Hai sự cố đau lòng gần như xảy ra cùng lúc: Thứ nhất, hơn 800 hũ tro cốt do được gửi tại chùa Kỳ Quang 2 - TP.HCM bị vứt bỏ lăn lóc. Thứ hai, con gái ruột hành hung mẹ già ở Cần Đước (Long An) bị quay clip tung lên mạng.
Hai sự cố ấy không chỉ day dứt về lòng hiếu thảo, mà còn cảnh báo lối sống thực dụng và lạnh lùng đang đe dòa bình yên xã hội. Làm sao để gìn giữ sự nhân hậu vốn có của người Việt hôm nay?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Suốt hơn 10 ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc tro cốt thân nhân của nhiều gia đình gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp - TP.HCM) bị đảo lộn, thất lạc tên và di ảnh đi kèm. Nhiều biện pháp khắc phục đang được thực hiện. Thế nhưng, đây vẫn là một câu chuyện đáng ưu tư. Ông cảm nhận ra sao?
Một câu chuyện buồn, hoang mang và thất vọng.
Nếu tôi có tro cốt của người thân ở đây mà bị thất lạc thì thực sự lòng tôi sẽ không bao giờ bình yên được. Cho dù, trong cách nhìn của tôi, tro cốt chỉ là thân xác của người đã khuất, còn linh hồn của họ đã ở chốn vĩnh hằng. Nhưng vì tro cốt vẫn còn đây mà không còn nhận ra đâu là tro cốt của người thân nữa, thì điều đó dẫn đến rất nhiều vấn đề tâm linh.
Tôi không thể hiểu tại sao một ngôi chùa lại có thể xử sự như thế với một trong những vấn đề tâm linh đặc biệt nhất của người Việt, cho dù với bất cứ lý do gì. Nó cho thấy nhà chùa lẽ ra phải là nơi chốn hiểu, cảm nhận tinh tế và tôn trọng cao nhất điều này và ứng xử một cách cẩn trọng nhất, nhưng nhà chùa đã vô cảm với vấn đề đó.
Và tôi có cảm giác nhà chùa nhận tro cốt, một di vật thiêng liêng nhất của các gia đình như nhận một thứ hàng hóa gửi lưu kho.
Việc gửi tro cốt dù có khoản đóng góp nhất định cũng là việc tự nguyện có yếu tố tâm linh, pháp luật không có quy định nào để điều chỉnh. Ông nghĩ gì khi mâu thuẫn và tranh chấp xảy ra?
Lâu nay, những người tôn trọng đời sống tâm linh đã thất vọng nhiều về những nơi chốn linh thiêng như chùa chiền. Nó gián tiếp cho thấy một sự đổ vỡ ý thức tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhà chùa phải chịu trách nhiệm về chuyện này, cho dù điều đó không được qui định cụ thể trong pháp luật.
Theo tôi, hành vi của nhà chùa có thể quy vào việc xúc phạm đến văn hóa tín ngưỡng và đời sống tâm linh của con người. Mà hình như điều này đã được luật pháp qui định. Các cơ quan chức năng phải coi chuyện này là một “vụ án văn hóa”. Đừng coi chuyện đó là chuyện bình thường như một chuyện nhầm lẫn không cố ý.
Có ý kiến đề xuất xây chung cư 5 sao để lưu giữ tro cốt người đã khuất, liệu có khả thi không?
Rất khả thi. Vì hai lý do. Lý do thứ nhất là người sống sẵn sàng chấp nhận nhiều điều kiện để có được một nơi thờ cúng hay nơi cất giữ di cốt của những người thân đã khuất. Càng ngày càng nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để lo hậu sự cho ông bà, cha mẹ và cho chính họ.
Lý do thứ hai là những người kinh doanh sẵn sàng làm mọi thứ để có được lợi nhuận. Nếu bây giờ xây chung cư 5 sao để lưu giữ hài cốt thì sẽ rất nhiều người sẵn sàng mua, đặc biệt là những người giàu có.
Theo ông, chúng ta nên ứng xử với tro cốt của người đã khuất như thế nào, cho phù hợp truyền thống dân tộc và xu hướng văn minh nhân loại?
Phong tục mai táng và lưu giữ di cốt đã có nhiều thay đổi ở các vùng quê. Nó cho thấy quan niệm về vấn đề này của người Việt đã thay đổi.
Với cá nhân tôi, tôi mong ước sau khi mất, tro cốt tôi được con cháu rải xuống sông, hồ, cánh đồng quanh làng tôi và rải xuống khu vườn gia đình nhà tôi.
Tôi mong ước thế, vì tôi sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm với làng mình. Ý nghĩ của tôi không có gì mới lạ, bởi có nhiều nước trên thế giới có cách làm đó. Như thế, tôi được hòa vào thiên nhiên kỳ vĩ mãi mãi. Những hình thức quá cầu kỳ, quá lạc hậu và tốn kém trong việc này cần phải được xem lại một cách nghiêm túc.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Trước kia không ai hỏa táng. Khi người đầu tiên ở làng tôi mất và được gia đình hỏa táng, đã bị người làng phản đối dữ dội. Nhưng bây giờ số người được hỏa táng mỗi ngày một nhiều, cho dù sự tôn kính của người sống với người chết không thay đổi và quan niệm về di cốt như một vấn đề hết sức đặc biệt trong đời sống tâm linh không thay đổi.
Chính thế, hỏa táng là một vấn đề được Nhà nước khuyến khích và có thể đến lúc nào đó sẽ thành luật pháp. Vì thực sự, việc mai táng và cải táng theo phong tục xưa gây nhiều phiền phức và ảnh hưởng đến môi trường.
Ông đã từng nhiều lần nói về bí ẩn của người đã khuất. Theo ông, việc tưởng nhớ có cần đến khu mộ nguy nga hay chỉ cần lòng thành? Tôi ví dụ, ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, có những khu mộ mà tiền thuê đất và tiền xây dựng lên đến 50 tỷ đồng, chưa kể hàng tháng họ còn bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để trả lương cho người trông coi và mua sắm hoa tươi trái ngọt dâng cúng mỗi ngày…
Đền thờ linh thiêng nhất chính là lòng người. Khi ta yêu thương và tôn kính ai đó thì sự tôn kính ấy luôn trú ngụ quanh ta.
Một ngôi mộ to, nguy nga, đắp đủ những nguyên liệu đắt tiền, cũng chẳng nói lên điều gì. Mà như vậy là để thỏa mãn lối sống thời thượng và sự ngạo mạn của kẻ sống, chứ đâu vì người chết.
Ông nội tôi khi mất đã dặn cha tôi rất kỹ là không được xây mộ cầu kỳ, diêm dúa. Cha tôi trước khi mất cũng đã dặn tôi như vậy. Và tôi đã thực hiện đúng như thế, mặc dù tôi có đủ điều kiện để xây một khu lăng mộ cho ông bà, cha mẹ tôi to lớn gấp 1.000 lần bây giờ.
Thờ cúng hoặc lưu giữ tro cốt người quá cố, nói cho cùng là thể hiện một sự hiếu thảo. Vậy mà, cùng lúc với vụ việc chùa Kỳ Quang 2- TP.HCM, thì tại Cần Đước (Long An) xảy ra bi kịch con gái 56 tuổi đã hành hung và ngược đãi mẹ già 79 tuổi. Ông cảm thấy gì khi tiếp nhận thông tin ấy?
Khi một đứa con hành hung cha mẹ thì giới hạn của sự vô đạo đã hết. Nó cho thấy một lỗ thủng nguy hiểm trong đạo làm người.
Tôi đã nói rất nhiều và còn nói mãi về lòng hiếu thảo. Tôi thường nói với những người trong gia đình tôi rằng, sự hiếu thảo với cha mẹ chỉ có khi cha mẹ còn sống, chứ không phải khi cha mẹ đã mất.
Có không ít những người đối xử với bố mẹ khi còn sống như đối với kẻ lạ, người dưng trong chính ngôi nhà của mình nhưng khi cha mẹ mất thì khóc lóc thảm thương, làm lễ lớn cỗ to nhiều ngày và xây mộ như lăng tẩm vua chúa.
Đấy là thói đạo đức giả của con người. Không bậc cha mẹ nào lại chờ chết rồi mới thấy được tấm lòng hiếu thảo của con mình.
Theo ông, có phải vì cuộc sống cơ cực đã ươm mầm và kích hoạt hành vi bất hiếu ấy?
Sự quá nghèo đói dễ sinh ra nhiều thứ tội ác. Nhưng sự bất hiếu không sinh ra từ nguồn gốc đó. Hãy nhìn lại 30 năm, 50 năm và lâu hơn nữa để thấy điều kiện sống lúc đó vô cùng khó khăn, nhưng lòng hiếu thảo lại tỏa sáng. Còn thời nay, sự bất hiếu đang tăng lên tỉ lệ thuận với vật chất.
Vậy nó sinh ra từ đâu? Tất nhiên là từ giáo dục. Một triết lý đơn giản là khi người ta coi trọng vật chất, lao vào vật chất bằng mọi giá thì họ sẽ rời xa những vẻ đẹp tinh thần.
Nếu gặp người phụ nữ 56 tuổi đã ngược đãi mẹ già 79 tuổi, ông sẽ nói gì với bà ấy?
Tôi chẳng biết nói thế nào, ngoài việc kêu lên: “Ôi, một con vật biết tiếng người’’.
Chúng ta bắt giữ và truy tố người phụ nữ ngược đãi mẹ già, chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, phải đề cao sự hiếu thảo. Ông có kiến nghị gì?
Mọi tội ác sinh ra từ sự phi nhân thì chỉ có văn hóa mới chữa trị được. Lòng hiếu thảo chính là văn hóa sống.
Ngược đãi mẹ già, vứt bỏ đứa con sơ sinh của mình, giết anh chị em ruột thịt… là những tội ác được sinh ra từ một con người vô cảm, ích kỷ, không chia sẻ, không yêu thương…
Không còn con đường nào, ngoài con đường giáo dục nhân văn, mới có thể dẫn con người đến với đời sống nhân văn. Nếu lương tâm của kẻ phạm tội không dằn vặt, đau đớn, ân hận vì tội lỗi của mình thì con người đó tiếp tục phạm tội. Chỉ có những vẻ đẹp nhân tính mới làm cho con người có khả năng dày vò, ân hận, dằn vặt về một việc làm vô luân của mình mà thôi.
Làng Chùa (Ứng Hoà, Hà Nội) quê ông có phong tục gì để duy trì và cổ vũ lòng hiếu thảo?
Mỗi làng quê có nhiều cách để duy trì và cổ vũ lòng hiếu thảo. Những cách này đôi khi giản dị như một hành vi thông thường trong cuộc sống, chẳng hạn phải ở cùng với cha mẹ khi già trong một ngôi nhà, đi chợ hay đi đâu đó về có quà cho cha mẹ như một cái bánh ngon, một quả cau và một lá trầu, bắt con cháu phải mời ông bà trước khi ăn…
Làng tôi có tục biếu cỗ ông bà, cha mẹ trong rằm tháng Bảy. Ngày đó, con cái biếu cỗ cha mẹ, con gái đã lấy chồng biếu cỗ cha mẹ đẻ, các em biếu cỗ anh chị, học trò biếu cỗ thầy cô, bệnh nhân biếu cỗ thầy thuốc…
Nền giáo dục chúng ta phải làm lại từ đầu, với một tư tưởng duy nhất là giáo dục để làm ra một con người chứ không phải làm một cái máy, dù cái máy đó là cái máy “siêu thông minh” hay “vạn năng”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Buổi sáng ngày rằm tháng Bảy, vào khoảng 10 giờ sáng, dọc đường làng tôi tấp nập người đi biếu cỗ. Những hành vi đó tạo nên một không khí của lòng biết ơn và trực tiếp giáo dục những đứa trẻ.
Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, ông chứng kiến sự hiếu thảo nào đáng nhớ không?
Năm 2002, tôi đã đến một làng người Hồi giáo dưới chân núi Hy Lạp Sơn và ở lại đó hai ngày. Tôi thấy một người đàn ông đến thăm cha mẹ nhân một dịp gì đó. Ông ta bưng một giỏ đựng quà biếu đứng cúi đầu trước cửa rất lâu, chờ khi cha mẹ cho vào nhà thì mới bước vào. Tay bưng giỏ quà, người đàn ông lễ phép nói những lời chúc mừng cha mẹ rồi dâng quà lên.
Câu chuyện đó làm tôi xúc động, và nghĩ nhiều về những phong tục đẹp trong đời sống Việt đã biến mất.
Câu chuyện ông khi ngoài 50 tuổi đang đảm đương nhiều chức vụ vẫn tự tay chăm sóc mẹ già, rất được nhiều người ngưỡng mộ. Từ chính đời mình, ông quan niệm sự hiếu thảo mà con cái dành cho người sinh thành ra sao?
Nhiều người hiện nay quan niệm cha mẹ cần gì mà con cái đáp ứng đủ là hiếu thảo. Đó là một quan niệm sai lầm.
Mọi bậc cha mẹ đều mong con cái có một cuộc sống đầy đủ, nhưng không phải để phục vụ những nhu cầu vật chất của mình. Hầu hết các bậc cha mẹ mong những đứa con của mình phải trở thành những người tử tế, chứ không đòi hỏi của cải vật chất mà những đứa con phải cung phụng mình.
Cuộc đời tôi như mọi người khác cũng có những thất bại, những buồn phiền, nhưng tôi không bao giờ để cho cha mẹ mình biết điều đó.
Tôi đã từng nói “khi một đứa con không làm cho cha mẹ phải đau khổ hay lo lắng về mình, là một đứa con có hiếu”. Bởi không nỗi đau nào, không sự lo sợ nào hơn nỗi đau đớn và sự lo sợ của những người cha, người mẹ về sự bất hạnh của các con mình.
Cha mẹ là một thế hệ khác biệt nhiều điều với những đứa con. Bởi thế, lúc cha mẹ tôi về hưu, tôi đã nói với anh chị em tôi là từ nay về sau cha mẹ không bao giờ sai, chỉ có các con sai mà thôi. Tôi làm vậy để anh chị em tôi hiểu cách làm con.
Trong một lần giao lưu với thanh niên trên VTV6, một thanh niên hỏi tôi bí quyết của hạnh phúc mà tôi đang có. Tôi trả lời: “Bí quyết hạnh phúc của tôi là càng được sống nhiều nhất bên cha mẹ, ta càng thấy hạnh phúc”.
Tôi sẵn sàng tha thứ cho một kẻ lừa đảo hoặc tìm cách biện minh cho một tên trộm cắp, nhưng tôi không thể chấp nhận một đứa con bất hiếu. Bây giờ, vì sao chúng ta lại phải đối mặt với sự sạt lở của lòng hiếu thảo?
Nếu một con người không biết yêu thương và tôn kính cha mẹ mình thì anh ta/chị ta chẳng yêu thương, tôn kính bất kỳ ai khác, mà chỉ yêu cái thân xác họ thôi.
Chỉ theo dõi các vụ việc mà báo chí thông tin về sự ngược đãi của con cái đối với cha mẹ, đã đủ làm những người có lương tri hoảng sợ về những điều khủng khiếp đang đến với nhân tính của con người.
Nhưng báo chí cũng chỉ mới làm hiện ra một phần nhỏ tội bất hiếu mà thôi. Không phải sự bất hiếu nào cũng có thể bị xã hội phát hiện và lên án.
Có những tội bất hiếu nhìn qua tưởng là lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ. Ví dụ có những đứa con nuôi mẹ mình đầy đủ nhưng đã bỏ quên mẹ mình ngay trong chính ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi của mình. Người mẹ ấy không được chia sẻ, tâm sự với con mình như khi nó còn bé bỏng. Sự bất hiếu ấy đẩy người mẹ vào sự cô đơn, trống rỗng trong đời sống tình cảm của mình.
Hoặc những ông quan chức đã tham ô, tham nhũng, hạch sách người dân cũng là những kẻ bất hiếu. Bởi vì cha mẹ của họ phải âm thầm đau đớn và xấu hổ trước những tội lỗi do con mình gây ra cho cộng đồng. Tôi biết một bà mẹ cứ thi thoảng hỏi con mình bao giờ thì về hưu, bởi bà sợ những tội lỗi và hư hỏng của con mình kéo dài.
Người Trung Quốc có cuốn sách kinh điển “Nhị thập tứ hiếu” để truyền tụng 24 tấm gương hiếu thảo. Người Việt Nam có nên bắt đầu như vậy không? Và ông có ý định viết một cuốn sách tương tự?
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà các nhà văn là những người phải nghĩ đến điều đó. Cho dù chúng ta đang phải chứng kiến quá nhiều chuyện đau buồn về sự bất hiếu. Nhưng trong đời sống còn biết bao câu chuyện xúc động về lòng hiếu thảo.
Ngày xưa, khi một người thi đỗ được bổ nhiệm làm quan, thì vua sai người bí mật về quê người ấy để tìm hiểu xem người ấy có hiếu với bố mẹ không. Vì nếu một kẻ bất hiếu với bố mẹ thì khi làm quan sẽ là một ông quan vô ơn với nhân dân.
Tôi đã từng viết một số câu chuyện về lòng hiếu thảo mà tôi chứng kiến. Và có lẽ, trong chương trình giáo dục công dân ở mỗi trường học cần đưa vào những câu chuyện hiếu thảo.
Khi lòng hiếu thảo bị biến mất, thì đồng nghĩa cái ác đang tăng lên. Ông từng kể câu chuyện đứa bé nắm con chim trong tay và hỏi người khác rằng, con chim ấy sống hay chết. Nếu trả lời con chim còn sống, thì đứa bé sẽ bóp chết con chim, và ngược lại. Đó là một ví dụ về cái ác. Để nuôi dưỡng cái thiện cho người Việt hôm nay, theo ông thì chúng ta cần nguồn "lương thực" nào bổ ích hơn cả gạo sạch thịt thơm?
Câu trả lời tôi nghĩ hầu hết người Việt Nam đều có. Nhưng vì là một nhà văn, tôi thấy việc kể những câu chuyện đẹp đẽ về con người trong những trang sách của mình là một điều vô cùng hệ trọng trong giáo dục con người.
Hãy đưa trẻ em vào một thế giới lộng lẫy của thiên nhiên và của con người và làm cho chúng yêu từ một cái cây, một con chim đến một người cụ thể trong chính ngôi nhà của chúng.
Khi một đứa trẻ lớn lên mà không hay biết những điều kỳ diệu mà những cuốn sách mang đến, đứa trẻ đó sẽ trở thành một kẻ “thiểu năng” về nhân cách trong tương lai. Khi không có sự rung cảm trước những vẻ đẹp quanh mình, thì cũng là lúc ác quỉ đã bước đến và thay thế.
Nghĩa là chúng ta cần thêm nhiều "lương thực" để nuôi dưỡng tâm hồn khi đời sống đang héo úa vì nhiễu nhương và thị phi…
Đúng vậy, "lương thực" cho tâm hồn còn quan trọng hơn lương thực cho dạ dày.
Xin cảm ơn cuộc trò chuyện chân tình và cởi mở của ông!
Lê Hiếu Nhơn/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên