Hỏi cung tù binh quân bành trướng: “Quân ta bắt sống cả đại đội”

Thứ sáu - 15/02/2019 04:13
…Sau thời gian nghỉ trưa, đầu giờ chiều, chúng tôi sang sân vận động Thái Nguyên. Đây là sân vận động mới được tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng lại rất khang trang, hiện đại, chưa đưa vào sử dụng...
Sân có tường bao quanh cao ráo, hệ thống khán đài cao chia thành nhiều bậc ghế ngồi vòng quanh sân mà dưới gầm khán đài là các phòng nhỏ khoảng 18 - 20 m2 được xây để làm phòng nghỉ hoặc thay quần áo cho các cầu thủ, vận động viên cho tiện. Có đến mấy chục phòng như thế, mỗi phòng đều có lỗ thông hơi bên trên góc, có cửa đi thông vào sân vận động. Trong sân, ngoài sân bóng đá được trồng cỏ ngắn ở giữa ra, còn có hệ thống đường chạy bao tròn xung quanh và ngoài cùng, dọc theo mép sân hình ô van khép kín là một hệ thống vòi bơm nước. Vì thế, tù hàng binh Trung Quốc được đưa về đây giam giữ quả là tiện. Chúng được chia thành từng toán 15 - 20 tên, nhốt trong các phòng thay quần áo của vận động viên, bốn đến năm toán lại cử ra một tổ anh nuôi để nấu cơm hàng ngày. Chỉ huy Quân khu 1 cho chở đến đủ nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa, lương thực, thực phẩm để chúng tự phục vụ, lại còn điều cả một tổ bác sỹ và xe cứu thương của bệnh viện quân y 103 lên chữa trị tại chỗ cho các tên bị thương.
 
111
Quân ta tiến ra mặt trận. Ảnh: TL
Vào làm việc, đầu tiên là chúng tôi phải nắm được danh sách tù hàng binh, tên tuổi, quê quán, năm nhập ngũ, chức vụ, cấp bậc quân hàm, đơn vị và nơi đóng quân… của từng tên, một loạt thông tin phải hỏi thì mới biết vì trên thực tế, trại giam và Ban quản lý trại mới được thành lập gấp, tiếp nhận tù binh từ các chiến trường đưa về, chưa lập được đầy đủ danh sách, càng chưa có người hỏi được cặn kẽ về từng tên. Thành ra, công việc của chúng tôi trở nên khá căng thẳng vì riêng chỉ hỏi về lý lịch, nhân thân của gần 1.000 tên, chúng tôi mất đứt 2 ngày, đêm. 
Một điều khá bất ngờ và thú vị là trong danh sách tù hàng binh mà Ban quản lý trại giao cho chúng tôi, có tên đầy đủ của một đại đội bộ binh Trung Quốc gồm 121 tên và theo Ban quản lý cho biết, đây là đại đội bộ binh bị quân và dân xã Minh Tâm, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng bắt sống được nguyên vẹn trên chiến trường. Tôi và thủ trưởng T. hỏi cung cả đại đội này, chúng nhận là lính tất, trong đó có một tên người bé nhỏ, khuôn mặt khắc khổ, 54 tuổi, nhận là Tư vụ trưởng và một tên cao to, trắng trẻo, mặt mũi khôi ngô, 30 tuổi, nhận là anh nuôi của đại đội. Thủ trưởng T. hỏi tên già, Tư vụ trưởng là chức vụ gì. Hắn giải thích là người lớn tuổi nhất đơn vị, được giao nhiệm vụ hàng ngày lo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, đôn đốc việc ăn uống, ngủ nghỉ, đêm đến phải đi kiểm tra chăn màn chiến sỹ có đủ ấm không, có bị muỗi không… gọi là Tư vụ trưởng. Nghe thế, Thủ  trưởng Trường T bảo tôi:
- Quân ta đánh kiểu gì mà hay thế, theo tôi biết, vì tôi là người ở chiến trường miền Nam suốt, trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua, quân ta đánh trận, có thể tiêu diệt một đại đội thiếu lính Mỹ thì có chứ chưa bao giờ bắt sống được cả một đại đội quân địch, không thiếu mà lại thừa một tên vì đại đội đủ quân nó có 120 tên. Đây là chiến công lịch sử đấy. Vụ này, chú cháu mình phải tìm hiểu xem quân ta đánh như thế nào mới được.
Thế nhưng, nhiệm vụ giải đáp câu hỏi của cấp trên chúng tôi còn chưa xong, đâu dám đi hỏi chuyện kia. Hai thầy trò tôi ở bàn bên này và bên kia là hai thầy trò thủ trưởng L.H. nai lưng ra mà hỏi cung. Trong khi đó, bên ngoài sân vận động, hàng trăm người dân thành phố Thái Nguyên và dân ở biên giới chạy nạn về nghe tin có tù binh Trung Quốc bị giam ở đây, họ kéo đến vây quanh, la ó, chửi bới quân xâm lược. Nhiều người quá khích, vác đá ném vào các cánh cửa sắt ầm ầm, ném qua cả khán đài vào trong sân, đá rơi lổn nhổn. Bộ tư lệnh Quân khu 1 phải điều cả một trung đội đặc công ra canh gác, súng ống sẵn sàng, đề phòng người dân phá cổng xông vào. Điều khiến chúng tôi bực mình và chán ngắt là tất cả những tên tù binh bị hỏi đều trả lời vô vị giống nhau. Dường như chúng đã được học và thống nhất trước nên khi khai cung, ngoài việc nêu tên, tuổi, quê quán khác nhau, chúng đều trả lời giống nhau là lính, cấp bậc binh nhì, trình độ học tiểu học phổ thông, không biết mình thuộc đơn vị cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn nào; chúng đang thực hiện nhiệm vụ “phản kích tự vệ” trước sự xâm lược của Việt Nam. Nhiều tên còn cãi rằng chúng bị bắt trên đất của Trung Quốc do quân Việt Nam đánh sang.
Trưa ngày thứ ba, thủ trưởng L.H. triệu tập họp tổ. Vào họp, thủ trưởng H. nói ngay:
- Cứ như thế này thì chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ mất. Chúng ta chỉ còn hai ngày nữa thôi mà chúng nó cứ trả lời y sì như nhau, thằng nào cũng chỉ nhận là lính, không biết gì về những vấn đề chiến dịch, chiến đấu. Thế này thì gay go.
Một cán bộ trong tổ nói:
- Báo cáo thủ trưởng, vấn đề là chúng ta phải tìm ra thằng chỉ huy trong cái đám này. Dứt khoát chúng nó có chỉ huy nên mới thế và chỉ có chỉ huy nó mới biết sâu, biết nhiều, chứ còn lính thì chúng nó chỉ biết đến thế thôi. Suy từ ta, chúng tôi làm sao biết bằng thủ trưởng.
Thủ trưởng T. nói:
- Đã là chỉ huy, dứt khoát phải là những thằng lớn tuổi hơn, có học hơn, đây chúng nó đa số khai tuổi từ 18 đến 20 thì chắc chỉ là lính. Ta hãy lọc cái số đó đi, chỉ tập trung vào những thằng lớn tuổi, có học cao ấy thì mới được.
111
Nhà báo Labe (Pháp) đang phỏng vấn tù binh Trung Quốc bị ta bắt.  Ảnh: TL
Nghe vậy, thủ trưởng L.H. nêu ý kiến:
- Thế thì đúng rồi, một mặt chiều nay ta tập trung vào hỏi bọn này, mặt khác, tôi đề nghị các anh, đề nghị cả Ban quản lý trại nữa tăng cường quan sát, theo dõi động thái, thái độ ứng xử của chúng đối với nhau để tìm ra tên chỉ huy. Nếu tìm ra được bọn chỉ huy thì chúng ta mới hy vọng thành công.
Cuộc họp kết thúc, chúng tôi tản ra tiếp tục công việc.
Chiều xuống, đang còn mùa đông nên mặt trời lặn rất nhanh, chúng tôi nghỉ giải lao cho tù binh ăn cơm chiều, từng toán năm ba tên mang thau chậu đến góc sân vận động nhận cơm canh được nấu chín rồi bê về từng phòng giam để ăn uống. Cửa các phòng giam lần lượt đóng lại để chúng ăn. Lúc này, nhớ tới câu nói của thủ trưởng T., phải xem những thằng lớn tuổi được đối xử như thế nào. Tôi liền kéo cái ghế tựa mà mình ngồi hỏi cung đến sát phòng giam có nhốt tên già 54 tuổi nhận là Tư vụ trưởng, ngay dưới lỗ thông hơi của phòng giam, tôi lấy tiếp cái ghế sắt cho tù binh ngồi, kê lên trên chiếc ghế tựa và trèo lên trên, ghé mắt nhòm qua lỗ thông hơi vào phòng. Dưới ánh sáng nhá nhem, tôi mừng đến run cả chân khi chứng kiến quang cảnh trong phòng. Ba mâm cơm đã được bày biện đầy đủ. Bát đũa cũng được xếp ra, cơm đã đơm ra bát, mỗi mâm 6 tên tù binh đã ngồi chồm hỗm xung quanh, vậy mà chưa có tên nào đụng đũa và cùng hướng về góc nhà. Đằng ấy, cái tên già nhận là Tư vụ trưởng vẫn đang khật khưỡng với cái ống điếu thuốc Lào không biết kiếm ở đâu ra. Cả bọn chờ nó hút xong điếu thuốc, ngồi vào mâm thì tất cả mới cầm đũa, bát lên ăn. Tôi tụt xuống ghế, chạy về nói ngay những gì chứng kiến với thủ trưởng T.. Thủ trưởng T. bảo, thế hay rồi, để mai xem.  
Tinh mơ hôm sau, cả tổ chúng tôi không ai bảo ai đã rời khách sạn sớm để sang sân vận động. Chúng tôi kéo ghế ngồi ở một góc xa, chờ giám thị lần lượt đi mở cửa từng phòng giam cho tù binh ra sân vận động làm vệ sinh cá nhân ngay tại các vòi nước xung quanh đường chạy. Do số lượng tù binh đông, nên chúng phải xếp hàng lấy nước để đánh răng, rửa mặt. Mỗi tên cầm một cái ca men to, một bàn chải và khăn mặt đứng xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt. Đến lượt phòng giam có tên Tư vụ trưởng mở ra, tù binh chen nhau chạy ra chỗ vòi nước, xếp hàng rất trật tự để lấy nước. Riêng tên Tư vụ trưởng thì tỏ ra không vội vàng, hắn ra sau, khăn mặt vắt trên vai, tay cầm ca men và bàn chải đánh răng, khoan thai từ từ tiến đến. Theo thứ tự, hắn gần như đứng cuối hàng lính để chờ đến lượt. Nhưng thật kỳ lạ, diễn ra ngay trước mắt tôi và thủ trưởng T., là những tên lính đứng phía trước Tư vụ trưởng đều quay người lại, nhìn hắn một cách lễ độ và tránh sang một bên để hắn dịch lên trước. Chỉ trong vài phút, Tư vụ trưởng đã lấy được nước và ung dung ngồi xuống đánh răng, rửa mặt. Đúng lúc, thủ trưởng L.H. lại gọi chúng tôi họp tổ.
          Cuộc họp diễn ra rất nhanh, sau khi nghe phản ánh của tôi, anh S. và thủ trưởng T., thủ trưởng L.H kết luận:
- Như vậy, căn cứ vào thái độ và cách ứng xử của chúng nó với nhau, có thể nhận định, tên Tư vụ trưởng và tên anh nuôi nhiều khả năng là chỉ huy, vì chúng nó cùng được đối xử giống nhau. Để việc hỏi cung thuận lợi, tôi quyết định tách chúng ra khỏi số còn lại. Ngay bây giờ, liên hệ với Quân khu 1 cho xe đưa hai tên này về Trại giam tù binh cũ ở chân núi Voi để hỏi cung. Tôi sẽ hỏi tên già, còn anh T. hỏi tên trẻ. Triển khai đi luôn cho kịp.
Tất cả chúng tôi liền ra xe, phóng về chân núi Voi. Hai tên tù binh khả nghi là chỉ huy được các chiến sỹ đặc công áp giải lên xe đi theo liền sau đó.
          Đến chân núi Voi, ở đây đã được Ban giám thị trại giam bố trí sẵn hai bàn hỏi cung ngoài trời, chỉ cách nhau khoảng 10 mét, ngay trên sân trước một nhà giam tù binh Âu - Phi trước đây. Tôi và thủ trưởng T. ngồi vào bàn hỏi cung, chờ tên anh nuôi được dẫn giải đến. Đầu kia, Tư vụ trưởng cũng được đưa đến trước thủ trưởng H. và anh S. Cuộc hỏi cung bắt đầu.
Vừa vào cuộc được hai ba câu, tôi còn đang dịch cho thủ trưởng T về tên tuổi, quê quán của tên anh nuôi thì đầu kia, tại bàn hỏi cung của thủ trưởng H. xảy ra to tiếng  và thủ trưởng H.vẫy tay gọi hai chiến sỹ đặc công đứng gần đó:
- Các chú lại đây, thằng này láo, phải trừng phạt nó.
Hai chiến sỹ dẫn Tư vụ trưởng sang phòng bên.Thế rồi, cửa phòng giam bật mở, hai chiến sỹ đặc công xốc nách Tư vụ trưởng đưa ra, hắn rũ ra như tàu lá héo. Thật bất ngờ, vừa nhìn thấy cảnh ấy, tên anh nuôi ngồi trước mặt tôi và thủ trưởng T. vội nói:
- Thưa cán bộ, ông ấy là Chính ủy Trung đoàn đi cùng đại đội tôi, còn tôi là Đại đội trưởng. Chúng tôi bị bắt cả đại đội, tôi xin khai.
          Thế là, thủ trưởng T. thừa cơ hỏi dồn dập, mày đại đội mấy, tiểu đoàn nào, trung đoàn nào, sư đoàn nào, quân đoàn nào, tập đoàn quân nào, có mấy đại quân khu tham chiến, đánh những đâu, hướng nào chính, hướng nào phụ, chỉ huy từng cấp là ai, phiên hiệu các đơn vị như thế nào… Cứ thế, Đại đội trưởng khai tuốt tuồn tuột. Đầu kia, tôi cũng thấy anh S. cắm đầu ghi chép. Trong vòng khoảng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã hỏi xong những điều cần hỏi nhất. Thủ trưởng L.H. mời hội ý tổ.
          Qua khớp lời khai của tên Chính ủy và tên Đại đội trưởng, hầu như không khác nhau bao nhiêu. Thủ trưởng H. tuyên bố:
- Những yêu cầu của cấp trên, chúng ta đã có câu trả lời khá đầy đủ và hôm nay là ngày thứ 4 rồi. Bây giờ, tôi, anh Sơn và thượng úy phải về báo cáo thủ trưởng cấp trên ngay.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, thủ trưởng T. quay sang hỏi anh S :
- Ban nãy, sao bác H. và chú nổi nóng mà phạt nó thế. Việc hóa ra lại chạy.
Anh S. cười và kể:
- Ha ha, tại bác H nhà mình có tướng mạo giống Liên Xô quá, Bác cao to, đầu tròn hói, mày rậm, tóc bạc, mũi khoằm, mắt nâu, thằng cha ấy tưởng nhầm Bác là cố vấn Liên Xô, vừa ngồi xuống ghế, nó nhổ ngay nước bọt vào mặt Bác và bảo mày là thằng đại bá xét lại, tao không nói chuyện với mày. Bác Hoài mới tức ra lệnh phạt, nó không chịu được mới khai.
          Chúng tôi cười ồ cả lên rồi chia tay ba người về Hà Nội nhanh để báo cáo.
          Còn tôi và thủ trưởng T ngồi lại, thủ trưởng T mới hỏi tên Đại đội trưởng:
- Vì sao mà chúng mày bị bắt sống cả đại đội?
Hắn khai:
- Đại đội tôi được lệnh đánh vu hồi ở hướng Hạ Lang, Cao Bằng. Vì là đơn vị thọc sâu, vu hồi nên có cả Chính ủy Trung đoàn đi cùng động viên chiến đấu, quân số tăng thêm một người. Đại đội được một tên người Nhắng là người địa phương, thuộc đường dẫn chúng tôi đi men theo các thung lũng, vòng ra đằng sau đánh úp quân Việt Nam. Không may là dọc đường hành quân, dân quân Việt Nam nấp trên các đỉnh núi phát hiện nên bắn tỉa vào đội hình, chẳng may trúng vào tên người Nhắng, hắn chết làm chúng tôi mất người dẫn đường. Chúng tôi phải cắt đường theo bản đồ để hành quân nhưng bị lạc, đi sâu vào đất Việt Nam. Người dân ở đó phát hiện, báo cho dân quân và bộ đội đến chặn đánh. Chúng tôi buộc phải rút lên một quả núi đá để cố thủ. Phía Việt Nam không đánh mà vây chặt ở dưới chân núi. Giờ đang là mùa khô, núi không có nước, 3 ngày đêm quân tôi phải nhịn khát, đến ngày thứ tư, chúng tôi buộc phải kéo cờ trắng ra hàng, nếu không chết khát hết.
Hoan hô quân và dân xã Minh Tâm thật anh hùng và quả cảm, mưu trí và sáng tạo, lợi dụng địa hình, địa vật hiểm trở mà đánh địch cực hay, vây chúng vào vòng nguy khốn rồi mới gọi viện binh là bộ đội địa phương đến tiếp sức, chứ lúc đấy, bộ đội chủ lực ta đã lên đâu.
Tôi và thủ trưởng T còn quay lại thành phố Thái Nguyên tiếp tục hỏi cung tù hàng binh đến giữa tháng 3 năm 1979 mới kết thúc nhiệm vụ. Nhưng những trải nghiệm trong những ngày đầu tiên nửa cuối tháng 2 năm 1979 thực hiện nhiệm vụ đã in sâu vào tâm trí và theo tôi trong suốt quá trình chiến đấu, công tác, trở thành nguồn động viên lớn lao với tôi trước những nhiệm vụ khó khăn sau này khi đương đầu với đối tượng Trung Quốc, để tôi có đủ tự tin và dũng khí vượt qua.
 
Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2019
Nga Khê
                                                

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây