Mở đầu câu chuyện kể về cuộc đời mình, bao giờ ông cũng nhắc tới mảnh đất khúc ruột miền Trung – nơi ông sinh ra, với những tháng năm tuổi thơ khốn khó, chìm trong khói lửa của bom đạn do chiến tranh…
- Tôi sinh ra ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ba tôi là trí thức miền Trung. Một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh, ông có cho tôi biết, ba tôi khi xưa là bạn học thân thiết của Đại tướng. Những năm kháng chiến chống Pháp, ba tôi tham gia kháng chiến. Ba gửi tôi cho một gia đình nông dân nuôi hộ lúc tôi mới lên 8. Tôi tham gia việc đồng áng, học hành chỉ đủ biết đọc, biết viết. Má tôi bị Tây bắn chết trong một trận càn.
Hòa bình lập lại năm 1954, trở về quê nhà, ba tôi thương các con mồ côi, không đi tập kết, mà đưa tôi vô Sài Gòn tiếp tục ăn học. Từ một cậu bé thất học, tôi học cật lực để có bằng tiểu học trong vòng một năm. Đó là tấm bằng tôi quý nhất trong đời. Phải có tấm bằng này, tôi mới tiếp tục học lên được.
Thương ba mình "gà trống nuôi con", tôi chỉ biết học, học, học… Không chỉ đậu tú tài trước năm 18 tuổi để khỏi đi quân dịch, tôi cố kiếm học bổng để đi du học. Tôi thi đậu trường Petrus Trương Vĩnh Ký, rồi học nhảy cóc. Sáng học trường công, tối học thêm trường tư để thi lấy bằng thi tú tài. Tôi thuộc học sinh đỗ tú tài 2 xuất sắc, khi vừa 18 tuổi, đủ tiêu chuẩn được đi du học. Lẽ ra, tôi du học bên Pháp, nhưng bị chèn ép, văng khỏi danh sách du học Pháp. Tôi khiếu nại, người ta mới chuyển tôi sang du học nước Bỉ. Cuộc đời tôi gắn với nước Bỉ từ đó – năm 1960.
Tại nước Bỉ, tôi thi đỗ vào khoa kỹ sư Đại học (ĐH) Liège. Thời đó, du học là phải chọn học kỹ thuật. Tôi thích bay bổng với trời, với sao, nên chọn ngành Hàng không - Không gian. Thuở đó, Liên Xô và Hoa Kỳ đang đua nhau phóng vệ tinh khám phá không gian và tôi đã bị quyến rũ bởi những giấc mơ du hành vũ trụ. Tôi rất may mắn được ông Baudouin Fraeij de Veubeke – giáo sư (GS) nổi tiếng, chuyên nghiên cứu vật lý không gian lâu năm, đã có thời gian tu nghiệp từ Mỹ - hướng dẫn làm luận văn. Ông giao cho tôi bài toán chấn chỉnh quỹ đạo của vệ tinh nhân tạo.
Từ luận văn đó, tôi lọt vào mắt xanh của GS Veubeke. Khi tôi tốt nghiệp, ông mời tôi làm trợ lý, cơ hội trở thành GS tại Bỉ. Tôi từ chối, vì lúc đó, giấc mơ về Việt Nam đã cháy bỏng trong trái tim tôi. Năm 1968, chiến tranh Việt Nam rất ác liệt, tôi thường xuyên tham gia biểu tình phản đối chiến tranh, chống Mỹ trước đại bản doanh NATO.
Vì vậy, khi học xong ĐH Liège, ông Veubeke giới thiệu tôi vào làm ở Trung tâm Hàng không - Không gian châu Âu, nhưng bị từ chối, do hành động "biểu tình" trên. Thế là tôi thất nghiệp. Trưởng khoa xây dựng ĐH Liège mời tôi về khoa Xây dựng. Thế là, thay vì tính toán máy bay, hàng không, tôi chuyển sang… tính toán cầu đường, xây dựng.
Ông là người Việt Nam, nhưng sống và được đào tạo ở nước ngoài nhiều năm. Lý do gì ông lại trở về Việt Nam chóng vánh như vậy, sau khi miền Nam được giải phóng?
- Trang mạng Research Gate công bố quốc tế, tôi có 182 công trình khoa học. Trên thực tế, hơn 40 năm làm khoa học, tôi đã công bố nhiều hơn con số đó, với 200 bài đăng tải trên các ấn phẩm quốc tế, kỷ yếu hội thảo, hội nghị mà tôi tham dự. Tuy nhiên, những bài đăng trước thập niên 1980 rất khó tìm, do thời đó internet chưa phát triển…
Năm 1975, hòa bình trở lại ở Việt Nam. Năm 1976, tôi là một trong những Việt kiều đầu tiên trở về thăm đất nước. Cuộc trở về này là cơ duyên để tôi gặp một người phụ nữ, mà sau đó, chúng tôi đã nên vợ nên chồng. Lý do trở về ư? Đơn giản tôi là người Việt Nam.
Tôi gặp nhiều trẻ em cù bất cù bơ sau chiến tranh. Tôi nhớ tuổi thơ của mình và tự đặt câu hỏi, mình phải làm gì thiết thực cho Việt Nam? Giáo dục - đào tạo cho thế hệ trẻ tiếp cận, đuổi kịp thế giới là điểm mạnh của tôi.
Năm 1977, tôi xin được tài trợ của ĐH Liège. Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi về Việt Nam giảng dạy khóa học về "Tính toán các cấu trúc bằng phương pháp phần tử hữu hạn". Tôi đem về Việt Nam một phần mềm tính toán cấu trúc vạn năng. Đây là công trình đúc kết từ nghiên cứu khoa học của 20 tiến sĩ tại khoa Hàng không - Không gian (Đại học Liège, Bỉ).
Thời điểm ấy, máy tính Liên Xô ở Hà Nội không thể đọc được chương trình này. Phát hiện có một máy tính IBM 360 của Mỹ bỏ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất, Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật nhà nước dành hẳn một chuyên cơ chở tôi và 20 học viên vào TP.HCM thực tập trên máy tính này. Tuy nhiên, máy tính IBM 360 không thể đọc chương trình, nếu không có nhân viên quản lý máy trước đây. Tôi yêu cầu tìm bằng được nhân viên quản lý máy tính này của thời Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng cũng tìm ra và người ấy đã giúp cho máy tính hoạt động. Khóa học thành công.
Năm 1995, tôi sáng lập Trung tâm đào tạo cao học Bỉ-Việt (EMMC) tại TP.HCM. Đây là mô hình hợp tác với các trường ĐH quốc tế, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Sau đó, có hơn 100 giáo sư, tiến sĩ quốc tế đã vào Việt Nam giảng dạy. Họ có chung với tôi tâm huyết, là giúp các nước đang phát triển, đặc biệt như Việt Nam - đất nước không may xảy ra chiến tranh liên miên.
Tính đến nay, tôi đã mở 20 khóa đào tạo khoa học (8 ở Hà Nội và 12 ở TP.HCM), với hơn 700 học viên theo học. Trong đó, có 318 học viên đạt bằng thạc sĩ quốc tế (Bỉ). Hơn 80 học viên Việt Nam sang châu Âu thực tập. Hơn 100 học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các nước tiên tiến; tổ chức cho hơn 40 giáo sư Việt Nam sang châu Âu nâng cao nghiệp vụ.
Tháng 10/2006, tôi nghỉ hưu, thôi giảng dạy tại ĐH Liège (Bỉ). Đồng thời, tôi ngưng điều hành tại các Trung tâm EMMC do tôi sáng lập từ năm 1995. Tôi quyết định hồi hương về sống trên chính quê hương Việt Nam của mình. Dù nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn nặng lòng với sự nghiệp giáo dục, nên nhận tư vấn cho một số trường ĐH như: Hoa Sen, Việt – Đức, Tôn Đức Thắng, Tân Tạo…
Ở góc độ là một nhà khoa học, một giáo sư được đào tạo bài bản từ châu Âu, ông đã giúp gì cho nền khoa học, cũng như ngành giáo dục của Việt Nam – vốn còn non trẻ, thiếu thốn rất nhiều về vật chất và con người?
- Riêng ngành Tính toán Cơ học và Xây dựng, tôi đã đào tạo 318 thạc sĩ tốt nghiệp với trình độ EU; trong đó, có gần 100 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các nước có nền khoa học tiên tiến. Mặc dù lĩnh vực Tính toán Cơ học rất mới mẻ tại Việt Nam.
Năm 2014, Tạp chí khoa học Thomson Reuters công bố danh sách của hơn 3.000 nhà khoa học "có ảnh hưởng lớn nhất thế giới". Trong đó có 3 nhà khoa học gốc Việt. Hai người kia thành danh tại Mỹ, chỉ có một người thành danh tại Việt Nam là PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, hiện đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Đại học HUTECH, Việt Nam. Về ngành Tính toán Cơ học, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là người làm luận văn thạc sĩ và tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của tôi.
Mới đây, năm nay 2022, GS.TS trẻ nhất được bổ nhiệm là Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc tế TP.HCM - từng làm luận văn thạc sĩ châu Âu dưới sự hướng dẫn của tôi, tại Trung tâm EMMC - ĐH Bách khoa TP.HCM (2002-2004).
Một trí thức, vốn sống rất lâu ở nước ngoài, về Việt Nam, ông có cảm nhận được sự khác biệt từ suy nghĩ, cách làm trong những dự án mà ông đề xướng? Điều đó có gây trở ngại cho ông?
- Hơn 40 năm sống ở nước ngoài, là hơn 2/3 đời người tha hương xứ lạ, nên tôi có nhiều trăn trở. Tôi có một tuổi thơ bất hạnh, mồ côi mẹ từ sớm, bị thất học, quê nhà bị chiến tranh tàn phá… Vì thế, nỗi trăn trở trong tôi về đất nước của mình cũng day dứt, kéo dài năm tháng. Nhìn một em bé đánh giày ngoài phố hay cháu bè chăn trâu ngoài đồng, tôi lại thổn thức, như gặp lại chính tôi ngày xưa. Và, không biết tự bao giờ, tôi đã tự nhủ lòng rằng, bất cứ giá nào, mình phải làm được điều gì đó có ích cho đất nước, cho quê hương.
Giai đoạn vào những năm mới thống nhất đất nước, có lúc, tôi đã có ý định hồi hương, góp phần xây dựng đất nước. Nhưng thực tế phát sinh nhiều tréo ngoe mà tôi không ngờ. Những nghi ngại, không tin tưởng từ cơ chế của những năm tháng đó, khiến tôi như có giới tuyến vô hình ngăn cách giữa tôi và quê hương…
Năm 1979, trong một lần về Việt Nam, bức xúc trước quá nhiều điều vô lý, khi mà cả nước ăn bo bo, dân đói, mà gạo từ miền Tây lại không thể đưa về Sài Gòn; ước mơ dạy học, chuyển giao công nghệ gặp bao nhiêu trở ngại..., tôi gặp ông Mười Cúc (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và nói với ông: "Tôi sẽ không bao giờ về Việt Nam nữa…". Nhưng khi trở lại Bỉ, trăn trở về quê hương vẫn day dứt. Tôi lại làm theo những gì con tim mách bảo, ký "tâm thư" gửi lãnh đạo Việt Nam, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong chính sách phát triển đất nước. Tuy nhiên, phải đợi sau Đại hội VI của Đảng (1986), những chính sách đổi mới mới bắt đầu rõ nét. Phải sau thập niên 90, tôi mới có thể thực hiện được hoài bão của mình về một Giấc mơ Việt Nam của tôi.
Có giai đoạn, người ta vẫn chưa thật sự tin tưởng ông. Nhưng, bằng công việc, bằng hành động, ông đã chứng minh tấm lòng trong sáng của ông đối với quê hương. Ông đã làm gì để nhà nước Việt Nam mỗi ngày càng thấy và tin tưởng nơi GS.TS Nguyễn Đăng Hưng thật sự là một người con yêu nước?
- Thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90 không dễ dàng. Năm 1991, một cán bộ an ninh làm việc với tôi và đặt câu hỏi: "Đâu là ý đồ, là động cơ, khi ông hăm hở về Việt Nam thường xuyên, để thuyết trình khoa học, tổ chức hội thảo, tổ chức du học tại chỗ như vậy?".
Tôi trả lời thẳng thắn: "Ông là công an, ông có tất cả những phương tiện để kiểm tra, theo dõi và phát hiện những ý đồ (nếu có) của tôi. Nhưng theo tôi, xin ông không nên tốn nhiều công sức, vì tại Việt Nam, tôi chỉ hành động theo những gì trái tim tôi mách bảo".
Họ cật vấn tôi về chuyện ký tá vào bản "tâm thư". Tôi nói rằng, năm xưa, giai đoạn chiến tranh Việt Nam ác liệt nhất, khi 300.000 quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam, tôi là người đã tham gia biểu tình chống chiến tranh, ngay tại hành dinh của khối NATO, đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Việc ký "tâm thư" là hành động vô tư, của lòng yêu nước. Lúc đó, đất nước vừa thống nhất, bộ máy nhà nước thiếu kinh nghiệm quản lý, mắc phải những sai lầm trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội...
"Tâm thư" chẳng qua là những lời góp ý thẳng thắn, trung thực; còn việc nghe theo để sửa đổi, khắc phục cho tốt hơn là chuyện của nhà nước, đừng quy chụp "âm mưu lật đổ", "âm mưu chính trị" gì ở đây. Bởi, bản thân tôi là nhà khoa học, một trí thức, nhà giáo dục, không làm chính trị…
Tôi lại cuốn theo các dự án đào tạo. Tôi biết phía an ninh vẫn thường xuyên chú ý đến tôi. Nhưng việc ai người ấy làm, thời gian sẽ chứng minh cho họ biết tôi như thế nào. Năm 1998, trong một lần tôi ra Hà Nội dự Hội thảo Pháp – Việt về cơ học do UNIMECA, ĐH Marseille tổ chức, tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Bất ngờ, một anh an ninh trẻ xuất hiện: "Giáo sư có biết và nhớ em không ?". "Không nhớ, nhưng xem rất quen…". "Em là người đi theo Giáo sư suốt từ năm 1989 đến giờ mà Giáo sư không biết sao ?". "À, ra thế…".
Sau đó, anh ấy thông báo mời tôi về Bộ Nội vụ; không phải "làm việc" mà "ngược lại, có tin vui cho Giáo sư". Nhưng cuối cùng, chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê trên một con phố của Hà Nội. Đúng như anh công an trẻ báo trước, tôi gặp gỡ thêm 2 cán bộ cao cấp khác. Họ cho biết đã 8 năm ròng rã theo dõi, kiểm tra, không tìm ra được một điều gì. Và cuối cùng là lời xin lỗi chính thức của cơ quan chức năng đối với tôi.
Bằng kinh nghiệm của một nhà giáo dục lâu năm tại châu Âu, ông nhận xét gì về hiện trạng giáo dục, đào tạo nhân tài ở Việt Nam?
- Những lợi thế về giáo dục – đào tạo của Việt Nam trong thời bao cấp đã trở thành "chướng ngại vật" cho thời mở cửa. Việt Nam không thể cải tổ hiệu quả nền giáo dục – đặc biệt là giáo dục đại học, nếu không dứt khoát loại bỏ các tư duy lỗi thời, coi trọng "lượng" hơn "chất", chạy theo thành tích, chạy theo con số, coi trọng hư danh hơn thực học, chạy theo bằng cấp…
Việc trì trệ, tụt hậu trầm trọng của nền giáo dục, xuất phát từ những chệch hướng sai lầm đã bắt đầu từ nhiều thập niên trước. Việc chấn chỉnh, đòi hỏi quyết tâm cao độ từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Chấn chỉnh nền giáo dục Việt Nam cũng rất cần nghiên cứu các nền giáo dục thành công ở các nước tiên tiến, cần lắng nghe ý kiến đa chiều…
Làm sao để nền giáo dục của quốc gia đào tạo được thật nhiều người tài đức để cống hiến, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Người có tài mà không có đức là những ánh sao băng. Người tài đức vẹn toàn mới là những ánh sao lung linh trên bầu trời. Vấn đề của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, theo tôi, là phải làm sao giữ được và đưa lên đúng chỗ, đúng cương vị người tài đức, để bầu trời bớt nhá nhem, để vàng – thau không lẫn lộn.
Tôi không thể không bức xúc, xót xa, khi thấy những hành vi thiếu đạo đức lại trở thành quá bình thường, nhan nhản trong xã hội. Không có nguy cơ tụt hậu nào cho bằng nguy cơ suy đồi đạo đức. Thật đáng sợ, khi người ta coi việc mua bằng cấp, việc học dỏm, học giả là chuyện cơm bữa. Người ta xem việc sao chép, đạo văn, đạo nhạc như chuyện kiếm sống; người ta xà xẻo công quỹ nhà nước như đi hái trái chín ngoài cây, gặt lúa ngoài đồng…
Có dạo tôi trở lại Sài Gòn, lên xích lô dạo phố. Nhìn anh xích lô gương mặt sáng sủa, ăn nói rành mạch, hiểu biết sâu sắc, tôi lấy làm lạ. Tôi chăm chú nhìn mới chợt nhớ: "Trời! Phải anh là Cẩn không? Cẩn học trường Ponts bên Paris về nước năm 1967?". "Đúng rồi, Cẩn đây. Phải Hưng không? Hưng đi Bỉ năm 60 phải không?". Té ra, anh bạn học xuất sắc mà tôi từng thán phục ngày nào, bây giờ phải đạp xích lô để kiếm ăn qua ngày… Lòng tôi quặn thắt.
Một số phận khác là anh Vũ Đình Cung – chuyên viên điều khiển không lưu tài ba của sân bay Tân Sơn Nhất thời chế độ cũ. Thống nhất đất nước, sau 5 năm được lưu dụng, dù anh Cung nỗ lực hết mình, nhưng sau đó vẫn nhận giấy báo cho nghỉ việc. Mất nghề gắn bó hơn 30 năm, anh Cung phải mua xe đẩy để bán phở lưu động trên đường phố.
Một ngày, có vị ở Tổng cục Hàng không đến nhà Cung ngỏ ý mời anh trở lại điều khiển không lưu. Mất việc gần 10 năm, anh mới được trở lại nơi làm việc cũ. Thực tế, suốt 10 năm đó, ngành hàng không phải mướn nhiều chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện. Hàng tháng phải trả cho mỗi người từ 6.000 – 8.000 USD; trong khi chuyên viên trong nước không hề kém cạnh thì …đi bán phở.
Đất nước chúng ta có không ít những con người giỏi giang; có điều, chúng ta có biết đối xử, sử dụng họ thế nào cho đúng? Thật đáng tiếc, những con người giỏi giang ấy chưa có được chỗ đứng xứng đáng trong ngành nghề chuyên môn của họ.
Vâng, vẫn còn nhiều, ở quê hương chúng ta, những người tài, những người hiền, những người tử tế. Có vết thương trong lòng họ chỉ có thể được niềm an ủi của những buổi "hạnh phúc muộn màng". Nhưng thân phận của họ không phải là điều làm cho tôi lạc quan hôm nay.
Vì vậy, không thể được, không thể phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật, nâng cao đời sống; nếu lãnh đạo không trân trọng sử dụng những chuyên gia, trí thức biết việc, biết làm, không đặt họ ở những vị trí thật sự xứng đáng. Hãy sử dụng chất xám một cách trân trọng đúng nghĩa, không câu nệ, không thành kiến, không lý lịch phiền hà, không phân biệt quá khứ, thành phần, không tra hỏi từ đâu về, từ đâu đến…
Sau rất nhiều năm trở lại quê hương, trở lại với Việt Nam và thực hiện bao nhiêu khóa đào tạo nhân tài cho đất nước, ông có những kỷ niệm vui, buồn nào?
- Có những câu chuyện trong đời, nó trở thành kỷ niệm. Vui có, buồn cũng có. Song, điều quan trọng là tôi đã hạnh phúc, hạnh phúc thật sự khi trở về đất mẹ để được cống hiến và phụng sự. Nhờ sự trở về mà tôi đã tìm được "một nửa" của mình, đó là vợ tôi.
Năm 1994, tôi viết dự án "Tổ chức du học tại chỗ tại Việt Nam". Thay vì sinh viên phải đi du học thì tổ chức đào tạo tại Việt Nam. Đưa giáo sư từ các nước tiên tiến sang dạy chương trình của châu Âu, chất lượng do các trường châu Âu kiểm tra. Việc làm này còn tránh được hiện tượng chảy máu chất xám… Phía Bỉ đã chấp nhận tài trợ cho dự án với ngân sách là 10 triệu Franc Bỉ (tương đương 300.000 USD) trong 3 năm.
Oái ăm, khi tôi trình dự án "du học tại chỗ" tại Việt Nam, lại gặp trở ngại. Có quá nhiều quan điểm trái chiều giữa tôi và phía đối tác là ĐH Bách khoa TP.HCM. Thí dụ: Tôi chủ trương thí sinh phải thi mới được tuyển chọn "du học tại chỗ". Nhưng phía Việt Nam đề nghị chỉ tổ chức thi cử cho các kỹ sư ghi danh, còn các giảng viên, trợ giáo có biên chế ĐH Bách khoa thì… không cần thi, họ chỉ theo học là đủ.
Tôi phản ứng, vì điều này đi ngược quy chế học trình của ĐH Liège, cũng như của các ĐH khác trên thế giới. ĐH Liège chỉ cấp bằng cho người xứng đáng qua thi cử nghiêm túc. Dự án "du học tại chỗ"đào tạo người thầy tương lai cho các trường ĐH. Dự án này không phải đi ban phát bằng cấp, mà có chức năng trau dồi kiến thức, đào tạo nhân tài. Ai thi không đạt, sẽ không được cấp bằng...
Tôi ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng 8. Tôi được Tổng Bí thư Đỗ Mười mời cùng 80 Việt kiều đến Văn phòng Trung ương Đảng, nói về chính sách đối với Việt kiều. Ông bày tỏ ước mong được Việt kiều hợp tác trong thời bình. Ông khuyến khích Việt kiều đóng góp xây dựng đất nước, nhất là về khoa học - kỹ thuật và giáo dục đại học. Tôi đã trình bày băn khoăn của mình trước Tổng Bí thư rằng: "Tôi có công nghệ, có điều kiện, có tài trợ, có dự án chi tiết mà không triển khai được tại TP.HCM. Mong muốn của Đảng và Nhà nước vẫn chỉ là khẩu hiệu, không thể thực hiện trên thực tế".
Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ đạo GS.TS Nguyễn Đình Tứ - Trưởng Ban khoa giáo Trung ương lúc đó - tham khảo kỹ lưỡng sự việc để tìm cách giải quyết. Buổi ăn trưa hôm đó, vợ chồng tôi được bố trí ngồi cạnh GS.TS Nguyễn Đình Tứ cùng 10 vị trí thức Việt kiều khác cùng bàn. Tôi như diều gặp gió, suốt bữa ăn, trình bày thao thao bất tuyệt dự án "du học tại chỗ"; đồng thời rút luôn trong túi áo ra bản sao dự án và trao cho ông Tứ.
Vài ngày sau, khi trở lại Sài Gòn, lãnh đạo ĐH Bách khoa đã điện thoại cho tôi và mời đến trường để triển khai dự án "du học tại chỗ". Đó cũng là khởi đầu cho 12 năm hợp tác của dự án "du học tại chỗ" giữa ĐH Liège và ĐH Bách khoa TP.HCM.
Không thể không nhắc vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã khởi kiện ông vào tháng 4/2014. Tám năm sau, vào tháng 1/2022, vụ việc mới chấm dứt. Đúng - sai như thế nào, mà suốt nhiều năm tháng, công luận cả nước xôn xao với cái tên Nguyễn Đăng Hưng?
- Ngày 24/1/2022 vừa qua, báo chí đã đưa tin: Hội đồng xét xử (HĐXX) thấy nguyên đơn là Trường ĐH Tôn Đức Thắng được tòa triệu tập hợp lệ 2 lần mà vẫn vắng mặt. Vì vậy, HĐXX đã đình chỉ vụ án. Phần tôi, dù có nhiều lý do chính đáng, dù bạn bè tâm huyết khuyên bảo là nên làm cho ra lẽ, tôi đã không phản tố. Tôi muốn trở lại với sự thanh thản, yên là
Vụ tranh chấp khởi đầu từ cuối tháng 4/2014 trên không gian học thuật quốc tế, rồi kéo về Việt Nam bằng vụ kiện ở Toà án quận 9. Từ ngày có vụ kiện, xuất hiện trên mạng có kẻ xấu miệng bảo tôi làm "cò giáo dục" (?). Lời này rất ác độc, nó phủ nhận công sức, tấm lòng nhân ái của gần 100 nhà khoa học cao cấp từ Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển… cùng tôi về Việt Nam giảng dạy mà không hưởng lương.
Rồi người ta vu vạ tôi trên công luận. Tôi phải vất vả, nhờ một số tờ báo nói lên sự thật. Ngạn ngữ Việt Nam có câu "Cây ngay không sợ chết đứng", tôi không hề lo ngại về tác hại tiêu cực của vụ kiện không có cơ sở này. Thực tế đã chứng minh tấm lòng của tôi đối với việc phát triển giáo dục và khoa học nước nhà. Tôi không làm gì sai trái. Lương tâm tôi rất thanh thản. Không ít người bảo tôi "Ai biểu về Việt Nam làm gì, ở bên Bỉ cho nó lành có phải có hơn không". Thú thật, tôi chưa có gì phải ân hận.
Xung quanh việc thành lập tờ Tạp chí khoa học APJCEN, ông cho biết cụ thể hơn, là ông hay ĐH Tôn Đức Thắng đóng vai trò chính?
- Đúng là có một hợp đồng, tôi đã ký với Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng. Nói là cố vấn cao cấp sẽ "lên kế hoạch với sự hỗ trợ của ĐH Tôn Đức Thắng để thực hiện một tờ báo khoa học". Vì không biết mặt mũi "đứa con" ra sao, nên không có chi tiết nào trong hợp đồng nói đến ai là sở hữu chủ, ai là Tổng biên tập... Chính tôi cũng bất ngờ, khi nhận được tin Nhà xuất bản Springer đồng ý ủng hộ và đầu tư toàn bộ cho tạp chí. Tuy nhiên, Nhà xuất bản Springer chỉ giao cho Ban biên tập toàn quyền về nội dung tạp chí. Ban biên tập đã tín nhiệm GS.TS Nguyễn Đăng Hưng - người đề xướng làm Tổng biên tập.
Tôi báo cho ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng về sự thành công sau khi thương thảo với Nhà xuất bản Springer. Ngày 7/2/2013, ông Danh trả lời, nói rõ APJCEN là không phù hợp. Và ông Danh chỉ muốn "thành lập một tạp chí tiếng Anh có tầm quốc tế của ĐH Tôn Đức Thắng và tạp chí này thuộc về ĐH Tôn Đức Thắng".
Thành ra vấn đề không phải tôi không hoàn tất hợp đồng (hợp đồng chỉ nói lên kế hoạch), mà tôi đã thành công ngoài dự kiến: Ngay từ ngày ra mắt, APJCEN đã là một tạp chí quốc tế. Nhưng Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng vẫn khăng khăng đòi làm "nhà sáng lập", có quyền bổ nhiệm Tổng biên tập (?).
Đây là nguyên nhân của sự đổ vỡ, vì nó tạo ra một tranh chấp không đáng có cho tờ báo. Trên thực tế chủ nhân tờ báo đã được xác định qua hợp đồng sáng lập. Đó là Nhà xuất bản Springer. Và Tổng biên tập, là do Ban biên tập tín nhiệm và Nhà xuất bản chấp nhận.
Chưa nói, sau đó, người ta còn phát tán thư, gửi gần 60 nhà khoa học trên thế giới, nhằm xúc phạm tôi, với những điều bịa đặt, không có cơ sở. Câu chuyện đã qua 8 năm rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa. Họ đã khởi kiện tôi ra tòa, nhưng cuối cùng, tòa án đã buộc phải ra quyết định đình chỉ vụ án, vì không có cơ sở. Tôi không nhất thiết phải nói ai đúng, ai sai trong vụ việc này nữa.
Ông rút ra điều gì cho mình qua vụ tranh chấp với Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng?
- Thái độ thường nhật của tôi là bao dung cho qua, không quan tâm. Tôi thấy những thông tin quy chụp nặng nề về tôi, nhưng những người hiểu vấn đề càng có cảm tình với tôi hơn... Họ đã hiểu đâu là sự thật, đâu là lẽ phải. Tôi nghiệm ra một điều: Đừng hoang tưởng ai cũng như mình. Một hợp đồng gắn với những ham muốn không chính đáng, thì nó sẽ là một cạm bẫy.
Từ năm 2008, tuy đã hưu trí, nhưng tôi vẫn duy trì công việc nghiên cứu khoa học, tiếp tục cùng với những học trò của mình công bố những thành quả khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế. Sau 2 cuốn hồi ký đã xuất bản, tôi sẽ tiếp tục viết cuốn thứ 3. Đây là cuốn sách tôi đang chấp bút bàn về công cuộc tôn vinh Tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Tôi đã nỗ lực tham gia thành lập Quỹ Quốc ngữ, sẽ góp phần tham gia xây dựng khuôn viên văn hóa tại xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Giấc mơ Việt Nam của đời tôi lại tiếp tục…
Xin cảm ơn Giáo sư đã dành cho Dân Việt cuộc trò chuyện này!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên