Người mẹ “khùng” 12 năm nhặt xác thai nhi

Chủ nhật - 19/12/2021 15:32
Ròng rã 12 năm trời, cô Đỗ Thị Cúc (51 tuổi) ngụ ở xóm 6, làng Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã tự nguyện chôn gần 40.000 xác thai nhi bị vứt bỏ.
111
Cô Cúc giới thiệu với chúng tôi chiếc tủ lạnh bảo quản xác thai nhi xấu số
Người mẹ “khùng” với công việc “kỳ dị”.

Ở dưới chân đê phía tả ngạn sông Hồng, không khó để chúng tôi tìm gặp được cô Cúc, hỏi cô Cúc ở huyện Lý Nhân thì ai cũng biết. Nhà cô nép vào trong ngõ, phía trước có cái chợ cóc, hằng ngày cô vẫn bán rau ở đây. Lối dẫn vào nhà là hàng chục cái tiểu nhỏ được xếp lên nhau.

Trước mặt chúng tôi là người đàn bà lực điền, da ngăm ngăm sương gió, khuôn mặt tròn và phúc hậu. Khi được chúng tôi hỏi tại sao cô lại làm công việc này, cô Cúc bộc bạch: “Một chiều năm 2009, trong một lần đi nhặt ve chai trên đê, tôi cầm cái cuốc để lôi cái túi rác thì thấy máu rỉ ra. Tôi mở bọc nilon đó thì thấy bảy xác thai nhi không còn đầy đủ bộ phận. Tôi bàng hoàng và đem đi chôn. Từ đấy tôi mới biết có những sự việc như vậy thế và bắt đầu hành trình đi tìm kiếm các em cho đến tận bây giờ. Ngày nào cũng thế, cứ đi ra tìm các em trước rồi mới lượm ve chai”.

Nhiều người cho rằng công việc cô Cúc bị khùng, việc nhặt xác thai nhi thật rùng rợn, trần gian có một. Nhưng đã gần 12 năm, không quản mưa nắng, cô Cúc vẫn hai ngày một lần tới các cơ sở y tế, bệnh viện sản nhi từ Hà Nam, Hưng Yên để “xin” xác thai nhi bị vứt bỏ về chôn cất.

“Nhiều người chẳng hiểu, họ cho rằng tôi làm công việc này để mua lòng các nhà hảo tâm, nhưng suốt bao năm nay, tôi chưa bao giờ xin ai một đồng nào trong việc chôn cất các em. Vẫn có những đoàn thiện nguyện, những tổ chức đến đây, nhưng tôi chỉ mong họ thắp cho các em một nén nhang thôi. Suy cho cùng mỗi bào thai nhi cũng là một sinh linh như bất kỳ ai, cũng cần được chôn cất cho tử tế” cô Cúc chia sẻ.

Cô dẫn chúng tôi xuống gian nhà dưới, chứa đầy những bao gạo xếp thành từng chồng, đặc biệt có một chiếc tủ lạnh bên trên nắp tủ có đặt tượng chúa Jesu và bát bát hương. Ở đó là hàng chục bào thai nhi đang được bảo quản chờ ngày đi chôn. 

Cứ hai tuần là cô sẽ đem các em đến nghĩa trang ở làng Phú Đa để chôn cất. Nơi đó có một góc nhỏ những ngôi mộ tập thể, trên tấm bia có ghi “Maria Đỗ Thị Cúc”, đó là nơi an nghỉ của gần 40.000 bào thai nhi xấu số bị ruồng bỏ. 

Được biết, từ năm 2009, cô và chồng đã tận dụng một khoản tiền tiết kiệm để xây các bể chôn cất các em. Đến hiện tại đã xây được 7 bể chôn cất. Vì số lượng nhiều, nên một cái tiểu phải xếp được tầm hơn 50 mươi em.
111
Một góc nghĩa trang xã Phú Đa, nơi chôn cất của hơn 40000 thai nhi
Người mẹ với trái tim nhân hậu và tình yêu vô bờ với trẻ con

Gần 12 năm kể từ khi bắt đầu hành trình này thì cũng là từng ấy năm người ta gọi cô là Cúc “Khùng”. Cái tên đó không phải là sự khinh miệt hay trêu cợt, mà đó chính là những điều phi thường mà cô đã làm, vì chính những suy nghĩ khác biệt, vì chính hành động mà ít ai dám đứng ra làm như cô.

Cô làm công việc này như một sự sắp đặt của ông trời, nhiều lúc cô đã nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng mỗi lần đi qua những bãi rác cô đều có linh cảm: những bào thai nhi đã níu chân cô lại. “Có lần nhặt được một bào thai nhi đã thành hình hài của một đứa trẻ bị cắt bỏ, cô đoán chắc đã 7,8 tháng tuổi, tôi thương mà phát khóc”, cô Cúc nghẹn ngào với chúng tôi.

Hiện tại, trong gia đình cô có 9 người, ngoài 2 vợ chồng, mẹ già và 4 đứa con đẻ, cô Cúc còn làm mẹ “bất đắc dĩ” cho ba đứa trẻ: Bảo Khánh, Bảo Quốc và Hồng Ân… Các em đều là nạn nhân bị bố mẹ vứt bỏ, nhưng cũng thật may mắn khi được sống trong tình yêu thương của cô Cúc.

Được biết, hai em Bảo Khánh, Bảo Quốc sinh ra chỉ hơn một cân vì có thể người sản phụ khi mang bầu đã buồn bực mà ảnh hưởng tới con. Cô đã từng phải khuyên nhủ, hỗ trợ vật chất để cô ta giữ lấy hai em. Còn em Hồng Ân, trong một lần đi qua cầu Yên Lệnh, cô thấy một vật màu trắng bên đường, mở ra thì là một đứa trẻ dây rốn vẫn còn nguyên, cô đưa em tới bác sĩ chăm sóc và nuôi em tới bây giờ. Trong ngôi nhà nghèo chẳng có thứ gì đáng giá, nhưng luôn có tiếng trẻ em nô đùa cười nói.

Cụ Tạ Thị Quyền, 89 tuổi, mẹ đẻ của cô Cúc luôn luôn ủng hộ việc làm cao cả của con gái mình, cụ chia sẻ: “Cả nhà tôi ai cũng ủng hộ Cúc làm điều đó, nó đã cưu mang rất nhiều trường hợp có thai rồi. Có lần còn lên tận Hà Nội để giúp đỡ cô bé đấy. Khi lên đến nơi thì tình trạng nguy kịch rồi, buồn là con trong bụng mất luôn. Khi lấy ra thì Cúc cũng động viên rồi chăm sóc cho cô bé đấy”.

Gia đình cô Cúc cũng như đa phần người dân ở làng Phú Đa, họ đều nghèo và phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Cô vẫn gồng mình để nuôi dạy các con, mỗi ngày cô bán rau ở cái chợ cóc gần nhà, rồi đi nhặt từng ve chai với mệnh giá 360 đồng một chai.

“Tôi nghĩ trên đời này luôn có nhân quả, tôi làm việc này cho các em tôi thấy bản thân mình, gia đình mình luôn được Chúa che chở. Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục công việc này đến chừng đến khi nào có thể, những bào nhi cũng là sinh linh của một con người, cũng cần được đối xử tử tế”- Cô chia sẻ.

Ở bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Hưng Yên, bệnh viện Sản nhi Hưng Yên… người ta đã quen với hình ảnh người phụ nữ đi chiếc xe Cub 72, hai ngày một lần, tới cổng bệnh viện để xin xác thai nhi về chôn cất. 

Bác sĩ Giáp Bằng Mạnh - trưởng khoa sản bệnh viện Nhi Hưng Yên chia sẻ: “Xét về lĩnh vực y tế, việc xin xác thai nhi cần phải hạn chế, vì có liên quan tới vấn đề xử lý rác thải. Nhưng tôi nghĩ việc làm của cô Cúc là một hành động nhân văn. Nếu không có những người như cô Cúc thì những đứa bé bị nạo phá sẽ xử lý thành rác thải y tế. Nhưng giờ đây, nhiều đứa trẻ may mắn đã được chôn cất và an táng”.

“Được đầu thai thành người là một kỳ tích, chúng ta hãy sống có trách nhiệm” 

Cô Cúc đã khuyên ngăn 80 bà mẹ mang thai ngoài ý muốn giữ lại đứa trẻ, việc nạo, phá thai đối với nhiều người được coi là việc “giết người”. Cô Cúc mong muốn nạn nạo, phá thai suy giảm: “Hiện nay có rất nhiều bà mẹ ở độ tuổi học sinh sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã mang thai. Rất nhiều trường hợp phá thai ở độ tuổi này. Vậy nên tôi nghĩ cần phải tổ chức những buổi giáo dục giới tính, các bé học sinh nên nhận thức đúng đắn về việc này để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bởi vì việc tước đoạt một sinh mệnh là một việc vô cùng ác. Được đầu thai thành người là một kỳ tích, chúng ta hãy sống có trách nhiệm ”.

Cũng theo ước nguyện của “mẹ” Cúc, mong muốn một ngày nào đó, công việc này của mình sẽ nhàn đi và sẽ không còn cuộc gọi điện thoại nào từ bệnh viện nữa. 

“Tôi mong mỗi ngày không phải nghe những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về báo có xác hài nhi. Tôi muốn thông qua câu chuyện của mình để lan tỏa những điều tích cực. Giúp cho các bà mẹ nhận thức được sự quý giá của một sinh linh. Để từ đó sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và với mọi người xung quanh”.

Dường như xã hội ngày càng văn minh, con người cũng trở nên dễ dãi hơn, sống theo bản năng và nhục dục nhiều hơn, sống vô cảm và vô trách nhiệm với những việc mình đã làm… Việc làm của cô Đỗ Thị Cúc như đánh thức lương tâm của mỗi chúng ta phải sống tử tế với nhau hơn.
 

Đức Cầm, Khánh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây