Người lính già kể chuyện

Thứ tư - 02/09/2020 12:27

Cuốn sách của “ông già” Nguyễn Long Trảo tái bản 3 lần, mỗi lần đều có bổ sung, sửa chữa kể cả tên sách. Lần đầu tiên có tên Khi tổ quốc gọi tên mình, đến lần thứ hai là Khi tổ quốc gọi; và bây giờ là lần thứ ba, Tổ quốc gọi. Sau ba lần nhận sách ông tặng, tôi khuyên ông viết đơn xin vào Hội Nhà văn. Ông cười khà khà: “Văn vẻ chi em. Anh có làm văn đâu, anh kể chuyện mình, viết hồi ký đấy chứ”. Tôi bảo: “Nhưng ký anh viết rất văn”. “Ừ thì cứ coi là thế. Nhưng có ai ngót 90 tuổi rồi mà còn đòi thành nhà văn?...”.

111
Tác giả Nguyễn Long Trảo và cuốn hồi ký

Biết tính ông đã thế, không thích là không làm. Giải phóng miền Nam xong là ông kiên quyết xin ra quân, về quê, bất chấp con đường binh nghiệp đang đầy hứa hẹn. Lý do rất đơn giản: “Tập kết ra Bắc để đánh giặc, thống nhất non sông là hết việc rồi, ở lính làm chi”, tôi cũng không vận động thêm.

Tôi quen ông trong đợt hội thảo văn học xuất bản Nhật ký Lê Anh Xuân và vận động để Nhà nước sớm truy tặng nhà giáo Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân danh hiệu Anh hùng. Chính những bài thơ chiến trận cùng tấm gương chiến đấu hy sinh của Lê Anh Xuân - người em vợ, đã kích thích ông suy ngẫm và hồi tưởng sâu hơn về cuộc đời cầm súng của mình. Càng già càng hay nhớ chuyện xưa. Về hưu rỗi rãi càng buồn, ông thấy mỗi ngày một khó tìm được người trò chuyện. Ông bèn kể chuyện chiến đấu cho con gái mình nghe. Cô con gái rượu của ông chỉ nghe được một vài phút mỗi ngày rồi khuyên ông: “Đi làm về mệt rồi, còn sức đâu nghe mà ba kể mãi thế. Tốt nhất là ba viết ra giấy, lúc nào rỗi con đọc dần”. Nghe lời con gái, ông “viết ra giấy”. Những trang hồi ký bắt đầu xuất hiện từ đó. Từ những câu chuyện lẻ viết riêng cho con gái, các trang viết dần dần trở thành tâm sự chung của cả một thời đại, một thế hệ những người được “tổ quốc gọi tên”. Đọc thấy xúc động, tôi khuyên ông gửi in báo. Quả nhiên các tờ Thanh Niên, rồi tiếp đến Sài Gòn Giải phóng đăng tải nhiều kỳ. Đến lượt các nhà xuất bản trong thành phố Hồ Chí Minh đánh tiếng nhận in cho ông thành sách.

Một lần vợ ông – Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng đã buồn bã nói nhỏ với tôi: “Em động viên anh viết cho anh quên bệnh đi. Bệnh viện báo rằng anh chỉ cầm cự với khối u đường ruột một hai năm nữa thôi”. Nhưng tôi chẳng phải động viên ông câu nào. Chính văn chương, chính cuốn hồi ký tâm huyết Tổ quốc gọi đã động viên ông, cuốn ông vào thế giới hồi ức. Ông tập đánh máy, cặm cụi mổ cò, đêm đêm gò lưng trên bàn phím giống như con ong cô đơn một mình xây tổ. Kết quả: tập hồi ký đến nay đã được các nhà xuất bản in với số lượng lớn và tái bản 3 lần, phát hành hết ngay sau vài tuần. Sách đã thành quà tặng cho các đại hội Đảng bộ, Thành Đoàn của nhiều tỉnh phía Nam. Sách được tải trên nhiều trang báo điện tử của các tỉnh thành Nam bộ. Bệnh tật bỏ quên ông đã 10 năm rồi. Bạn bè đùa ông: Tổ quốc gọi rồi thì thần Chết không gọi nữa.

Tiếp xúc với ông, đọc văn ông, thoạt đầu ta có cảm giác đang hiện hữu một người lính trung đoàn Tây Tiến hào hoa trong thơ Quang Dũng. Nhưng đọc sau vài phút, ta mới thấy hiện lên chân chất hình ảnh của người lính miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Có thể xem tập hồi ký 500 trang dày dặn này như một chân dung văn học hoàn chỉnh về hình tượng người miền Nam tập kết.

Hồi ký, về mặt thể loại là hình thức tự kể về mình, nên thường có tính chủ quan, đôi khi phiến diện, dễ làm cho cái Tôi tác giả trở thành nơi hội tụ nhiều giá trị đạo đức, trở thành cái tôi cường điệu, tự đánh bóng bản thân. Rất hay là trong cuốn Tổ quốc gọi này, cái tôi tác giả lúc nào cũng như tự làm mình nhỏ lại, tự hòa trong cái Ta cộng đồng. Thế giới nhân vật trong hồi ký này cũng không có các danh nhân, cũng không có những người nổi tiếng. Đây chỉ là thế giới người thường, “từ gốc lúa bờ tre hồn hậu”. Nhưng chính họ đã làm nên lịch sử. Chế lan Viên đã có mấy câu thơ rất buồn về một thời khắc quan trọng trong cuộc đời người lính Nam bộ: “Đừng gáy vội gà ơi/ Tinh mơ là xuống tàu/ Ta đi là giặc đến/ Gà ơi mày nỡ sao”. Bài thơ đã như treo lên cao một câu hỏi xót xa nhưng cũng khá mơ hồ. Sau nửa thế kỷ, bằng hình thức văn xuôi, cuốn hồi ký này đã giải mã bài thơ thông qua những câu chuyện, tình tiết cụ thể, sinh động. Hình ảnh người lính cắn răng, lầm lũi đi trong đêm ra Bắc mà tác giả miêu tả đã tạo cho hồi ký một âm hưởng sử thi hào sảng rất đặc thù.

Khác với các hồi ký danh nhân, ở cuốn sách này, chúng ta không gặp những câu chuyện, sự kiện, hay những chiến công lừng lẫy mà tác giả tham gia đóng góp. Trong lý lịch, tác giả không thuộc hàng “tướng lĩnh”, mà chức vụ cao nhất của ông cũng chỉ là Quản đốc kỹ thuật trong một nhà máy quốc phòng. Những “chiến công” của ông chỉ nối tiếp nhau một cách âm thầm, lặng lẽ. Từ một chiến sĩ trẻ miền Nam tập kết, ông trở thành một sĩ quan rồi tiếp tục rong ruổi trên mọi nẻo đường của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trí thông minh và ý chí đã giúp ông sau thời gian ngắn học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc đã trở thành chuyên viên kỹ thuật, và điều khá đặc biệt là có thể trở thành một cán bộ phiên dịch Hán – Việt xuất sắc. Trong bất cứ nhiệm vụ nào ông cũng toàn tâm toàn ý thực hiện và đạt kết quả tốt. Cuộc đời ông là là một chuỗi những “chiến thắng nho nhỏ” hòa trong chiến thắng vĩ đại chung của dân tộc. Và thực tế đã chứng minh: sau bao năm tập kết ra Bắc, năm 1975, ông đã trở về với tư cách là một con người của đội quân chiến thắng. Hòa bình trở lại, đất nước thống nhất, người chiến sĩ đó lại bước vào một mặt trận mới: mặt trận kinh tế đầy gian nan, thử thách, nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và tìm hướng thoát nghèo. Ông lại trở thành người xung kích trên con đường đổi mới tư duy và tìm tòi sáng tạo. Người ta chỉ có thể nhìn thấy ông như một con người bình dị, một “anh hùng vô danh” trong cái biển cả nhân dân anh hùng của đất nước này. Và cuối cùng, người anh hùng khiêm nhường đó đã lên tiếng. Nhưng trong hồi ký, thay cho giọng điệu và cảm hứng anh hùng ca, tác giả hồi ký đã lên tiếng bằng giọng điệu của người kể chuyện đời thường. Chính cái tâm thế một người trò chuyện đời thường, một nhân chứng lịch sử và một người trải nghiệm những vui buồn đất nước, đã rút ngắn khoảng cách vốn rất khó xóa giữa người kể và người nghe chuyện. Trong chừng mực nhất định, có thể xem cuốn sách hồi ký này như một tác phẩm vừa chiếm lĩnh lòng tin độc giả, vừa tự tạo nên nguồn cảm hứng cho những tác giả tương lai.

V.Mrostik, một nhà nghiên cứu người Séc cho rằng: viết hồi ký là chấp nhận một cuộc giao tranh căng thẳng giữa “hư cấu sáng tạo và tái hiện lịch sử”. Bởi vì trong khi hồi tưởng quá khứ, con người dễ lạc vào cảm hứng thi ca, dễ say sưa với chất thơ của thế giới hoài niệm. Điều đó khiến cho tác giả hồi ký phải vật vã chiến đấu mà đôi khi vẫn không thể thắng được chính bản thân để có thể đạt tới sự thật khách quan cho từng trang viết… Nhận định của nhà nghiên cứu trên khá đúng, nhưng không thật chính xác trong trường hợp của cuốn hồi ký này, bởi tác giả Nguyễn Long Trảo đã chiến thắng cái tôi chủ quan của mình một cách dễ dàng “như trở bàn tay”. Có thể chứng minh điều này qua hai tình tiết dưới đây.

Thứ nhất là chuyện ông cưới vợ. Ông kể: Khi người yêu đưa ông về ra mắt gia đình. Nhạc phụ của ông (tức Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục năm 1946), vừa trông thấy chàng trai vào cửa đã đồng ý gả liền, vì chỉ lo vợ mình xét nét phản đối. Cưới rồi, đến khi có con, vợ chồng lâm vào túng bấn, Giáo sư đến thăm cháu mới ngạc nhiên. Hỏi ra, mới biết: Giáo sư cứ tưởng chàng bộ đội cầu hôn hôm đó là con một, con nhà giàu. “Ông đâu biết rằng đó là chàng Tám Trảo, tức là nhà có 9 anh em, trong bộ đồ quân nhân, anh chàng đẹp giai đó thực sự chỉ có “trên răng dưới giép” là hết. 

Trường hợp thứ hai: chàng Tám Trảo được “cấp trên” tín nhiệm, cử đi đào tạo tình báo. Tác giả kể: do ý thức phục tùng tổ chức mà ông nhận, chứ ông không mê gì cái hoạt động tình báo. Ông cho rằng, làm tình báo là phải sống chung hằng ngày với địch, sống theo kiểu hai mặt, luôn phải giả vờ, căng thẳng lắm. Đã thế, khi bị bắt thì lại bị chúng đánh đập, tra tấn kéo dài, bắt phải khai báo. Chẳng thà cứ làm một anh lính bình thường, chiến đấu đối mặt với địch, không may hy sinh thì “đòm một cái, chết gọn bằng một phát đạn còn hơn”… Có thể xem đây là cách nghĩ điển hình cho tính cách chàng trai Nam bộ, một lối nghĩ thật thà, hồn nhiên, rất đáng yêu. Xưa nay, có thể có nhiều người nghĩ thế, nhưng không thấy ai thật thà bộc lộ, viết ra, và viết ra một cách tự nhiên đến thế. Chính cái “tâm trong, đức sáng” đã dắt ngòi bút ông đi nhẹ nhàng, không hề kiễng mình để cao hơn sự thật.

Chúng ta đang bước qua thời kỳ chuyển đổi nhiều hệ giá trị. Sự khủng hoảng tư tưởng, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác đã diễn ra như một tất yếu của sự vận động phát triển. Mục tiêu cấp thiết xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế khiến chúng ta nhiều khi thờ ơ, thậm chí có lúc bỏ rơi nhiều giá trị tinh thần. Ước mơ “ai cũng là triệu phú” và sự giàu có về vật chất đã lăm le hủy diệt sự giàu có về phẩm chất đạo đức trong tâm hồn. Trong trường học, tình trạng học sinh chán học văn, học sử đang trở thành mối đe dọa thực sự về sự băng hoại văn hóa. Nhiều nguyên nhân đã được phát hiện và xác định rõ ràng. Có những nguyên nhân xã hội khách quan và có cả nguyên nhân nội tại, nằm ngay trong nội dung chương trình và phương pháp dạy - học. Nghĩ rằng trong quá trình đổi mới sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy hai môn Văn - Sử, rất có ích nếu học sinh có dịp tiếp cận những tác phẩm văn học, những cuốn hồi ký lịch sử như cuốn sách này.

Có thể ai đó băn khoăn Tổ quốc gọi là một cuốn sách tham khảo riêng cho học sinh học môn Ngữ Văn hay học sinh học môn Lịch Sử? Tác phẩm này có thể coi là văn học hay chỉ là một dạng “văn xuôi tư liệu”? Là một nhà giáo, tôi muốn thưa rằng: cuốn sách này cần cho cả hai. Thứ nhất, cuốn hồi ký này hiện diện như một tư liệu lịch sử sinh động về đất nước Việt Nam nửa sau thế kỷ 20, thông qua câu chuyện đời một anh bộ đội. Thứ hai, yếu tố hư cấu không phải là tiêu chí duy nhất phân biệt tác phẩm văn học với một tác phẩm “không văn”. Bên cạnh yếu tố hư cấu, còn là hàng loạt các yếu tố cảm xúc, thẩm mỹ… cấu thành phẩm chất tổng hợp của văn xuôi nghệ thuật. Thêm nữa, bản thân cuộc đời người lính Cụ Hồ được kể trong hồi ký đã là một hư cấu tự nhiên của lịch sử. Cuộc sống hiện thực dân tộc tự nó đã đầy chất thi ca. Và liệu còn có tiêu chí văn học nào đầy đủ hơn, tổng hợp hơn ba giá trị Chân - Thiện - Mỹ thấm đượm trong từng trang văn Tổ quốc gọi?

Tôi yêu người lính già kể chuyện trong cuốn sách này.

Tác giả: Phạm Thành Hưng
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây