Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói “nóng ruột vô cùng” khi đọc loạt bài Những công trình "làm nghèo" đất nước trên Thanh Niên và đề nghị xác định rõ trách nhiệm ở những dự án treo, không sử dụng, lãng phí.
Chiều 24.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Báo cáo bước đầu của đoàn giám sát do Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà trình bày tại phiên họp đánh giá việc quản lý sử dụng chi đầu tư phát triển còn nhiều bất cập; việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Đoàn giám sát dẫn báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2021 chưa có số liệu báo cáo), có 8.580 dự án sử dụng ngân sách nhà nước chậm tiến độ. Trong đó, dự án nhóm A là 202 dự án, nhóm B là 2.239 dự án, nhóm C là 6.139 dự án. Về nguyên nhân chậm tiến độ, báo cáo cho hay do công tác giải phóng mặt bằng là 4.815 dự án; bố trí vốn không kịp thời là 1.533 dự án; năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu là 748 dự án; thủ tục đầu tư là 1.336 dự án và các nguyên nhân khác 3.034 dự án.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng cho hay từ 2016 - 2021 đã phát hiện 346 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 149 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 2.900 dự án có thất thoát, lãng phí; 1.460 dự án phải ngừng thực hiện.
Các dự án sử dụng vốn nhà nước khác (gồm vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước) cũng trong tình trạng tương tự.
Cũng theo báo cáo của đoàn giám sát, với rất nhiều hạn chế từ khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương dự án cho tới thực hiện, tiến độ nhiều dự án chậm so với kế hoạch ban đầu, một số dự án chậm đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả vốn đầu tư. Cá biệt có dự án thực hiện trên 18 năm chưa hoàn thành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi tới đoàn giám sát, giai đoạn 2016 - 2021, số dự án sử dụng vốn nhà nước khác chậm tiến độ là 313.444 dự án. Các dự án hoàn thành nhưng không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ theo số liệu của mình năm 2020 đã là 78.285 dự án…
Các dự án treo, chậm tiến độ, không hiệu quả, lãng phí là vấn đề mà Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá là vấn đề “nóng”, dư luận quan tâm, “bài toán khó chưa có lời đáp” và đề nghị đoàn giám sát phải đặc biệt chú ý giám sát sâu. “Phải làm rõ các dự án trọng điểm sử dụng vốn, ngân sách nhà nước mà không hiệu quả, chậm tiến độ. Vì sao chậm? Do thiếu vốn hay khâu đền bù, tái định cư chậm hay do nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực?”, ông Mẫn nêu. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ cả nước còn bao nhiêu dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn và biện pháp giải quyết. “Các đồng chí phải làm cho rõ, có tiếp tục được hay không. Giờ đầu tư nhan nhản. Người ta thấy cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu. Một con đường đền bù tái định cư lem nhem, không thi công được. Lần này có khắc phục được cái này hay không?”, ông Mẫn chỉ rõ.
Giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.2022. Theo dự kiến, đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát tại nhiều cơ quan, bộ ngành T.Ư. Đối với địa phương, sẽ chọn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lâm Đồng và Long An.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị đoàn giám sát chỉ mặt điểm tên, làm rõ trách nhiệm với các dự án dở dang, “nằm phơi mưa phơi nắng”, dự án treo vì đây cũng là hình thức lãng phí rất lớn. “Có những khu đô thị 10 năm rồi mà chỉ có 1 nhà, còn lại toàn cỏ mọc đầy không nhúc nhích tí gì. Không ở đâu xa, ngay ở H.Mê Linh (Hà Nội) đây thôi, nếu đoàn giám sát muốn có thể tới xem”, bà Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi nêu ý kiến tại phiên họp đã dẫn chứng loạt bài Những công trình “làm nghèo” đất nước trên Báo Thanh Niên để nói về tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý đất đai và đầu tư công. “Nhiều vô kể. Các đồng chí cứ giở Báo Thanh Niên ra đọc, nóng ruột vô cùng”, Chủ tịch Quốc hội nói, và đề nghị cần phải xác định rõ trách nhiệm đối với những công trình loại này.
Dẫn công trình hồ thủy lợi ở Đắk Lắk làm xong “7 đời” rồi nhưng không sử dụng được, trong khi tiêu tốn của ngân sách hơn 3.000 tỉ, Chủ tịch Quốc hội nói: “Đó là lãng phí nhiều hay ít? Trách nhiệm của ai?”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng những công trình như thế này “nhiều vô kể”, “có tới hàng nghìn”. “Giờ chỉ cần xác định trách nhiệm ở chỗ này, có một yêu cầu của Quốc hội tất cả rà soát lại, thu hồi hết sẽ tạo được nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy được trách nhiệm cụ thể với một số vụ việc lớn, nghiêm trọng. “Phải chỉ rõ để cảnh báo, răn đe chứ không nói chung chung. Bao nhiêu dự án treo? Lý do làm sao? Lần này có thu hồi được không? Nhiều địa phương muốn thu hồi nhưng áp lực này kia không thu hồi được. Quốc hội ra nghị quyết thu hồi thì có thu hồi được không? Chưa kể hàng loạt dự án liên quan sai phạm cán bộ, giờ xử lý cán bộ rồi thì xử lý tiếp các dự án này thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 9 diễn ra từ 10.3, chia làm 2 đợt.
Theo Lê Hiệp/Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên