Đó là ngôi trường cấp 3 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng chia sẻ với báo chí những trăn trở về giải pháp để ngành nông nghiệp vượt qua “lời nguyền” sản xuất nhỏ.
Ông bảo, “tới ngày nào đó, chúng ta phải giống các quốc gia tiên tiến, xem nông nghiệp là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi, chứ không phải không biết làm gì thì ra làm ruộng”.
Vị chính khách quê Đồng Tháp còn nhấn mạnh “chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân”. Thậm chí, “nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép”.
Khi những lời gan ruột này được đưa lên mặt báo, một số độc giả bình luận rằng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp lại muốn “đẻ” giấy phép con để “hành” nông dân.
Nhưng với ông Phạm Hữu Lợi - Hiệu trưởng Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định), đó là tư tưởng rất tiến bộ, là con đường mà các quốc gia tiên tiến như Đức, Nhật Bản… đã đi cách nay hơn nửa thế kỷ.
Ông quyết định viết thư cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan để giới thiệu một mô hình đang được triển khai tại Nam Định với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản - viện trợ “chất xám” (chuyên gia giảng dạy kỹ thuật nông nghiệp).
Dự án tạm gọi là “Mô hình liên kết đào tạo nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao dành cho học sinh học hết cấp 2 theo mô hình trường cấp 3 Nhật Bản” do Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định hợp tác thực hiện với Hiệp hội Giáo dục nhân lực Kirishima Sanroku Kasseika, Nhật Bản, được JICA tài trợ.
Vị hiệu trưởng hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác của Việt Nam và có dịp được đón Bộ trưởng Lê Minh Hoan về thăm.
Một buổi sáng tháng 5/2021, vị “tư lệnh” ngành xếp lịch về Thành Nam xưa thăm trường và không hề báo trước. Vậy mà từng khoảng sân, góc vườn, giảng đường vẫn được các học sinh nội trú chăm chút và lau dọn sạch bong (dù trường không có lao công).
“Dịp khác, tôi rất muốn cùng Bộ trưởng dùng bữa trưa ở nhà vệ sinh của trường. Tôi khẳng định đó là nơi thực sự sạch sẽ”, ông Lợi đưa ra lời mời. Ông Hoan không coi đó là lời mời khiếm nhã, thậm chí khi thuyết trình tại một hội nghị do Đại học Kinh tế Quốc Dân tổ chức, Bộ trưởng vẫn nhắc đến câu chuyện này và nói rằng: “Đó là ngôi trường đào tạo nông nghiệp độc nhất vô nhị ở Việt Nam”.
Vừa rồi, trong lần thứ 2 về thăm trường cấp 3 Nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đi với Giám đốc Sở NN-PTNT một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu, xem xét đề xuất xây dựng mô hình tại địa phương mình.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 1980 với tấm bằng cử nhân tiếng Nhật, chí hướng du học luôn thôi thúc trong ông, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, mãi đến năm 2000, ở tuổi 45, ông Lợi mới có điều kiện sang Nhật học cao học.
“Việt Nam mình là nước nông nghiệp, tôi rất muốn sang xem nước bạn làm nông nghiệp thế nào”, ông Lợi chia sẻ. Ông Lợi cũng là người đề xuất và thuyết phục tỉnh Nam Định và Chính phủ Nhật Bản triển khai dự án Trường cấp 3 Nông nghiệp.
Hiện nhà trường đã khai giảng được khoá học đầu tiên với 60 em học sinh. Chỉ 60 em thôi nhưng hành trình tuyển sinh vô cùng vất vả. “Người ta cứ nghĩ làm nông nghiệp là bẩn thỉu, không kiếm được nhiều tiền nên phụ huynh rất ngại cho con theo học. Mặt khác, đối tượng mà nhà trường hướng tới là những học sinh không thi đỗ vào trường THPT công lập, bởi vậy các phụ huynh càng nghi ngờ về khả năng hòa nhập của các cháu với chương trình đào tạo của nhà trường”, ông Lợi nói.
Cách tốt nhất để quảng bá nhà trường là mời phụ huynh dẫn con em mình đến trường chơi. Khi họ thấy cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở của nhà trường thì mới gật đầu đồng ý. Nhờ đó, rất nhiều học sinh ngoại tỉnh từ Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam... cũng về đây theo học.
Theo ông Lợi, rất nhiều phụ huynh mắc sai lầm khi dạy con làm giàu trước khi làm người. Giống như khi trò chuyện với các học sinh trong tiết học tiếng Nhật, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hỏi: “Các em có biết từ “omoiyari” (tiếng Nhật) có nghĩa là gì không?” Và ông giải thích: “Omoiyari không phải là chúng ta làm ra tiền, không phải chúng ta kiếm tiền bằng mọi giá mà luôn luôn suy nghĩ cho người khác, giúp đỡ lẫn nhau”.
Cũng chính bởi vậy mà nhà trường không thuê lao công. Các em phải tự phân công nhau để dọn vệ sinh, ăn xong tự rửa bát, khi bày bừa phải tự dọn rác. Để hình thành thói quen của những đứa trẻ, ở trường giáo viên phải chào học sinh trước; giáo viên nhặt rác và quét sân, dọn cỏ trước.
Tại đây, các em sẽ được học 8 môn văn hoá theo chương trình của Sở GD-ĐT quy định và một môn ngoại ngữ (tiếng Nhật) để tốt nghiệp cấp 3. Nhưng nội dung căn bản nhất là học kỹ thuật nông nghiệp. Để phù hợp với nhận thức của những đứa trẻ 15 tuổi, các tiết kỹ thuật nông nghiệp luôn chú trọng thực hành (thời gian dạy lý thuyết chỉ giới hạn từ 10 - 15 phút). Phần này do chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ. Họ là những giáo viên trường cấp 3 Nông nghiệp, rất có kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành.
Theo thầy Lợi, muốn sản xuất nông nghiệp thì “nhất đất, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Bởi vậy, trong thực hành kỹ thuật nông nghiệp, trước hết chúng tôi dạy học sinh cách ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp (phân bò, lợn, gà kết hợp với cám gạo, trấu và vỏ lạc) theo hướng dẫn của chuyên gia tỉnh Miyazaki.
Giáo trình dạy thực hành của các chuyên gia Nhật rất tỉ mỉ. Họ hướng dẫn từ cách bố trí gian nhà ủ phân, phối trộn nguyên liệu theo tỷ lệ, cách đảo phân theo phương pháp sử dụng vi sinh vật hiếu khí, bổ sung nước trong quá trình đảo, dùng đồng hồ nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ đống ủ phân từ ngày thứ nhất đến khi phân chín.
Và để kiểm tra chất lượng của phân, học sinh không chỉ quan sát bằng mắt thường mà còn phải dùng tay bốc phân rồi đưa lên mũi ngửi (khi không còn mùi gì có nghĩa là phân chín). Tiếp đến, các em sẽ dùng nắm chặt lòng bàn tay để ép phân, sau đó dùng các ngón tay vê phân xem phân có mịn hay không (phân mịn là đạt chuẩn).
Để kiểm tra hàm lượng tinh chất của phân, cần lấy cốc thuỷ tinh và đổ 9 phần nước nóng đun sôi, 1 phần phân. Như vậy, những nguyên liệu đã chín sẽ chìm xuống dưới, còn nguyên liệu chưa chín sẽ nổi lên trên.
Để bổ sung dinh dưỡng cho đất, phân hữu cơ sẽ được bón vào đất với tỷ lệ 1.000m2/2 tấn (tương đương 1m2 bón 2kg phân), sau đó có thể gieo trồng các loại rau. Mô hình này hoàn toàn không sử dụng hoá chất trong quá trình chăm sóc cây trồng, học sinh phải bắt sâu bằng tay. Đặc biệt, sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào bếp ăn của nhà trường. Phần còn lại, học sinh sẽ tỏa đi khu dân cư lân cận để bán.
Thầy Lợi chia sẻ, vấn đề chúng ta đang đau đầu nhất là xuất khẩu nông sản thô và điệp khúc được mùa mất giá. Để giải quyết được vấn đề này, nhất định phải nâng cao năng lực chế biến nông sản thực phẩm. Nhắc đến thuật ngữ chế biến nông sản và thực phẩm, rất nhiều người đã biết, nhưng rất ít người đi sâu tìm hiểu về nó.
Ví dụ, Nam Định là đất trồng lạc. Trước nay bà con chủ yếu dùng để chế biến món lạc luộc, lạc rang, lạc khô và muối vừng hoặc ép dầu lạc. Tuy nhiên, nhà trường sẽ dạy học sinh từ khâu cải tạo đất, dùng phân ủ hữu cơ trồng lạc, chăm sóc lạc, thu hoạch lạc và chế biến thành các thực phẩm như đậu phụ lạc, bơ lạc... Lúc đó, các em sẽ hiểu giá trị gia tăng trong chuỗi nông sản, thực phẩm là gì.
Tương tự như vậy, nhà trường cũng dạy học sinh cách chế biến bánh mì, bánh gato, su kem, bánh cuốn... từ bột gạo (thay vì bột mì nhập khẩu như trước đây) theo kỹ thuật của người Nhật Bản. Như vậy, thay vì chỉ bán hạt gạo khoảng hơn 10.000 đồng/kg, chúng ta có thể tăng giá trị hạt gạo lên 5 -7 lần nhờ chế biến.
“Sau khi có sản phẩm, chúng tôi tiếp tục truyền cho các em kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho hấp dẫn để chào bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Các em sẽ thấy rằng: À, hoá ra làm nông nghiệp cũng vui. Các em cũng sẽ thấy đồng tiền thật có giá trị”, ông Lợi chia sẻ.
Ngày nay, không ít mô hình đào tạo theo kiểu “ăn xổi”, “mì ăn liền”, thế nhưng mô hình đào tạo nông nghiệp này sẽ kéo dài 10 – 15 năm. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ được đưa sang Nhật Bản làm việc từ 3-5 năm tại các công ty nông nghiệp, công ty chế biến thực phẩm. Một phần thu nhập gửi về cho gia đình, phần còn lại để các em học tiếp 4 năm đại học tại trường Minami Kyushu, tỉnh Miyazaki.
Trường đại học này giảm một nửa học phí cho sinh viên Việt Nam (có văn phòng đại diện tại Nam Định). Đây là trường đại học chuyên đào tạo kỹ sư thực hành nông nghiệp chứ không nặng về lý thuyết hàn lâm như một số trường Đại học ở Việt Nam. Tất cả những vấn đề xảy ra trên đồng ruộng, đều được nhà trường đào tạo.
Như vậy, từ 19, 20 tuổi các em đã tự nuôi được mình, giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Khi trở thành kỹ sư nông nghiệp, các em không về Việt Nam ngay mà tiếp tục làm việc trong các nông trại ở Nhật thêm từ 3-5 năm để tích lũy kiến thức. Ở độ tuổi 33 - 35, những kỹ sư đã tích lũy đủ kinh nghiệm sống, có một chút vốn đầu tư và thuần thục kỹ năng thực hành nông nghiệp. Đó là thời điểm phù hợp để trở về quê hương.
“Hiện nay, chúng ta đã có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, cái mà hai bên cần là phải đào tạo được lực lượng công nhân nông nghiệp có kỹ thuật và kỹ sư nông nghiệp lành nghề. Nếu doanh nghiệp nước ngoài sang đầu tư mà không có người thực hành thì rất khó”, thầy Lợi trăn trở.
Sau một quá trình học tập tại trường cấp 3 Nông nghiệp, những học sinh “cá biệt” ngày nào đã từng bước trưởng thành. Tôi thực sự xúc động khi đọc lá thư của em Phạm Đức Anh (học sinh lớp 10C1) viết gửi mẹ: “Khi con đi học xa nhà, con nhớ lúc ở nhà với mẹ được ăn ngon, mặc ấm, không như ở đây đồ ăn không được ngon như mẹ nấu, ăn mặc chưa được ấm như ở nhà. Vì vậy con viết lá thư này để xin lỗi mẹ vì: không nghe lời mẹ; hay cãi lời mẹ; hay đua đòi. Con cũng cám ơn mẹ vì mẹ mua quần áo cho con mặc; nấu cho con ăn; chăm sóc lúc con ốm; mẹ luôn đồng hành cùng con. Nhân dịp ngày 20/10, con chúc mẹ mạnh khoẻ, mau chóng khỏi bệnh”.
Cuối thư là dòng chữ được viết bằng tiếng Nhật, dịch sang tiếng Việt có nghĩa “Con cảm ơn mẹ rất nhiều”. Có lẽ, khi đọc được những dòng thư ngắn ngủi này của con trai, người mẹ sẽ hạnh phúc vô bờ.
Ông Lợi chia sẻ, thời đại 4.0 ngày nay, mọi người thường kết nối thông qua mạng xã hội hay tin nhắn. Văn hoá viết thư trong xã hội Việt Nam gần như đã mất rồi. Tuy nhiên, chỉ khi chúng ta đặt bút vào trang giấy, những xúc cảm và nội tâm sâu kín nhất trong mỗi con người mới được đánh thức. Nhiều người trong chúng ta rất khó mở lời để nói những từ yêu thương, nhưng khi viết thư, chúng ta có thể bày tỏ tình cảm của mình thật tự nhiên.
“Sau khi nhận được thư của con mình qua đường bưu điện, rất nhiều phụ huynh đã gọi điện cho thầy hiệu trưởng để tỏ sự cảm phục. Có phụ huynh bảo: “Ở nhà chúng tôi hò như hò đò nhưng cháu chẳng làm cái gì cả, nhưng đến đây các cháu như một con người khác”, ông kể.
Có phụ huynh khi nhận được những chiếc mánh mì từ bột gạo do con mình tự làm và gửi về gia đình còn tỏ ra nghi hoặc. Thế là, họ gọi điện thoại để kiểm tra: “Chúng mày làm sao mà làm được bánh mì. Chúng mày lại lừa bố mẹ chứ gì?”. Vậy là chúng tôi lại tiếp tục khuyến khích các em viết thư về cho bố mẹ, ở đây mình sống ra làm sao, mình học tập như thế nào. Vậy là, những bậc cha mẹ đều cảm thấy an tâm khi gửi gắm con mình cho nhà trường.
Theo đó, hệ thống trường cấp 3 của Nhật Bản được chia làm hai gồm: hệ thống trường cấp 3 bình thường và hệ thống trường cấp 3 chuyên ngành (nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, tin học, điều dưỡng, mỹ thuật).
Ví dụ, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Nam Định có thế mạnh phát triển nông nghiệp thì trong số 10 trường cấp 3 sẽ có 4 trường cấp 3 bình thường và 6 trường cấp 3 nông nghiệp. Tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh phát triển công nghiệp thì trong 10 trường cấp 3 của hai tỉnh này có 4 trường cấp 3 bình thường và 6 trường cấp 3 công nghiệp.
Các tỉnh ven biển như Khánh Hoà, Bình Thuận sẽ có 60% trường cấp 3 thủy sản. Họ đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu việc làm tại từng địa phương, để người dân không phải ly hương. Điều này Nhật Bản đã áp dụng từ thời Minh Trị Duy Tân (từ năm 1866 đến 1969 là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản ngày nay). Tư liệu này đã được thầy Phạm Hữu Lợi dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và chuyển cho ông Lê Minh Hoan để nghiên cứu, phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tại chuyến thăm vào ngày 8/3/2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hứa sẽ kêu gọi nguồn lực từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước để mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp tại Nam Định mở rộng ra các địa phương khác, từ đó góp phần hình thành những công nhân nông nghiệp có kỹ thuật và kỹ sư nông nghiệp lành nghề cho nước nhà.
Nội dung: Minh Phúc
Thiết kế: Trọng Toàn
Ảnh: Minh Phúc - Tư liệuNguồn NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên