Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 'Tôi còn sống thì còn chiến đấu với giặc nội xâm'

Thứ tư - 12/10/2022 11:04
"Từng là Ủy viên Trung ương Đảng, tôi cảm thấy rất đau lòng khi có nhiều cán bộ bị kỷ luật thời gian vừa qua. Nhưng để bộ máy trong sạch, bất kể ai sai phạm đều phải xử lý nghiêm", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 ngày 10/10, trao đổi với PV. VietNamNet, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (96 tuổi, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) chia sẻ: "Trái tim tôi luôn hướng về Tổ quốc, hướng về nhân dân. Do vậy, tôi còn sống, thì còn chiến đấu với giặc nội xâm".

- Luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, đồng thời đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đâu là động lực thôi thúc ông làm việc này?

Trong thời chiến, chúng tôi đã anh dũng chiến đấu, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Và giờ đây, trong thời bình, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu để bảo vệ, giữ vững thành quả mà ông cha cùng các thế hệ đi trước đã đem lại.

Vậy nên, tôi luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, đồng thời đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trước kia, chúng ta đánh giặc ngoại xâm, bây giờ tiếp tục đánh giặc nội xâm (tham nhũng, tiêu cực). Cá nhân tôi còn sống, thì còn chiến đấu với giặc nội xâm. Hai kẻ thù đó, chúng ta phải kiên quyết đẩy lùi để bảo đảm đất nước hoà bình và ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

111
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ với phóng viên sau khi nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Ảnh: Quang Phong.

- Trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cá nhân ông trăn trở điều gì?

Như Tổng Bí thư đã nói, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài nên phải kiên quyết, kiên trì. Đó là điều chúng ta nhất thiết phải làm. Cá nhân tôi tin rằng, chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để làm cho bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

- Ông nhìn nhận như thế nào về điểm mới tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, đối với ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang?

Từng là Ủy viên Trung ương Đảng, tôi cảm thấy rất đau lòng khi có nhiều cán bộ bị kỷ luật trong thời gian vừa qua. Nhưng để trong sạch bộ máy, bất kể đó là ai sai phạm thì đều phải xử lý nghiêm.

Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo tôi, đây là việc làm đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Với cách làm bài bản, vừa nghiêm khắc, vừa có tình có lý trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tôi tin rằng ‘cuộc chiến’ với ‘giặc nội xâm’ nhất định sẽ thắng lợi và đem lại niềm tin đối với nhân dân.

- Qua việc hàng loạt cán bộ liên quan đến vụ Việt Á và vụ ‘chuyến bay giải cứu’ bị kỷ luật, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?

Việc hàng loạt cán bộ liên quan đến hai vụ án lớn là Việt Á và ‘chuyến bay giải cứu’ bị kỷ luật, theo tôi, bên cạnh công tác cán bộ còn có khuyết điểm, cơ chế chính sách có lẽ còn có kẽ hở để những cá nhân suy thoái về mặt đạo đức, tư tưởng lợi dụng bòn rút tài sản của nhà nước, nhân dân.

Để khắc phục được điều này, một mặt chúng ta tiếp tục phải đấu tranh với những cán bộ có biểu hiện như vậy, đồng thời tiếp tục củng cố lại thể chế. Làm cho tất cả cùng hướng về đất nước, nhân dân mà phục vụ và cũng làm sao để họ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng. Đó là mục tiêu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Ngoài việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông, làm sao để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng?

Quy định của Đảng và pháp luật rất chặt chẽ trong việc phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực. Còn để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng, như tôi đã nói ở trên, chúng ta phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Một mặt đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, mặt khác phải bịt được kẽ hở của thể chế chính sách. Còn với những cán bộ vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để mang tính răn đe.

Ngày 10/10, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vinh dự được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X.

Sau khi nghỉ hưu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, đặc biệt là đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, các đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

 
Theo Quang Phong/VietNamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây