Bước từng bước chậm rãi trên đôi chân không lành lặn, ông Nguyễn Trọng Duy ở thôn 2, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông tiến về giữa sân khấu để nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Một hình ảnh khiến nhiều người xúc động về những người nông dân giản dị, hiền lành nhưng luôn nỗ lực, khát vọng vươn lên dù đôi chân không lành, dù đất đai cằn cỗi hay mưa dông, nắng hạn...
Được biết, dù có khó khăn trong việc đi lại hơn những người bình thường, ông Duy vẫn có 10 ha đất áp dụng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây công nghiệp, cây lương thực, với thu nhập bình quân hàng năm 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông cũng là người đóng góp 900m2 đất ngay trung tâm đầu cầu Suối Sập để xây dựng hội trường thôn 2, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Có thể nói, 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 là 63 câu chuyện về hành trình vượt khó, vươn lên làm giàu, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.
Như bà Hoàng Thị Gái - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ TP Hải Phòng qua tích tụ ruộng đất hiện nay đã có 100ha trồng lúa, trồng rau màu, trong đó có nhiều loại rau, củ quả xuất khẩu. Bà Gái cũng liên kết với hàng trăm nông dân trong vùng để trồng rau sạch phục vụ xuất khẩu.
Hỏi bà làm thế nào để kết nối được tất cả các nông dân, bà Gái nói: "Chúng tôi thành lập các nhóm zalo, các tổ đội trao đổi thông tin sản xuất hàng ngày".
Quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp nhưng bà Gái bảo: "Còn cục gạch thì chưa thể nói đến chuyển đổi số. Làm sao mỗi nông dân phải chuyển từ "cục gạch" lên điện thoại smart phone thì triển khai công việc sẽ càng nhanh chóng, thuận lợi" - bà Gái nói.
Bà cũng là một trong những nông dân "nhanh chân" gặp Đại sứ Israel tại Việt Nam hỏi về công nghệ tưới nhỏ giọt.
Hay như ông Lê Văn Quyết, nông dân xuất sắc tỉnh Đồng Nai, tham gia các sự kiện trong chuỗi chương trình Tự hào nông dân Việt Nam nhưng ông vẫn điều khiển từ xa... bán 30.000 con gà mỗi ngày.
Ông Đinh Ngọc Khương, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ tỉnh Bình Dương có doanh thu lớn nhất, đạt 90 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 5 tỷ đồng/năm từ mô hình trồng cao su, trồng cây ăn trái, nuôi gà giống, gà thịt, chung cấp thức ăn chăn nuôi…
Ông Lê Văn Đạt đến từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tạo nhiều việc làm nhất.
Đây là năm thứ 9 liên tục, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam được tổ chức, chương trình không chỉ tôn vinh công sức, tài năng, đạo đức, sự sáng tạo của người nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, mà còn lan tỏa mạnh mẽ về mẫu hình người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, mặc dù nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu vẻ vang, đã có những đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước; chứng tỏ được vai trò quan trọng không thể thiếu mỗi khi đất nước gặp khó khăn song, những khó khăn, thách thức từ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh hội nhập cần được nhìn nhận, có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Có ba khó khăn lớn nhất mà lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang phải đối mặt, cần giải quyết là trình độ khoa học và công nghệ chưa cao, áp dụng chưa phổ biến, đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện đáng kể; hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất lớn chưa được đầu tư.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, để tăng thu nhập cho nông dân, không có con đường nào khác là công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới chất lượng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình số hóa trong nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.
"Nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam là tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, tổ chức nông dân vào hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản và ngành hàng để có nông sản năng xuất cao, chất lượng cao, mẫu mã, giá cả cạnh tranh và xây dựng thương hiệu quốc gia ở một số nông sản trọng điểm, có thế mạnh" - Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho rằng, nghề nông phải là nghề chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp phải có tay nghề cao, có tư duy hợp tác, đột phá là áp dụng công nghệ cao, số hóa, liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình đó, người nông dân là "Chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới"; Hội Nông dân là "Trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới".
Trong khi đó, phát biểu tại Lễ tôn vinh đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào một lớp nông dân mới, luôn đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân là những nông dân thông minh, làm chủ khoa học kỹ thuật.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Để nông nghiệp, nông thôn giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ông Chiến đề nghị các cấp Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân phát động; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương, động viên nông dân nói chung, hội viên nông dân nói riêng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái, phát triển toàn diện nông lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu để tăng thu nhập, cải thiện đời sống của cư dân nông thôn.
"Trong xu thế hội nhập toàn cầu, với cuộc cách mạng 4.0, Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp chặc chẽ với các bộ, ngành địa phương lựa chọn nội dung "có tính chất đột phá", góp phần giải quyết những "nút thắt" hiện nay, để Nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung bứt phá trong thời gian tới" – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi, Hội Nông dân chúng ta sẽ làm gì trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học thế nào để tạo ra được sản phẩm hàng hóa có giá trị thương hiệu sản phẩm có thể cạnh tranh được thị trường trong nước, khu vực và thế giới… ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, một mình Hội Nông dân không thể làm được mà Hội chúng ta là người hiểu sâu sắc nhất bà con nông dân cần Nhà nước hỗ trợ gì, từ đó chủ động đề xuất, tham mưu và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng triển khai thực hiện với mục đích xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới phát triển cùng với sự phát triển chung của đất nước.
Theo K.Nguyên/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên