Bà Then "điên" và món nợ nơi cuối trời Tây Bắc

Thứ ba - 28/12/2021 15:50
111
111

Gần 20 cuốn sách gồm thơ, nghiên cứu sưu tầm văn hóa văn nghệ của Đỗ Thị Tấc đã làm nên tên tuổi một "Bà Then" (từ để gọi các thầy thuốc, thầy cúng, thầy văn hóa tâm linh của nhiều bản làng) suốt đời gắn bó với "bầu sữa" núi rừng Tây Bắc.

Sau 3 lần từ chối, "cấp trên" vẫn quyết đề nghị Đỗ Thị Tấc làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, rồi tỉnh Lai Châu. Hưu, bỏ phố, bán tất cả những cái nhà được nhà nước cấp và cóp nhóp mua được cho con, gom toàn bộ bán hết gia sản, chị mua đất và xây bảo tàng Văn hóa dân tộc Thái ở sống giữa một bản nghèo (bản Mạ, xã Mường Cang), thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Nơi này, cách Hà Nội 320km, cách tỉnh lỵ Lai Châu 90km. "Bà Then điên" Đỗ Thị Tấc trải qua 6 lần mua đất, gom lại được hơn nghìn mét vuông gò đồi chênh vênh, tự vần đá, vác xi măng, vay mượn từ những người có tâm với văn nghệ, di sản trong cả nước (rồi trả dần hàng tháng bằng lương hưu) quyết xây kè, dựng một Bảo tàng văn hóa của người Thái. 

Cùng với việc bỏ ra nhiều năm, đi nhiều nghìn cây số leo núi, tự lái xe máy, sống sót qua 4 lần ngã bệnh, để sưu tầm các hiện vật tỉ mỉ và ý nghĩa nhất của văn hóa vật thể vùng Tây Bắc; Bà Then Tấc còn công phu mời các nghệ nhân trong nhiều lĩnh vực đến bảo tàng để truyền dạy đồng dao, dân ca, dân vũ, nghề thủ công, trò chơi dân gian, kỹ năng chế tác và biểu diễn âm nhạc … cho giới trẻ, cho cả cán bộ, giáo viên trong khu vực. Trước đó, chị đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, phục dựng lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng ở Mường So (một lễ hội cực lớn, đã biến mất từ khoảng những năm 1960); vận động được tiền từ Quỹ Văn hóa Ford, phục dựng lễ hội Kin Pang Khẩu Mẩu rồi Lễ hội Nàng Han… Đó là những lễ hội quan trọng của người Thái trắng xưa. Sách nghiên cứu của chị Tấc đã trở thành "khung chuẩn", giúp việc phục dựng gần như nguyên bản các giá trị này. Tác phẩm "Mo Thái, lời tiễn hồn người chết lên trời", đạt giải Nhất của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; thơ của chị cũng đạt các giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam; Ủy ban Toàn quốc các hội VHNT Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam…

111

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc: Tôi đầu tư vào khu bảo tàng ở Bản Mạ này hết khoảng 3 tỷ đồng rồi. Tôi bán hết nhà ở Hà Nội. Rồi bán miếng đất được cấp ở trên tỉnh Lai Châu (sau nhiều năm làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tại đó). Bán nhà xong, tôi mua chỗ mới, rẻ hơn, sâu vào trong núi để xây căn nhà nhỏ, đưa mẹ và các con nuôi của tôi về đó sinh sống. Cái nhà này, vì phải đi sâu vào trong núi nên nó rẻ thôi. 
111

Bán hết tài sản, không đủ thì vay ngân hàng, vay bạn bè cả nước. Đến tháng này nguyên lương hưu của tôi là dành để trả lãi ngân hàng. Tháng này tháng kia thì trả bạn bè đã cho vay, mỗi đứa 1 triệu hay 500 nghìn đồng. Có lần hết sạch tiền đành phải gọi cho bạn Huyền ở Báo Văn nghệ Thái Nguyên bảo: "Huyền ơi mày chuyển cho chị 1 triệu với, chị sẽ gửi một cái truyện ngắn sang…".  Hay là Tạp chí Văn nghệ Lai Châu đặt một cái tản văn. Tôi viết, lấy nhuận bút để sống.

Lúc đầu, tôi mua một khu vườn sắn bé bé ở bản này, rồi cóp nhóp mua rộng dần ra. Hiện nay khoảng 1.000m2, không rộng rãi gì. Thế nên phải gói ghém, xây dựng thật khéo, cái gì mà giấu được thì giấu áp vào tường cho thật tiết kiệm không gian. Còn lại không gian chính dành ưu tiên cho nhà bảo tồn văn hóa. Nói thật hiện vật của tôi tại nhà bảo tồn này nhiều. Nhưng tôi chủ trương bảo tồn phi vật thể là chính.

Bảo tồn phi vật thể là tôi tổ chức cho các nghệ nhân cùng với tôi nỗ lực truyền dạy di sản phi vật thể của người dân tộc Thái. Sau này, tôi mở rộng nội dung sang các cộng đồng dân tộc khác nữa. Ví dụ như trẻ con thì chơi trò chơi dân gian, đồng dao, còn người lớn thì dân ca, dân vũ, chế tác rồi sử dụng nhạc cụ. Đặc biệt là ngôn ngữ, chữ viết. Con cháu các cô giáo, con cán bộ ban tuyên giáo cũng lên đây tôi dạy tiếng Thái cho.

Tôi muốn các giá trị ấy không mất đi và mỗi thành viên trong cộng đồng của một tộc người nào đó sẽ là bảo tàng của chính dân tộc đó. Chỉ cần họ còn sống! 

111
 

Chị vốn nghèo, thi sỹ nghèo ở miền núi sâu xa khó khăn nhất Việt Nam; nay có được không gian này, đúng là một kì tích, trước hết về mặt kinh phí?

- Tôi vô cùng biết ơn bạn bè. Có những khi vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng để mua cái khu này nhưng vẫn không đủ. Thì có những người bạn như là chị Ph. ở Hải Phòng, tiền chị ấy chuẩn bị để đổi xe ô tô; thế mà không viết một chữ nào, không một giấy biên nhận nào, chị ấy đã "bắn" tiền cho vay để tôi dựng cái nhà này. 
111

Tôi mới bảo: Chị ơi, thế đoàng một cái em chết thì sao? Chị ấy thản nhiên bảo: Em không chết được đâu! Có hai cái KHÔNG mà chị cảm nhận được từ em, đó là em KHÔNG điên và em chưa thể (KHÔNG) chết được. 

Vào bảo tàng số phận, bảo tàng tâm huyết cả đời của chị, người ta sẽ được "xem" điều gì?

- Mong muốn lớn nhất khi tôi xây dựng không gian này là về mặt hiện vật, thì cố gắng cho người ta hình dung ra một gia đình người Thái ngày xưa sống thế nào, công cụ sản xuất lao động của họ gồm những gì? Cái kho thóc, góc cái chuồng ngựa, cái máng cỏ ngựa ra làm sao? Cái máng rửa chân ở đầu cầu thang ngang dọc thế nào? Bởi vì ngày xưa, người Thái làm một cái máng gỗ, nước chảy vào đấy, rồi có một cái gáo treo trên cọc ở bên cạnh. Ai đi về thì múc nước ở máng ra rửa chân, rồi mới lên cầu thang nhà sàn. Tức là tôi muốn từng chi tiết một, tất cả sẽ hiện lên ở bảo tàng này.

Ví dụ như về "văn hóa trâu". Người Thái và các tộc người mà có nền văn minh lúa nước, cày bừa bằng con trâu đều có văn hóa trâu. Nhân văn nhất của người Thái là lễ cúng hồn trâu. Sau khi mở cày bừa xong thì người ta tổ chức một cái lễ rất trang trọng. Có cơm, có canh để xin lỗi các hồn trâu. Rằng, trong thời gian lao động thì tao đánh mày, quát mày, bắt mày làm lụng vất vả quá; bây giờ cày bừa làm việc xong rồi thì mày trở về rừng mà thảnh thơi ăn cỏ nhé! Rồi họ dặn dò trâu: Mày gặp con hổ, con báo, mày gặp thú dữ thì mày hãy biến thành tảng đá nhé! Và đừng nhảy vực, nhảy hố, ngã thì chết. Khi cho trâu lên rừng, họ cũng cũng tết vòng hoa đeo vào cổ cho trâu. 

Tôi tóm tắt vài lời cúng trong lễ ấy, dịch sang tiếng Việt và cả tiếng Anh nữa. Để người trong và ngoài nước, người ta cũng hiểu là tộc người này ở Việt Nam cũng rất nhân văn như thế. Bảo tàng của tôi giới thiệu những cái tiêu biểu như vậy đấy. 

 
111
111
 

Đi tìm kiếm, sưu tầm, đem về nghiên cứu, bảo quản từng hiện vật chi tiết như thế Tây Bắc hiểm trở và rộng lớn quá, chẳng nói thì cũng biết chị rất vất vả?

- Có lần tôi đi sưu tầm những cái thùng gỗ từ đời cổ. Từ đây lên Sìn Hồ, xuống xã, cả đi lẫn về gần 400km. Có chỗ thì phải đi bộ, có chỗ thì đi được xe máy. Mua được cái gì đấy tập kết gửi nhà giáo viên hay là lãnh đạo xã, xong thuê xe máy chở ra ngoài đường huyện. Mỗi công đoạn vận chuyển lại thuê một anh xe ôm. 
111
Có nhiều chuyện trăn trở oái oăm lắm. Ví dụ như có cái cối đá cũ, họ vứt ở ngoài bờ rào, mối đã ăn hết cả ngõng (tay cầm bằng gỗ) rồi, tôi hỏi mua. Ông già đó thật thà bảo: mua làm gì, ta cho đấy. Một mình tôi đi thì làm sao tôi chở được cái cối đá ấy, vì nó nặng quá. Thế là tôi mới đi gọi người vận chuyển. Gọi được người rồi, quay lại, thì họ đổi ý: "không bán nữa". Vì sao? Vì có một ông hàng xóm sang chơi, ông ấy bảo nó mà vào tận đây khiêng cái cối đá hỏng ấy đi, thì tức là cối đá rất quý, nó sẽ bán được rất nhiều tiền. Mày phải đòi tiền chứ, đòi đắt vào. Thế là từ chỗ cho không, tôi định bụng cảm ơn họ vài trăm nghìn, giờ quay lại giá của cối đá hỏng thành ra… 2 triệu đồng.Tôi luôn bị lặp lại cái chuyện đó ở rất nhiều chỗ tôi đi sưu tầm hiện vật. 

Tôi luôn bị rơi vào thế tiếc nuối và phải nhân nhượng với các cách vòi vĩnh đó. Bởi vì đi được vào đến đó đâu có dễ, không mang về tức là mất hiện vật đó vĩnh viễn. Bạn không biết đâu, tôi đi xe máy từ huyện Sìn Hồ về đến Ngã ba Bình Lư (tỉnh Lai Châu), xa và mệt đến mức mà cái quán bình dân tôi hay vào ăn cơm trắng với rau (tôi ăn chay) ấy, họ rất thương xót. Vợ và chồng chủ quán chạy ra giữ xe cho tôi. Các hiện vật tre nứa phủ kín hết người tôi. Tất cả đều cồng kềnh. Nào là lồng gà, quạt thóc, quay giàn, se bông, cán bông, quay sợi. Tất cả những vật dụng chỉ để cho vào "bảo tàng" đó, "nó ngập hết đầu chị rồi", chủ quán bảo thế. Thế là chồng ra giữ xe khẩn trương, vợ vào bóp vai cho bà Tấc một tí. Ăn uống quấy quá xong, đã 8 giờ tối rồi, nên họ mới bảo theo con bà nên ngủ lại ở nhà con. Chứ bà già rồi, đường tối, xe nặng, đồ đạc phủ kín người như thế này nhỡ có nguy hiểm gì thì sao?… Tôi mới bảo: không, kín người như thế này thì ô tô nó mới nhìn rõ tao chứ. Nhìn rõ nó mới tránh được, thế lại chẳng hóa ra an toàn hơn à (cười).

 
111
111
 

Tóm lại, bây giờ có cách nào để hình dung ra số lượng hiện vật bảo tàng hay công phu sưu tầm, truyền dạy các giá trị đó của chị không?

- Tôi không tính số lượng mà theo chủ đề.

Cụ thể là nhằn bông, cán sợi rồi quay sợi … phục vụ cho việc dệt may thì tôi chỉ tính theo một "cụm văn hóa mặc" thôi. Còn văn hóa chế biến lương thực thì mình có cối xay ngô, cối xay bột, cối xay khô và cối xay nước. Thế nhưng tôi cứ hay tiếc của giời, ví dụ chỉ cần 1 cái cối xay nước để trưng bày thôi nhưng cứ đi đến vùng nào lại thấy có 3 - 4 cái cối nước, cái nào cũng hay; đi vùng kia lại có 5 - 6 cái rõ "đẹp", thế là lại khiêng hết về. 
111

Với văn hóa phi vật thể thì tôi viết thành những quyển sách, xuất bản rồi. Tôi viết trong tài liệu bản thảo nữa. Thí dụ, hôm nay đi truyền dạy 8 trò chơi dân gian và đồng dao; ở sách tôi nghiên cứu, viết lại rất kĩ và dài; nay tôi phải viết gọn lại, rồi phát cho các giáo viên và nghệ nhân, để họ dễ hiểu. 

Năm ngoái, khi tôi nói về các câu lạc bộ truyền dạy văn hóa phi vật thể, trò chơi dân gian, đồng dao và việc cần phải đưa vào các lớp học; thì ngành giáo dục huyện Than Uyên hứa sẽ đồng hành cùng với tôi để thực hiện các công việc này. Và đến năm nay, 100% các trường từ tiểu học đến trung học cơ sở đều có câu lạc bộ bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian, mà "cô Tấc" đỡ đầu về mặt chuyên môn, cùng với các nghệ nhân khác nữa. Tôi nghĩ ở Việt Nam chưa có nơi nào làm được việc đó.

Tôi cứ phải đi cùng các nghệ nhân để truyền dạy cho nó thuần thục. Bởi vì, có thể các cháu vẫn chơi, vẫn hát "Tém chi tém chăm, anh mang anh mẻ, cái sắc cái sẻ", nhưng nó không hiểu nghĩa. Hay là như cái trò chơi "gọi gió" rồi "thả trăng thả sao". Các bạn nhỏ tham gia trò chơi đứng thành một vòng tròn, rồi một bạn cầm quả cà (hoặc là cái que, hoặc một hòn sỏi nhỏ tí) đi vòng quanh, vòng quanh. Các bạn còn lại thì cho tay ra đằng sau. Xong rồi bạn đi vòng quanh sẽ bí mật thả quả cà đó vào tay của một bạn nào đó trong nhóm. Các bạn sẽ cùng đoán xem quả cà ở tay ai. Nếu đoán sai thì vẫn phải đứng đấy nhưng mà đoán đúng thì lại được cầm quả cà đi vòng quanh…

Nhưng vấn đề ở chỗ này: các cháu đang ước lệ, hiểu rằng, cái hòn sỏi ấy, cái que ấy, quả cà ấy là vì sao. "Thả trăng thả sao" là thế! Cho nên phải vừa truyền cho các em một cái sự liên tưởng đến Vũ Trụ: trăng sao chuyển động vòng quanh. Trăng sao cũng chẳng phải là cái gì to tát quá đâu, mình cũng hái xuống mình chơi thôi mà. Trò chơi dân gian đã giúp cho cái trí tưởng tượng của đứa trẻ được bay bổng. Chúng liên tưởng đến cả một bầu trời sao và vũ trụ mênh mông với việc "đi vòng quanh" của ông trăng ông sao... 

 
111
111

Là người xuôi, chị gắn bó máu thịt với Tây Bắc và cộng đồng người Thái, từ cơ duyên nào nhỉ? Điều gì ở đây đặc biệt hấp dẫn chị?

- Tôi sinh ra trong gia đình dưới xuôi và ngày ấy cha mẹ cho lên Tây Bắc ở gần người dân tộc Thái - nên cứ thế là hòa nhập luôn. Từ bé tí 3 - 4 tuổi tôi đã sống ở đồng rừng, theo "Then" đi nghe cúng. Trong đêm khuya, tôi hay được gọi dậy để nghe những lời này, những bài hát rất hay. Rồi nó ngấm vào mình. 

Nên, về văn hóa của Tây Bắc với người Thái, tôi nói cả tháng không hết. Cái dân vũ thì thôi không cần nói nữa. Chỉ biết là nó tạo hình rất đẹp rồi: áo cóm, khăn piêu, hàng cúc bướm và eo thon cô gái Thái. Dân ca cũng mênh mông lắm không nói hết được; nhưng tôi nói đơn giản là cái gì nó cũng quay lại về mặt tâm linh. Ví dụ như người Kinh (Việt): 3 hồn 7 vía là con trai, 3 hồn 9 vía là con gái. Thế nhưng, mà người Thái thì tùy vùng: có vùng thì 90 hồn, có vùng thì 80 hồn, có vùng thì 30 hồn đằng trước 50 hồn đằng sau. 
111

Nhưng, với một số lượng "hồn vía" ấy phải có một nền văn minh và văn hóa phục vụ cho nó. Ví dụ người Kinh thì có một Bà Mụ "nặn" ra nhiều thứ; còn người Thái thì có hai Bà Mụ. Hai Bà Mụ này tham gia nặn cùng một lúc. Nàng (Mụ) vàng nặn con trai, còn nàng bạc nặn con gái. Nặn linh hồn rồi thả xuống trần gian, 2 đứa này là của nhau và đương nhiên hai đứa này mang linh hồn của đôi trai gái yêu nhau thời Mụ nặn. Họ là của nhau rồi, sinh ra là dành cho nhau rồi. 

Mới dẫn đến chuyện như thế này: Người Thái ngày xưa, khi chết thì người tình cũ sẽ đến thăm, khóc ngày khóc đêm. Tôi đã sưu tập được gần 100 trang phiên dịch các "lời khóc". Khóc kể từ thời mụ nặn ra hai đứa như thế nào cho đến khi hai đứa còn bé như thế nào. Cho đến lớn lên như thế nào. Và cho đến vì sao không lấy được nhau. Đấy! Thế thì câu cuối cùng mà khóc thì khóc: Thôi thì em/anh ơi, em chết rồi, anh thì sau này anh cũng hết hạn trần gian, anh sẽ lên "trên ấy" tìm em. Ở đó là một cái sân chơi với rất nhiều hoa trên bầu trời, để cho các linh hồn trai gái yêu nhau thời Mụ nặn tụ tập sau khi chết hoặc để cho trai tân hay gái trinh mà chết thì lên đây chơi. Cái hồn hai người yêu nhau đó, nhất định phải gặp nhau, không lang thang đây đó nữa. Chứ nếu nó lang thang ở trần gian thì nó sẽ rất là quậy. Nhân văn chưa?!

Văn hóa của người Thái, tình yêu của họ hay lắm, xứng đáng để tôi đổ cả cuộc đời mình vào mà nghiên cứu. Tôi nói với anh, cuộc đời tôi không rẻ tí nào đâu, vì không rẻ nên tôi không dại gì lại ném nó vào một chỗ nó không có giá trị. Tôi nghĩ mình được cử xuống trần gian để bảo tồn một kho tàng vô giá. Tôi muốn cho các em, cho các cháu thấy được rằng, mình sống không thể tách rời được nguồn gốc, truyền thống, dù cho xã hội có phát triển, có hiện đại đến mấy. Các bạn chơi game cũng được, nghe hip-hop cũng được (dĩ nhiên!) nhưng đừng đánh rơi mất truyền thống, nguồn gốc của mình. 

Chị nghĩ là cần làm gì để phát huy được giá trị của các "lớp lang văn hóa" mà chị sưu tầm được kia?

- Tôi đi truyền dạy, tôi đưa chúng vào trường học. Tôi nói chuyện xong, nhiều thầy cô xúc động bảo: "Bây giờ chị nói chúng tôi mới biết hết giá trị của trò chơi dân gian và đồng dao trên mảnh đất này. Chúng tôi gai người khi nghe chị nói, với nhiều hiểu biết mới và rất bổ ích. Xưa nay chúng tôi chỉ nhìn được cái vỏ của vấn đề. Chúng tôi hứa nguyện sẽ đồng hành cũng chị". 

Tôi đã đem các câu chuyện này ra hội thảo quốc tế. Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện cái bảo tàng này, rồi sau đó sẽ tập trung thời gian để tìm hiểu thêm và sẽ không từ chối các hội thảo quốc tế nữa. Các chuyên gia quốc tế cũng đã đến đây rồi. Có một tiến sĩ người Rumani đã đến đây và tôi đã hướng dẫn cậu ấy nghiên cứu văn hóa dân gian vùng này. Cậu rất biết ơn tôi và muốn nhận tôi làm mẹ nuôi. Tất cả đều là nhân duyên đưa đẩy.

111
111

Xuất phát chị là một giáo viên thể dục, một người làm báo, cơ duyên thế nào mà chị lại "chuyển ngạch" rồi "đắm chìm" trong thế giới của văn hóa văn nghệ dân gian? 

- Xuất phát điểm tôi là giáo viên thể dục, dạy ở trường cấp 1, 2 ở thị trấn, sau đó tôi xin về làm ở phòng y tế, thể thao của huyện - sau này nhập vào phòng văn hóa, gọi là phòng Văn hóa - Thể thao. Sau đó tôi đi học lớp huấn luyện viên. Năm 1988 đi học thì đến năm 1990 tôi bị tai nạn, từ đấy cột sống tôi có vấn đề. Tôi bèn về Đài PT-TH tỉnh làm. 
111

Làm phóng sự dọc ngang khu vực ngã ba biên giới Việt Nam -Trung Quốc - Lào, là một ấp ủ lớn của tôi. Đăng ký một chuyến đi 20 ngày, nhưng mà lại đi 3 tháng (tức 90 ngày). Cứ đi đến đâu, đi đến đồn biên phòng nào là tôi sẽ làm phóng sự hết mọi nhẽ. Sau đó, họ cho một cậu lính mang băng và lời bình về Đài để phát sóng, rồi tôi tiếp tục đi. Đi từ đồn biên phòng ở Xi Pa Phìn trước, rồi sang đến Chung Chải, Xín Thầu... xong rồi mới đi đường tắt đến Pắc Ma rồi lên đồn Ka Lăng. 3 tháng, toàn đi bộ. Sau đó về phát được một số phóng sự, nhưng bất ngờ có sự cố liên quan đến phá rừng và trồng cây thuốc phiện nên không phát nữa. Tôi rất buồn vì điều đó. 

Bấy giờ, khu vực đó rừng bị phá quá nhiều, họ trồng thuốc phiện rất nhiều. Cây to bị chặt, to đến nỗi 6 người ôm mới hết. Còn về thuốc phiện thì khi đấy đi có bốn người tháp tùng chúng tôi đi quay, cùng với cả dân nữa. Quay xong rồi, phá thuốc phiện rồi. Thế là người trong đấy mới kéo ra mang cả súng kíp theo, mình thấy thế mới bảo anh em rút trước, xong mình tôi ở lại giơ máy quay lúc đó đang ở chế độ ghi hình, có nút đèn đỏ nháy nháy ra, trông rất trầm trọng, dọa họ rằng đây là súng đấy, bắn một phát là chết tất cả những người đối diện. Bấy giờ họ còn ít hiểu biết về khoa học, công nghệ, máy quay, nên họ tưởng tôi vác súng lớn trên vai thật, họ lại càng sợ. Họ mới rút lui. 

Đợt đấy tôi đi về xong bị sốt rét, anh em bộ đội biên phòng phải cáng về, bao nhiêu viên thuốc của đồn biên phòng tôi dùng hết sạch, tóc rụng hết. Bà con dân tộc phải đi hái thuốc về cho tôi uống, bài thuốc dân gian của họ, họ "cạy" mồm tôi ra đổ thuốc vào. Nhờ đó mà tôi sống được đến bây giờ. 

111
111

Chị bị tai biến, sức khỏe kém, lại có nhiều con nuôi phải cáng đáng, cuộc sống của chị có vất vả quá không?

- Tai biến 4 lần rồi, 3 lần là phải mang xuống Hà Nội. Tôi có rất nhiều con nuôi. Tôi luôn nghĩ, kiếp trước hay một kiếp nào đó mình hào hoa phong nhã, mình có nhiều con lắm. Kiếp này tôi sẽ nhận lại những đứa con của chính mình, nhận con nuôi. Tôi lo cho chúng nó như con đẻ. 
111

Cuộc đời tôi đến lúc này là con ngựa độc hành rồi, là con sói cô độc rồi, thế nên ai hỗ trợ thêm điều gì, với tôi nó không quan trọng bằng… hỗ trợ cho các nghệ nhân của mình. Người ta cũng già rồi và người ta không có lương lậu gì hết. Họ cùng tôi truyền dạy đồng dao, trò chơi dân gian cho trẻ nhỏ, thật sự là những nghĩa cử cao đẹp để bảo tồn văn hóa. 

Tại sao chị lại chọn Không gian văn hóa người Thái để bảo tồn, mà không phải là dân tộc khác? 

Cái mà tôi thích nhất là lời tiễn hồn người chết lên trời thì người Thái họ vẽ cả một cái vũ trụ. Đạo Phật chỉ có một cõi niết bàn thôi, nhưng người Thái thì có 2 cõi niết bàn. Cả thiên đàng và địa ngục đều ở trên trời hết chứ không có dưới đất. 

Đấy là cái tôi rất  thích và thấy nó phù hợp với hành trình của tôi - kiếp  này tôi xuống đây để ngó xem con người ở trần gian và trở về vũ trụ bằng cách nào. Người Thái đã cho tôi thấy điều ấy, thoả mãn điều ấy. 

Các cuộc đi điền dã của chị dọc ngang Tây Bắc mấy thập niên qua, chắc là ly kì lắm?

- Tôi cứ đi thôi. Mỗi chuyến đi cứ thu thập ghi chép, đêm không ngủ thì cứ ghi chép. Và vì sao mà tôi phải đi trực tiếp? Vì có những chuyến đi tôi thấy quen lắm, hình như kiếp trước mình đến đây rồi. Hay là có những người thân thuộc lắm, vừa gặp đã yêu quý nhau, đã thấy thân thuộc rồi. Nói chuyện với nhau ngày đêm. Tôi đi giống như để gặp lại duyên phận của mình vậy. 

Cũng quá nhiều lần tôi gặp nguy hiểm. Riêng thác sông Đà, ngày xưa hồi sông Đà còn nhiều thác ấy, bộ đội, cán bộ giáo viên bị chết đuối nhiều lắm. Hồi đi vào đồn biên phòng huyện Ka Lăng, họ bao giờ cũng sắm cho tôi một cái can 20 lít để lên đến xuồng,buộc chặt vào cổ tay tôi và luôn luôn dặn tôi là nếu xuồng lật phải vứt hết máy quay, máy ghi âm đi, ôm lấy cái can này, kiểu gì cũng dạt được vào bờ. Đó, việc đầu tiên bao giờ cũng là sắm can và dạy cách thoát hiểm. Xuồng của huyện sẽ đưa mình đi ngược lên Pắc Ma, tập kết ở đấy rồi đi 1 vòng. 

Lần cận kề cái chết nhất có lẽ là vụ gặp con chó sói trong rừng già.

 Thế là bài thơ "Nỗi đau chó sói" ra đời và được nhiều người nhớ đấy.

"Trong rừng cổ thụ 

Có sói già thành tinh

 không bao giờ dính đạn

một mình.

(…) 

Một mình một gậy 

Tôi đi tìm tôi, tắt ngang cánh rừng cổ thụ 

(…) 

Được nửa quăng dao

Tôi giật mình tê dại

 cách tôi vài sải

Sói già đứng dựng tai 

Đôi mắt màu tro, bộ lông màu lửa 

Sói già nhìn tôi!

Quái vật ba chân 

Không dao, không súng

Cũng chỉ một mình 

Sói già thất vọng bỏ đi 

Sói già tìm bạn, gặp tôi 

Tôi lại là người

Tôi đi tìm tôi

Ám ảnh một đời 

Nỗi đau chó sói".

(Trích trong tập "Những người mẹ núi")

111
111

Phải rồi, nói chuyện với Bà Then "điên" Đỗ Thị Tấc mà không nhắc tới thơ thì không ổn tí nào!

- Từ hồi bé tí tôi bị gọi là con hoang, bưng bát cơm lên bị người mình gọi là bố (bố nuôi) nói là con hoang, lúc đánh tôi ông cũng mắng là đồ con hoang. Tôi đâu phải con của người tôi gọi là bố khi ấy. Ông gác cầu Hang Tôm mà tôi hay kể, hay viết thơ, chỉ là bố dượng thôi. Bố đẻ tôi ở trong miền Nam, ông cụ mất rồi, lúc ông mất là mang từ miền Nam ra mai táng ở Thái Bình. 

Bài thơ tôi thích nhất của tôi là bài "Những ô cửa", tôi viết về kỷ niệm với dòng sông Đà, với ám ảnh con hoang đó. Bối cảnh là thị xã Mường Lay (nay đã chìm dưới hồ thủy điện Sơn La). Thơ có đoạn:

"Tôi đi hoang tìm tuổi thơ mình 

Mở của núi 

Ngã ba sông rờn rờn 

Nậm Na gầy, xương đá cứ truồi lên

 (…)

Bước khát cha văng mình chập chuội.

Thân mồ côi.

Bầm dập đá mồ côi

(…) 

Mở cửa khe Noong Tan, tôi gặp lại bầy dơi 

Lũ dơi mang mặt người 

Cứ bò lùi trên vách đá

Nhìn tôi 

Đứa con rơi".

Cảm ơn chị và cuộc trò chuyện chân tình!

111
 
Nguồn Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây