Lịch sử hình thành và phát triển
Với mục tiêu, đào tạo hiền tài và tinh hoa cho đất nước, năm 1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương.
Vua từng dụ rằng: "Muốn có nhân tài trước hết phải giáo hóa. Nay ở Kinh sư số học giả còn ít là bởi phép dạy chưa đầy đủ. Trẫm muốn mở Quốc học và Sùng văn để tỏ bày giáo hóa".
Thời vua Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy.
Tháng 3 năm 1820, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng cho đổi tên thành trường Quốc Tử Giám. Lúc này Quốc Tử Giám được phát triển to lớn hơn. Quốc Tử Giám tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp sau đó. Năm 1821, nhà vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài.
Sử sách có chép lại lời Vua Minh Mạng dụ rằng: "Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, chăm chăm đến việc tác thành nhân tài, đặt nhà học, cấp lương cho giám sinh, gia ân cho học trò, ban phát sách vở, đều mong học trò thành tài để nhà nước dùng".
Đến thời vua Tự Đức, trường được tiếp tục xây dựng và mở mang thêm. Năm 1848, xây thêm tường bao bọc và dãy cư xá, mỗi bên 2 gian. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên ra vào. Vì lúc bấy giờ cả nước chỉ có một trường Quốc Học nên tập trung một lượng sinh viên về học rất đông. Một lần ghé thăm trường, vua Tự Đức đã làm một bài văn gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ nội dung bài văn này được khắc vào tấm bia dựng trước sân trường. Do trận bão năm Giáp Thìn (1904), trường bị hư hỏng nặng, nhưng sau đó, trường được phục hồi.
Tới năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành, tức vị trí hiện nay. So với kiến trúc cũ, Quốc Tử Giám mới được xây dựng mới thêm nhiều công trình phụ, trong đó, kiến trúc cũ của Di Luân Đường được giữ nguyên.
So với kiến trúc cũ, Quốc Tử Giám mới được xây dựng mới thêm nhiều công trình phụ, trong đó, kiến trúc cũ của Di Luân Đường được giữ nguyên. Hai bên là hai dãy phòng học vẫn như cũ và cư xá sinh viên; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác của trường.
Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao (Tân Thơ Viện, Di Luân Đường đều có nguồn gốc từ các công trình kiến trúc của Cung Bảo Định).
Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Tân Thơ Viện hiện là trụ sở của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Quốc tử Giám Huế hiện tại
Năm 1945, sau khi triều đình nhà Nguyễn chấm dứt vai trò lịch sử của mình, Quốc Tử Giám không thay đổi kiến trúc kể từ đó đến nay.
Sau chiến tranh, di tích Quốc Tử Giám, địa chỉ số 1 đường 23 tháng 8, được sử dụng làm trụ sở của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế. Dãy nhà học bên trái Di Luân Đường nơi các giám sinh triều Nguyễn học ngày xưa nay được sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật chiến tranh thời chống Mỹ cứu nước.
Dãy nhà học bên phải được sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật chiến tranh thời chống Pháp cứu nước. Trước năm 1975, Quốc Tử Giám từng là trường Trung học Hàm Nghi.
Di tích Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993.
Hiện Tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên kế hoạch xây dựng di tích này trở thành bảo tàng giáo dục khoa cử. Đây cũng là nơi được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chọn làm điểm phát thưởng, tuyên dương học sinh có thành tích cao ở các kỳ thi trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù đã chấm dứt vai trò của mình, nhưng trường Quốc Tử Giám đóng góp hết sức to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, là nơi lưu lại dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quốc Tử Giám Huế đã đóng góp công sức của mình trong việc đào tạo ra những nhân tài của đất nước và phản ánh một thời kỳ của lịch sử.
Trải qua sự bào mòn của thời gian và chiến tranh, so với một số công trình khác từ thời Nguyễn, Quốc tử Giám ở Huế vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Điều này giúp các thế hệ người dân Việt Nam ngày nay được hiểu và biết về một công trình mang giá trị văn hóa, giáo dục rất cao từ thời xa xưa. Nó cho thấy, ông cha ta từ lâu đã có ý thức đào tạo nhân tài, tinh hoa cho đất nước.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên