Cái nạn 'coi con như của' là một thứ sản phẩm văn hóa lâu đời có tính gây hại và tàn phá ghê gớm…
Buổi sáng, thức dậy trong ngôi nhà của một người bạn phương xa, cái khung cảnh nhìn qua cửa sổ thật lạ thường. Tôi định bước xuống giường thì nghe thấy có tiếng người nói. Hình như thằng bé con trai bạn tôi đang sửa soạn đi học.
- Ba ơi, nhưng con thấy bị đau bụng rồi, bụng con khó chịu lắm.
- Con đau chỗ nào, khó chịu nhiều lắm hả con?
- Dạ, ở đây này.
- Con có muốn nghỉ học không?
- Có. Con sợ là đến trường sẽ không ổn đâu.
- Ừ, vậy mình ở nhà. Để ba nhắn tin cho cô giáo xin phép…
Hai cha con còn nói chuyện rất lâu nữa. Tôi nằm trên giường, nhìn qua cửa sổ, thấy cả khoảng sân và phòng khách nhà bạn. Người cha ngồi bên đứa con trai lớp 5 trên chiếc sofa…
- Con yêu, tại sao con không muốn đi học?
- Con sợ cô giáo la. Thằng bé òa khóc.
- Nín đi, có ba ở đây mà con trai. Cô giáo la con hả?
- Cô nói học như vậy là học dốt. Con sợ. Thằng bé nước mắt dàn dụa.
- Không sao, con trai. Con không cần phải học giỏi, con thích học gì thì cứ học cái nấy. Con thích tìm hiểu lịch sử, muốn biết về Lincol, về Van Gogh, con hãy mở máy tính lên xem. Ba chỉ cần con vui vẻ thôi, không cần có giấy khen như các bạn. Ngoan nào, đi rửa mặt đi… Bây giờ con có đi học không?
- Có.
- Thôi hôm nay mình nghỉ học, ba với con sẽ đi chơi. Mình xuống biển nhặt vỏ ốc và tắm biển nhé.
Thằng bé đưa tay quệt nước mắt nhưng miệng không dấu được nụ cười.
Chứng kiến tất cả câu chuyện ấy, xúc động với cách của ông bố, tôi lại nhớ tới một bài học trong sách lớp 1 thủa xưa mà nay vẫn còn được đưa vào sách giáo khoa mới, bài thơ “Mèo con lười học”: Mèo con buồn bực/Mai phải đến trường/Bèn kiếm cớ luôn: Cái đuôi tôi ốm./Cừu mới be toáng:/"Tôi sẽ chữa lành,/Nhưng muốn cho nhanh:/Cắt đuôi, khỏi hết!"/Cắt đuôi? Ấy chết!/Tôi đi học thôi! (Theo P.Vô-rôn-cô. Thúy Toàn dịch). Nếu ông bố kia cũng như con cừu trong bài thơ, “be toáng” lên, dùng một cái kế rất láu cá và ranh mãnh để khiến đứa con phải đi học thì sẽ ra sao?
Rồi tôi lại hình dung, nếu ông bố ấy vì “biết tỏng” cái “chiêu” của đứa con rồi la mắng, đe dọa, bắt nó đi học bằng một vẻ mặt bực tức, hằn học và trừng phạt thì chuyện gì sẽ xảy ra? Những câu như “Mới tí tuổi đầu đã dối trá/ Học đâu ra cái thói bịa đặt ấy/ Nhác học thì sau này chỉ có bốc cứt/ Bố sẽ gọi cho cô giáo quản con cho thật nghiêm” v.v.., nếu chúng được tuôn xối xả vào mặt đứa trẻ thì sao? Không biết, có thể chẳng có chuyện gì xảy ra, thằng bé vẫn sẽ đi học, và cứ thế lớn lên. Nó học mãi cho đến khi lên lớp 10, như đứa bé tội nghiệp đã nhảy từ tầng 28 của tòa chung cư.
Đang có một xã hội và một nền giáo dục lâm trọng bệnh. Nó khủng hoảng giá trị. Những điểm số và thành tích ở trường không nói lên được điều gì chắc chắn về “phẩm chất và năng lực” của con bạn cả. Việc theo đuổi chúng như một thói quen mù quáng của đám đông, đứng về phía bên kia để ép con phải đạt được những tiêu chuẩn ấy chính là cách tốt nhất để khiến đứa trẻ trở nên cô độc.
Chính cha mẹ phải hiểu được cái gì là điều cần theo đuổi và khuyến khích con theo đuổi. Cách tốt nhất là ủng hộ đam mê của chúng. Trong khi đó, luôn ở bên để làm một người đồng hành và bảo vệ. Không đẩy con cái vào chỗ đơn độc, lạc lõng.
Cha mẹ có thấu hiểu, có đồng cảm; và nhất là có đủ sự kiên nhẫn để lắng nghe con cái và coi chúng như những người bạn của mình, điều ấy vô cùng hệ trọng. Nuôi con khó, dạy con cũng khó, nhưng làm bạn với con còn khó hơn. Làm bạn nghĩa là bình đẳng, là tôn trọng. Tôn trọng cảm xúc, tôn trọng suy nghĩ, tôn trọng đời sống cá nhân và những riêng tư.
Cái nạn “coi con như của” (một thứ tài sản sở hữu và phụ thuộc), chứ không phải như một con người bình đẳng với mình, đó là một thứ sản phẩm văn hóa lâu đời có tính gây hại và tàn phá ghê gớm. Con là của mình, thế là mắng, là đánh, là bắt phục tùng. Khi vui thì thưởng, thì chiều; khi trái ý thì quát, thì phạt, thì chỉ trích không tiếc lời.
Tất cả cái thảm trạng ấy sẽ khiến những đứa trẻ hình thành và củng cố tính cách nô lệ, tuân phục, cúi đầu. Với những đứa thông minh, sắc sảo có cá tính thì nổi loạn và chống lại bằng những cách tiêu cực. Nhảy lầu là một trong những cách ấy.
Muốn con cái trưởng thành, đầu tiên, cha mẹ phải bé lại. Nghĩa là phải đặt mình vào vị trí của đứa trẻ, phải trở thành trẻ thơ, thành thiếu niên…, phải là một người bạn – không phải là bề trên giáo huấn.
Làm bạn, đó là điều quan trọng nhất và có lẽ cũng là hệ trọng nhất để một đứa trẻ có cơ hội trưởng thành. Trớ trêu thay, chúng ta sống trong môi trường xã xội chuyên chế đã quá lâu, lại luôn hít thở cái không khí chuyên chế gia đình, nên ta trở thành những kẻ chuyên chế khi nào không hay.
Chính ta đã vừa là nạn nhân lại vừa là tội nhân. Ta di truyền cái văn hóa ấy lại cho các thế hệ con cháu. Cứ thế, những lớp người kế tiếp nhau mang trong mình căn bệnh gia trưởng và chuyên chế ấy, tạo thành một cái vòng kim cô khóa chặt không lối thoát.
Đến bây giờ, chính chúng ta, những người làm cha làm mẹ, phải tự phá nó ra. Cũng chỉ có như thế mới làm ra những lớp người cho sự thay đổi xã hội sau này.
Theo Thái Hạo/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên