốt và chưa hẳn đã tốt. 

Trong văn học nghệ thuật thì Hội đồng Lý luận Trung ương đang xây dựng đề án về dịch thuật Quốc gia. Hiện nay, sách vở đưa ra bên ngoài rất hạn chế. Có khoảng 20 năm Việt Nam không có tác phẩm nào dịch sang tiếng Nga. Sau 20 năm mới nhận ra và điều chỉnh.

111
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta đã có 10 năm cho cuộc vận động hiệu quả "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tôi từng phát biểu: "Chúng ta hãy thay đổi tâm thế đi, hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam, trước khi nghĩ tới các thị trường khác".

Một câu chuyện khác đó là: Liệu 100 năm nữa, dấu tích của chúng ta để lai cho tương lai còn gì không? 

Những chiếc giấy khen, bằng khen còn giữ được không sau 30 năm, trong khi những sắc phong truyền thống tồn tại mãi mãi. Chúng ta có truyền thống giấy phù hợp với môi trường Việt Nam, tại sao không làm? Tại sao không công nhận di tích như những sắc phong ngày xưa. Nếu không nghĩ từ những chuyện nhỏ thì đừng nghĩ tới việc lớn. 

Ngành văn hóa cũng cần nhìn lại các di sản của chính mình. Nơi nào cũng công nhận di sản nhưng chúng ta có nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy được không, nhất là trong thử thách về lợi ích.
 
 
Một câu chuyện khác đó là: Liệu 100 năm nữa, dấu tích của chúng ta để lai cho tương lai còn gì không? 

Những chiếc giấy khen, bằng khen còn giữ được không sau 30 năm, trong khi những sắc phong truyền thống tồn tại mãi mãi. Chúng ta có truyền thống giấy phù hợp với môi trường Việt Nam, tại sao không làm? Tại sao không công nhận di tích như những sắc phong ngày xưa. Nếu không nghĩ từ những chuyện nhỏ thì đừng nghĩ tới việc lớn. 
Ngành văn hóa cũng cần nhìn lại các di sản của chính mình. Nơi nào cũng công nhận di sản nhưng chúng ta có nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy được không, nhất là trong thử thách về lợi ích.
 

11:47 ngày 17/11/2021
Nhà báo Lưu Quang Định: Câu hỏi cuối cùng dành cho các vị khách mời đó là: Các vị kỳ vọng gì về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này?
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Là một nhà lịch sử, tôi ghi nhận thôi, còn thực tế phải xem như thế nào. Chúng ta có nhiều Nghị quyết nhưng có đi vào thực tế hay không, đó là câu chuyện lớn nhất.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 có tầm vóc của Hội nghị rất lớn. Sau nhiều năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ biên giới Tổ quốc thì đây là "Hội nghị Diên Hồng" về văn hóa. 

Nhìn lại chặng đường đi qua, chúng ta phải nhìn lại các giá trị tốt đẹp của Việt Nam hàng nghìn năm. Đường lối, quyết định của Đảng đi vào cuộc sống như thế nào về văn hóa, nhìn ra điểm mạnh để phát huy, tìm ra điểm yếu kém để khắc phục. Đây là Hội nghị bước ngoặt về văn hóa của đất nước ta. 

Muốn có kết quả rõ ràng không phải ngày một, ngày hai nhưng sẽ mong thay đổi nhận thức để chuyển sang hành động, đề cao văn hóa ngang với kinh tế, chính trị, xã hội. Mỗi người dân là một chiến sĩ văn hóa, không phải việc của ai đó. Bậc trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý phải góp phần với thúc đẩy văn hóa phát triển. Chúng vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa, vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. 
111
Nhà báo Lưu Quang Định và các khách mời: Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Nhà sử học Dương Trung Quốc - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, TBT Tạp chí Xưa và Nay và đạo diễn, nhà sản xuất phim Nguyễn Hoàng Điệp. (Ảnh: Phạm Hưng)
Tôi tin sẽ có những kết quả tốt đẹp.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Ngay từ bây giờ, tôi kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới sẽ có sự cởi mở như tọa đàm ngày hôm nay. Các vấn đề được nói thẳng nói thật. Những nhà quản lý có tầm nhìn xa trên 10km. Họ phải là những người quản lý văn hóa để nâng đỡ, phát triển thay vì để kiểm soát. Họ cũng phải là những người không ngại khó, không ngại khổ và mọi điều cần phải được nói ra... 
 
Vấn đề tôi nhận thấy rào cản lớn là đâu đó xung quanh những người có quyền kiểm soát, thì bản thân họ có nỗi sợ, mơ hồ, dai dẳng. Nhiều khi nỗi sợ đó không có căn cứ. Vấn đề này phải được bàn đến và chúng ta phải nhận diện nỗi sợ đó như là cách chúng ta nhận diện nền văn hóa của mình. 

Văn hóa là để yêu chứ không phải để sợ. Bản thân thấm nhuần văn hóa là để yêu thì chính mình sẽ đối xử với văn hóa với sự trân trọng yêu thương. Nếu nhìn văn hóa với nỗi sợ thì sẽ lo lắng và sẽ tìm cách kiểm soát văn hóa. 

Với điện ảnh, tôi mong trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ có tiếng nói của các nhà làm phim độc lập, tiếng nói từ cơ quan quản lý nói chung. Bản thân tôi nhận thấy, các nhà làm phim Nhà nước không còn sản xuất các bộ phim thực sự phục vụ cho công chúng quá nhiều nữa rồi. Nhìn vào tỷ lệ phim sản xuất thì ta có thể thấy điều đấy. Xin hãy đặt vấn đề và xin đừng nhìn những tác phẩm văn hóa nghệ thuật như tội phạm tiềm năng. Xin hãy nhìn nó như là một cơ hội mang đến một cái nhìn văn hóa.

 
 
Theo Dân Việt
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây