Từ khi tái lập tỉnh đến nay, số thu ngân sách từng năm. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh được giao tự cân đối thu - chi ngân sách, có điều tiết một phần về ngân sách Trung ương. Có thể ví von, số thu ngân sách nội địa là những con số “biết nói”, là dấu ấn rõ nét về định hướng đúng đắn trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 25 năm tái lập. Thời điểm tái lập tỉnh, nền kinh tế tỉnh ta có điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật kém phát triển. Năm 1997, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 85 tỷ đồng, trong đó, dự toán thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đã chiếm hơn 45%. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, ngành Thuế tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ tổng hợp, nên ngay năm đầu tiên tái lập, toàn tỉnh đã thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán được giao, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 1996.
Trong gần 25 năm qua, việc điều hành ngân sách của tỉnh được thực hiện sâu sát và quyết liệt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng năm. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của mỗi năm, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các biện pháp để tổ chức thu, động viên kịp thời các khoản thu vào NSNN. Ngành Thuế tỉnh triển khai sâu rộng các chính sách, pháp luật về thuế và các văn bản hướn dẫn thực hiện; tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan trong việc tăng cường quản lý thu ngân sách, nhất là với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trọng điểm. Các cơ quan Thuế đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hoạt động nội ngành, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Ngành thực hiện cơ chế “một cửa'' và “một cửa liên thông'', trong đó cơ chế “một cửa liên thông” giữa Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh tiếp tục được duy trì, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế. Đồng thời ngành Thuế đã áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế như: Ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), khai thuế, nộp thuế điện tử. Đây là một trong những bước cải tiến quan trọng vừa tiết kiệm thời gian, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình kê khai, tính thuế, đồng thời giúp người nộp thuế tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đến nay, tỉnh đã có gần 99% số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, ngành Thuế thực hiện tốt dự án hiện đại hóa thu NSNN, phối hợp kết nối thông tin các ngành Thuế - Hải quan - Kho bạc- Tài chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu NSNN.
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Thuế Hưng Yên luôn hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN do Bộ Tài chính, HĐND tỉnh giao. Trong gần 25 năm qua, số thu NSNN do Cục Thuế tỉnh quản lý trên địa bàn ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Kết quả thu NSNN nội địa trong 5 năm qua đạt những con số ấn tượng như: Năm 2016 đạt 6.708 tỷ đồng, năm 2017 đạt 8.639 tỷ đồng, năm 2018 đạt 9.887 tỷ đồng, năm 2019 đạt 11.280 tỷ đồng, năm 2020 đạt 13.099 tỷ đồng. Cơ cấu thu nội địa chuyển dịch theo hướng tăng dần từ khu vực sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước). Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hưng Yên được giao tự cân đối thu - chi ngân sách, điều tiết một phần về Trung ương; ngành Thuế tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN do HĐND tỉnh giao (năm 2017 thu vượt 10,05% dự toán; năm 2018 thu vượt 15,45% dự toán; năm 2019 thu vượt 28,3% dự toán, năm 2020 thu vượt 24% dự toán). Qua đó, kết quả thu ngân sách nhà nước bảo đảm nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Số thu NSNN đạt và vượt dự toán có ý nghĩa rất lớn, tạo đà cho thời kỳ ổn định ngân sách những năm tiếp theo. Đồng thời đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Thuế tỉnh tích cực nắm bắt, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, giám sát việc kê khai nộp thuế hàng tháng, hàng quý của người nộp thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN. Bên cạnh đó, đa dạng phương thức tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật thuế, tập huấn chính sách thuế mới cho người nộp thuế, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tiếp tục nuôi dưỡng và khai thác hiệu quả các nguồn thu vào NSNN .
Minh Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên