Chuyện dưới vườn lan tiền tỷ cùng cựu chủ tịch xã từng vướng vòng lao lý
Thứ hai - 11/05/2020 16:02
Chủ tịch xã đầu tiên làm tờ trình xin công điền chỉ lấy loại xấu nhất, xin chuyển lúa sang cây lâu năm, xin làm đại lý ngân hàng vay vốn cho cả ngàn hộ...
Anh cũng là người xin làm nông thôn mới trước khi có chương trình nông thôn mới quốc gia… Cuối cùng, sau những thứ làm cho tập thể ấy, tội riêng anh gánh nặng nhất.
Anh là Nguyễn Duy Thiện - cựu Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên). Tôi biết anh cách đây gần 20 năm hồi về viết xã có 100 gia trại, trang trại rồi xã có gần 1.000 người đi cân dạo để xây nhà gác, nhà tầng. Giờ, biết tin anh đã ra trại, “ở ẩn” trong vườn lan nên tìm đến. Anh không nhận ra tôi, cũng phải thôi bởi từng tiếp xúc với cả trăm nhà báo nhất là vào cái giai đoạn huy hoàng của xã. Chúng tôi cùng dạo bước dưới vườn lan 2.000 giò cái đang khoe sắc, cái ngan ngát hương đưa.
Giá của lan 5 cánh trắng có khi chỉ là tự "thổi lên" với nhau
Mới ra trại, vốn ở đâu ra mà anh đầu tư được 2.000 giò lan theo ước tính của đã vài tỉ đồng thế này? Khi tôi trở về, chỗ vườn lan này ngày xưa là nơi làm bánh tẻ của gia đình nhưng tôi thấy nhiều nơi cũng làm nên bỏ. Hầu hết mọi người bây giờ làm vườn bằng trồng những loại cây thông thường như nhãn, bưởi, cam…, mấy năm nay thời tiết thất thường nên hay bị mất mùa, hơn nữa trồng nhiều quá nên giá giảm. Lan vừa là thú chơi, vừa cho hiệu quả kinh tế vì lắm người còn chưa hiểu thì tội gì không trồng. Đầu tiên tôi mua ít thôi rồi tự nhân giống ra bởi thời điểm đó giá của chúng rất đắt. Vốn thì cứ lấy cái nọ đập cái kia, thu nhãn để dành tiền mua lan. Cây cũng như con, làm giống luôn là hiệu quả nhất. Nhưng lan rừng nhân giống mất rất nhiều thời gian nên chủ yếu người ta dùng lan nuôi cấy mô mua từ Trung Quốc về, cứ mua vào, bán ra liên tục là cho thu nhập. Tôi thì vẫn kiên trì với cây lan rừng bởi càng để lâu thì chúng lại càng có giá. Vườn lan này một tay tôi gây dựng từ 3 năm nay.
Buổi sáng tưới trước lúc mặt trời mọc còn buổi chiều đợi sau mặt trời lặn. 8 giờ tối lại phải đi bắt sên, nếu không hết 2 giờ sáng dậy bắt tiếp. Mỗi lần mất hơn 1 giờ. Những con sên chỉ nhỏ bằng ngón tay nhưng cắn hỏng mầm, nhớt dính vào làm hư cả rễ. Đắt tiền nhất giờ vẫn là lan đột biến 5 cánh trắng nhưng tâm sự thực tôi chưa nói với ai rằng mình có giò 5 cánh trắng này ngoài anh. Thứ nhất, tôi nghĩ nói ra thì khó trông dù vườn lan của mình để lung tung nhiều loại. Thứ hai, tôi không tin rằng giá nó lại có thể cao đến thế, 500 triệu đến 1 tỷ một cái ki (mầm con). Thậm chí có cái ki dài chỉ 12cm mà định giá hơn 2 tỉ ở thành phố Nam Định khiến cho tôi phải mò xuống xem. Chủ vườn bảo là khách sợ cái cây chết nên vẫn còn gửi lại. Tôi mới hỏi nếu bác là người mua, bỏ ra 2 tỷ thì có dám gửi không? Nhỡ tối trộm mất thì sao? Ông ấy trả lời rằng thực tế là bán như thế, thích thì người ta mua thôi. Thế người mua ở đâu hả bác? Tôi hỏi tiếp nhưng ông ấy không nói nên càng thấy vô lý.
Hơn nữa lan 5 cánh trắng là dòng phi điệp có tốc độ phát triển khá nhanh. Phàm những thứ lớn nhanh và dễ chăm như thế thường không quá quý. Người làm ra đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt mà bỏ ra một vài tỉ để mua một giò lan là khó. Những cuộc mua bán được quay cả lên mạng tôi nghĩ là tự lên giá với nhau thôi, có khi các xấp tiền chỉ có vài tờ bên ngoài là thật còn bên trong là tiền âm phủ. (Cười). Nếu có người bỏ tiền ra để mua một giò lan đắt bằng vài cái nhà của nông dân ấy theo tôi chỉ biếu sếp để lên ghế hoặc để lấy cái danh tiếng cho mình. Những dạng đó thừa tiền nhưng chưa chắc đã hiểu biết về thú chơi này. Giò 5 cánh trắng của tôi ban đầu chỉ là một cái ki dài cỡ 2cm được mua với giá rất rẻ chỉ 50 - 70 nghìn đồng cùng 1.500 giò khác ở trong Gia Lai về, cả chủ vườn lẫn tôi đều không biết là giống lan quý. May mắn là năm ngoái nó đã nở hoa, 5 cánh trắng muốt. Trước đây anh là người dẫn dắt xã đi tiên phong trong việc phát triển trang trại của tỉnh, nghe nói cũng gian truân lắm? Tôi làm Chủ tịch xã năm 1991, khi có Nghị định 64 năm 1993 về giao đất lâu dài cho dân, Dạ Trạch là đơn vị làm điểm. Xã có 527 mẫu đất, theo Nghị quyết của tỉnh phải dành ra 4 - 6% đất hạng 1 (loại tốt) để làm công điền, đem đấu thầu, tăng nguồn thu. Tôi bàn với anh em đất tốt để chia cho dân còn loại xấu nhất để làm công điền. Tại sao? Bởi nếu lấy đất đẹp thì mỗi xóm chỗ này bỏ ra một sào, chỗ kia bỏ ra vài ba sào, rất manh mún khó có thể cho ai thầu được. Chỉ có lấy đất xấu mới liền vùng, liền thửa. Ban chỉ đạo xã nghe bàn sợ, Ban chỉ đạo huyện cũng sợ, tôi trực tiếp lên báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.
Anh Nguyễn Đoài - một người dân trong xã nhận xét về con người của cựu Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch, Nguyễn Duy Thiện: “Với dân Dạ Trạch, các đời chủ tịch xã thì ông Thiện là người có công lớn nhất vì rất nhạy bén với thời cuộc, luôn đi đầu trong những cái mới. Làm cái mới thì thỉnh thoảng cũng có thiếu sót về luật pháp, về quy định của huyện, tỉnh chẳng hạn nên thiệt thòi cho chính ông ấy chứ dân lại được hưởng lợi nên nhiều người quý. Ông ấy có tham ô, tham nhũng cho cá nhân mình đâu? Tôi vẫn từng bảo với mọi người rằng nếu không có ông Thiện thì bao giờ có được những trang trại ở ngoài đồng như thế, đường xá rộng như thế?”
Ông Nguyễn Du - Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó ngạc nhiên hỏi: "Lý do gì mà chú lại lấy đất xấu nhất?". Tôi trả lời: "Báo cáo bác vì đất là một yếu tố, thời tiết thiên nhiên là một yếu tố còn quyết định thắng lợi trên mảnh đất ấy phải do con người. Ví dụ ruộng nhà em ngay cạnh ruộng nhà bác nhưng 1 sào bác thu 3 tạ thóc còn em chỉ 50kg thì có phải là do đất không?". Ông đồng ý cho chúng tôi lấy đất xấu nhất làm công điền, được 35 mẫu 8 sào, mảnh nhỏ nhất cũng 1 mẫu, còn lại 3, 4, 5 mẫu. Năm 1994 khi chia xong ruộng tôi làm tờ trình huyện, tỉnh xin chuyển đổi từ trồng cây hàng năm sang lâu năm. Ông Chủ tịch tỉnh hỏi: "Thế bây giờ chú định làm cái gì?". Tôi trả lời: "Nếu như đất này bác cho phép em chuyển đổi, 1 sào sẽ đánh ngã 3 mẫu lúa bằng cách đào lên đánh luống rồi trồng 75 - 80 cây chuối tây. Cấy 1 sào bán chỉ được 100.000 đồng còn 75 - 80 buồng chuối tây mỗi buồng 80 - 120 nghìn đồng”. Ông Du bảo một câu rằng: "Ờ hay. Để mai họp hội đồng tôi báo cáo". Sau 8 lần xuống tỉnh thuyết phục, cuối cùng trên cũng cho phép Dạ Trạch là xã đầu tiên của Hưng Yên chuyển 110ha từ trồng cây ngắn ngày sang cây ăn quả, đào ao nuôi cá (15,9ha) đồng thời tận dụng nguồn đất quật lên để sản xuất vật liệu. Nhờ đó mà có 18 cái trang trại tầm quốc gia (2,5 mẫu trở lên), 25 cái trang trại tầm tỉnh, trên 30 cái trang trại tầm huyện. 5 năm đầu chúng tôi thu sản bằng thóc, từ năm thứ sáu mới thu bằng quả với tỷ lệ tập thể - chủ thầu 50 - 50%. Văn bản là thế nhưng chỉ thu của dân 30% đã là được rồi.
Người dân còn dồn đổi ruộng cho nhau để tạo ra các ô thửa lớn nên cách đây 20 năm 100% đất của xã đã thành vườn cây, ao cá. Tôi trực tiếp lên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xin tiền hỗ trợ giống về cho dân, lúc 50 triệu, lúc 100 - 200 triệu. Nếu so với cấy lúa thì trang trại cho giá trị gấp mấy chục lần. Dạ Trạch khi ấy tiếp khoảng hơn 200 đoàn các tỉnh, hơn 100 đoàn các huyện, có đoàn đông tới 200 người phải bố trí ngoài hội trường lớn ở khu di tích mới xuể. Trà nước xã mời còn ăn họ tự lo.
Rút bớt lao động ra khỏi ruộng đồng để có nhà gác
Họp Ban chấp hành Đảng ủy xã nhiều người than khó bởi mở rộng thì toàn bộ tường rào cũng như cây của dân phải chặt bỏ. Tôi bảo không có gì khó cả, các đồng chí trong Ban chấp hành cùng trưởng các ngành về trong phạm vi ảnh hưởng của đường phải tự giải toả bằng hết. Cán bộ đi trước, dân theo sau, không phải hô hào, không phải cưỡng chế gì cả.
Ngày xưa Khoái Châu nổi tiếng với câu “Oai oái như phủ Khoái xin tương”, từ vùng đất đầm lầy nước đọng đói nghèo quanh năm, cơ sở hạ tầng của xã anh đã đi lên như thế nào? Trước đây làm lúa tất cả lao động đều hút hết vào ruộng mà chỉ đủ ăn nhưng từ khi mở trang trại thì có nhiều thứ thay đổi. Thứ nhất là có thời gian hơn, các gia đình đã phân bổ lại lao động, vợ ở nhà làm ruộng thì chồng đi làm nghề khác mà nhiều nhất là đi cân dạo. Những năm 90 của thế kỷ trước, cái cân “biết nói” tới 35.000.000 đồng còn cái cân “câm” cũng 12 - 15 triệu đồng. Dân thiếu vốn thậm chí đi vay lãi cũng không được, quỹ tín dụng nhân dân chưa có, chỉ trông vào mỗi Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Mà lúc bấy giờ lại không cho vay một chủ hộ quá 10.000.000 đồng, thủ tục thì nhiêu khê.