Kể về mấy năm khóc dở mếu dở vừa rồi, anh Dương Văn Quế (chủ trang trại lợn) ở thôn Đồng Xá, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) tiếc nuối giãi bày: "Tôi nuôi lợn nái từ năm 2005, nhưng tới năm 2016 mới dám mở ra làm ăn lớn, nuôi thường xuyên 200 con lợn bố, mẹ hậu bị, thì gặp ngay “bão” giá kéo dài hơn 1 năm, rồi dịch tai xanh trên 2 tháng nữa. Tưởng rằng đã hết! Nào ngờ, lại bị dịch tả lợn Châu Phi vùi dập, không có vacxin phòng ngừa.
Thể là cả trang trại dính “đòn”, bán chạy không có người mua, nhìn đàn lợn sắp đến ngày phối giống phải mang đi chôn lấp, tôi không khỏi xót xa, vì mỗi con nhập chuồng đều có giá 13-15 triệu đồng, và cũng phải vào tận Bến Tre mới săn mua được giống tốt. Sau đận đó, riêng tiền con giống đã lỗ ngót 3 tỷ đồng, thức ăn chăn nuôi, lãi vay ngân hàng, thuê mướn lao động, tiền điện, nước, thuốc thú y và khấu hao chuồng trại, tổng thiệt hại ước trên 4 tỷ đồng".
Không chịu khoanh tay ngồi nhìn trang trại trống trơ, mà lãi ngân hàng vẫn phải chịu. Hơn nữa, thế nào rồi giá lợn cũng lên, bởi cả nước đều đang phải tiêu hủy... Nên ngay sau khi dịch tạm thời lắng dịu, anh Quế đánh liều vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nuôi trở lại vài chục con nái mẹ, thấy ổn, liền tiếp tục mở rộng qui mô đàn lên hơn 100 con.
Mạnh dạn hơn, anh còn nuôi thêm một số lợn ông, bà và đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái rộng gần 600m2. “Mấy tháng nay chăn nuôi thắng đậm, mới chỉ đủ trả tiền vay mua giống tái đàn và nâng cấp trang trại, nợ cũ vẫn khoanh lại. Nên ai đó cho rằng, đã hết nợ chăn nuôi mấy năm qua là không thực tế. Cá biệt có một số gia trại, lợn không dính dịch, đều là chăn thả nhỏ lẻ, độc lập với khu dân cư và cách xa các trại chăn nuôi khác”, anh Quế cho hay.
Theo tính toán của nhà đầu tư, với hệ thống điện mặt trời nói trên, sẽ đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng điện hàng ngày của trang trại, sau 5 năm hết khấu hao (khoảng 1,1 tỷ đồng), vẫn dư ra được gần 10 năm khai thác điện nữa – coi như khoản lãi ròng. Ngoài ra, các tấm pin áp mái, còn giúp bảo vệ lớp tôn lợp chuồng khỏi mưa, nắng, tăng độ bền, kéo dài thời gian sử dụng, đồng thời còn thay cho giàn phun mưa làm mát mái chuồng trước đây.
Khi được hỏi vì sao không nuôi thêm lợn thịt, anh Quế cho biết: Nuôi lợn lợn thịt, chỉ cần chuồng trại luôn sạch sẽ, vacxin phòng bệnh đúng kỳ là có thể an tâm, nhưng khó là, phải xử lý lượng chất thải chăn nuôi hàng ngày rất lớn và phải có diện tích đất rộng, cách xa khu dân cư. Nuôi lợn nái không yêu cầu diện tích đất quá rộng, lượng chất thải sau chăn nuôi cũng ít hơn đáng kể, nhưng yêu cầu người lao động phải có tay nghề kỹ thuật cao.
Từ những phân tích trên, đối chiếu với điều kiện thực tế của gia đình, chí có 1.500m2 vườn, không còn khả năng mở rộng thêm, anh Quế đã chọn con lợn nái làm kế sinh nhai cho gia đình. Đồng thời anh còn thuê riêng 1 bác sĩ thú y (trả lương 11 triệu đồng/tháng) đảm nhiệm cho khâu kỹ thuật chăn nuôi trong trang trại.
“Nuôi lợn nái, quan trọng nhất là khâu phối giống. Phối giống đúng lúc lợn nái phê, sẽ cho nhiều con/lứa, được lãi cao. Phối không đúng lúc, lợn đẻ ít con, không có lãi. Để nhận biết lợn nái phê, cần theo dõi vào thời gian con giống động dục, nếu thấy âm hộ lợn căng mọng, sưng đỏ, có nước nhờn lỏng và trong, thì khoảng sau 1 ngay, âm hộ lợn chuyển màu hồng nhạt, bớt sưng, có vết nhăn mờ, dịch nhờn dính dớp dạng keo, áp bàn tay lên mông lợn, thấy đuôi cong lên và đứng ị ra như rặn ỉa. Đấy là thời điểm phối giống tốt nhất”, anh Quế bật mí…
Chia tay anh Quế, ra đến ngõ, chúng tôi còn nghe tiếng dặn với: "Các “thánh” phán đúng những gì ghi nhận được thôi nhé. Vống vếnh lên là tôi phải lên mạng hứng “gạch, đá” về xây lại trang trại đấy!".
“Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích tái đàn. Chi trả nốt khoản hỗ trợ rủi ro dịch tả Châu Phi vừa qua”, anh Quế và một số hộ nuôi lợn trên địa bàn kiến nghị.
Nguyễn Hải Tiến/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên