Chuyến làm phim cho tôi hiểu những đóng góp to lớn của liệt sĩ Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam

Thứ sáu - 04/03/2022 04:35
Từ thời đi học và cho mãi đến nhiều năm sau này, tôi chỉ hiểu một cách chung chung rằng liệt sĩ Tô Hiệu (1912-1944) là một nhà cách mạng và là người trồng đào tại nhà tù Sơn La.

Nhưng nhờ có chuyến làm phim tài liệu về ông, tôi đã hiểu cặn kẽ hơn những đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam, và có những câu chuyện đã trở thành kí ức không thể phai mờ trong tôi.
111
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng thân nhân gia đình đồng chí Tô Hiệu và các đại biểu tham quan triển lãm về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Đó là vào đầu xuân Quý Mùi 2003, tôi cùng các phóng viên quay phim Mạnh Khởi, Anh Phương và lái xe Văn Cẩn của Đài PT&TH Hưng Yên đi Sơn La làm phim về liệt sĩ Tô Hiệu. Chúng tôi đã nhờ bạn bè tại Báo Sơn La đi xem xét chọn thời điểm cây đào do liệt sĩ Tô Hiệu trồng năm xưa nở hoa để quay cho đẹp. Quay cảnh tại Sơn La xong, một thời gian sau, chúng tôi điện lên xin lịch và bố trí ghi hình phỏng vấn một số đồng chí lão thành cách mạng, là bạn tù của đồng chí Tô Hiệu như đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội và nhà văn Hoàng Công Khanh. Tất cả những bạn tù cùng thời với đồng chí Tô Hiệu đều tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi ghi hình phỏng vấn tại nhà riêng. Và chính nhờ chuyến làm phim này, được tai nghe các bậc lão thành cách mạng kể chuyện và giảng giải, được mắt thấy nhà ngục Sơn La với những dãy hầm xà lim chìm sâu trong lòng đồi núi, chúng tôi hiểu biết hơn về Tô Hiệu - Một chiến sĩ cách mạng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (Tô Hiệu mất khi mới 32 tuổi) nhưng đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, có đóng góp to lớn cho cách mạng và là một nhân cách cộng sản cao đẹp.

TÔ HIỆU CÓ TẦM NHÌN XA TRÔNG RỘNG

Nói về tầm nhìn xa trông rộng của nhà cách mạng Tô Hiệu, đồng chí Hoàng Tùng cho biết: Trước năm 1940, những người đảng viên Cộng sản và đảng viên của Việt Nam Quốc Dân đảng tại nhà tù Sơn La chia rẽ nhau, thậm chí công kích lẫn nhau. Thêm vào đó, tù thường phạm cũng không hợp tác với đảng viên, lại thêm có cả mật thám cài trong tù nhân, do đó, bộ máy quân Pháp tại nhà tù dễ dàng thực hiện âm mưu chia để trị, chúng đối xử dã man với tù chính trị, nhiều tù chính trị bị gông cùm, bị khủng bố, bị đói khát nên chết nhiều, và nhà ngục Sơn La trở thành “mồ chôn chính trị phạm”. Nhưng từ khi Tô Hiệu bị đày lên đây vào cuối năm 1940, nhờ tầm nhìn cũng như sự phân tích thuyết phục của ông mà các tù nhân gồm đủ các loại thành phần đã thống nhất với nhau và chịu ảnh hưởng của những người tù Cộng sản, từ đó họ đoàn kết chống lại bộ máy tàn bạo của thực dân, gần  300 tù nhân đã thành lập được “Uỷ ban tự quản” để đòi được đối xử nhân đạo, do đó số tù nhân chết giảm hẳn. Còn đồng chí Nguyễn Văn Trân kể: Nếu không có “tầm nhìn xa trong rộng” của Bí thư chi bộ Tô Hiệu thì có thể hàng trăm tù chính trị sẽ chết  và không có cuộc vượt ngục năm 1943. Khi ấy, ta đấu tranh và tuyệt thực, chúng lùa hơn một trăm chính trị phạm xuống dãy hầm xà lim ngầm, bỏ mặc cho những người tù cộng sản đói khát, có người đã phải uống nước tiểu, một số người bị lả, nếu cứ đấu tranh thì không tránh khỏi tổn thất, đồng chí Tô Hiệu cho họp chi uỷ và đề ra chủ trương nhượng bộ bọn Giám thị để tìm cơ hội khác, nhờ đó an toàn về lực lượng. Về cuộc vượt ngục năm 1943, đồng chí Nguyễn Văn Trân cho biết: Trước đó đã có 2 tù chính trị vượt ngục nhưng không thành và bị chúng chặt đầu treo tại hành lang nhà tù để khủng bố tinh thần tù chính trị, nhưng Bí thư Chi bộ Tô Hiệu chỉ đạo vẫn phải tiếp tục vượt ngục. Đồng chí Tô Hiệu yêu cầu phải học tiếng Thái cho tiện hỏi đường, và phải xác định phương hướng đường đi lối lại nhân lúc được ra ngoài lao động khổ sai, đồng thời phải chuẩn bị áo quần giống như thổ dân… Tháng 8/1943, bốn đồng chí là Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu là những người chịu án khổ sai và án tù chung thân được chọn vượt ngục. Đoàn người không theo đường số 6 về xuôi mà quyết định vượt sông Đà để sang Yên Bái. Nhưng khi đó nước to, không thể đi bè qua sông, 4 cán bộ đành men sông băng rừng và về xuôi an toàn. Đây là chuyến vượt ngục thành công hiếm có.

CÓ CÔNG ĐÀO TẠO NHIỀU CÁN BỘ CHO ĐẢNG

Về những đóng góp của Tô Hiệu cho cách mạng Việt Nam, các đồng chí cùng hoạt động đều khẳng định đồng chí Tô Hiệu có công lớn trong công tác đào tạo những cán bộ cốt cán cho Đảng. Với vai trò là Thường vụ Xứ uỷ Bắc kì tham gia chỉ đạo phong trào vùng Duyên hải Bắc bộ từ năm 1936 đến 1939, và sau này là Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La từ 1941 đến 1944, đồng chí Tô Hiệu rất chú trọng huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng. Các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn Trân nhận xét: Trong khoảng 4 năm ở nhà tù Sơn La, với vai trò là Bí thi chi bộ, đồng chí Tô Hiệu đã xây dựng kế hoạch học tập và trực tiếp biên soạn những tài liệu liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước cách mạng, công tác xây dựng đảng, công tác nông hội, địch vận… Đồng chí Tô Hiệu cùng các đảng viên của Đảng đã biến nhà tù thành trường học. Chính tại nhà tù Sơn La, đã rèn luyện và đào tạo được nhiều cán bộ xuất sắc của Đảng, đã có 196 đồng chí ra tù và lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước như các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng (nguyên Phó Chủ tịch nước), Nguyễn Thanh Bình (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Trần Quốc Hoàn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Văn Tiến Dũng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Mai Chí Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị), Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị), Nguyễn Đức Tâm (Ủy viên Bộ Chính trị), Lê Thanh Nghị (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Nguyễn Cơ Thạch (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Xuân Thuỷ (Bí thư TW Đảng), Hoàng Tùng (Bí thư TW Đảng), Nguyễn Văn Trân (Bí thư TW Đảng), Trần Độ (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội), Đặng Việt Châu (nguyên Phó Thủ tướng), Lưu Đức Hiểu (nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội), Song Hào (thượng tướng), Phạm Ngọc Mậu (thượng tướng), Lê Quang Hoà (thượng tướng), Trần Kiên (Bí thư Thành uỷ Hải Phòng), Lê Lam (nguyên Phó Thủ tướng) Trần Huy Liệu (nguyên Bộ trưởng Tuyên truyền), Ngô Minh Loan (nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực), Hoàng Quốc Thịnh (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương), Nguyễn Hữu Mai (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông),  Dương Quóc Chính ( Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội), Nguyễn Khang (nguyên Bộ trưởng Phủ Thủ tướng)…

VÀ MỘT NHÂN CÁCH CỘNG SẢN CAO ĐẸP

Chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu sinh 1912 tại Xuân Cầu, Văn Giang trong một gia đình có truyền thống nho giáo và yêu nước. Ông cùng anh trai là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Anh trai ông là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Hai anh em Tô Hiệu hăng hái tham gia các phong trào chống Pháp. Rồi Tô Hiệu bị địch bắt và đày đi Côn Đảo vào cuối năm 1929. Thời gian ở Côn Đảo, ông chuyển hướng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, ông tham gia Thường vụ Xứ uỷ Bắc kì và phụ trách phong trào các tỉnh Duyên hải Bắc bộ gồm Quảng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Ông bị bắt cuối năm 1939, và bị đưa đày tại nhà ngục Sơn La vào cuối năm 1940 và mất vào tháng 7/3 năm 1944 tại nhà ngục Sơn La vì chế độ hà khắc của nhà tù và vì bệnh lao quá nặng. Trước đó Tô Chấn - anh trai của ông cũng  đã chuyển sang hàng ngũ những người cộng sản và được bố trí vượt ngục Côn Đảo cùng chiến sĩ cách mạng Ngô Gia Tự. Nhưng tiếc là thuyền gặp bão, cả đoàn hy sinh trên biển. Kể về nhân cách cao đẹp của đồng chí Tô Hiệu, nhà văn Hoàng Công Khanh nhớ lại: Anh Tô Hiệu rất yêu mẹ, anh lúc nào cũng thể hiện là mình còn bé để cho mẹ vui. Với người yêu, anh luôn nhắn nhủ rằng hãy đi lấy chồng chứ không thể chờ đợi một người tù như anh… Nhà văn Hoàng Công Khanh xúc động kể việc đồng chí Tô Hiệu nhường thuốc để chữa bệnh lao phổi cho nhà văn, mặc dù đồng chí Tô Hiệu cũng mắc lao phổi rất nặng. Đồng chí Nguyễn Văn Trân kể lại câu chuyện Tô Hiệu trồng cây đào cạnh phòng giam thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời bất chấp ngục tù. Những chi tiết đó cho thấy  nhân cách cao đẹp của nhà cách mạng Tô Hiệu.

Và tôi rất nhớ lời của nhà tuyên huấn Hoàng Tùng, ông kể: “Khi nghe tin Tô Hiệu mất, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khóc rất nhiều”. Và ông nói thêm: “Tô Chấn và Tô Hiệu đều có tầm lãnh tụ, một nhà có hai bậc quân vương mà tiếc là không thành. Nhưng đấy là những tấm gương đẹp đã một đời hy sinh vì nước vì dân”.

Năm đó chúng tôi làm phim tài liệu về nhà cách mạng Tô Hiệu có tựa đề “THẮM MÃI MỘT SẮC ĐÀO CỘNG SẢN”. Năm nay, nhân cán bộ và nhân dân Hưng Yên đang chuẩn bị kỉ niệm 110 năm ngày sinh của nhà cách mạng Tô Hiệu, (1912-2022) và 78 năm ngày mất của ông(7/3/1944-7/3/2022), xin ghi lại câu chuyện làm phim cách nay đã 20 năm, và xin cảm ơn các bạn tù của liệt sĩ Tô Hiệu là các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Công Khanh đã kể cho chúng tôi những điều không thể nào quên về Tô Hiệu - Một chiến sĩ có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.
                                                         
 
                        Nguyễn Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây