Tháng 7 về thăm nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Thứ tư - 24/07/2024 15:03
Thế rồi, ước nguyện được đến nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn viếng hương hồn các anh hùng, liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh thân mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc của đoàn anh em chúng tôi đã được toại nguyện.

Chiều một ngày tháng 7/2024 chúng tôi có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Với lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, lòng bồi hồi xúc động, chúng tôi kính cẩn dâng lên người đã khuất những đóa hoa của núi rừng Trường Sơn và nén tâm nhang thành kính, với lòng biết ơn vô hạn, cầu chúc cho các hương hồn anh hùng, liệt sĩ yên giấc nghìn thu nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
111
Nghĩa trang được chia thành nhiều khu với kiến trúc độc đáo
Những năm tháng thanh niên cả nước nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khí thế hào hùng ra trận đánh đuổi bè lũ đế quốc Mỹ xâm lược, chúng tôi còn nhỏ, chỉ biết đến chiến tranh qua Đài tiếng nói Việt Nam hoặc trực tiếp nghe người thân trở về từ chiến trường rực lửa kể lại. Vậy mà trong tâm thức của chúng tôi các địa danh, miền đất như sông bến Hải, cầu Hiền Lương, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Thành cổ Quảng Trị, Đường mòn Hồ Chí Minh... luôn là ký ức đau thương,  niềm tự hào, kiêu hãnh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên trận tuyến chống quân thù.

Từ đất nhãn Hưng Yên giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, theo quốc lộ số 1, xe chở đoàn chúng tôi chạy vào Nam, điểm dừng chân đầu tiên là cây cầu Hiền Lương - một chứng tích về nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Bắc và Nam trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Khi ấy, miền Bắc dựng xây, tiến lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam ruột thịt, đồng bào ta vẫn trong cảnh “lửa bỏng, nước sôi”, “máu chảy đầu rơi” tang tóc, đau thương ngút trời. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hai miền Nam Bắc xum họp một nhà, cây cầu Hiền Lương lại bình yên soi bóng xuống dòng sông Bến Hải như muốn nói lời tri ân với các anh linh liệt sĩ còn nằm dưới dòng sông rằng: xương máu của các anh đổ xuống đã góp phần làm cho đất nước đất nước bình yên, hai miền Bắc - Nam không còn phải chịu nỗi đau chia cắt, người dân của nước Việt Nam thống nhất đã tự do đi lại trên cầu Hiền Lương, chứ không phải bơi lội qua sông dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù như các anh ngày nào. Gần đầu cầu Hiền Lương phía bờ nan là cột cờ có lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh tung bay trên bầu trời tự do của Tổ quốc càng làm cho chúng tôi yêu mến và tự hào về mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng.

Từ thành phố Đông Hà, vượt qua lộ trình dài hơn 30 km đoàn chúng tôi đến nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Tại nhà khách của nghĩa trang, trong lúc chờ đợi Ban quản lý di tích làm thủ tục cho đoàn viếng anh hùng liệt sỹ, chúng tôi được biết nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn được bắt đầu xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977 trên khu vực đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị, rộng gần 40 ha, là nơi quy tụ hơn 10 nghìn phần mộ của anh hùng liệt sỹ. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn được quy hoạch thành các khu: khu khánh tiết, khu tưởng niệm, khu tượng đài, khu hồ cảnh... Khu tưởng niệm liệt sĩ được chia ra làm 5 khu vực. Khu 1 nằm ở trung tâm nghĩa trang trên một ngọn đồi có độ cao hơn 32 m, từ dưới cổng đi lên khu tưởng niệm có 6 bức phù điêu được chạm bằng đá khắc lại những hình ảnh của các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Giữa sân hành lễ là tượng đài chính, phía sau tượng đài có cây bồ đề thiêng tự mọc, cành lá xanh tốt vươn cao, tỏa bóng như muốn che chở cho người dưới mộ. Phần mộ liệt sĩ của tỉnh Hải Hưng nay là tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương được nằm ở khu 3 của nghĩa trang, cùng với một liệt sĩ của các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang... Khu quần tượng được bố trí nằm giữa khu 4 và khu 5, bao gồm các quần thể tượng; Tượng hợp đồng giữa các binh chủng, tượng cô gái sửa chữa đường ống xăng dầu, tượng tuổi trẻ hành quân vào Nam chiến đấu, tượng bà mẹ Lào buộc chỉ đỏ vào tay bộ đội Việt Nam và em bé Lào tặng anh bộ đội cái típ xôi, tượng cô gái Vân Kiều tải đạn ra chiến trường, tượng cô gái giao liên trên đường làm nhiệm vụ về một tay xách măng, một tay cầm bó rau rừng...

Sau khi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu nhà khánh tiết, đoàn chúng tôi đến khu 3, nơi yên nghỉ của gần 800 liệt sĩ là người con em của tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Được biết nơi các anh, các chị yên nghỉ luôn được Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh thường xuyên tu bổ, tôn tạo, những nấm mồ được quét vôi trắng thẳng hàng ngay ngắn và nghiêm trang. Những tâm nén hương thơm được đốt lên, truyền tay nhau thắp cho người đã khuất.
Đất nước đã thống nhất được gần 50 năm. Các anh hùng liệt sĩ nằm đây không về với gia đình để lại cho người thân sự đợi chờ mòn mỏi và nỗi nhớ khôn nguôi. Đường Hồ Chí Minh các anh, các chị hành quân đánh Mỹ năm nào là dấu son chói lọi, được ghi vào trang sử vẻ vang, oanh liệt của dân tộc ta, quân đội ta là một bản anh hùng ca bất diệt. Quê hương các anh, các chị ở Hưng Yên Phố Hiến hay Hải Dương xứ Đông nay đã khác xa so với ngày các anh, các chị còn ở nhà. Kinh tế, xã hội của hai tỉnh đều phát triển; công trường, nhà máy khu công nghiệp mọc lên san sát, những con đường mới mở to đẹp, rộng dài nối những miền quê, có thể nói quê hương các anh, các chị đang thay da đổi thịt từng ngày, chỉ có nỗi nhớ thương các anh, các chị là không thay đổi, vẫn sâu đậm trong lòng nhân dân.

Trong không khí trang nghiêm, bình lặng của một ngày tháng 7, nắng chiều dần nhạt trên những vạt rừng, chúng tôi một lần nữa kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ. Tổ quốc nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của các anh, các chị đã ngã xuống vì màu xanh trên mảnh đất này. 
                                                                                               
                   
Công Đản  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây