Chỉ chiếm 3,5% diện tích nhưng trái nho đang đóng góp đến 20% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt Ninh Thuận. Để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, Ninh Thuận đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả nho đồng thời gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
Mạnh dạn chuyển đổi
Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 5 km, vườn nho Trí Hà của anh Nguyễn Đình Trí (thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) đang là điểm thu hút khách du lịch khi đến với Ninh Thuận. Bén duyên với cây nho từ sớm nhưng cũng như bao hộ dân khác trong vùng, trước đây anh Trí chỉ quẩn quanh với giống cũ, canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Có vụ đang chín rộ gặp trời mưa nho hỏng hết. Sau nhiều lần như vậy, anh Trí quyết định mày mò học hỏi để chuyển đổi sang trồng nho công nghệ cao trong nhà màng. Đặc biệt, anh Trí cũng là một trong những người tiên phong đem giống nho ngón tay đen không hạt NH04-102 về trồng tại Ninh Thuận.
“Nhờ ứng dụng công nghệ cao nên chất lượng và sản lượng của trái nho được bảo đảm trước biến đổi khí hậu. Hiện tôi đã mở rộng đầu tư 4,5 sào làm nhà màng và đưa các giống nho mới, giá trị cao hơn vào trồng. Những năm gần đây, nhờ kết hợp làm du lịch cho du khách tham quan, hái quả tại vườn nên nguồn thu từ cây nho được gia tăng”, anh Nguyễn Đình Trí cho biết.
Qua mô hình hiệu quả của gia đình, anh Trí quyết định thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ bà con trong xã về kỹ thuật canh tác và đầu ra cho trái nho. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nhờ cây nho mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo để làm giàu bền vững. Ông Lê Văn Nhiều, trưởng thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn cho biết: Cây nho không có vụ, chỉ cần cắt cành là ra trái nên khó có cây trồng nào hiệu quả bằng. Nếu ứng dụng được nhà màng thì tỷ lệ đậu quả gần như tuyệt đối. Vì vậy mà khi được Nhà nước hỗ trợ vốn, bà con trong thôn cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất đồng thời chuyển đổi giống nho mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trên thực tế, những diện tích nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp luôn cho thu nhập cao hơn những diện tích nho trồng theo kiểu truyền thống. Ông Đào Quang Soái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Sơn cho biết: So các giống truyền thống như nho đỏ (giá 20-30 nghìn đồng/kg), nho xanh (50-60 nghìn đồng/kg) thì các giống mới trồng theo tiêu chuẩn an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn cho biết: Người dân Nhơn Sơn trước kia chỉ tập trung trồng cây hoa màu ngắn ngày, đời sống bấp bênh. Từ khi chuyển đổi sang trồng nho giống mới theo hướng công nghệ cao, thu nhập ổn định, đời sống của bà con nâng lên rõ rệt. Hiện tại thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt mức 45 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so nhiệm kỳ trước.
Gia tăng giá trị trái nho
Ngoài huyện Ninh Sơn, cây nho đang được trồng tập trung tại rất nhiều địa bàn khác như các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và TP Phan Rang - Tháp Chàm… góp phần thay đổi đời sống cho người dân. Du nhập vào “miền sa thảo” từ năm 1960, đến nay, cây nho đã là cây trồng chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp tại Ninh Thuận. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Ninh Thuận, trong giai đoạn cuối những năm 1990, nếu trồng 1 ha nho chăm sóc đúng kỹ thuật, các hộ dân có thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Nhưng hiện nay, mỗi ha đất trồng nho có thể cho thu nhập bình quân từ 600 triệu - 2,5 tỷ đồng/vụ, tùy thu hoạch ở thời điểm nào và tùy giống nho. Nếu nông dân trồng giống nho đỏ (Red Cardinal) hoặc giống NH01-48 thì sau khi trừ chi phí, lợi nhuận có thể đạt 470 - 730 triệu đồng/ha/vụ. Trồng giống nho mới NH01-152, NH04-102 (ngón tay đen) thì lợi nhuận cao hơn, có thể đạt đến 1,28 - 2,17 tỷ đồng/ha/vụ.
Là tỉnh có diện tích và sản lượng nho đứng đầu cả nước và đứng thứ 64/92 nước, vùng lãnh thổ, mỗi năm, Ninh Thuận cung cấp cho thị trường từ 26-28 nghìn tấn nho tươi. Ngoài ra, còn có các sản phẩm chế biến từ nho như: Ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô, siro nho, rượu vang nho, nước ép nho… gia tăng giá trị cho cây trồng. Kinh doanh nho từ những năm 1980, ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận chia sẻ: Trước đây người địa phương chỉ quan tâm tới bán quả tươi, ít chú trọng tới chế biến để nâng cao giá trị chiều sâu cho trái nho. Tuy nhiên sau khi chế biến, giá trị của sản phẩm được nâng lên nhiều lần, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra khi sản lượng vùng nông sản tăng lên.
Để rộng đầu ra cho cây nho, Ninh Thuận đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp phát tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nho. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 36 sản phẩm nho ăn tươi và các sản phẩm chế biến từ nho đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa ra những giải pháp cụ thể trong tổ chức sản xuất cây nho theo hướng bền vững, mở rộng quy mô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để đem lại giá trị kinh tế cao cho cây nho.