Hoàng Sa, không ai quên lãng

Thứ ba - 04/10/2022 11:29

Đã thành lệ, cứ 1-2 tháng, những người lính già từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa mấy chục năm trước lại góp với nhau ít tiền dưỡng già, tụ họp một buổi, ôn chuyện cũ bên lon bia, ly nước ngọt.

 
111
Mô hình khu trục hạm HQ4 - Trần Khánh Dư vừa được các cựu binh Hoàng Sa tái hiện, chờ đóng góp cho Bảo tàng Hoàng Sa -
Ảnh: Tự Trung

Cuộc gặp mặt ít người biết, và mỗi lần có dịp tham dự, tôi đều vô cùng cảm động.

Sáng thứ bảy 1-10 là một cuộc gặp gỡ như vậy, câu chuyện về trận hải chiến Hoàng Sa trở nên sống động không ngờ khi có thêm sự hiện diện của mô hình khu trục hạm HQ04 - Trần Khánh Dư vừa được làm bằng số tiền quyên góp từ các cựu binh.

Đúng tỉ lệ kích thước, đúng trang bị bố trí với các bệ pháo, đài radar, có thể chạy được trên mặt nước, chiếc tàu mô hình mang mọi người về với 48 năm trước...

"Tôi là sĩ quan giám lộ, lúc xảy ra trận chiến, tôi không có nhiệm vụ cụ thể, cứ chạy lòng vòng trên boong, đài chỉ huy để quan sát, nhờ vậy mới ghi nhận được hầu hết diễn biến của trận chiến", ông Lữ Công Bảy chỉ lên boong tàu kể.

Những năm dài sau này, khi câu chuyện Hoàng Sa chưa ai nhắc lại, ông Bảy đã cặm cụi âm thầm ghi lại những dòng hồi ký về trận hải chiến lên một cuốn tập học trò.

Viết bằng mực xanh rồi chỉnh sửa lại bằng mực đỏ, ký ức được gọi về chồng lên nhau chi chít. Khi có máy vi tính, ông Bảy lại kỳ cạch học cách gõ máy, kỳ cạch gõ, sửa, bổ sung.

Rồi cũng đến ngày những dòng hồi ký xuyên mấy mươi năm mà vẫn còn nóng hổi được công bố trên Tuổi Trẻ, đến ngày nhịp cầu nối những cựu binh Hoàng Sa được bắc lên.

Ông Lê Văn Thành chỉ lên ụ pháo ở đầu mũi: "Tôi phụ trách ụ pháo này, cũng bắn dữ lắm đó, nhưng...". Ông ngưng lại, niềm tiếc nuối 48 năm như vẫn còn quặn thắt. Một ông khác vỗ vai an ủi: "Vận nước mình lúc đó như vậy, anh em đều đã tận lực".

Những ngày cận Tết Giáp Dần 48 năm trước như sống lại, những người lính này lúc ấy đang phơi phới thanh xuân. Chiến tranh ác liệt trong bờ, còn họ rất may mắn được vào lực lượng hải quân, ở trên khu trục hạm, xa hòn tên mũi đạn.

Ông Nguyễn Công Hiển kể về Hoàng Sa thanh bình với tô canh chua cá vui ngất trời mỗi lần lên tiếp liệu, những bao phân phốt phát xếp thành bức tường, những cây dương bị gió vặn cong oằn...

Biến động thời cuộc sau đó đều đã khiến cuộc đời họ phải thay đổi, mỗi người mỗi cảnh. Chỉ trận hải chiến ở Hoàng Sa là thành một nỗi đau chung cứ tấy lên mỗi lúc. Đau đáu. Không nguôi.

"Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có... Ông Nguyễn Trãi đã viết vậy mà. Chúng ta đều là người Việt Nam, chiến đấu vì Việt Nam, bảo vệ Việt Nam.

Hoàng Sa của chúng ta, nhất định sẽ có ngày trở lại", ông Hiển nói với những người trẻ có mặt trong buổi gặp bằng giọng sang sảng vốn dĩ, ông Nham ngồi cạnh lặng lẽ gật đầu.

Ông Bảy quanh quẩn bên chiếc HQ04 - Trần Khánh Dư mô hình, gọi anh em chụp ảnh để còn gửi mail cho hạm trưởng Vũ Hữu San đang nóng lòng chờ đợi bên kia đại dương.

Một kế hoạch sẽ đóng tiếp mô hình của HQ05 - Trần Bình Trọng, HQ16 - Lý Thường Kiệt, HQ10 - Nhật Tảo để đóng góp vào Bảo tàng Hoàng Sa - Đà Nẵng lại được mọi người hào hứng bàn bạc...

Chỉ có điều gì bị lãng quên mới thật sự mất. "Không ai bị quên lãng, không điều gì bị lãng quên" (Olga Bergon). Hoàng Sa - bằng rất nhiều cách khác nhau - vẫn cứ là của người Việt Nam, nước Việt Nam, rất thật và sống động như vậy.
 

Theo Phạm Vũ/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây